Tuyên truyền phản tuyên truyền và bồi đắp năng lực tự miễn dịch của nội tư duy nhằm phòng, chống những lệch lạc, suy thoái về tư tưởng chính trỊ (tiếp theo)

Lê Hải| 29/06/2016 11:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Văn kiện của Đại hội lần thứ XI của Đảng và phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay.

Kết quả hình ảnh cho tự do báo chíPhần II: “Tự diễn biến”, tự phản biện - cuộc đấu tranh đúng - sai nội tư duy của nhận thức chính trị

Xét cho cùng, mọi quá trình tuyên truyền đều tác động tới ý thức của đối tượng chịu tác động, từ đây diễn ra một quá trình xử lý thông tin hết sức phức tạp trong nội tư duy của mỗi chủ thể tham gia vào quá trình truyền thông. Các thông điệp truyền thông được “nhào nặn” với cơ chế hết sức phức tạp trong ý thức của mỗi người, chuyển tải qua cơ quan vật chất của ý thức - bộ óc người - một tổ chức vật chất sống đặc biệt, có cấu trúc tinh vi, phức tạp. Quá trình nhận thức phức tạp trên có chức năng giống như một “bộ lọc” để lựa ra những quyết định cuối cùng cho việc quyết định thái độ và hành vi của người dùng. Quá trình “nhào nặn” đó luôn xảy ra sự đấu tranh giữa cái đúng và cái sai, giữa tư duy biện chứng và phi biện chứng và nếu không có kiến thức, phông văn hóa nền, tư duy chính trị… đúng đắn, quá trình nội tư duy trên có thể đi đến những lệch lạc, sai lầm, mà chính chủ thể của quá trình nhận thức cũng không tự nhận biết và kiểm soát được. Do đó, nâng cao trình độ nhận thức của mỗi chủ thể nhận thức để thẩm thấu được cái đúng, gạn lọc được cái sai khi tiếp nhận thông tin chính là một phương cách hữu hiệu và căn cơ để nâng cao hiệu quả tuyên truyền phòng, tránh những lệch lạc, suy thoái về nhận thức chính trị trong đội ngũ cán bộ, đảng viên trẻ.    

1. Về một số khái niệm

1.1. “Tự diễn biến”

“Tự diễn biến” là quá trình tự suy thoái về nhiều mặt do những tác động bên ngoài và tự thân bên trong của mỗi cá nhân hay tổ chức, trước nhất và căn bản là về tư tưởng chính trị; nguy hại hơn cả là “tự diễn biến” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

“Tự diễn biến” là quá trình chuyển biến từ bên trong mỗi cá thể nhận thức, theo hai chiều hướng tích cực và tiêu cực, lấy hệ quy chiếu là ý thức hệ (hệ tư tưởng) của Đảng. “Tự diễn biến” không phải là hiện tượng xảy ra trong một sớm, một chiều, mà là cả quá trình. Nếu chiều hướng tích cực mang tính trội, thì “tự diễn biến” có thể điều chỉnh tư duy từ sai lầm chuyển hướng thành nhận thức chính trị đúng đắn. Ngược lại, chiều hướng tiêu cực lấn át sẽ dẫn tới những nhận thức lệch lạc về chính trị. Ở đây, đề cập tới “tự diễn biến” theo nghĩa tiêu cực.

Bản chất của “tự diễn biến” là sự suy thoái dần về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, là sự lệch chuẩn giá trị trong thực hiện nhiệm vụ, trong quan hệ ứng xử với nhân dân, với đồng nghiệp, với xã hội của cán bộ, đảng viên, công chức và những người tham gia các tổ chức thuộc hệ thống chính trị. Sự tương tác đa chiều, đa tầng nấc của “tự diễn biến” thông qua thái độ ứng xử, hành vi của cán bộ, đảng viên, tự nó tác động tiêu cực trong các cơ quan, tổ chức của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể, đồng thời có sức thẩm thấu, lan rộng tính tiêu cực, cái xấu ra toàn xã hội.

“Tự diễn biến” trong cán bộ, đảng viên biểu hiện rất đa dạng, với nhiều mức độ, tính chất khác nhau, như: phát biểu, tuyên truyền trái với các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bàng quan với thời cuộc, thờ ơ chính trị, thiếu tin tưởng vào mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng; không dám đấu tranh với những hành vi, quan điểm sai trái, thù địch; coi trọng lợi ích cá nhân, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích của Đảng, của nhân dân, của đất nước; tham ô, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân, coi thường, xa rời quần chúng nhân dân; phụ hoạ cho các hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ, làm mất uy tín và vai trò của tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên, nhất là các lãnh tụ và những lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước; cổ suý cho những chế độ chính trị, hệ tư tưởng, lối sống phương Tây... Đây là quá trình biến đổi từ bên trong chủ thể nhận thức, đấu tranh giữa các mặt tích cực và tiêu cực, khi yếu tố tiêu cực ngày càng xâm lấn và trở thành đặc tính trội, đến một thời điểm nhất định, sự biến đổi này sẽ chuyển thành hành động của chủ thể, khi đó từ “tự diễn biến” chuyển thành “tự chuyển hoá”.  

“Tự chuyển hoá” là sự tiếp nối của quá trình “tự diễn biến”. Khi sự biến đổi về chất đã làm thay đổi quan điểm tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống,… của cán bộ, đảng viên sẽ dẫn đến hành động chống lại chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. “tự diễn biến” là quá trình thẩm thấu, biến đổi từng ngày, từng hoạt động, còn “tự chuyển hoá” là đích đến, là hệ quả của “tự diễn biến”.

Nhận rõ tính chất nguy hiểm của “tự diễn biến” trong nội bộ ta, thuật ngữ trên được ghi chính thức trong Văn kiện của Đại hội lần thứ XI của Đảng và phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay: “Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ ta”. Chủ trương này của Đại hội XI tiếp tục được khẳng định lại trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương bốn khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và tiếp tục được đề cập trong văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng. Qua đó cho thấy, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” dù là vấn đề mới, song phức tạp và nhiệm vụ phòng, chống được đặt ra hết sức cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, liên quan tới sự tồn vong của chế độ, của Đảng ta.

1.2. Tự phản biện và ngụy tự phản biện

Tự phản biện trong nhận thức chính trị là quá trình tự đánh giá lại tính đúng, sai của sự vật, hiện tượng trong thực tiễn đời sống chính trị, bằng các phương pháp tư duy lô-gíc. Nó là một quá trình tư duy diễn ra tự nhiên, liên tục và thường xuyên, thôi thúc bởi chính nhu cầu và ham muốn tìm kiếm chân lý của bản thân mỗi chủ thể nhận thức. Nói cách khác, đây là quá trình tự vươn tới và phát triển không ngừng một cách tích cực về tư tưởng, nhận thức chính trị, theo hệ tư tưởng của Đảng, của mỗi cá thể nhận thức. Tự phản biện là nội tư duy, nhưng biểu hiện ra bên ngoài là sự thay đổi tích cực về thái độ và hành vi ứng xử đối với các vấn đề chính trị của chủ thể nhận thức. Khác với tự phê bình là tự nhìn ra những ưu, khuyết điểm của bản thân, thì tự phản biện bao giờ cũng đòi hỏi chứng minh cho một mệnh đề về sự vận động của sự vật, hiện tượng chính trị bất kỳ được chủ thể nhận thức quan tâm là đúng hay sai. Tự phản biện là sự vận động tư duy tích cực.

Trái lại, ngụy tự phản biện là sự giả danh tự phản biện để tinh vi, che đậy nuôi dưỡng ngấm ngầm bên trong chủ thể nhận thức những tư tưởng đối lập, trái chiều cùng dụng ý xấu, rồi từ đó reo rắc, truyền bá những tư tưởng trên ra ngoài xã hội. Ngụy tự phản biện có thể do chủ thể nhận thức còn non nớt về nhận thức chính trị, bởi để có sự phát triển về nhận thức chính trị từ quá trình tự phản biện, chủ thể nhận thức phải được trang bị và có những phông tri thức, văn hoá chính trị và có bản lĩnh chính trị nhất định, đứng trên nhân sinh quan, thế giới quan đúng đắn. Nếu không, tự phản biện có thể dẫn tới ngõ cụt về tư duy hoặc sai lầm về nhận thức chính trị. Song, nguy hại hơn đến từ hiện tượng ngụy tự phản biện một cách có chủ ý của những phần từ phai nhạt về lý tưởng cách mạng, thiếu niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản, sự lãnh đạo của Đảng; những phần tử cơ hội chính trị, những kẻ theo chủ nghĩa xét lại… Những phần tử này hết sức đa dạng, với những biểu hiện ngụy tự phản biện ở các mức độ khác nhau. Những tư tưởng, hành vi chống đối hoặc âm thầm hoặc công khai trá hình tự phản biện trên luôn được các thế lực thù địch cổ suý, kích động như một công cụ hữu hiệu để chống phá cách mạng nước ta. 

2. Cuộc đấu tranh giữa “tự diễn biến” và tự phản biện trong nhận thức chính trị

2.1. Sự đồng nhất và khác biệt giữa “tự diễn biến” và tự phản biện

Xét về nhận thức chính trị, “tự diễn biến”, tự phản biện đều là quá trình diễn biến nội tâm, nội tư duy phức tạp của mỗi cá thể nhận thức, nhưng là hai thái cực đối lập: Một là, dẫn tới những sai lầm về tư tưởng chính trị; hai là, con đường tìm xu hướng phát triển tất yếu của sự vật, hiện tượng, bồi đắp thêm bản lĩnh chính trị. Hai thái cực đối lập nhưng có ranh giới rất mong manh, diễn ra trong nội tại khó nhận biết, nếu không tỉnh táo và có giác quan chính trị nhạy bén, không được trang bị phông tri thức chung, tri thức chính trị đầy đủ, ranh giới mong manh trên có thể bị phá vỡ, “tự chuyển hóa” từ “trắng” thành “đen” xảy ra ngay giữa hai quá trình này.

 “Tự diễn biến” và tự phản biện đều là những biểu hiện khác nhau của sự tự ý thức của con người và bởi ý thức mang bản chất xã hội, nên cả hai quá trình trên dù đều diễn biến bên trong các cá thể nhưng không biệt lập, mà chịu sự tác động, chi phối rất lớn của các yếu tố khách quan bên ngoài đời sống chính trị - xã hội, hơn thế, còn lấy chính các yếu tố khách quan này làm căn cứ cho quá trình tự tư duy của mình. Hay nói cách khác, tự diễn biến của cá thể không bao giờ tách rời khỏi diễn biến xã hội. Nhận thức về “tự diễn biến” và tự phản biện có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định hướng quá trình vận động tư duy chính trị và rèn luyện bản lĩnh chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên.

Do đều là quá trình diễn biến nội tại của ý thức hết sức trừu tượng, khó nắm bắt, khó nhận biết, nên không có sự rạch ròi giữa đúng và sai. Chính vì vậy, thường xuyên xuất hiện hiện tượng, đứng trước một vấn đề chính trị cần nhận thức, luận giải, khi lật lại hay phản bác nó, bản thân nhiều cán bộ, đảng viên không đoán định được mình đang tự phản biện hay đang có dấu hiệu “tự diễn biến”. Do đó cần phân biệt giữa hai quá trình trên.

Thứ nhất, tự phản biện khác “tự diễn biến” là người phản biện hoài nghi có cơ sở và phương pháp tư duy khoa học. Tự phản biện gắn liền với tư duy phản biện - quá trình tư duy biện chứng, phân tích và đánh giá một vấn đề chính trị theo cách nhìn khác so với cách đã đặt ra ban đầu, nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Tự phản biện nhất thiết phải tìm kiếm luận cứ, luận chứng từ hiện thực khách quan, tuyệt đối không dùng ý chí chủ quan hay dùng cảm xúc yêu, ghét mang tính cá nhân để đoán định vô căn cứ. Nếu các ý kiến mang danh phản biện mà không tôn trọng khoa học phản biện, sẽ rơi vào tình trạng “thầy bói xem voi”, chiết trung, phiến diện, chụp mũ, quy kết, kết luận đưa ra không chính xác. Lập luận tự phản biện phải rõ ràng, lôgíc, đầy đủ luận cứ, luận chứng khoa học, tỉ mỉ, công tâm và nhìn nhận sự việc, hiện tượng bao giờ cũng đa chiều, toàn diện và lịch sử cụ thể.

Chẳng hạn, việc cổ súy tự do chính trị, tự do truyền thông của các nước tư bản phương Tây là một biểu hiện non nớt về chính trị, nhưng việc nhìn thấy những cách làm hay, những mô hình phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả để chọn lọc và học tập, nhất là những vấn đề Việt Nam đang ở trình độ kém phát triển hoặc đang gặp vướng mắc, lại hết sức cần thiết.

Hiện nay, một số tập đoàn kinh tế nhà nước hoạt động kém hiệu quả dẫn đến quan điểm nghi ngại, thậm chí phủ định về mô hình tập đoàn, cũng như vai trò kinh tế nhà nước của không ít nhà nghiên cứu, là một minh chứng rõ nét cho tư duy tự phản biện một chiều, thiếu khoa học, thậm chí có biểu hiện chuyển hướng “tự diễn biến” (phủ định vai trò của kinh tế nhà nước), nếu được công nhận sẽ là một bất cập trong chỉ đạo phát triển các tập đoàn kinh tế lớn của đất nước. Tự phản biện về vấn đề này cần nhận thức, bản chất mô hình tập đoàn kinh tế là sản phẩm của nền kinh tế thị trường, là bước phát triển cao nhất về khoa học tổ chức - quản lý tổ chức kinh tế, là thành tựu chung của nền sản xuất nhân loại, không riêng của nền sản xuất tư bản bản chủ nghĩa. Mô hình trên áp dụng ở Việt Nam là hết sức phù hợp mà tính ưu việt của nó đã được đề cập nhiều. Hiệu quả hoạt động kém của một số tập đoàn kinh tế nhà nước tại Việt Nam có nguyên nhân chủ yếu do hạn chế về năng lực quản trị của đội ngũ nhân sự cấp cao các tập đoàn này; sự thiếu hụt và chưa hoàn chỉnh về cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật và các loại thị trường; tình trạng tham nhũng; cách hiểu và áp dụng máy móc về mô hình; thay vì phát triển dựa vào chiến lược lâu dài, xây dựng trên cơ sở những căn cứ khoa học, điều tra thị trường vững chắc, thì lại dựa vào những sách lược ngắn hạn, tùy tiện, “ăn xổi, ở thì”… Việc hạn chế đầu tư ngoài ngành trong điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện nay đối với các tập đoàn trên là hợp lý, nhưng điều đó không hề đồng nhất với việc cấm triệt để hoạt động đầu tư trên, không những vi phạm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh của các tập đoàn, mà còn cắt đứt một đặc thù kinh doanh linh hoạt cấu thành mô hình trên, có thể gây lãng phí bởi bỏ lỡ những cơ hội đầu tư (ngoài ngành hay đầu tư chéo trong nội bộ) khi tập đoàn có tiềm lực và có đủ các điều kiện để thực hiện…

Thứ hai, tự phản biện xuất phát từ động cơ và tinh thần xây dựng, ý thức tích cực. Việc lật lại vấn đề hay phản bác của tự phản biện đích cuối là tìm ra quy luật, tính quy luật của sự vận động, phát triển của các hiện tượng, vấn đề chính trị, nhằm mục đích hoàn thiện hơn về nhận thức, tư tưởng chính trị của bản thân.

Trong khi đó, “tự diễn biến” có động cơ mơ hồ hoặc động cơ tiêu cực rõ ràng, với cái nhìn bi quan, thù địch với hiện thực khách quan, với quan điểm, đường lối của Đảng, của tổ chức cơ sở đảng; tư duy bị chi phối nặng nề bởi cảm xúc, suy nghĩ chủ quan, từ đó diễn biến âm ỉ và nung nấu những tư tưởng cực đoan, thúc đẩy nhận thức chính trị của chủ thể nhận thức rơi vào tình trạng tiêu cực, suy thoái, thậm chí mục ruỗng. Từ sự lệch chuẩn về tư tưởng chính trị, có thể dẫn tới những hành động phản chính trị rất nguy hiểm và nguy hại với tổ chức đảng, nếu không được ngăn chặn.

Thứ ba, tự phản biện khác với “tự diễn biến” là quá trình tư duy không chỉ được dựa trên nền tảng của tri thức và phương pháp khoa học, mà còn dựa trên nền tảng của bản lĩnh chính trị, nền tảng tư tưởng của Đảng. Bản lĩnh chính trị là điểm tựa vững chắc cho quá trình tự tư duy của người đảng viên. Người tự phản biện giàu bản lĩnh chính trị, dù có lật lại hoàn toàn sự việc, hiện tượng chính trị, cũng không sợ mình mất phương hướng, mà bình tĩnh suy xét mọi vấn đề trên cơ sở phương pháp tư duy biện chứng, dựa vào hệ tư tưởng của Đảng để lựa chọn phương án tối ưu, tìm phương cách đúng đắn nhất. Ngây thơ về chính trị, cực đoan chính trị, bóp méo, thổi phồng, suy diễn… đều là những biểu hiện và phương pháp cần tránh trong tư duy tự phản biện.

2.2. Sự đấu tranh giữa “tự diễn biến” và tự phản biện

Liên quan tới tự phản biện, Đảng ta đánh giá cao vai trò của phản biện, phản biện xã hội, nên khuyến khích, tôn trọng ý kiến của toàn dân (cá nhân và tổ chức) trong mọi vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội... Đây là một trong những minh chứng thể hiện tính dân chủ, tính khoa học trong sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng chỉ rõ: “Đảng tôn trọng tính tự chủ, ủng hộ mọi hoạt động tự nguyện, tích cực, sáng tạo và chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của Mặt trận và các đoàn thể. Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để mặt trận và các đoàn thể nhân dân hoạt động có hiệu quả, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội” [3, tr. 87]. “Hoàn thiện cơ chế để nhân dân đóng góp ý kiến, phản biện xã hội và giám sát công việc của Đảng và Nhà nước [3, tr. 145]. Đối với người đảng viên, quá trình tự phản biện trong tư duy là không giới hạn như bất kỳ một chủ thể tự duy nào khác, song không lợi dụng dân chủ hay tự do vô lối, mà phải tuân theo các nguyên tắc của Đảng, phản biện không phải nói ngược, cũng tuyệt đối không trái với quan điểm, đường lối, Cương lĩnh, Điều lệ Đảng.

Đấu tranh tư duy là cuộc đấu tranh cam go, căng thẳng không thua kém đấu tranh giữa các lực lượng vật chất, trong đó đấu tranh giữa “tự diễn biến”, tự phản biện – đấu tranh giữa hai thái cực tiêu cực và tích cực, tư duy chính trị “đen” và “trắng”- thường xuyên xảy ra trong vận động tư duy của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong cuộc đấu tranh đó, nếu thiếu công cụ, phương pháp tư duy, sự tỉnh táo và bản lĩnh chính trị, đều có thể dẫn tới những sai lầm. Thậm chí hiện nay, hiện tượng tự phản biện chuyển hóa thành “tự diễn biến”, ở các mức độ khác nhau, nhất là cực đoan tự phản biện, trá hình tự phản biện (ngụy tự phản biện) xuất hiện ngay trong một số tổ chức cơ sở đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, lợi dụng tự phản biện để nêu các ý kiến phi khoa học, thiếu tính xây dựng; đội lốt phản biện để công kích, bôi nhọ, đả phá Đảng, cố tình “lái” nhận thức của dư luận sang chiều hướng tiêu cực.

Ở góc độ ngược lại, tự phản biện chuyển hóa sang “tự diễn biến” không chỉ biểu hiện ở những lối tư duy chính trị tiêu cực, mà việc “lười nhác” trong tự phản biện cũng chính là một biểu hiện của “tự diễn biến”. Do lo ngại phạm sai lầm hoặc tránh va chạm ảnh hưởng tới lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, một bộ phận cán bộ, đảng viên lựa chọn phương cách giấu mình, “mũ ni che tai”, không dám phản biện, tự phản biện, với tư tưởng “thế nào cũng được”, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không phê phán. Sự phó mặc và bàng quan này chính là một dạng nhu nhược của tư duy, mà với tính tiền phong của người đảng viên, điều này là không thể chấp nhận.

3. Phản “tự diễn biến” và phản ngụy tự phản biện

“Tự diễn biến” khi chuyển biến thành “tự chuyển hóa”, mối nguy sẽ tăng lên gấp bội, bởi vậy phải ngăn chặn quá trình thoái hóa về tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên, ngay trong giai đoạn trứng nước, giai đoạn “tự diễn biến” bằng phản “tự diễn biến”, tiến hành cả bên trong và bên ngoài chủ thể nhận thức. Bên trong quá trình tư duy, “tự diễn biến” rất khó nhận biết (“tự chuyển hóa” đã biến thành hành động vật chất nên dễ nhận biết hơn), nhất là khi mới bắt đầu manh nha. Mỗi chủ thể nhận thức hơn ai hết, là người hiểu và nắm bắt rõ nhất những biến chuyển, mâu thuẫn trong tư duy của mình, nên cũng sẽ là người phản “tự diễn biến” hiệu quả nhất. Nhưng để có thể chiến thắng được chính mình trong cuộc đấu tranh tư duy giữa “trắng” và “đen”, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải được chuẩn bị hành trang về nhận thức chính trị, bản lĩnh chính trị và phương pháp luận giải biện chứng các vấn đề chính trị như đã đề cập, từ đó có khả năng “tự miễn dịch” từ bên trong đối với “tự diễn biến”.

Bên ngoài quá trình tư duy: Tư duy của mỗi chủ thể nhận thức đều bắt nguồn, bị tác động, bị chi phối từ diễn biến khách quan của đời sống chính trị. Đời sống chính trị ổn định, trong sạch, Đảng mạnh từ bên trong, lãnh đạo đất nước phát triển, niềm tin của nhân dân được củng cố, chính là phương thuốc hữu hiệu nhất để tác động và thúc đẩy nhận thức chính trị tích cực lan tỏa trong xã hội, qua đó “chữa trị” căn bệnh “tự diễn biến” trong mỗi cán bộ, đảng viên và rộng hơn là trong toàn Đảng.

Tư duy tự phản biện không chắc đã dẫn đến những kết luận chính xác, do độ “nhiễu” về thông tin, chưa kể những thành kiến, cảm xúc cá nhân có thể ngăn cản sự thành công của việc tập trung phân tích, đánh giá, bởi vậy, cần phản biện lại tự phản biện. Đối với mỗi cá thể nhận thức, sau mỗi quá trình tự phản biện kết thúc với các kết luận của mình được đưa ra, thì đó mới là kết thúc của một phân đoạn trong quá trình tự phản biện lâu dài. Kết luận tự phản biện đó cần thiết phải được phản biện lại, kiểm chứng lại qua thời gian và trước những diễn biến tiếp theo của thực tiễn khách quan. Tư duy phản biện lại tự phản biện thể hiện một trình độ phát triển cao của nhận thức. Đặc biệt, đối với các hiện tượng ngụy tự phản biện công khai, cần đấu tranh không khoan nhượng.

Điều mà Đảng ta cần, nhân dân ta cần là ở mỗi kế sách lớn, mỗi dự án lớn, mỗi “mặt trận” của đời sống xã hội, đều có sự phản biện, tự phản biện với tinh thần xây dựng tích cực của rộng rãi dư luận và những người trực tiếp có liên quan, để tìm được những phương cách hợp lý nhất và hợp lòng dân. Đồng thời, có những người đứng đầu, tổng chỉ huy, người “nhạc trưởng” có tâm, có tầm, có tài, có uy tín xã hội, không chỉ có năng lực tiếp thu cầu thị và năng lực phân loại những phản biện đó, mà còn có trình độ phản biện lại các tự phản biện, gạn đục khơi trong, chắt lọc tinh hoa phục vụ các quyết sách phát triển tối ưu cho tập thể, cho tổ chức, cho đất nước.

“Tự diễn biến” và tự phản biện có ranh giới rất mong manh, song ranh giới đó cũng có thể trở thành bức tường kiên cố ngăn cách đúng, sai, “trắng”, “đen” rõ ràng, trong tư duy của mỗi chủ thể nhận thức, để quá trình nhận thức hướng tới việc đi tìm chân lý một cách đúng đắn trên cơ sở sự vận động của tự phản biện tích cực, chứ không phải là hiện tượng trá hình tự phản biện hay “tự diễn biến” vì những dụng ý xấu, ý đồ đen tối. Bản lĩnh chính trị và sự tỉnh táo, minh triết của trí tuệ là chất liệu xây dựng nên bức tường đó./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
  • Hình ảnh chiến thắng Điện Biên phủ qua tem bưu chính Việt Nam
    Ngày 07/5/1954, lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi, buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
  • "Siêu ứng dụng" được Điện Biên lan tỏa dịp 7/5
    Điện Biên Smart được ví là "siêu ứng dụng" tích hợp nhiều tính năng hiện đại, tạo nên cầu nối trực tiếp giữa người dân và các cấp chính quyền.
  • Sự trỗi dậy của các kỳ lân AI Trung Quốc nhằm cạnh tranh với OpenAI
    Bốn công ty khởi nghiệp (startup) AI Trung Quốc đã trở thành kỳ lân công nghệ với mức định giá hơn 1 tỷ USD, nhằm tăng cường cạnh tranh với OpenAI, đặc biệt là khi ChatGPT không hoạt động ở Trung Quốc.
  • "Tôi dịch cuốn sách về Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng cả trái tim mình"
    Anh Saleem Hammad - người dịch cuốn sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân” sang tiếng Ả-rập cho biết: “Xuất phát từ tình cảm sâu sắc, sự kính trọng cũng như lòng biết ơn, sau 12 năm gắn bó với đất nước Việt Nam thân thương, tôi đã thực hiện thành công việc dịch cuốn sách “Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân” sang tiếng Ả-rập bằng cả trái tim mình.”
  • Chiến thắng Điện Biên Phủ qua các số báo của báo Nhân đạo (Pháp)
    Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhất là trong chiến dịch Điện Biên Phủ, báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp đã đăng nhiều tin, bài và ảnh về cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân Việt Nam cũng như những tiếng nói và hành động mạnh mẽ từ nước Pháp vì hòa bình cho Việt Nam.
  • Sân chơi English Beat 2024 mùa 2 thành công tốt đẹp
    Sau hơn 2 tháng tổ chức, English Beat 2024 mùa 2 do mobiEdu phối hợp cùng các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức đã chính thức thành công tốt đẹp tại 6 tỉnh trải dài trên toàn quốc.
  • Bia Trúc Bạch một kiệt tác, một di sản dẫn lối tinh hoa
    Từ Hoa Bia Saaz quý tộc vùng Zatec một kinh nghiệm bậc thầy tạo ra hương vị tinh túy bậc nhất đẳng cấp vượt thời gian, trải nghiệm đỉnh cao hoàn mỹ. Bia Trúc Bạch một kiệt tác, một di sản dẫn lối tinh hoa.
  • Khai trương Trung tâm Báo chí kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
    Trung tâm Báo chí được thành lập nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phóng viên (PV) trong nước, quốc tế đưa tin về Lễ kỷ niệm và chủ động, tích cực cung cấp thông tin của Ban Tổ chức về Lễ kỷ niệm.
  • Khám phá đất và người xứ Nghệ trên không gian số
    Thời gian qua, Bảo tàng Nghệ An đã mạnh dạn đưa công nghệ vào hoạt động trưng bày, để tiếp cận và thu hút du khách. Du khách đến với Bảo tàng Nghệ An từ chỗ "cấm sờ tay vào hiện vật" nay có thể được chạm tay vào hiện vật, cổ vật, được khám phá các danh lam, thắng cảnh, lịch sử, con người xứ Nghệ, thông qua không gian số 3D; khám phá kho dữ liệu lịch sử đã được số hóa... giúp Bảo tàng Nghệ An ngày càng hút khách, nhất là giới trẻ.
  • Báo chí và học giả quốc tế ca ngợi Chiến thắng Điện Biên Phủ
    Báo Resumen Latinoamericano của Argentina những ngày qua liên tục đăng các bài viết cùng nhiều hình ảnh tư liệu minh họa, ca ngợi Chiến thắng Ðiện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam.
Tuyên truyền phản tuyên truyền và bồi đắp năng lực tự miễn dịch của nội tư duy nhằm phòng, chống những lệch lạc, suy thoái về tư tưởng chính trỊ (tiếp theo)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO