Vai trò của tài nguyên Internet trong việc phát triển hạ tầng CNTT, Internet ở Việt Nam

03/11/2015 21:46
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 8/6/2012, Thủ tướng đã ký Nghị quyết số 16/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/T.Ư ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Trong đó việc xây dựng, phát triển hạ tầng thông tin bền vững, đảm bảo an toàn được xác định là một trong các hạ tầng thiết yếu cần phải được tập trung phát triển.

Bài báo tập trung vào vai trò của tài nguyên Internet (tên miền Internet, tên miền quốc gia .VN, địa chỉ IPv4, IPv6 ...) trong việc phát triển hạ tầng Internet một cách bền vững, cung cấp dịch vụ trực tuyến an toàn, tin cậy hỗ trợ thúc đẩy triển Chính phủ điện tử (CPĐT) tại Việt Nam.

Tình hình phát triển Internet và tài nguyên Internet ở Việt Nam

Tính đến hết tháng 6/2013, Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau Singapore và Malaysia) về mức độ phát triển và đầu tư cho Internet, cụ thể:

 -Địa chỉ IPv4: 15.518.720 địa chỉ IPv4, xếp thứ 23 toàn cầu, thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, thứ 10 khu vực châu Á.

•      Tên miền “.VN”: trên 245.890 tên miền truyền thống, đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

Theo nội dung quy hoạch phát triển viễn thông Quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 27/07/2012, mục tiêu Việt Nam có số lượng người sử dụng Internet đạt 40-45% dân số  vào năm 2015 và  55-60% vào năm 2020.

Vấn đề cạn kiệt địa chỉ IPv4

Địa chỉ IPv4 được thiết kế có chiều dài 32 bit và trên lý thuyết, có thể cung cấp khoảng 4 tỉ địa chỉ cho hoạt động mạng toàn cầu. Địa chỉ IPv4 được phân bổ từ tổ chức quản lý số cấp cao nhất (IANA) cho các tổ chức quản lý địa chỉ cấp vùng (RIR-Regional Internet Registry) theo đơn vị khối /8 (một khối /8 bằng 1/256 không gian địa chỉ toàn cầu và bao gồm 16.777.216 địa chỉ), để từ đó phân phối cho các hoạt động Internet toàn cầu. Toàn bộ không gian địa chỉ IPv4 quốc tế bao gồm 256 khối /8.

 Tổ chức quản lý địa chỉ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương là APNIC (Trung tâm Thông tin mạng châu Á – Thái Bình Dương). Trong khu vực của mình, APNIC trực tiếp phân bổ địa chỉ tới các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet hoặc uỷ quyền cho các tổ chức quản lý địa chỉ cấp quốc gia (NIR-National Internet Registry). Tại Việt Nam, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) là cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên Internet và là một trong 6 tổ chức NIR trong khu vực được APNIC uỷ quyền.

 Kể từ năm 2003, khi tốc độ tiêu thụ địa chỉ IPv4 bắt đầu tăng vọt do sự phát triển của các loại hình dịch vụ và phương thức kết nối mạng tiêu tốn địa chỉ, khả năng cạn kiệt nguồn IPv4 toàn cầu đã trở thành chủ đề nóng được bàn thảo nhiều trên các diễn đàn, thông tin về hoạt động của mạng Internet. Với tốc độ tiêu thụ tài nguyên IPv4 lớn nhất trên toàn cầu, ngày 15/4/2011 châu Á – Thái Bình Dương là khu vực đầu tiên chính thức bước vào giai đoạn cạn kiệt IPv4.

Triển khai IPv6 trên thế giới

Tình trạng cạn kiệt tài nguyên IPv4 là một vấn đề toàn cầu. Để có thể phát triển Internet một cách bền vững thì triển khai IPv6 là yêu cầu bắt buộc và đã được thừa nhận là sự lựa chọn duy nhất  và tất yếu.

Để thúc đẩy ứng dụng thế hệ địa chỉ IPv6 và tạo các mốc thời gian đáng ghi nhận của IPv6 trong hoạt động Internet, tổ chức Internet toàn cầu (Internet Society - ISOC) đã phối hợp với các hãng, doanh nghiệp Internet lớn phát động tổ chức rộng khắp hai sự kiện về IPv6 của toàn cầu: Ngày IPv6 thế giới “World IPv6 Day” (8/6/2011) và Khai trương Thế giới IPv6 “World IPv6 Launch” (6/6/2012). Trong ngày IPv6 thế giới, Facebook, Google và Yahoo cùng với các nhà cung cấp dịch vụ phân phối nội dung (CDN) lớn như Akamai, Limelight Networks cung cấp dịch vụ qua mạng IPv6 trong vòng 24 giờ để đánh dấu một mốc thử nghiệm IPv6 trên toàn cầu.

Kể từ ngày 6/6/2012, các tổ chức hoạt động trong nhiều ngành công nghiệp: ISP, nhà sản xuất phần cứng, sản xuất hệ điều hành, các công ty cung cấp dịch vụ web chính thức công bố triển khai vĩnh viễn IPv6 trong hoạt động dịch vụ và mạng lưới. World IPv6 Launch là cột mốc và thông điệp khẳng định tính hiện thực của IPv6. IPv6 là Internet thế hệ mới. Tham gia sự kiện World IPv6 Launch có hơn 3.000 chủ website, 65 nhà vận hành mạng và 05 nhà sản xuất thiết bị đầu cuối.

Triển khai IPv6 ở Việt Nam

Để thúc đẩy sử dụng thế hệ địa chỉ mới IPv6, tạo đà đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT trong xã hội và triển khai CPĐT, đáp ứng kịp thời sự phát triển Internet, ngày 6/5/2008, Bộ trưởng Bộ TTTT đã ký ban hành chỉ thị về việc thúc đẩy sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6. IPv6 cũng thuộc danh mục công nghệ cao, được ưu tiên đầu tư phát triển theo Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg 19/07/2010 của Thủ tướng.

 Ngày 06/01/2009, Bộ TTTT thành lập "Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 quốc gia" do Thứ trưởng Bộ TTTT làm trưởng ban.

 Ngày 29/03/2011, Bộ TTTT đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6. Việc chuyển đổi sang IPv6 được tiến hành từng bước với mục tiêu chung là bảo đảm trước năm 2020, toàn bộ mạng lưới và dịch vụ Internet Việt Nam được chuyển đổi để hoạt động một cách an toàn, tin cậy với địa chỉ IPv6.

Trong các quy định về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, IPv4 đã được đưa vào thành tiêu chuẩn bắt buộc, IPv6 được khuyến nghị áp dụng:

•      Quy định áp dụng tiêu chuẩn ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước (Quyết định 19/2008/QĐ-BTTTT ngày 09/04/2008)

•      Danh mục tiêu chuẩn về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước (Quyết định 20/2008/QĐ-BTTTT ngày 09/04/2008)

•      Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước (Thông tư 01/2011/TT-BTTTT ngày 4/1/2011)

Năm 2013 là năm mở đầu của Giai đoạn 2 – Giai đoạn chuyển đổi của Kế hoạch hành động Quốc gia về IPv6 với các mục tiêu chính: Hình thành cơ sở hạ tầng mạng IPv6 quốc gia chính thức; Tất cả các doanh nghiệp Internet sẵn sàng hoạt động song song IPv4/IPv6; Bắt đầu cung cấp chính thức một số dịch vụ trên nền công nghệ IPv6 cho khách hàng; Mạng Internet Việt Nam sẵn sàng cung cấp các dịch vụ trên nền công nghệ IPv6…)

Trong tháng 4/2013, VNNIC đã hoàn thành chuyển đổi mạng DNS quốc gia, hệ thống trạm trung chuyển Internet quốc gia hoạt động song song IPv4-IPv6, phối hợp với các doanh nghiệp Internet (VNPT, Viettel, NetNam, FPT, VTC, SPT) chuyển đổi sang IPv6 dual stack, kết nối đến trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX). Mạng IPv6 quốc gia chính thức hình thành, làm nền tảng cho việc triển khai cung cấp các dịch vụ sử dụng IPv6

 Mạng IPv6 quốc gia được hình thành trên cơ sở kết nối song song IPv4/IPv6 hệ thống mạng DNS quốc gia, trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX, mạng Internet của các ISP. Từ thời điểm này IPv6 chính thức hiện diện song song cùng IPv4 trên mạng Internet Viêt Nam. Các doanh nghiệp Internet (ISP) kết nối và sẵn sàng chính thức cung cấp các dịch vụ trên nền IPv4/IPv6.

Nhân ngày IPv6 Việt Nam (6/5/2013), mạng IPv6 quốc gia chính thức được công bố. Các doanh nghiệp Internet, các chủ website, nhà sản xuất thiết bị tham gia chương trình sẵn sàng kết nối, cung cấp các dịch vụ IPv6 cho khách hàng. Tham gia chương trình khai trương IPv6 Việt Nam (http://VietnamIPv6Launch.vn) có sự tham dự Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), 05 ISP (VNPT, Viettel, FPT Telecom, Netnam, VTC, SPT), 20 chủ website (35 website), 05 nhà sản xuất thiết bị (Viettel R&D, FPT Telecom, D-Link, Zyxel, Ruckus Wireless). Đặc biệt, Bộ TTTT là đơn vị đầu tiên triển khai IPv6 trên trang thông tin điện tử chính thức của Bộ (http://www.mic.gov.vn), IPv6 cũng đã được triển khai trên mạng xã hội http://go.vn của Tổng công ty truyền thông đa phương tiện (VTC). Tính đến ngày 30/6/2013 đã có 32 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đăng ký và được phân bổ IPv6 (trong đó có 02 Bộ), 09 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet ISP đã kết nối IPv4/IPv6 đến trạm trung chuyển Internet quốc gia: VNPT, Viettel, Netnam, FPT Telecom, SPT, VTC, SCTV, DTS, CMC Telecom. Tài nguyên IPv6 tại Việt Nam sẵn sàng để triển khai chuyển đổi hạ tầng thông tin.

Việt Nam sẵn sàng cho việc phát triển Internet bền vững. Hệ thống DNS quốc gia và VNIX là nền tảng của mạng Internet tại Việt Nam, kết nối ISP hình thành mạng IPv6 quốc gia.

Công nghệ bảo mật, xác thực tài nguyên Internet (DNSSEC)

Các tổ chức nghiên cứu về Internet, các nhà cung cấp thiết bị, dịch vụ đã tập trung nghiên cứu và công bố các tiêu chuẩn về DNS để tăng cường khả năng bảo mật, dự phòng của hệ thống, đồng thời thay đổi, nâng cấp các phiên bản phần mềm DNS để vá lỗi an ninh bảo mật.  Do tính chất quan trọng của hệ thống DNS, nhiều cuộc tấn công, khai thác lỗ hổng của hệ thống này ngày càng được tiến hành với quy mô lớn và tinh vi hơn với mục đích làm tê liệt hệ thống này hoặc chuyển hướng một tên miền nào đó đến một địa chỉ IP khác.

 Dữ liệu DNS có nhiều nguy cơ bị giả mạo và bị sai lệch trong các tương tác giữa máy chủ DNS với các resolver hoặc máy chủ forwarder trong khi giao thức DNS thông thường không có công cụ để xác thực nguồn dữ liệu. Do vậy chuẩn an ninh bảo mật mới DNSSEC đã được nghiên cứu và triển khai để bảo vệ chống lại các nguy cơ giả mạo làm sai lệch nguồn dữ liệu. DNSSEC cung cấp một cơ chế xác thực giữa các máy chủ DNS với nhau và các cơ chế thiết lập xác thực toàn vẹn dữ liệu. DNSSEC dựa trên nền tảng khoá công khai PKI để đảm bảo xác thực, toàn vẹn dữ liệu tên miền trên hệ thống DNS.

Sau khi triển khai DNSSEC, các nguy cơ làm sai lệch, giả mạo thông tin trên DNS (Hình 5) sẽ được giải quyết.

Trong danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước (Thông tư 01/2011/TT-BTTTT), DNS là giao thức bắt buộc áp dụng và DNSSEC (Domain Name System Security) là giao thức khuyến nghị áp dụng. Năm 2014, theo lộ trình hệ thống máy chủ tên miền quốc gia sẽ được triển khai DNSSEC  trên toàn bộ hệ thống tên miền .VN.

Kết luận

IPv6 đã khẳng định chỗ đứng chắc chắn và không thể thay thế trong hoạt động Internet toàn cầu. Trên phương diện quản lý nhà nước, rất nhiều chính phủ đang tích cực thúc đẩy tốc độ chuyển đổi IPv6 của quốc gia. Ngoài ra, do sự cạn kiệt hoàn toàn các vùng dự trữ IPv4, việc triển khai IPv6 sẽ có sự tăng trưởng đột biến trong thời gian tới. Internet đang phát triển nhanh hơn bao giờ hết và IPv6 bắt đầu phát triển là một phần cơ bản trong quá trình này. Hãy tham gia vào quá trình này một cách tích cực để đảm bảo quyền lợi và sự phát triển của chính mình trên Internet.

Internet càng phát triển thì vấn đề đảm bảo an toàn, bảo mật trên Internet càng phải được chú trọng. Với vai trò trung tâm và là “gót chân Asin” của Internet, việc đảm bảo an toàn, bảo mật cho hệ thống DNS nhằm ngăn chặn các vụ việc tấn công, giả mạo, phá hoại, đánh cắp dữ liệu trên mạng là việc làm cần thiết. DNSSEC cần được áp dụng đảm bảo an toàn các truy cập, đặc biệt là các dịch vụ trực tuyến, chính phủ điện tử.

Tài liệu tham khảo

1.  Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, http://www.vnnic.vn/sites/default/files/vanban/QD433.pdf.pdf

2.  Báo cáo tài nguyên Internet Việt nam 2012, http://www.vnnic.vn

3.  IPv6 Act Now, http://www.ipv6actnow.org/info/statistics/

4.  Ngày IPv6 Việt Nam, http://ipv6event2013.vn

5   Khai trương IPv6 Việt Nam, http://VietnamIPv6Launch.vn

6.  Giới thiệu về DNSSEC: http://www.vnnic.vn/dns/congnghe/

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối thoại với WEF về đổi mới sáng tạo
    Trong chuyến tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ), chiều 21/1/2025 giờ địa phương (tối 21, giờ Hà Nội), Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Phiên đối thoại đặc biệt giữa WEF và Thủ tướng Chính phủ với chủ đề: “Bứt phá tới tương lai: Tầm nhìn của Việt Nam về đổi mới sáng tạo và vai trò toàn cầu”.
  • ‏OPPO Find X8 và Find X8 Pro thiết lập tiêu chuẩn mới về thời lượng pin‏
    Ngày 21/1, OPPO Find X8‏‏ và ‏‏Find X8 Pro‏‏ vừa được vinh danh với danh hiệu‏‏ DXOMARK Gold Battery Label 2025‏‏, khẳng định vị trí dẫn đầu trong ngành với hiệu suất pin vượt trội về thời lượng sử dụng, tốc độ sạc và hiệu quả năng lượng.‏
  •  Tác động của AI trong trật tự thế giới
    Cuốn sách “Trò chơi quyền lực - Quá khứ, hiện tại và tương lai của trật tự thế giới” có một phần đề cập đến tác động của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), trong việc thay đổi cán cân quyền lực.
  • Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hoãn cấm TikTok 75 ngày
    Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức ngày 20/01, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để hoãn việc thực thi lệnh cấm TikTok ở Mỹ trong ít nhất 75 ngày.
  • Tết sắm trang sức DOJI, nhân đôi xuân sắc và tài lộc
    Những ngày cận Tết, chị em tất bật sắm sửa quần áo, làm tóc để đón diện mạo mới, chào tân niên đầy hứng khởi. DOJI giới thiệu những bộ sưu tập tinh hoa như lời chúc xuân tròn đầy gửi đến mỗi khách hàng, cùng ưu đãi hấp dẫn dành riêng cho năm mới Ất Tỵ.
Đừng bỏ lỡ
Vai trò của tài nguyên Internet trong việc phát triển hạ tầng CNTT, Internet ở Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO