Ngày nay, việc ứng dụng, khai thác hiệu quả các tính năng của các mạng xã hội, như Facebook, Zalo của đồng bào dân tộc thiểu số không còn là chuyện xa lạ. Ở nhiều địa phương, các cấp, các ngành, các tổ chức đã biết cách vận dụng tối đa sự ưu việt của ứng dụng này để tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước hay góp phần chuyển tải thông tin quan trọng về mọi mặt đời sống một cách nhanh chóng, chính xác.
Thông tin nhanh chóng, chính xác
Từ tháng 3/2020 đến nay, trên kênh Zalo Official Account của Công an huyện Đak Đoa – Gia Lai đã ghi nhận con số trên 3000 thành viên theo dõi. Đây là kênh Zalo được thành lập nhằm mục tiêu tuyên truyền, phổ biến thông tin về pháp luật tại địa phương này.
Zalo là một dịch vụ OTT (Over The Top - giải pháp cung cấp nội dung cho người sử dụng dựa trên nền tảng Internet và không một nhà cung cấp hoặc bất kỳ cơ quan nào có thể can thiệp vào). Zalo được phát triển và phát hành bởi công ty cổ phần VNG (công ty công nghệ Việt Nam). Vì đây là một ứng dụng của người Việt Nam nên từ giao diện cho đến chức năng đều rất thân thiện, dễ sử dụng. Zalo được VNG ra mắt lần đầu tiên vào tháng 8/2012 (bản thử nghiệm) và 4 tháng sau ra bản chính thức. Đến giữa tháng 1/2014, VNG công bố đạt 7 triệu người dùng, đứng thứ 2 tại thị trường trong nước, sau Viber - tốc độ phát triển được xem là khá ấn tượng đối với một sản phẩm công nghệ Việt.
Với cách làm sáng tạo, người dân trên địa bàn đã nhanh chóng ủng hộ cách thức tuyên truyền của Công an huyện Đak Đoa. Do đó, nhiều nội dung công việc đã được triển khai nhanh chóng. Điển hình như việc cấp thẻ căn cước công dân được thông báo trên các nhóm Zalo thôn, làng. Người dân lên lấy số thứ tự, cán bộ trực tiếp cấp căn cước nhắn tin thời gian cấp theo mã số trên các nhóm, giúp bà con tiết kiệm thời gian, công sức đi lại. Nhờ đó, Đak Đoa trở thành đơn vị đầu tiên vượt chỉ tiêu dự án cấp căn cước công dân trong toàn tỉnh Gia Lai.
Không chỉ vậy, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các nhóm Zalo thôn, làng đã trở thành cầu nối để lực lượng chức năng tuyên truyền công tác phòng-chống dịch cũng như nắm bắt việc khai báo y tế từ người dân trong công tác truy vết, khoanh vùng, phòng-chống dịch một cách hiệu quả. Về phía người dân, đây là một cách tiếp cận thông tin nhanh chóng, thuận tiện, chính xác vì gắn với số điện thoại định danh của mỗi cá nhân. Từ đó, các thông tin, chủ trương đều được nắm bắt rõ ràng ở cả hai chiều, nhận đến và gửi đi.
Tuy thời điểm đầu, nhiều đồng bào DTTS tại đây còn bỡ ngỡ với hình thức tuyên truyền qua Zalo, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, nhìn thấy được những hiệu quả tích cực của nó, cùng sự hướng dẫn kịp thời của các cán bộ, chiến sỹ, sự kết nối từ người dân đã được thông suốt, hiệu quả ngày càng cao. Đến nay, nhiều người hưởng ứng, tham gia thường xuyên.
Một người dân xã Ia Băng, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai cho biết, Việc tương tác thông tin qua nhóm Zalo giữa lực lượng chức năng với người dân là rất hữu ích, giúp bà con nắm bắt thông tin kịp thời. Cùng với đó, kênh thông tin này giúp chúng tôi phản ánh trực tiếp các vấn đề về trật tự xã hội tại địa phương đến lực lượng chức năng một cách nhanh chóng, được Công an xã tiếp nhận, xử lý kịp thời.
Một xã khác ở miền núi phía Bắc cũng là một điển hình của các xã miền núi đã ứng dụng Zalo phục vụ đời sống đồng bào dân tộc thiểu số đó là Hua Bum. Hua Bum là xã biên giới vùng sâu, vùng xa của huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu (trung tâm xã cách trung tâm huyện 130 km). Nơi đây có phần lớn người dân là đồng bào dân tộc thiểu số gồm Hà Nhì, HMông, Mảng,… trình độ dân trí thấp, kỹ thuật canh tác lạc hậu, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhận thức pháp luật còn nhiều hạn chế.
Viện Kiểm sát huyện Nậm Nhùn cũng đã sáng tạo ra cách truyền tải thông tin để tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho bà con bằng kênh Zalo. Viện Kiểm sát huyện Nậm Nhùn đã giao nhiệm vụ cho 02 đồng chí chuyên viên thực hiện việc quay phát trực tiếp (livestream) trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook. Bởi vậy, thời gian qua, bên cạnh các hình thức tuyên truyền truyền thống như thông báo trực tiếp, phát trên loa truyền thanh thì việc thông tin qua Zalo cũng đã mang đến hiệu quả tích cực, rộng rãi, được chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá cao cách làm hay, sáng tạo trong việc truyền tải thông tin.
Nhận thấy hiệu quả nhanh chóng, mô hình sử dụng thông tin từ Zalo cũng được nhiều địa phương khai thác áp dụng với đồng bào dân tộc thiểu số. Các kênh Zalo, các hội nhóm Zalo đã được lập ra để tuyên truyền kịp thời nội dung, hoạt động, phong trào của các đoàn thể, các hội ở địa phương. Việc sử dụng mạng xã hội Zalo trong tuyên truyền, triển khai hoạt động Hội phụ nữ đến các hội viên ở nhiều địa phương trên cả nước đã mang đến nhiều tiện ích, nhanh chóng, kịp thời trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo tất cả cán bộ, hội viên nắm đầy đủ thông tin.
Hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn kịp thời trong dịch Covid
Trong thời điểm dịch Covid hoàn hành, Zalo đã ra mắt tính năng Zalo Connect, với tính năng tìm kiếm, giúp đỡ những người khó khăn, tương trợ nhau vượt qua đại dịch.
Với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia, Zalo đã hoàn thành Zalo Connect trong vòng 5 ngày. Chỉ với vài thao tác đơn giản, khi vào ứng dụng Zalo Connect người dân có thể tìm kiếm sự hỗ trợ khẩn cấp từ cộng đồng về lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm và nhờ bác sĩ tư vấn y khoa.
Cụ thể, người dùng dễ dàng truy cập vào Zalo Connect từ nhiều vị trí khác nhau trên Zalo như đầu trang Nhật ký, banner trên Tin nhắn hoặc ở mục Khám phá. Tùy vào nhu cầu người dân chọn "Tôi cần giúp đỡ" hoặc "Tôi muốn giúp đỡ" trên Zalo Connect; cần thăm khám sức khỏe còn có thể được tư vấn y khoa từ xa tại mục "Tư vấn y khoa". Bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ và tư vấn của đội ngũ bác sĩ tình nguyện chuyên môn cao một cách hiệu quả đồng thời điều này giúp giảm tải cho các bác sĩ, chuyên gia y tế.
Chị Đ.N.C, một phụ nữ DTTS tại Thanh Hóa cho biết, gia đình chị thuộc hộ nghèo, dịch covid lại càng them khó khan chồng chất. Nhờ kết nối qua Zalo Connect, gia đình chị đã được các mạnh thường quân hỗ trợ thức ăn và nhu yếu phẩm cần thiết, với chị đây thực sự là một kênh dành cho những người khó khăn đang cần sự trợ giúp kịp thời.
Bên cạnh đó, một đối tượng cũng rất khốn khó giữa đại dịch, đó chính là các sinh viên DTTS, bị mắc kẹt lại các thành phố lớn. Một thực tế khó khăn chung của các em là, khi thực hiện giãn cách xã hội, nhiều sinh viên DTTS không nhận được lương thực, thực phẩm từ gia đình vì xe khách không chạy. Nhiều gia đình ở vùng sâu, vùng xa, không có sóng điện thoại nên không thể gọi điện thoại cho con hoặc không thể chuyển tiền xuống cho con được nên đành bất lực. Thậm chí có nhiều hoàn cảnh, sinh viên phải tự bươn trải cuộc sống tại Hà Nội, TPCHM và gửi tiền làm thêm về giúp đỡ bố mẹ ở quê. Khi thực hiện giãn cách xã hội, các em không đi làm thêm được nên khó khăn đủ đường.
Qua ứng dụng Zalo Connect, Em Sùng Thị Tơ, DTTS tỉnh Hà Giang, đang học tập tại Hà Nội đã nhận được phần lương thực cứu trợ từ một nhóm từ thiện gần khu vực sinh sống. Em cho biết: "Khi đã hết sạch tiền, nguồn lương thực dự trữ cũng không còn, em thực sự lo lắng. May mắn rằng, trong lúc khó khăn nhất, em đã truy cập nhóm Zalo Connect để mong nhận được sự giúp đỡ. Rất may, nhờ có tình cảm chia sẻ của những người có tâm, em đã gần như sống sót qua mùa dịch".
Có thể nói, Zalo Connect có ý nghĩa vô cùng lớn trong mùa dịch khó khăn. Tính năng này như một chiếc cầu nối giúp các cá nhân, tổ chức thiện nguyện có thể tiếp cận dễ dàng đến các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn ở xung quanh khu vực sinh sống của mình và cứu trợ một cách kịp thời để không ai bị bỏ rơi trong dịch bệnh.
Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các ứng dụng công nghệ thông tin đã ngày càng phát triển. Thành tựu của nó đã được ứng dụng vào đời sống và mang đến những hiệu quả sâu rộng, tích cực, nhanh chóng. Zalo là một ứng dụng như vậy. Nếu các địa phương, tổ chức linh hoạt, sáng tạo trong cách triển khai sẽ có thể giúp cho sự kết nối được chặt chẽ, góp phần phát triển đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS tại nhiều địa phương hiện nay.