Văn học chiến tranh cách mạng - các nhà xuất bản cần có chiến lược cụ thể để phát triển

Thu Hiền| 19/04/2021 11:39
Theo dõi ICTVietnam trên

Mảng đề tài chiến tranh cách mạng luôn nhận được sự quan tâm và có chỗ đứng nhất định ở trong lòng những người cầm bút cùng đông đảo công chúng bạn đọc. Để phát triển được mảng sách này, các nhà xuất bản (NXB) cần có những chiến lược để tạo sự tươi mới, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều tầng lớp nhà văn và bạn đọc, nhất là các bạn đọc trẻ tuổi.

Những cuốn sách lưu giữ cảm xúc của thế hệ

Theo ông Dương Thanh Truyền - Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, Dòng sách về đề tài chiến tranh nếu nhìn kỹ nó là cảm xúc của thế hệ, như nhật ký Đặng Thùy Trâm, nhật ký Nguyễn Văn Thạc, Hồi ức lính… Tất cả đều là câu chuyện của một người, nhưng cái hay, cái đẹp, cái làm nên giá trị thực sự của nó chính là cảm xúc thế hệ.

Cảm xúc thế hệ không phải ai cũng có, không phải thời nào cũng có, nhưng cảm xúc thế hệ là cảm xúc có thật, không mua được bằng tiền, không chiếm đoạt được bằng quyền lực. Năm 17 tuổi mình tình nguyện đi bộ đội hồi đó ở Hồng binh, bây giờ gặp lại những người nào đó mà nghe nói rằng cũng Hồng binh thì hình như có một sợi dây kết nối của những người cùng một thời. Sự kết nối này dựa trên chúng ta làm những điều vượt hết mọi thứ bình thường, vượt qua mọi toan tính mà làm việc gì đó cao đẹp. Cảm xúc này rất đặc biệt!

Chính văn học hay những cuốn sách viết về đề tài chiến tranh giáo dục khát vọng cho thanh niên hôm nay, mình tin rằng thanh niên hôm nay vẫn một lòng yêu nước. Vẫn một tinh thần tình nguyện. Cái đó giúp cho chúng ta hướng thiện, khi mà đã sống được với cảm xúc thế hệ thì sẽ nuôi dưỡng cho mình sống tốt hơn, tử tế hơn, Giám đốc NXB Trẻ cho hay.

Văn học chiến tranh cách mạng – các nhà xuất bản cần có chiến lược cụ thể để phát triển - Ảnh 1.

Ông Dương Thanh Truyền

Với mong muốn làm sách hướng đến thanh thiếu niên, đặc biệt là khơi dậy lòng yêu nước, NXB Trẻ rất tâm huyết để tổ chức xuất bản dòng sách về đề tài chiến tranh cách mạng. Thực tế thời gian vừa qua, NXB Trẻ cũng làm được nhiều cuốn sách về đề tài này, ngoài những nhà văn tên tuổi như Bảo Ninh, Nguyễn Minh Châu gần đây có Nguyễn Bình Phương… Bên cạnh những sách nói về cuộc chiến đấu, gần đây NXB Trẻ còn tổ chức các bản thảo liên quan đến chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc. Có những cuốn rất thú vị như cuốn Hồi ức lính, Lính Hà... Riêng về chiến tranh biên giới Tây Nam, NXB có làm một bộ 4 cuốn mang tên "Bốn mùa". Những thể tài đó một là tiểu thuyết và truyện dài, một là ghi chép, hồi ức, bàn luận, nghiên cứu về chiến tranh. Mới đây nhất là cuốn "Nhật ký phi công tiêm kích" đã được NXB Trẻ đeo đuổi và tìm cách để có thể phát triển đề tài.

Để phát triển được văn học chiến tranh cách mạng và mảng sách thuộc đề tài này, chúng ta phải trông cậy vào các nhà văn. Có một điều thú vị về những trang viết thời trẻ, ví dụ như tướng Soát có những trang viết từ những năm tuổi trẻ 20, kể về thời trẻ chiến đấu trên bầu trời để bảo vệ đất nước hay như cuốn "Đối mặt với B52". Các của nhà văn trẻ như Đỗ Tiến Thụy hay nhiều tác giả trẻ khác viết về chiến tranh dưới góc nhìn của cuộc sống hôm nay.

"Thông qua phát triển mối quan hệ với các tác giả là chính, chúng tôi đã làm được những cuốn sách những cuốn sách có giá trị, làm nên dấu ấn cho NXB Trẻ trong lòng bạn đọc", Giám đốc Dương Thanh Truyền chia sẻ thêm.

Nên có một chiến lược xuất bản sách về đề tài chiến tranh

Chia sẻ thêm về dòng sách chiến tranh cách mạng, ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc NXB Hội Nhà văn trao đổi từ những năm đầu cuộc cách mạng đến cuộc kháng chiến để dành lấy độc lập đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo. Lúc đó những ấn phẩm mang tính văn học đã vô cũng quan trọng. Một trong những thắng lợi lớn trong tuyên truyền của chúng ta trong những năm tháng đó cho đến cả kết thúc chiến tranh năm 1975 và văn học nói riêng đóng góp một vai trò vô cùng đặc biệt. Có những câu chuyện vô cùng xúc động về cuốn sách đi vào chiến trường, trên chiến trường.

Thời gian gần đây, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam cho biết, ông có đưa lên Facebook một chương trường ca viết về những người lính. Cho đến tận bây giờ sau 50 năm kết thúc chiến tranh và những người tiếp cận nền văn học đương đại trên thế giới, nhưng những cảm xúc về chiến tranh vẫn vang dội. "Chính bản thân tôi đang thực hiện một cuốn sách viết về những người lính, những người bộ đội làng tôi. Bên cạnh đó, là chân dung một người lính Mỹ mà tôi đã gặp, chứng kiến và tâm sự với họ.

Văn học chiến tranh cách mạng – các nhà xuất bản cần có chiến lược cụ thể để phát triển - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Quang Thiều

"Tôi dựng lên cả hai chiến tuyến trong một tinh thần văn chương. Một bên là những người lính của làng quê tôi đã ra đi, đã chiến đấu có người trở về, có người đã hy sinh và một bên là những cựu binh Mỹ đã đến đây và cũng tiến hành cuộc chiến tranh và đã trở về Mỹ, tạo dựng một cách công bằng nhất", ông chia sẻ.

Đề tài về văn học chiến tranh cách mạng thông suốt từ 1945, trải qua cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và đặc biệt là sau 1975 nó vẫn tiếp tục. Tiếp tục ở đây không chỉ những tác giả đã kinh qua chiến tranh mà nó tiếp tục ở những thế hệ hoàn toàn mới, sinh sau chiến tranh cũng cầm bút viết về chiến tranh. "Bởi vì chúng ta vẫn chưa thể nào lý giải trọn vẹn hết những vấn đề của chiến tranh và đặc biệt dân tộc ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh vệ quốc. Đến bây giờ nó vẫn không phải là một đề tài xa lạ hay đề tài bớt nhạt đi. Những tạp chí, những tờ báo của Hội nhà văn hay những tờ báo khác thì những trang viết, những hồi ức, những ký ức, những khám phá mới về cuộc chiến tranh cách mạng nó vẫn được tiếp tục.

Cách đây vài năm, NXB Hội nhà văn có xuất bản một cuốn sách "Mười thế kỷ thơ viết về chiến tranh", chúng tôi đã chọn lựa và các NXB Nhật, Mỹ, Colombia để in ấn. Đặc biệt ở Colombia họ dành riêng tạp chí Ngọn lửa để in trọn vẹn toàn bộ 100 bài thơ trong cuốn sách. Họ đặc biệt ấn tượng trong 100 bài thơ viết về chiến tranh ấy không nói về chết chóc, chỉ nói về khát vọng hòa bình và con đường những người dân Việt Nam đi đến hòa bình.

"Tôi nghĩ rằng, văn học cách mạng tại sao nó còn đến bây giờ, tại sao vẫn hấp dẫn người đọc, tại sao vẫn quyến rũ các thế hệ nhà văn khác nhau viết về nó, bởi nó chứa đựng một điều rất quan trọng là văn hóa về dân tộc đó, hay lý giải một lần nữa về sức mạnh của dân tộc đó trong lịch sử của mình", Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ.

Cũng theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, xã hội ngày càng phát triển, tính đa dạng của văn chương mỗi ngày một mở rộng ra, nó bao gồm các thể loại, ngày xưa chúng ta có văn xuôi, có thơ, các thể loại văn học cách mạng xây dựng xã hội chủ nghĩa. Nhưng bây giờ mở rộng rất nhiều. Mỗi một con người, một thân phận, người ta có thể viết về căn phòng bé nhỏ riêng tư của họ, cho đến viết về một cộng đồng lớn của họ. Đấy là bản chất của văn chương, nó đi vào những cái vi mô nhất, có thể chạm đến những cái vĩ mô nhất.

Các NXB hiện nay vẫn tiếp tục xuất bản các cuốn sách về chiến tranh, nhưng có trở thành một điểm nhấn quan trọng của NXB hay không thì lúc đó phải đồng bộ nhận thức, ý thức của NXB đó và cũng như cái đón chờ của bạn đọc. Bằng cách gợi mở, trợ giúp của nhà nước đối với mảng đề tài đó. Chúng ta phải nghĩ khi tập trung vào đề tài này, làm sao để những người trẻ cảm thấy hứng thú, cảm thấy trọng trách khi viết về đề tài chiến tranh.

Bây giờ các NXB cũng sẵn sàng xuất bản sách về chiến tranh nhưng để đặt nó như một chiến lược thì rất ít, gần như không có. "Ở đây, tôi nghĩ rằng chúng ta nên có một chiến lược. Chúng ta vẫn có sách đặt hàng nhà nước nhưng việc đặt hàng này còn hơi hời hợt. Giữa người đặt hàng với người nhận đặt hàng cũng chưa có một chiến lược cụ thể cho việc đó. Tại sao chúng ta không dành đặt hàng đó cho một chiến lược lớn chứ không phải đặt hàng để có một cuốn sách mang chủ đề chiến tranh để ghi vào báo cáo nào đó. Các cơ quan quản lý cần hoạch định chiến lược, phải có một chiến lược rõ ràng cho sách viết về đề tài chiến tranh cách mạng. Nếu chúng ta không nói cho người viết trẻ rằng văn học chiến tranh là gì, bản chất sâu thẳm tận cùng của chiến tranh là gì và chúng ta cùng không đầu tư, không có chiến lược khích lệ nào nữa thì dần dần người ta sẽ đi vào những đề tài dễ dàng hơn. Thậm chí các NXB cũng sẽ xuất bản những sách dễ dàng hơn để kinh doanh.

Thông tin thêm về mảng sách này của NXB Hội nhà văn, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều cho biết vừa rồi NXB có một chương trình làm việc với Liên hiệp Hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Chúng ta đang chuẩn bị kết thúc 50 năm sau chiến tranh, chúng tôi muốn có những tác phẩm, trước hết Hội Nhà văn nói chung, NXB nói riêng phải tổng kết sách văn học viết về đất nước sau 50 năm, trong đó có một phần văn học viết về chiến tranh cách mạng.

Thứ hai là chúng tôi đang làm danh sách qua các kênh thư viện, hệ thống xuất bản, hệ thống tư liệu để thống kê lại lượng sách NXB đã cấp phép, đã in ấn sách về chiến tranh cách mạng. Nền văn học viết về cách mạng sau 50 năm thống nhất đất nước nó sẽ phát triển như thế nào, có diện mạo ra sao, tương lai nó đặt ra câu hỏi gì. Năm 2020 NXB xuất bản bộ sách Nhật ký thời chiến với gần 7.000 trang sách. Hiện NXB Hội Nhà văn đang được đại học Harvard trao đổi về một chương trình phỏng vấn lại những cựu binh Việt Nam trong thời đại này sau 50 năm kết thúc chiến tranh, họ mang theo ký ức gì đến tận bây giờ, họ đang nghĩ gì thêm về chiến tranh.

"Những chương trình này, một là tổng kết văn học chiến tranh cách mạng sau 50 năm, hai là thực hiện dự án với một trường đại học lớn trên thế giới. Hai mảng đó rất lớn, nó sẽ cho chúng ta tư duy lại, hệ thống lại và hoạch định lại kế hoạch xuất bản cũng như sự sáng tạo về văn học chiến tranh", Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.

(Bài báo đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt chào mừng ngày Sách Việt Nam 21/4/2021)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Văn học chiến tranh cách mạng - các nhà xuất bản cần có chiến lược cụ thể để phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO