Ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn văn hóa Phật giáo

Quỳnh Chi| 14/09/2021 08:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Bảo tồn các giá trị văn hoá là một yêu cầu hết sức cần thiết hiện nay ở Việt Nam. Tận dụng những lợi ích mà khoa học và công nghệ mang lại, nhiều giá trị văn hoá dân tộc, lễ hội truyền thống, văn hoá tín ngưỡng đã được lưu giữ, truyền bá nhờ ứng dụng công nghệ số, trong đó có văn hoá Phật giáo. Đặc biệt, trong điều kiện dịch Covid 19 đang diễn ra, thì các giá trị văn hoá được bảo tồn thông qua ứng dụng công nghệ số đang phát huy được thế mạnh trong thời điểm giãn cách xã hội.

Di sản văn hóa Phật giáo tại Việt Nam và những thách thức trong việc bảo tồn

Hơn 2500 năm trước, với những triết lý nhân sinh chứa đựng tinh thần khoan dung, đạo Phật từ Ấn Ðộ đã nhanh chóng lan truyền đến nhiều nước châu Á, tới các châu lục khác, dần dần trở thành một trong các tôn giáo có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Với Việt Nam, ngay từ đầu thiên niên kỷ I, người Việt Nam ở Giao Châu đã tiếp xúc với Phật giáo, theo hai con đường, hoặc từ Ấn Ðộ sang, hoặc từ Trung Quốc xuống.

Ứng dụng công nghệ số trong Bảo tồn văn hóa Phật giáo - Ảnh 1.

Văn hóa Phật giáo có một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh tại Việt Nam.

Qua gần 2000 năm, đạo Phật từng bước hóa thân, hòa nhập vào đời sống tinh thần của người Việt Nam, trở thành nguồn gốc của một số giá trị văn hóa, thông qua việc cải biến nội dung giáo lý, niềm tin tín ngưỡng, hình thức tổ chức.

Văn hóa đạo đức của Phật giáo góp phần làm nảy sinh và khích lệ thái độ yêu thương đồng loại và niềm kiêu hãnh của con người, khiến chúng ta quan tâm nhiều hơn đến hạnh phúc của người khác, trong phạm vi gia đình, cộng đồng xã hội và xa hơn nữa là cả nhân loại. Từ bi và trí tuệ trong Phật giáo đã trở thành chất liệu nuôi dưỡng, giúp cho tâm Phật tử an lạc và hạnh phúc, vì thế, nó có khả năng kết nối lòng người và đoàn kết xã hội. Với nhiều người, cái hay nhất ở Đạo Phật chính là tất cả vì con người, tin ở con người, ở lý trí của con người biết phán xét phải trái, ở trái tim của con người biết yêu thương đồng loại, ở ý chí của con người vươn tới cái tối thiện.

Trong lịch sử hàng ngàn năm du nhập vào Việt Nam, văn hóa Phật giáo đã bắt rễ sâu vào văn hóa dân tộc và có vai trò to lớn trong việc liên kết lòng người, đoàn kết quốc gia, là tài sản quý giá trong nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc.

Đối với vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Phập giáo, nhiều học giả, nhà nghiên cứu đã nhận định với vai trò là một hình thái ý thức xã hội, Phật giáo có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tư tưởng, văn hóa, đạo đức, lối sống và góp phần hình thành đặc trưng, bản sắc văn hóa dân tộc. Văn hóa Phật giáo Việt Nam là một thành tố quan trọng trong chỉnh thể văn hóa dân tộc Việt Nam, vì vậy việc giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Phật giáo là hết sức quan trọng.

Do đó, muốn bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo rất cần có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực bảo tồn di sản mà trước hết là cho tăng ni, phật tử. Những người thực hành đạo Phật chẳng những cần nắm vững giáo lý đạo Phật, biết cách hướng dẫn tu tập cho phật tử mà còn phải được đào tạo đủ năng lực làm lành mạnh hóa các sinh hoạt Phật giáo. Bên cạnh đó, cần ứng dụng công nghệ trong việc bảo tồn các di sản văn hóa Phật giáo tại Việt Nam.

Số hóa Bảo tàng Văn hóa Phật giáo

Nằm trong dự án tổng thể xây dựng Bảo tàng ảo tương tác 3D của Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, từ năm 2013, đơn vị này đã giới thiệu Bảo tàng ảo tương tác 3D cho khu trưng bày chuyên đề "Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Ứng dụng công nghệ số trong Bảo tồn văn hóa Phật giáo - Ảnh 2.

Số hóa Trưng bày Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam (Ảnh chụp màn hình http://disanvanhoaphatgiao.egal.vn).

Phương pháp ứng dụng công nghệ tương tác 3D xây dựng bảo tàng ảo trên thế giới có từ năm 2008, đã được nhiều Bảo tàng quốc gia lớn tiếp cận và ứng dụng như: Bảo tàng Louvre (Pháp), Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Quốc gia Smithsonian (Mỹ), Bảo tàng Vatican (Italia)…. Ưu điểm của công nghệ này cho phép bất cứ điều gì có thể nhìn thấy trong không gian thực đều có thể được mô hình hóa trong không gian 3D ảo. Tính năng động và tương tác vật lý trong không gian thực của sự vật, hiện vật, thực thể, âm thanh, hình ảnh, đồ vật… đều có thể mô phỏng được nhờ công nghệ này. Công nghệ 3D là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay được ứng dụng trong các phương tiện nghe nhìn.

Dự án Xây dựng bảo tàng ảo tương tác 3D cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia cho khu trưng bày chuyên đề "Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam đã kế thừa phương pháp nghiên cứu, xây dựng nội dung, ý tưởng, thông điệp của bảo tàng kết hợp với tính năng công nghệ mà các bảo tàng trên thế giới đã triển khai. Đồng thời, ứng dụng các công nghệ mới nhất hiện nay cho phép chúng ta xây dựng các tính năng hiện đại hơn và mang đậm bản sắc riêng của Việt Nam. Đây được coi là bước đột phá của hoạt động bảo tàng ở nước ta.

Điểm mạnh của bảo tàng ảo là đem các hình ảnh, không gian trưng bày một cách chân thực nhất đến với khách tham quan về không gian văn hóa Phật giáo. Với những thông tin tư liệu, video phong phú, bảo tàng ảo còn cung cấp cho công chúng thông tin thực tế nhiều hơn trưng bày thực.

Ứng dụng công nghệ số trong Bảo tồn văn hóa Phật giáo - Ảnh 3.

Những thông tin để tìm hiểu về Văn hóa Phật giáo được đưa ra chi tiết, tỉ mỉ. (Ảnh chụp màn hình http://disanvanhoaphatgiao.egal.vn)

Bảo tàng ảo tương tác 3D là giải pháp công nghệ tối ưu cho việc tuyên truyền về những giá trị văn hóa Phật giáo mà Bảo tàng lịch sử Quốc gia đang quản lý, mang chúng đến với khách tham quan một cách thuận lợi, đa dạng.

Bảo tàng ảo chỉ lựa chọn giới thiệu một phần giá trị nào đó và không thể thay thế bảo tàng thật, nhưng là sự hỗ trợ tích cực cho bảo tàng thực vì các thông tin trên bảo tàng 3D sẽ gợi trí tò mò cho người xem khiến họ muốn đến bảo tàng để xem xét thực tế.

Ứng dụng công nghệ số trong Bảo tồn văn hóa Phật giáo - Ảnh 4.

Giới thiệu di sản văn phóa Phật giáo Thời Lê Sơ (Ảnh chụp màn hình http://disanvanhoaphatgiao.egal.vn).

Các trưng bày được giới thiệu bằng 2 thứ tiếng: Tiếng Việt và Tiếng Anh. Bảo tàng ảo 3D cũng cung cấp những tính năng cho phép người sử dụng chia sẻ qua các kênh mạng xã hội như Facebook, Twitter nhằm kết nối những người yêu bảo tàng trên toàn cầu dưới sự quản lý và cho phép của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Cuối năm 2020, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng đã phối hợp với nhóm SEN Heritage thực hiện dự án "Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo".

Dự án này được triển khai dựa trên việc thực hiện các sản phẩm như bản thiết kế kỹ thuật 3D các đơn nguyên kiến trúc trong chùa Diên Hựu, phim 3D, bản VR3D, mô hình hình thái kiến trúc và cấu kiện kiến trúc, các sản phẩm hiện thực hóa từ bản phỏng dựng… Sản phẩm VR3D có thể sử dụng như là phim trường ảo, sản xuất phim 3D, sản xuất các phần mềm game lịch sử và có thể hướng đến phục dựng trên một không gian ngoài thực tế.

Tiếp sau dự án "Khám phá di sản kiến trúc chùa Một Cột - Diên Hựu thời Lý bằng công nghệ thực tế ảo". Nhóm SEN Heritage đã thực hiện một dự án mới cũng bằng công nghệ 3D là  "Đài đền và Tu Di toà Thích Ca sơ sinh thời Lý".

Bản phỏng dựng này lấy cảm hứng từ những hiện vật khảo cổ kết nối với công nghệ thực tế ảo 3D-VR3D-VR để có thể đưa ra những phác thảo mô phỏng các di sản văn hóa thời Lý. Thông qua bản phỏng dựng, người xem sau khi đeo kính với công nghệ thực tế ảo có thể nhìn thấy toàn bộ tòa Thích Ca sơ sinh thời Lý ở chùa Diên Hựu.

Những kết quả bước đầu của việc tái hiện lịch sử bằng công nghệ hiện đại đã đem lại sức sống, hứng thú cho người dân khi tiếp cận các công trình, kiến trúc, hiện vật cổ . Nhờ ứng dụng công nghệ số, các loại hình như bảo tàng kỹ thuật số, bảo tàng trực tuyến, bảo tàng mạng... sẽ đáp ứng được như cầu của công chúng trong thời kỳ giãn cách.

Có thể nói, đây là hướng đi mà nhiều đơn vị đang lựa chọn, để bắt nhịp thời đại công nghệ 4.0. Đại dịch Covid-19 bùng phát cũng trở thành một cú hích buộc các bảo tàng phải nhanh chóng thay đổi, khi làn sóng trải nghiệm bằng tour khám phá ảo (virtual tour) trở thành xu hướng bùng nổ khắp thế giới, khi phong tỏa và giãn cách khiến con người không thể ra khỏi nhà.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Tập đoàn VNPT tăng trưởng 7% năm 2024
    Năm 2024, mặc dù thị trường viễn thông - công nghệ thông tin gặp khá nhiều khó khăn, song với nhiều nỗ lực và quyết tâm cao, Tập đoàn VNPT vẫn giữ vững thị phần với các dịch vụ trọng điểm, tối ưu chi phí, để doanh thu, lợi nhuận toàn Tập đoàn được duy trì và tăng trưởng so với cùng kỳ.
  • Hướng tới vinh danh các "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” 2024
    Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" là giải thưởng vinh danh những sản phẩm, giải pháp, nền tảng xuất sắc, tiêu biểu, thể hiện năng lực của doanh nghiệp Việt và người Việt trong việc làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ số.
  • 5,5 tỷ người trên thế giới sử dụng Internet
    Theo báo cáo mang tên “Thực tế và Con số 2024” của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), năm 2024 đã có thêm 227 triệu người được tiếp cận Internet, nâng tổng số người sử dụng Internet lên 5,5 tỷ người, chiếm 68% dân số toàn cầu.
  • Bưu điện hợp tác với công ty hàng đầu Hàn Quốc về công nghệ, sàn giao dịch dữ liệu
    Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Công ty DataStreams Corp (DataStreams) hợp tác trong lĩnh vực công nghệ dữ liệu nhằm khai thác sức mạnh dữ liệu để nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường năng lực cạnh tranh và mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng.
  • Chấn chỉnh, đảm bảo hoạt động bán hàng đa cấp diễn ra trong khuôn khổ pháp luật
    Các hoạt động bán hàng đa cấp ngày càng biến tướng ti vi dưới nhiều hình thức. Đây là lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, dễ bị biến tướng thành các hoạt động lừa đảo, huy động tài chính bất hợp pháp, gây hệ lụy xấu trên quy mô lớn cho xã hội.
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn văn hóa Phật giáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO