Ứng xử trên môi trường mạng tác động đến văn hóa ứng xử của học sinh, sinh viên

PV| 17/12/2019 10:50
Theo dõi ICTVietnam trên

 Trang Chủ » Thông tin điện tử »Thông tin điện tửỨng xử trên môi trường mạng tác động đến văn hóa ứng xử của học sinh, sinh viênThứ 3, 17/12/2019FacebookTwitterMoreChính thức kết nối mạng Internet toàn cầu từ năm 1997, sau hơn 20 năm, sự phát triển của Internet ở Việt Nam góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Tính đến năm 2019, tỉ lệ dân số sử dụng Internet ở Việt Nam là hơn 60%, trong đó có một phần không nhỏ là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.

Internet là kho tri thức khổng lồ của nhân loại, được tích lũy qua nhiều năm và bổ sung liên tục, phục vụ đắc lực nhu cầu học tập, nghiên cứu, trau dồi kiến thức của mọi tầng lớp nhân dân; là môi trường trao đổi thông tin nhanh chóng, tiện lợi, thúc đẩy phát triển xã hội điện tử với các dịch vụ điện tử (giáo dục, y tế, thương mại ...); là cầu nối đáp ứng nhu cầu giao lưu, chia sẻ và kết bạn cho tất cả mọi người. Internet cũng cung cấp thêm các phương tiện giải trí hiện đại, phong phú về nội dung và đa dạng về thể loại, như nghe nhạc, xem phim, đọc truyện, chơi game... Đối với học sinh, sinh viên, những tác động tích cực thể hiện rất rõ ở các mặt học tập, giao lưu kết bạn và giải trí.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích do Internet mang lại thì mặt trái của nó là không hề nhỏ. Thông tin, hình ảnh xấu, trang web đen, clip khiêu dâm, đồi trụy, video bạo lực xuyên tạc, giả mạo, phản động hay ngắn gọn là thông tin xấu, độc, là một phần của mạng Internet mà người dùng nói chung và thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên nói riêng phải đối mặt trên môi trường mạng. Do các bạn trẻ là đối tượng còn thiếu hiểu biết, trải nghiệm cuộc sống, thiếu kỹ năng, kiến thức tự bảo vệ mình nên đây là đối tượng dễ bị ảnh hưởng trước thông tin độc hại trên Internet và sẽ dần dần ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý, tính cách, gây kích thích bản năng, ảnh hưởng tới việc học tập, ứng xử của các em.

Đặc biệt, những năm gần đây, sự phổ biến của các mạng xã hội nước ngoài được cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, điển hình là Facebook và Youtube có tác động không nhỏ đến học sinh, sinh viên. Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà những mạng xã hội này mang lại cho đời sống xã hội, tuy nhiên với các tính năng hỗ trợ chia sẻ, kết nối thông tin nhanh khiến cho phát ngôn nói xấu, bôi nhọ hay tin giả xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau, trở nên phổ biến hơn trên các mạng xã hội, đặc biệt là mạng nước ngoài như Facebook, Youtube… Các thông tin tiêu cực như thông tin sai lệch, xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân, thông tin phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam,... gây thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân và gây hoài nghi, hoang mang trong dư luận xã hội. Có một số trường hợp là học sinh bị bạn bè nói xấu, bôi nhọ trên mạng xã hội đã không chịu được áp lực mà tự tử. Rất nhiều người sau khi xúc phạm nhau trên mạng xã hội, đã tìm đến người khác để trả thù bằng bạo lực… Trên kênh Youtube có những tin, clip hình ảnh không phù hợp với thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và việc rò rỉ thông tin bí mật riêng tư của các em chủ yếu tập trung trên các mạng xã hội này.

Để ngăn chặn việc phát tán, chia sẻ các trang web, tài khoản, nội dung thông tin xấu, độc, có ảnh hưởng đến thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên nói trên, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai đồng thời nhiều giải pháp như: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các hành vi vi phạm, đặc biệt, đối với các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội như Facebook, Youtube, kiên quyết yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài gỡ bỏ thông tin vi phạm.

Cụ thể, đối với các trang thông tin điện tử, mạng xã hội do tổ chức, doanh nghiệp trong nước cung cấp, các quy định của pháp luật hiện hành, đã quy định bắt buộc tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trang thông tin điện tử tổng hợp, cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải có biện pháp ngăn chặn, loại bỏ thông tin xấu độc, do đó, vi phạm trên các mạng xã hội này là không phổ biến.

Đối với mạng xã hội nước ngoài được cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, điển hình là Facebook và Youtube, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới với Việt Nam, yêu cầu họ gỡ bỏ những nội dung không phù hợp, tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, đồng thời tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về những tác động tiêu cực của mạng xã hội nói riêng và của Internet nói chung để thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và đặc biệt là các bậc phụ huynh biết, hướng dẫn con em mình lựa chọn những chương trình, nội dung phù hợp, bổ ích và biết tự bảo vệ thông tin bí mật riêng tư của mình và của con em mình khi tham gia mạng xã hội.

Đối với Google, Công ty này đã đồng ý hợp tác trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm quy định pháp luật Việt Nam trên các nền tảng khác của Google như: blogspot hay các trang web sử dụng hạ tầng của Google.

Bộ đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động thông tin trên mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng; xây dựng các giải pháp kỹ thuật nhằm tăng cường tính chủ động, kịp thời trong công tác quản lý Internet và mạng xã hội.

Tuy nhiên, do tính mở của công nghệ, tính hai mặt của thông tin trên Internet và do nhu cầu tất yếu sử dụng dịch vụ và nội dung thông tin trên Internet, các giải phải pháp quản lý, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên phải hướng tới việc phát huy những mặt tích cực, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực của Internet; các biện pháp cấm đoán cực đoan bằng hành chính và kỹ thuật chỉ có hiệu quả hạn chế.

Vì vậy, chính sách quản lý phải là sự kết hợp đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, bao gồm cả giải pháp hành chính, giải pháp kỹ thuật và giải pháp tuyên truyền giáo dục; trong đó tuyên truyền giáo dục đóng vai trò chủ đạo để thanh thiếu niên từng bước thích ứng một cách tích cực với môi trường mạng, biết sàng lọc thông tin xấu, tiếp nhận thông tin hữu ích.

Hiện nay, Luật Trẻ em đã được Quốc hội ban hành năm 2016 trong đó đã quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành, đoàn thể và của toàn xã hội. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu và dự kiến sẽ tập trung triển khai một số giải pháp cơ bản như:

- Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển Internet và các dịch vụ giải trí trên Internet một cách lành mạnh; xử lý nghiêm các sai phạm về thông tin trên Internet;

- Xây dựng các quy định và giải pháp giúp gia đình quản lý và bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên, học sinh sử dụng máy tính truy cập các trang web đen độc hại;

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đẩy mạnh truyền thông xã hội hướng tới tầng lớp thanh thiếu niên để giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về ý thức sử dụng thông tin trên Internet một cách chọn lọc tích cực; Tăng cường nguồn lực dành cho công tác truyền thông, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Tăng cường tuyên truyền về tính hai mặt của Internet trên các phương tiện truyền thông đại chúng, phương tiện truyền thông cơ sở, thông tin tuyên truyền cổ động kết hợp với các hoạt động sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể xã hội, nhất là trong hệ thống nhà trường và tổ chức đoàn thanh niên.

- Xây dựng chính sách nhằm khuyến khích việc phát triển các dịch vụ nội dung của các nhà cung cấp dịch vụ Internet Việt Nam, tập trung vào dịch vụ mạng xã hội và công cụ tìm kiếm để dần hình thành dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam nhằm thu hút người dùng Việt Nam, nhất là người dùng độ tuổi vị thành niên.

 - Tăng cường việc tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu với các thế hệ học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh nhằm cung cấp, trao đổi thông tin về những mặt tích cực và tiêu của Internet.

- Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, phối hợp trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng với các tổ chức, đoàn thể, giữa gia đình và nhà trường, giữa ý thức cá nhân với các phong trào mang tính cộng đồng hướng tới một văn hóa Internet lành mạnh, đóng góp ngày càng tích cực và hiệu quả vào sự phát triển của toàn xã hội.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ứng xử trên môi trường mạng tác động đến văn hóa ứng xử của học sinh, sinh viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO