Ứng dụng công nghệ để vận hành trang trại cá nổi siêu sạch ngoài khơi Singapore
Một trang trại cá nổi ứng dụng công nghệ cao ngoài khơi Singapore là một phần trong kế hoạch của một kỹ sư đã nghỉ hưu, người từng xây dựng giàn khoan dầu, để mang đến cho thực khách nguồn hải sản sạch hơn và tốt hơn cho sức khỏe.
90% lượng thực phẩm phục vụ nhu cầu của người dân Singapore được nhập khẩu từ nước ngoài. Việc Malaysia cấm xuất khẩu thịt gà vào tháng 6/2022 dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng loại thức phẩm này đã cho thấy rõ, ở thời điểm rủi ro về khí hậu chưa từng có và khó đoán định, tăng cường an ninh lương thực là ưu tiên quan trọng ở Singapore.
Cơ quan Lương thực Singapore (SFA) đã đưa ra chiến lược “30 by 30” - kế hoạch sản xuất ít nhất 30% nhu cầu dinh dưỡng quốc gia và bền vững vào năm 2030 nhằm đề phòng sự gián đoạn nguồn cung do biến đổi khí hậu, bệnh tật và xung đột. SFA đặt mục tiêu hiện thực hóa kế hoạch này bằng 3 “giỏ thực phẩm”: Đa dạng hóa nguồn nhập khẩu, phát triển sản phẩm địa phương và phát triển ở nước ngoài (mở rộng các công ty địa phương qua biên giới và xuất khẩu thực phẩm trở lại).
Để hiện thực hóa mục tiêu này, nhà chức trách Singapore đang ủng hộ cho các dự án sản xuất lương thực, thực phẩm trong nước. Trang trại cá của tương lai Eco Ark nằm ngoài khơi Singapore chính là một ví dụ điển hình. Đây là một trang trại nuôi trồng thủy sản khổng lồ chuyên sản xuất cá vược, cá mú và cá vây sợi cho các nhà hàng trên khắp quốc đảo này với gần 6 triệu dân.
Trang trại này thu hoạch 30.000 tấn/tháng, cựu kỹ sư Leow Ban Tat, người sáng lập Eco Ark, cho biết sản lượng này gấp 20 lần so với các trang trại nuôi lồng lưới truyền thống.
Leow cho biết: “Có sự khác biệt lớn trong những gì chúng tôi làm vì chúng tôi tin vào công nghệ”.
Trang trại có một hệ thống lọc nước biển thông qua máy ozone nhằm tiêu diệt các mầm bệnh gây bệnh trước khi chuyển vào bể cá sâu 6m. Các bể này mô phỏng các điều kiện của đại dương để giữ cho cá bơi ngược dòng, khiến chúng gầy hơn và bổ dưỡng hơn, đồng thời bảo vệ chúng khỏi các mối đe dọa như bệnh tật, sinh vật phù du nở hoa và dầu tràn.
Leow, 65 tuổi, cho biết nước sạch đến mức không giống như các trang trại khác, Eco Ark không cần bổ sung thêm thuốc kháng sinh, giúp bảo vệ cá khỏi bệnh tật nhưng có thể gây kháng thuốc ở con người theo thời gian và ảnh hưởng đến môi trường.
Ông chia sẻ cá trưởng thành được cho ăn mực đông lạnh cũng như thức ăn viên, trong khi cá nhỏ hơn được cung cấp men vi sinh nhằm hỗ trợ cả chức năng tiêu hóa và sinh lý, đồng thời cải thiện hiệu suất nuôi trồng.
Leow cũng đang tìm cách cắt giảm khí thải từ trang trại cá của tương lai này bằng cách bổ sung các tấm pin mặt trời và đã xây dựng một trại sản xuất giống sau khi phát hiện cá con nhập khẩu từ Malaysia và Australia mang mầm bệnh.
Cá của Eco Ark được giao đến hơn 80 nhà hàng, siêu thị và cửa hàng đặc sản với tiêu chí đảm bảo cá được thu hoạch tươi ngon và khỏe mạnh.
Leow hy vọng mục tiêu cuối cùng sẽ không chỉ xuất khẩu cá mà cả công nghệ của Eco Ark, theo đó các trang trại như vậy có thể được xây dựng gần các khu vực ven biển để rút ngắn thời gian giao hàng và cắt giảm chi phí.
Daniel Teo, người đồng sáng lập nhà hàng Kin Hoi của Singapore, nơi thu mua cá từ cơ sở Eco Ark, cho biết: Điều rất quan trọng là nông dân địa phương thực sự hiểu biết về nền kinh tế cần được khuyến khích để giúp đáp ứng nhu cầu.
An ninh lương thực đã trở thành một vấn đề lớn đối với Singapore, quốc gia có diện tích gần bằng thành phố New York nhưng lại không có tài nguyên để đáp ứng nhu cầu nông nghiệp và công nghiệp, vì vậy chính phủ đã cấp nguồn vốn để hỗ trợ các trang trại nông nghiệp và thuỷ sản như của Eco Ark.
Tuy nhiên, Madhumitha Ardhanari, chiến lược gia tại nhóm phi lợi nhuận Diễn đàn vì Tương lai, cho biết sự phụ thuộc nặng nề của người nuôi cá Singapore vào trợ cấp của chính phủ đã làm dấy lên mối lo ngại về sự tồn tại lâu dài của họ./.