Số lượng người dùng tăng nhanh
Theo báo cáo kinh doanh mới nhất của Facebook (Hình 1), số lượng người dùng ở châu Á tiếp tục tăng nhanh, đối nghịch với tình trạng tương đối bão hòa ở Bắc Mỹ và châu Âu. Hai năm trước, số lượng người dùng Facbook hàng ngày ở châu Âu và Bắc Mỹ nhiều hơn ở châu Á nhưng đến cuối quý 2 năm 2014, số lượng người dùng Facebook ở châu Á đã dẫn đầu (228 triệu), vượt trên châu Âu (206 triệu) và Bắc Mỹ (152 triệu), trong khi số lượng người dùng Facebook ở các châu lục khác cũng tăng vọt (244 triệu).
Hình 1. Số lượng người dùng Facebook (triệu) tích cực hàng ngày (DAU) trong 2 năm qua
Số lượng người dùng Facebook truy cập tối thiểu 1 lần/tháng ở châu Á (410 triệu) gấp hơn 2 lần Bắc Mỹ (204 triệu) và tương đương với các châu lục còn lại (411 triệu) (Hình 2).
Hình 2. Số lượng người dùng Facebook (triệu) tích cực hàng tháng (MAU) trong 2 năm qua
… Nhưng kiếm được ít tiền hơn
Cho dù số lượng người dùng Facebook tăng trưởng nhanh ở châu Á nhưng việc kiếm tiền từ số người dùng này thì lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Doanh thu từ châu Á tăng hơn 3 lần trong 2 năm qua (431 triệu USD) nhưng vẫn chỉ bằng khoảng một nửa doanh thu ở châu Âu (824 triệu USD) và bằng 1/3 so với thị trường Bắc Mỹ (1,3 tỷ USD).
Hình 3. Phân bổ doanh thu của Facebook (triệu USD) ở các châu lục trong 2 năm qua
Nhiều người dùng hơn nhưng doanh thu ít hơn đồng nghĩa với doanh thu trung bình/mỗi người dùng (ARPU) của Facebook ở châu Á (~1 USD) thấp hơn nhiều so với ở châu Âu (2,84 USD) và Bắc Mỹ (6,44 USD).
Hình 4. ARPU của Facebook (USD) ở các châu lục trong 1 năm qua.
Twitter cũng không khá hơn
Twitter cũng gặp phải tình cảnh tương tự. Dù Twitter không công bố số liệu chi tiết như Facebook nhưng số liệu kinh doanh mới nhất của công ty cho thấy, 2/3 doanh thu của Twitter thu được từ người dùng Bắc Mỹ nhưng hầu hết sống ở nước ngoài. Công ty đã sớm tập trung nỗ lực kinh doanh quảng cáo vào thị trường Bắc Mỹ và cho biết rằng, châu Âu, châu Á và những nơi khác đã tăng trưởng 168% trong năm qua.
Một số nguyên nhân về chênh lệch doanh thu giữa châu Á với châu Âu và Bắc Mỹ
Thiết bị di động
Hầu hết người dùng châu Á sử dụng điện thoại di động phổ thông (feature phone). Những người dùng nâng cấp lên smartphone hầu hết là chạy Android – hệ điều hành chiếm 85% doanh số bán smartphone toàn cầu.
Nói chung, người dùng Android điển hình ít mua hàng hóa hơn do điều kiện kinh tế eo hẹp hơn cũng như giải pháp thanh toán hạn chế hơn. Những yếu tố ảnh hưởng này càng trở nên quan trọng khi phần lớn dân số châu Á có mức thu nhập bình quân thấp hơn.
Tiêu ít tiền hơn cho sản phẩm nội dung số
Phần lớn các nhà quảng cáo ở châu Á chậm trễ trong việc chấp nhận các mô hình kinh doanh số. Lý do một phần vì sự phân mảnh của thị trường truyền thông bản địa và thực tế là mức độ thâm nhập của Internet chung của châu Á thấp hơn các nước phương Tây. Như vậy nghĩa là số lượng người xem quảng cáo ít hơn mặc dù Facebook đang tìm cách đơn giản hóa các gói quảng cáo cho các thương hiệu châu Á.
Tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng thấp
Tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng là một yếu tố quan trọng củahệ thống thanh toán và con số này ở châu Á thấp hơn nhiều so với châu Âu và Bắc Mỹ. Ví dụ, tỷ lệ này ở Indonesia và Việt Nam khoảng 1%, Thái Lan khoảng 5%.
Di động là yếu tố then chốt thúc đẩy phát triển trong tương lai
Cả Facebook và Twitter có sự hiện diện mạnh mẽ và mô hình doanh thu trên di động, yếu tố then chốt để kiếm tiền hiệu quả ở châu Á. Facebook đã bật mí về dịch vụ thanh toán di động trong tương lai và có thể sẽ học tập các công ty châu Á hàng đầu bằng cách tích hợp các dịch vụ của mình với ứng dụng nhắn tin di động. Cả hai mô hình kinh doanh này dường như phù hợp ở châu Á.
Điều cuối cùng cần lưu ý là, xu hướng tiêu dùng và các yếu tố kinh tế cho thấy gần như chắc chắn mức chi tiêu trung bình của người dùng châu Á sẽ không cao như người châu Âu hay Bắc Mỹ. Nhưng thực tế là khá nhiều người đang coi châu Á là thị trường kinh doanh quan trọng trên thế giới.
(Theo Thenextweb)