Vì sao cần xem dữ liệu là một tiện ích, giống như điện hay nước?

Bảo Bình| 21/04/2022 06:16
Theo dõi ICTVietnam trên

Dữ liệu của các tổ chức không chỉ ở trạng thái “có sẵn” mà còn phải “có thể sử dụng” và "tái sử dụng" - ngay cả đối với những người có ít hoặc không có kinh nghiệm xử lý dữ liệu. Có như vậy, tổ chức, doanh nghiệp (DN) mới tạo ra nhiều cơ hội phát triển.

Dữ liệu không chính xác và không có cấu trúc (phi cấu trúc) là hai trong số những thách thức chủ yếu nhất mà các DN phải chịu đựng khi biến dữ liệu thành một loại tài sản. Tuy nhiên, có một vấn đề nữa liên quan đến dữ liệu, vừa gây ức chế cho các tổ chức, vừa trở nên ngày càng quan trọng hơn khi chúng ta tiếp tục chuyển hướng sang một thế giới theo hướng dữ liệu, đó là khả năng truy cập dữ liệu.

Theo Max Liu, CEO và là đồng sáng lập công ty PingCAP, dữ liệu cung cấp sức mạnh cho thế giới hiện đại. Các tổ chức thuộc mọi loại hình đều phụ thuộc vào bộ dữ liệu khổng lồ. Bộ dữ liệu này đang phát triển nhanh chóng để cung cấp các dịch vụ thông minh hơn và giúp tổ chức, DN đạt được sự phát triển trong kinh doanh. Với tầm quan trọng và tính phổ biến, dữ liệu nên được coi như một tiện ích - giống như nước, khí đốt và điện. Nhưng làm thế nào để chúng ta đạt được điều này?

Tất cả chúng ta đều nhận thức rõ rằng dữ liệu phải được cung cấp một cách sẵn sàng, phù hợp và đơn giản để tạo đòn bẩy cho tất cả mọi người phát triển. Nghĩa là, dữ liệu có thể tiếp cận một cách thuận lợi nếu chúng ta muốn theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ và dữ liệu hiện tại. Để đạt được mục tiêu đó, một cách trong những cách làm được các chuyên gia đưa ra là khám phá cách tận dụng cơ sở dữ liệu (CSDL) nguồn mở, tích hợp dữ liệu và các công cụ quản lý dữ liệu hiện đại, nhờ đó các tổ chức có thể sử dụng và tiêu thụ dữ liệu như một tiện ích.

Từ vấn đề dữ liệu phải dễ dàng truy cập đến việc dân chủ hóa dữ liệu

Tất cả mọi người đều rất dễ dàng tiếp cận các tiện ích như điện, nước hay khí đốt. Chẳng hạn như họ chỉ cần bật công tắc và đèn bật sáng, vặn vòi và nước sẽ chảy ra. Dữ liệu phải dễ tiếp cận và đáng tin cậy như vậy. Nhu cầu “dễ tiếp cận” này khiến nhiều tổ chức, DN đã thảo luận về việc dân chủ hóa dữ liệu, cho phép phổ biến hóa nguồn lực và trí tuệ DN cũng như sự cần thiết ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong DN.

Bước đầu tiên của quá trình dân chủ hóa này là áp dụng công nghệ mã nguồn mở, giúp dân chủ hóa và hạ thấp rào cản gia nhập đối với việc sử dụng công nghệ, đồng thời cải thiện chất lượng và độ tin cậy của chúng. Dân chủ hóa trong trường hợp này nghĩa là mọi người đều có thể sử dụng và hưởng lợi từ một nguồn lực cụ thể. Giống như năng lượng, tất cả mọi người đều có thể tiếp cận các dự án nguồn mở - và cộng đồng kiểm soát hướng đi của các dự án đó, xác định những tính năng nào sẽ được thêm vào và những trường hợp sử dụng nào sẽ được hỗ trợ.

Tuy nhiên, trước khi các tổ chức có thể bắt đầu hưởng lợi từ một công nghệ mã nguồn mở, các nhà lãnh đạo DN cần xác định DN của họ cần điều gì nhất. Đó có thể là khả năng mở rộng, tính khả dụng, bảo mật hoặc kết hợp tất cả những điều này. Trả lời câu hỏi này là bước đầu tiên để tận dụng thành công nguồn mở và lựa chọn các công nghệ đáp ứng đồng thời các nhu cầu của tổ chức.

CSDL bền vững cung cấp khả năng truy cập dễ dàng

Khả năng truy cập có lẽ là yếu tố quan trọng nhất trong việc coi dữ liệu như một tiện ích thiết yếu. CSDL mạnh mẽ, hiện đại sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc hỗ trợ khả năng truy cập đó. Để kích hoạt nó - và để đảm bảo các tổ chức có thể dễ dàng thu được giá trị từ tất cả dữ liệu của họ - công nghệ CSDL mới cần ứng dụng:

Kiến trúc giao dịch/xử lý phân tích kết hợp (HTAP): Công nghệ CSDL HTAP hỗ trợ nhận thức tình huống theo thời gian thực và ra quyết định dựa trên dữ liệu giao dịch trực tiếp. Nó cũng loại bỏ các xung đột tiềm ẩn giữa CNTT và các mục tiêu kinh doanh.

Kiến trúc cloud-native: Theo tham khảo từ công ty VTI Cloud, kiến trúc cloud native là một cách đột phá để tiếp cận phát triển phần mềm, nhằm tận dụng tối đa mô hình điện toán đám mây. Nó cho phép các tổ chức xây dựng các ứng dụng dưới dạng dịch vụ độc lập sử dụng kiến trúc microservice và chạy chúng trên các nền tảng điều phối động (dynamically orchestrated). Các ứng dụng được xây dựng trên kiến trúc cloud native thường rất ổn định, và chúng mang lại quy mô, hiệu suất cũng như thời gian phát hành ra thị trường nhanh hơn.

Với kiến trúc cloud-native, CSDL cloud-native cung cấp khả năng linh hoạt, khả năng mở rộng, độ tin cậy và tính khả dụng được cải thiện so với CSDL truyền thống.

Sự kết hợp của hai CSDL HTAP và cloud-native sẽ đặc biệt quan trọng đối với các tổ chức, chẳng hạn như trong lĩnh vực thương mại điện tử và tài chính, những lĩnh vực phải hỗ trợ số lượng lớn các giao dịch của khách hàng và khối lượng dữ liệu nhanh chóng mở rộng trong khi phải tạo các ứng dụng mới để cung cấp các dịch vụ mới.

Vì sao cần xem dữ liệu là một tiện ích, giống như điện hay nước? - Ảnh 1.

Để xây dựng văn hóa với tư duy chia sẻ dữ liệu, các tổ chức phải áp dụng các công cụ quản lý cho phép hợp tác nhóm và năng suất. Ảnh: FISA Foundation

Tích hợp dữ liệu giúp nâng cao kết quả kinh doanh

Một bước khác nhằm “hô biến” dữ liệu hoạt động như một tiện ích thiết yếu là cho phép dữ liệu hỗ trợ các mục đích kinh doanh cụ thể. Ví dụ, các tổ chức có thể tối ưu hóa các quy trình thông qua tích hợp dữ liệu (hoặc chia sẻ dữ liệu). Từ việc tổng hợp dữ liệu có tính liên quan cao hơn, tạo ra dữ liệu và phân tích mạnh mẽ hơn, đến việc giải quyết các thách thức kinh doanh và thúc đẩy con đường hướng tới các mục tiêu của DN, chia sẻ dữ liệu sẽ giúp bánh xe quay vòng thông suốt.

Theo khảo sát hàng năm các Giám đốc dữ liệu (Chief Data Officer Survey) của Gartner lần thứ 6 năm 2021, chia sẻ dữ liệu là một chỉ số hiệu suất quan trọng đối với DN, phản ánh mức độ tương tác hiệu quả và giá trị DN thực sự của dữ liệu. Trên thực tế, tích hợp dữ liệu cho phép các hệ thống trích xuất kiến thức và thông tin chi tiết từ dữ liệu có cấu trúc và phi cấu trúc, chuyển đổi dữ liệu hiện có thành kiến thức, từ đó có thể biến thành thông tin chi tiết hỗ trợ kế hoạch hành động, do đó tối ưu hóa các quy trình.

Các tổ chức cần loại bỏ các silo để đạt được tích hợp dữ liệu đầy đủ. Để làm được điều đó, họ nên sử dụng CSDL có thể cung cấp thông tin chi tiết thống nhất về cả dữ liệu phân tích và giao dịch.

Vai trò của các công cụ quản lý dữ liệu

Để xây dựng văn hóa với tư duy chia sẻ dữ liệu, các tổ chức phải áp dụng các công cụ quản lý cho phép hợp tác nhóm và năng suất. Các nhà lãnh đạo phải nhận thức rằng khi trách nhiệm đối với dữ liệu ngày càng tăng thì áp lực của việc làm cho dữ liệu đó có thể truy cập được trong các tổ chức cũng tăng lên. Các công cụ quản lý dữ liệu cung cấp “chất kết dính” cho phép trao đổi dữ liệu trong một tổ chức và cuối cùng sẽ đảm bảo việc chuyển đổi trở thành hiện thực.

Khả năng tiếp cận của dữ liệu chính là mức độ sử dụng dữ liệu của mọi người trong tổ chức. Điều đó có nghĩa là dữ liệu không chỉ “có sẵn” mà còn “có thể sử dụng” và tái sử dụng - ngay cả đối với những người có ít hoặc không có kinh nghiệm xử lý dữ liệu.

Nhà phân tích dữ liệu sẽ có cơ hội thay đổi cách tổ chức sử dụng dữ liệu, bằng cách thực hiện các bước để cải thiện khả năng truy cập dữ liệu. Quá trình thay đổi cách tổ chức sử dụng dữ liệu sẽ giúp các tổ chức cải thiện việc đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu, mang lại những cơ hội phát triển mới.

Hướng tới việc biến dữ liệu thành một tiện ích

Các DN và tổ chức thuộc mọi loại hình và quy mô ngày càng dựa vào dữ liệu để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mới. Để thúc đẩy sự đổi mới liên tục và hiệu quả cao hơn, dữ liệu phải trở nên dễ dàng hơn trong việc truy cập và sử dụng. Điều này có nghĩa là phải coi sẽ liệu như một tiện ích, làm cho dữ liệu trở thành một yếu tố cơ bản cần thiết trong hoạt động của bất kỳ tổ chức hiện đại nào.

CSDL nguồn mở, tích hợp dữ liệu và các công cụ quản lý dữ liệu sẽ rất quan trọng đối với quá trình chuyển đổi này./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Vì sao cần xem dữ liệu là một tiện ích, giống như điện hay nước?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO