Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
Ý kiến chuyên gia

Định hướng phát triển của ngành Thông tin và Truyền thông năm 2024

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng 29/01/2024 08:45

Trước thềm Xuân mới 2024, Tạp chí Thông tin và Truyền thông (TT&TT) trân trọng giới thiệu Định hướng phát triển của ngành Thông tin và Truyền thông năm 2024 qua ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ.

bt-nguyen-manh-hung.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

1. Đã đến lúc, và đã đủ điều kiện để CĐS quốc gia phải gắn với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội

Chương trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đã đi qua 4 năm. Năm thứ nhất 2020 là năm khởi động CĐS. Năm thứ hai 2021 là năm tổng diễn tập CĐS trên phạm vi toàn quốc để phòng chống COVID-19. Năm thứ ba 2022 là năm tổng tiến công với việc phát triển các nền tảng số dùng chung quốc gia. Năm thứ tư 2023 là năm dữ liệu số. Đã đến lúc, và đã đủ điều kiện để CĐS quốc gia phải gắn với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội.

2. Kinh tế số là một mũi tên trúng hai đích, vừa tăng trưởng GDP, vừa tăng năng suất lao động

Kinh tế số (KTS) là một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng. KTS của Việt Nam đã chiếm 16,5% GDP, và luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn tăng trưởng GDP khoảng 3 lần. Nhưng đặc biệt, KTS còn giúp tăng năng suất lao động (NSLĐ), vốn là chỉ tiêu mà nhiều năm nay chúng ta chưa đạt được. KTS là một mũi tên trúng hai đích, vừa tăng trưởng GDP, vừa tăng NSLĐ.

Thủ tướng Chính phủ ngày 28/12/2023, trong phiên họp Tổng kết năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Uỷ ban Quốc gia về CĐS, đã định hướng CĐS cho năm 2024 là: Phát triển KTS với 4 trụ cột: Công nghiệp CNTT và truyền thông, Số hóa các ngành, Quản trị số và Dữ liệu số, tạo ra động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

3. Năm 2024 phổ cập hạ tầng số, thành tố nền tảng của CĐS

Năm 2024 cũng sẽ là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của CĐS, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới để tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.

Hạ tầng số Việt Nam bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT, hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ số như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng. Hạ tầng số Việt Nam thì phải dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Hạ tầng số Việt Nam thì phải dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

4. Báo chí vừa CĐS, vừa đảm bảo không gian mạng lành mạnh

Năm 2024 là năm lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông sẽ coi không gian mạng sẽ là mặt trận chính, với nhận thức thắng bại là ở đây, vừa là CĐS báo chí, vừa là đảm bảo không gian mạng lành mạnh, xử lý thông tin xấu độc trên mạng, quản lý các nền tảng số xuyên biên giới hoạt động ở Việt Nam thì phải tuân thủ luật pháp Việt Nam.

Báo chí, xuất bản và truyền thông sẽ lấy không gian mạng làm “trận địa” chính để phản ánh dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, lan tỏa năng lượng tích cực, quản lý không gian mạng lành mạnh, tạo đồng thuận xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

5. Năm dịch vụ công trực tuyến phải toàn trình và thực chất

Năm 2024 là năm dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) phải toàn trình và thực chất. DVCTT toàn trình tức là phải được làm từ nhà, từ xa, người dân không đến nộp hồ sơ tại trung tâm một cửa. DVCTT thực chất thì ít nhất phải có 70% người dân sử dụng. Năm 2023, chúng ta đã làm được một số DVCTT toàn trình và thực chất, thậm chí có đến 95% người dân sử dụng, tạo niềm tin và quyết tâm cho chúng ta làm mạnh mẽ trong năm 2024, để kết thúc giai đoạn chính phủ điện tử và thực sự bắt đầu chính phủ số ở Việt Nam.

Năm 2023, chúng ta đã làm được một số DVCTT toàn trình và thực chất, thậm chí có đến 95% người dân sử dụng, tạo niềm tin và quyết tâm cho chúng ta làm mạnh mẽ trong năm 2024, để kết thúc giai đoạn chính phủ điện tử và thực sự bắt đầu chính phủ số ở Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

6. Năm 2024 là năm ứng dụng mạnh mẽ AI và trợ lý ảo

AI thì càng nhiều dữ liệu càng thông minh, càng ít dữ liệu thì càng ngây ngô. Con người thì ngược lại, càng nhiều dữ liệu thì càng ngây ngô, càng ít dữ liệu thì càng thông minh. Vậy nên, cứ việc gì nhiều dữ liệu, nhiều giấy tờ văn bản, nhiều quy định thì hãy để máy tính làm. 120.000 văn bản thể chế trong hệ thống của chúng ta đã vượt quá khả năng xử lý của cá nhân. Và số lượng này đang tiếp tục tăng qua mỗi năm. Do vậy, lời giải duy nhất ở đây là hãy để AI xử lý số lớn, con người thì xử lý số nhỏ.

Số nhỏ thì cần nhiều sự tưởng tượng, cần nhiều sự sáng tạo và đó là thế mạnh của con người. Và con người mà làm việc này thì thấy hạnh phúc, vui vẻ làm. Số mà lớn thì con người luôn thấy không thoải mái khi làm, thấy vất vả khi làm, có xu thế thoái thác. Trước đây thì chẳng có cách nào, cứ phải cố mà làm thôi. Nay, đã có AI làm thay được, lại làm tốt hơn nhiều, vậy thì năm 2024 này, các bộ ngành và địa phương hãy dành sự quan tâm đặc biệt để chuyển những việc vất vả, khó khăn, tốn thời gian sang cho AI, giải phóng con người vào những việc thú vị hơn.

Một nền tảng làm việc số, hoặc một trợ lý ảo giúp việc cho cán bộ công chức, để ít nhất 70 - 90% công việc, những công việc đơn giản nhưng dữ liệu thì lại quá lớn, sẽ do trợ lý ảo làm hộ.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Một nền tảng làm việc số, hoặc một trợ lý ảo giúp việc cho cán bộ công chức, để ít nhất 70 - 90% công việc, những công việc đơn giản nhưng dữ liệu thì lại quá lớn, sẽ do trợ lý ảo làm hộ. Làm được như vậy thì NSLĐ tăng, chất lượng công việc tăng, công việc của con người thú vị hơn vì được tập trung vào việc mang tính sáng tạo. Bộ TT&TT đang chỉ đạo phát triển 4 trợ lý chính: Trợ lý ảo hỗ trợ cán bộ công chức; Trợ lý ảo phát hiện mâu thuẫn văn bản pháp luật; Trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân; Trợ lý ảo hỗ trợ thẩm phán (đã đưa vào sử dụng hơn một năm nay, giảm thời gian xử án 30%, và nâng cao chất lượng).

Với truyền thống Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình và phương châm Làm gương - Kỷ cương - Trọng tâm - Bứt phá và tinh thần nghĩ ngược lại và làm khác đi của thời CĐS, toàn ngành TT&TT quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ năm 2024 - năm tăng tốc, bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2020 - 2025.

Với truyền thống Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình và phương châm Làm gương - Kỷ cương - Trọng tâm - Bứt phá và tinh thần nghĩ ngược lại và làm khác đi của thời CĐS, toàn ngành TT&TT quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ năm 2024 - năm tăng tốc, bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2020 - 2025.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

---

* Tiêu đề do Tạp chí Thông tin và Truyền thông đặt.

(Trích các bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ TT&TT ngày 29/12/2023)

Xem thêm
Bài khác
Định hướng phát triển của ngành Thông tin và Truyền thông năm 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO