Diễn đàn

Viện Chiến lược TT&TT phải trở thành đơn vị xuất sắc với những giá trị mới

Hoàng Linh 08:42 07/03/2024

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn Viện Chiến lược TT&TT phải trở thành một đơn vị xuất sắc của Bộ với những giá trị mới. Đây là con đường không thể nào khác.

vien-chien-luoc-tt-tt-1.jpeg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng thăm và làm việc với Viện Chiến lược TT&TT

Xây dựng nhiều Luật, chiến lược, quy hoạch, đề án định hướng phát triển Ngành, lĩnh vực

Tại buổi làm việc của đoàn công tác Bộ TT&TT do Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì với Viện Chiến lược TT&TT ngày 6/3, ông Trần Minh Tân, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược TT&TT đã báo cáo một số kết quả nổi bật của Viện như xây dựng Luật, Chiến lược, Quy hoạch, Đề án cho các lĩnh vực.

Trong giai đoạn 2003 - 2017 Viện đã xây dựng và trình Quốc hội, Chính phủ ban hành: Luật Công nghệ thông tin (CNTT) số 67/2006/QH11 ngày 29/6/2006; Chiến lược phát triển CNTT và truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (QĐ số 246/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005).

ong-tran-minh-tan.jpeg
Ông Trần Minh Tân báo cáo một số kết quả nổi bật của Viện từ năm 2003 đến nay

Viện cũng xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 18 Quy hoạch, tiêu biểu như: Quy hoạch phát triển bưu chính Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 (năm 2005); Quy hoạch phát triển viễn thông và Internet Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (năm 2006); Quy hoạch phát triển an toàn thông tin (ATTT) số quốc gia đến năm 2020 (năm 2010); Quy hoạch mạng lưới đại diện của các cơ quan thông tấn báo chí Việt Nam ở nước ngoài (năm 2013); Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình (PTTH) đến năm 2020 (năm 2009); Quy hoạch PTTH đối ngoại ở Việt Nam đến năm 2020 (năm 2012); Quy hoạch dịch vụ PTTH đến năm 2020 (năm 2013); Quy hoạch phát triển hệ thống TT&TT đối với vùng biển đảo Việt Nam đến năm 2020 (năm 2014); Quy hoạch báo chí đối ngoại đến năm 2020 (2016),…

Viện đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 10 Đề án, tiêu biểu như các Đề án: “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và truyền thông” (2010); “Số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình tương tự mặt đất đến năm 2020” (năm 2011); "Đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại (TTĐN) với Lào trong tình hình mới" (2016); "Cung ứng dịch vụ truyền hình Internet phục vụ người Việt Nam tại nước ngoài" (2014),…

Giai đoạn 2018 - 2020, Viện thực hiện xây dựng Quy hoạch phát triển hệ thống TTĐN khu vực cửa khẩu quốc tế phục vụ nhiệm vụ TTĐN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (năm 2018); Quy hoạch Phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (năm 2019); 03 Đề án: Tăng cường công tác TTĐN với Campuchia đến năm 2020 (Đề án Mật - năm 2018); Tăng cường công tác TTĐN với các nước ASEAN; Nâng cao chất lượng ấn phẩm báo chí đối ngoại bằng tiếng nước ngoài.

Đặc biệt, Viện đã xây dựng Chương trình truyền thông về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đến năm 2020 (năm 2018); Xây dựng Văn kiện Đại hội, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ba năm gần đây (2021 - 2023), Viện xây dựng chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 (đã được phê duyệt tại Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 02/02/2024); Quy hoạch Hạ tầng TT&TT kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 (đã được phê duyệt tại Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2024); Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, PTTH, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050; Xây dựng Hợp phần TT&TT trong Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Viện cũng đã tham gia các hoạt động của Hội đồng điều phối vùng; Thẩm định xây dựng các Quy hoạch vùng và góp ý, thẩm định Quy hoạch tỉnh cho các địa phương trên cả nước, các quy hoạch ngành, quốc gia; Xây dựng Chiến lược AI ứng dụng (Quyết định 2259/QĐ-BTTTT ngày 07/12/2022).

Xây dựng thương hiệu và giá trị mới

Với những kết quả đạt được của Viện Chiến lược TT&TT trong những năm qua, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh Viện đã thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Các nhiệm vụ khác như tổng kết lý luận, dự báo, xây dựng thử nghiệm các khối giải pháp, xây dựng các cơ chế chính sách, xúc tiến các hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN), tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo khoa học, phổ biến các công trình hiệu quả KH&CN cần được đẩy mạnh.

thu-truong-phan-tam.jpeg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm: Viện Chiến lược TT&TT cần xây dựng thương hiệu và giá trị mới

Thứ trưởng Phan Tâm đề nghị Viện cũng cần phải tập trung xây dựng thương hiệu mới và giá trị mới của Viện trong lĩnh vực chuyển đổi số (CĐS), theo đó, cần suy nghĩ và xác định lại thế mạnh, lợi thế nổi trội của Viện so với các đơn vị khác. “Viện cần tập trung cho việc tham mưu các vấn đề có tính chất lý luận, tổng kết dự báo, tức là các công việc đòi hỏi một quá trình nghiên cứu, suy ngẫm tương đối lâu dài. Viện là nơi giỏi về nghiên cứu bài bản, tổng kết lý luận, dự báo”.

Thứ trưởng cũng đề nghị Viện chuyên sâu thực hiện nhiệm vụ tư vấn, xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản của Nhà nước.

Viện cũng nên thực hiện các chương trình đề án, dự án nghiên cứu quốc tế chuyên sâu, bao gồm cả việc trao đổi cán bộ nghiên cứu, đặc biệt với các viện nghiên cứu nước ngoài trong các vấn đề liên quan để “bắt kịp, tiến cùng”, trên cơ sở đó có thể tham mưu áp dụng phù hợp với Việt Nam. “Việc này chỉ hiệu quả khi thiết lập quan hệ sâu sắc với các Viện nghiên cứu chiến lược các nước, qua đó các cán bộ của Viện cố gắng nâng tầm, trưởng thành lên”.

Cùng với đó, Thứ trưởng giao Viện cần quan tâm, xây dựng phát triển hơn nữa đội ngũ chuyên gia đầu Ngành và quản trị đơn vị, trong đó cần thương mại hoá các sản phẩm trí tuệ. “Việc thương mại hoá thành công là thước đo giá trị, hiệu quả thiết thực”.

Trở thành đơn vị xuất sắc

Trước các ý kiến trao đổi của Thứ trưởng Phan Tâm, người trực tiếp phụ trách Viện Chiến lược TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết nhiều ý kiến của Thứ trưởng rất sát, đúng với Viện trong thời gian tới. Đồng thời, các lãnh đạo của Viện trước đây hiện là lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ cùng lãnh đạo một số đơn vị tại buổi làm việc cũng có nhiều ý kiến giúp Viện hiểu cho đúng và có định hướng phát triển trong bối cảnh mới.

bo-truong-nguyen-manh-hung.jpeg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Viện Chiến lược TT&TT phải trở thành đơn vị xuất sắc

Bộ trưởng chia sẻ cảm nhận chung tại buổi làm việc ngày hôm nay là Viện vẫn sống bằng nghề, quen với việc làm chiến lược toàn Ngành, sau đó đi hỗ trợ, tư vấn cho các đơn vị, địa phương. Cách đây 5 - 10 năm, Viện làm các chiến lược chung không có vấn đề gì vì các chiến lược ở mức rất khái quát.

Nhưng những năm gần đây, theo Bộ trưởng, việc xây dựng chiến lược của Bộ có sự thay đổi, đi vào làm những chiến lược chuyên sâu, cụ thể cho từng lĩnh vực. Mỗi năm khoảng từ 5 - 10 chiến lược, sau đó là kế hoạch thực thi các chiến lược đó.

Hiện nay tình hình đã có sự thay đổi, theo đó, mỗi tổ chức cũng cần có sự thay đổi theo. Bây giờ, các đơn vị viết được chiến lược từng lĩnh vực tốt hơn thì Viện phải vượt lên trên, chuyển sang làm nghề đào tạo các đơn vị cách xây dựng chiến lược.

Bộ trưởng lấy ví dụ giống như báo chí bị mạng xã hội cơ bản lấy mất phần tin tức, theo đó, báo chí phải vượt lên trên phần tin tức để mang tri thức đến cho độc giả. Đã có cuốn sách có tựa đề là “Trên cả tin tức - tương lai của báo chí” (Beyond News: The Future of Journalism). Hay giờ đây khi bị trí tuệ nhân tạo (AI) lấy mất việc thì con người phải làm việc cao hơn lên, còn làm việc thấp hơn AI thì sẽ bị đào thải.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến phát biểu theo hướng gợi ý Viện thay đổi, chuyển nghề, làm các nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề, vướng mắc lớn của các lĩnh vực trong ngành, ví dụ như nghiên cứu chuyên sâu về việc phạt trên doanh thu toàn cầu của các nền tảng xuyên biên giới, hay đề xuất giải pháp nâng tầm kinh tế số hay Viện cần cung cấp đầy đủ các tư liệu về Ngành để các doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào lĩnh vực…

Theo Bộ trưởng, các đơn vị tham mưu của Bộ thường bị vướng bận công việc, sự vụ hàng ngày, không có thời gian và nguồn lực để thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu, theo đó có thể đặt hàng Viện nghiên cứu các nội dung liên quan.

Đôi khi, chỉ cần ra được kết quả nghiên cứu có thể 1 chữ, 1 câu hay vài câu song giá trị hơn bởi có thể thay đổi cả ngành. Một câu 1 chữ đó cần nghiên cứu, có một số cơ sở lý luận. Tôi nhận định đó là một việc vượt lên chính mình”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng gợi ý Viện xem xét nằm trong nhóm 3 Viện Chiến lược thuộc lĩnh vực xuất sắc nhất trong ASEAN. Phải đưa được tri thức toàn cầu về Viện. Kinh nghiệm cho thấy nếu có nhiều tri thức, thông tin, phân tích tốt, tư vấn tốt các doanh nghiệp sẽ đến tìm đến Viện.

Đặc biệt, Bộ trưởng cũng giao Viện Chiến lược TT&TT thay mặt Bộ TT&TT tham gia đóng góp các nội dung phát triển của Ngành vào văn kiện Đại hội XIV của Đảng. Viện đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ này khi đóng góp các ý kiến cho văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII.

“Tham gia đóng góp ý cho Văn kiện Đại hội XIV là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mà Viện Chiến lược TT&TT cần chuẩn bị”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Viện Chiến lược TT&TT phải trở thành đơn vị xuất sắc với những giá trị mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO