Diễn đàn

Công bố Quy hoạch hạ tầng TT&TT với các mục tiêu cao để phát triển KT-XH nhanh, bền vững

Hoàng Linh 23/02/2024 11:05

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh việc công bố quy hoạch để định hướng hạ tầng TT&TT trở thành hạ tầng của các hạ tầng kinh tế - xã hội (KT-XH), giúp thông minh hoá các hạ tầng KT-XH từ đó khai thác hiệu quả các nguồn lực phát triển, kiến tạo động lực mới nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn.

Ngày 11/01/2024, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã Quyết định số 36/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, hạ tầng TT&TT là hạ tầng cho chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, mở ra không gian phát triển mới cho kinh tế - xã hội (KT-XH), gắn kết sự phát triển trên không gian số với không gian phát triển vật lý truyền thống, tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hạ tầng TT&TT là một chỉnh thể thống nhất, hình thành trên cơ sở liên kết giữa mạng bưu chính, hạ tầng số, hạ tầng công nghiệp CNTT, các nền tảng CĐS quốc gia và hệ thống bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) mạng, an ninh mạng, tạo lập môi trường an toàn tin cậy cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số (KTS), xã hội số (XHS).

Định hướng hạ tầng TT&TT trở thành hạ tầng của các hạ tầng KT-XH, giúp thông minh hoá các hạ tầng

Phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch do Bộ TT&TT tổ chức sáng 23/2, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh: “Quy hoạch Ngành TT&TT có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng, thực hiện khâu đột phá chiến lược trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; giúp Nhà nước hoạch định không gian phát triển, thúc đẩy phát triển hạ tầng TT&TT phục vụ phát triển KT-XH; định hướng hạ tầng TT&TT trở thành hạ tầng của các hạ tầng KT-XH, giúp thông minh hoá các hạ tầng KT-XH từ đó khai thác hiệu quả các nguồn lực phát triển, kiến tạo động lực mới nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn".

tt-phan-tam.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm: định hướng hạ tầng TT&TT trở thành hạ tầng của các hạ tầng KT-XH, giúp thông minh hoá các hạ tầng KT-XH từ đó khai thác hiệu quả các nguồn lực phát triển, kiến tạo động lực mới nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH nhanh hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn.

Quy hoạch hạ tầng TT&TT được xây dựng trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều “biến động”, “không chắc chắn”, “phức tạp” và “mơ hồ” (bối cảnh VUCA), công nghệ số thay đổi hàng ngày và khó dự đoán, do vậy, Bộ TT&TT đã dự thảo Kế hoạch triển khai thực hiện chi tiết để đảm bảo quy hoạch được triển khai hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của xã hội nhưng chắc chắn vẫn sẽ cần sự nỗ lực, chủ động, tích cực, sáng tạo, kịp thời của các đơn vị chức năng của Bộ; các bộ, ngành Trung ương; các địa phương và các tổ chức, doanh nghiệp (DN) để cùng triển khai thực hiện.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Tâm kêu gọi sự đồng hành và hợp tác của tất cả các bộ, ngành Trung ương, các địa phương và các tổ chức, DN trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch.

Theo đó, các đơn vị thuộc Bộ TT&TT chủ trì thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo chức năng nhiệm vụ; chủ động phối hợp với các bộ ngành có liên quan, UBND các tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn triển khai các nội dung, giải pháp quy hoạch.

Viện Chiến lược TT&TT là đầu mối quản lý quy hoạch, tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống thông tin (HTTT) quản lý quy hoạch, kết nối với cơ sở dữ liệu (CSDL) quy hoạch quốc gia để chủ động theo dõi, kịp thời đánh giá, đề xuất điều chỉnh các nội dung quy hoạch đặt trong bối cảnh liên kết ngành, phù hợp với các quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành và quy hoạch tỉnh.

Thứ trưởng đề nghị cần chủ động phối hợp, tìm cách làm mới, tìm giải pháp hay trong triển khai. Đồng thời, muốn kịp thời thì số liệu quản lý quy hoạch “phải đúng”, “phải đầy đủ và toàn diện” và quan trọng nhất là hướng tới “dữ liệu thời gian thực, sống - real-time”, ứng dụng công nghệ số để cảnh báo tự động dựa trên các kịch bản để sẵn sàng cho sự biến động.

Thứ trưởng cũng đề nghị các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT triển khai các nội dung được giao trong quy hoạch, trọng tâm là xây dựng hệ thống công nghệ số, nền tảng số phục vụ CĐS ngành, lĩnh vực.

Hạ tầng TT&TT không chỉ là hạ tầng phục vụ sự phát triển của ngành TT&TT mà là hạ tầng của các hạ tầng, hạ tầng TT&TT cần phải được tích hợp vào các hạ tầng vật lý, các hạ tầng KT-XH khác để thông minh hoá các hạ tầng đó, để đồng bộ hoá hạ tầng KT-XH, có như vậy hạ tầng mới kiến tạo giá trị mới cho sự phát triển”.

Các Bộ, ngành chỉ đạo, hướng dẫn các DN ngành, đặc biệt các DN có vốn nhà nước tổ chức xây dựng, rà soát, cập nhật các nội dung chiến lược, quy hoạch và kế hoạch sản xuất kinh doanh để lồng ghép triển khai các nội dung trong quy hoạch, bố trí nguồn lực để thực hiện các nội dung tại quy hoạch này.

Thứ trưởng cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Cập nhật, bổ sung, lồng ghép các nội dung quy hoạch hạ tầng TT&TT để đồng bộ với quy hoạch tỉnh; xây dựng, lồng ghép các nội dung quy hoạch này vào các quy hoạch, kế hoạch, các dự án trên địa bàn để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ.

Tăng cường sử dụng chung cơ sở hạ tầng liên ngành, quản lý chặt chẽ quỹ đất phục vụ triển khai quy hoạch; Chủ động triển khai, ưu tiên ứng dụng công nghệ số, hạ tầng TT&TT, an toàn thông tin (ATTT) mạng... để nâng cao chất lượng lập, triển khai, quản lý các dự án nói riêng cũng như toàn bộ hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, phát triển và quản lý kết cấu hạ tầng, xây dựng đô thị thông minh...

toan-canh-cong-bo-ha-tang-tt-tt-23022024.jpg
Đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ ngành gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ KH&ĐT, các DN viễn thông và CNTT VNPT, MobiFone, ViettelNet, Viettel Post, CMC, FPT, VTC… tham dự Hội nghị công bố Quy hoạch.

Trong khi đó, đối với các tập đoàn, DN thuộc lĩnh vực TT&TT, Thứ trưởng đề nghị xây dựng kế hoạch hoặc lồng ghép, cập nhật các nội dung trong quy hoạch này vào chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển đảm bảo thực hiện các nội dung trong quy hoạch.

Cụ thể, cần tập trung nguồn lực triển khai hạ tầng bưu chính rộng khắp phục vụ thương mại điện tử (TMĐT), có công nghệ hiện đại, quy mô lớn, kết nối tối ưu, dùng chung để giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia;

Đẩy nhanh việc xây dựng Hạ tầng trung tâm dữ liệu (TTDL) và điện toán đám mây (ĐTĐM) vì đây sẽ là thành phần chính, quan trọng của hạ tầng số trong tương lai, hạ tầng TTDL và ĐTĐM phải xanh, kết nối đồng bộ, dữ liệu liên thông, quy mô lớn, do Việt Nam làm chủ và an toàn;

Ưu tiên tập trung nguồn lực phát triển các nền tảng số, đây là hạ tầng mới trên không gian mạng, phát triển các nền tảng số theo hướng làm trước, làm tốt, làm tập trung các nền tảng số có tính chất hạ tầng quy mô quốc gia phục vụ nhiều ứng dụng, dịch vụ, đóng vai trò là nền tảng số dùng chung cho nhiều lĩnh vực KTS, phục vụ các hoạt động thiết yếu của xã hội trên môi trường số.

Chú trọng triển khai các hệ thống, nền tảng bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) mạng, an ninh mạng cho người dân và bảo mật dữ liệu, giao dịch điện tử trên môi trường mạng, tạo lập niềm tin số, xây dựng môi trường mạng Việt Nam văn minh, lành mạnh, xây dựng được hệ thống Thế trận An ninh nhân dân trên không gian mạng.

Phát triển hạ tầng công nghiệp CNTT dựa trên các công nghệ số như AI, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây (ĐTĐM), Internet vạn vật...; tăng cường ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong mọi lĩnh vực của đời sống KT-XH để hình thành công nghiệp công nghệ số.

Đặt mục tiêu cao trong phát triển hạ tầng TT&TT

Công bố các nội dung chính của Quy hoạch, ông Trần Minh Tân, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược TT&TT cho biết Việt Nam đặt mục tiêu cao trong phát triển hạ tầng TT&TT, kiến tạo hạ tầng cho phát triển Chính phủ số, KTS, XHS.

ong-tran-minh-tan.jpg
Ông Trần Minh Tân công bố các nội dung chính của Quy hoạch

"Hạ tầng TT&TT là một chỉnh thể thống nhất trên cơ sở liên kết giữa mạng bưu chính, hạ tầng số, hạ tầng công nghiệp CNTT, các nền tảng CĐS quốc gia và hệ thống bảo đảm ATTT mạng, an ninh mạng", Phó Viện trưởng Trần Minh Tân nhấn mạnh.

Phát triển hạ tầng bưu chính đảm bảo vận hành dòng chảy vật chất của nền kinh tế

Theo quy hoạch, đến năm 2025, tổng năng lực khai thác phục vụ của mạng bưu chính đạt trên 93.000 tấn bưu gửi/ngày, thời gian giao hàng liên tỉnh và quốc tế (phần xử lý giữa các trung tâm) tối đa 5 ngày, thời gian giao hàng nội vùng tối đa 2 ngày; Hình thành 3 Trung tâm Bưu chính khu vực trên cả nước bảo đảm năng lực khai thác bình quân đạt trên 11.000 tấn bưu gửi/ngày, phạm vi phục vụ bình quân 350 km; Hình thành 14 Trung tâm Bưu chính vùng trên cả nước bảo đảm năng lực khai thác bình quân trên 4.500 tấn bưu gửi/ngày, phạm vi phục vụ bình quân 115 km.

Đến năm 2030, xây dựng 3 - 5 Trung tâm Bưu chính khu vực trên cả nước, năng lực khai thác bình quân của Trung tâm Bưu chính đạt trên 15.750 tấn bưu gửi/ngày; Các Trung tâm Bưu chính vùng có năng lực khai thác bình quân trên 5.000 tấn bưu gửi/ngày.

Viện Chiến lược TT&TT cũng nhấn mạnh: "Việc xây dựng, phát triển hạ tầng bưu chính theo hướng bảo đảm tính gắn kết giữa hạ tầng mạng lưới, hạ tầng số và hạ tầng dữ liệu để vận hành dòng chảy vật chất của nền kinh tế".

Đồng thời, "Lấy nền tảng số làm giải pháp đột phá để thay đổi cấu trúc tăng trưởng; hình thành và phát triển hạ tầng dữ liệu bưu chính theo hướng cơ quan nhà nước (CQNN) quản lý dữ liệu, mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở nhằm bảo đảm là cầu nối giữa thế giới thực và thế giới số, phục vụ công cuộc CĐS quốc gia, góp phần hình thành một Việt Nam số vào năm 2030".

Những mục tiêu trên nhằm phát triển bưu chính theo hướng mở rộng hệ sinh thái dịch vụ, mở rộng không gian hoạt động mới, bảo đảm mọi người dân trên cả nước đều có quyền được tiếp cận và sử dụng dịch vụ bưu chính ổn định, có chất lượng với giá cước hợp lý, chủ động tham gia cung ứng các dịch vụ hỗ trợ và thúc đẩy phát triển Chính phủ số, KTS và XHS.

Phát triển hạ tầng số để mỗi tổ chức, DN, người dân, hộ gia đình đều có kết nối Internet băng rộng, được sử dụng dịch vụ lưu trữ trên nền tảng ĐTĐM

Theo Quy hoạch, đến năm 2025, mạng băng rộng cố định bảo đảm 100% số hộ gia đình có khả năng tiếp cận cáp quang khi có nhu cầu với 90% người sử dụng có thể truy nhập Internet cố định, tốc độ trung bình 200 Mb/s; 90% các tổ chức KT-XH như DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học, bệnh viện, công sở tại khu vực thành thị có thể truy nhập Internet với tốc độ trung bình 01 Gb/s;

Mạng băng rộng di động tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 40 Mb/s cho mạng 4G và 100 Mb/s cho mạng 5G; 100% dân số ở độ tuổi trưởng thành có smartphone; 100% các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung, trung tâm nghiên cứu, phát triển, ĐMST có thể truy nhập Internet với tốc độ tối thiểu 1Gb/s;

100% các cơ quan Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến cấp xã được kết nối vào Mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước; 100% hạ tầng thiết yếu như giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị có khả năng tích hợp cảm biến và ứng dụng IoT;

100% cơ quan thuộc Chính phủ dùng hệ sinh thái ĐTĐM phục vụ Chính phủ số; 70% DN Việt Nam sử dụng dịch vụ ĐTĐM do DN trong nước cung cấp; Thực hiện triển khai, đầu tư thêm 2 - 4 tuyến cáp viễn thông quốc tế; Hình thành và triển khai các trung tâm dữ liệu (TTDL) quốc gia, tối thiểu 03 cụm TTDL đa mục tiêu cấp quốc gia, các cụm TTDL đa mục tiêu cấp vùng và 1 - 2 TTDL khu vực phục vụ nhu cầu của các trung tâm tài chính Việt Nam và cho khu vực, quốc tế.

Đến năm 2030: Mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số

Hạ tầng mạng truy cập băng rộng cố định được đầu tư, nâng cấp bảo đảm 100% người sử dụng có khả năng truy nhập với tốc độ trên 1Gb/s; Mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số, hướng tới phát triển mạng di động tiên tiến thế hệ tiếp theo; Phát triển thêm 4 - 6 tuyến cáp quang biển quốc tế;

100% CQNN, DN nhà nước và trên 50% người dân sử dụng các dịch vụ ĐTĐM do DN trong nước cung cấp; Phát triển các cụm TTDL quy mô lớn theo tiêu chuẩn xanh, kết nối và chia sẻ tạo thành mạng lưới các cụm TTDL nhằm thúc đẩy công nghiệp dữ liệu lớn, trong đó hình thành tối thiểu 03 cụm TTDL quốc gia theo quy định tại Nghị quyết số 175/NQ-CP ngày 30/10/2023 của Chính phủ về việc phê duyệt Đề án TTDL quốc gia.

Những mục tiêu trên nhằm hiện thực hóa định hướng hạ tầng số phải được xây dựng, phát triển để mỗi tổ chức, DN, người dân, hộ gia đình đều có kết nối Internet băng rộng, được sử dụng dịch vụ lưu trữ trên nền tảng ĐTĐM hiện đại và an toàn do DN trong nước cung cấp, làm chủ.

Bên cạnh đó, việc triển khai, đầu tư thêm tuyến cáp quang biển quốc tế nhằm đa dạng các hướng kết nối, cân bằng tải cho các tuyến cáp viễn thông trên biển hiện đang sử dụng, đảm bảo an toàn mạng lưới, tối ưu chất lượng dịch vụ, tiến tới làm trung gian trung chuyển lưu lượng Internet cho các nước trong khu vực. Việc quy hoạch hạ tầng TTDL phục vụ ĐTĐM đảm bảo tính sẵn sàng, khả năng đáp ứng quy mô thị trường ĐTĐM đạt 1% GDP Việt Nam vào năm 2050.

Hạ tầng ứng dụng CNTT đáp ứng mọi người dân tiếp cận các dịch vụ số tiên tiến

Cũng theo Quy hoạch, đến năm 2025, hạ tầng ứng dụng CNTT đạt và vượt các chỉ tiêu về ứng dụng CNTT tại phần 1, mục II, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, các chỉ tiêu tại mục III, Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” và các chỉ tiêu tại phần 1a, 2a, mục III, Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược quốc gia phát triển KTS và XHS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Đến năm 2030, các nền tảng số quy mô quốc gia được hoàn thiện, vận hành thông suốt đáp ứng được yêu cầu Chính phủ số, KTS, XHS; Mọi người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số tiên tiến với chất lượng cao, giá cước phù hợp.

Theo Viện Chiến lược TT&TT, "Mục tiêu tập trung vào phát triển nền tảng số, coi đây là giải pháp đột phá để thúc đẩy CĐS nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả".

ATTT mạng, an ninh mạng cho Chính phủ số, KTS và XHS

Theo Quy hoạch, đến năm 2025, 100% hệ thống thông tin (HTTT) của các CQNN được bảo đảm an toàn theo cấp độ HTTT; 100% bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện bảo đảm ATTT mạng theo mô hình 4 lớp; 100% thiết bị đầu cuối của các CQNN được cài đặt giải pháp bảo đảm ATTT mạng; 100% người sử dụng Internet được tiếp cận thông tin, tài liệu nâng cao nhận thức, kỹ năng và công cụ, dịch vụ ATTT mạng cơ bản;

Mỗi cơ quan, tổ chức, DN có tối thiểu 01 đơn vị chuyên nghiệp bảo vệ ATTT mạng, mỗi người dân có tối thiểu 01 công cụ bảo vệ ATTT tin mạng; Hệ sinh thái sản phẩm ATTT mạng Việt Nam đạt 100% chủng loại, phát triển từ 3 - 5 sản phẩm, dịch vụ ATTT trọng điểm, chiếm lĩnh thị trường trong nước, có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Đến năm 2030, Quy hoạch nêu rõ Việt Nam trở thành một trong những trung tâm bảo đảm ATTT mạng, an ninh mạng hàng đầu châu Á; Hình thành được thị trường về bảo đảm ATTT mạng, an ninh mạng, có sự cạnh tranh và ảnh hưởng trên toàn khu vực và thế giới; DN công nghệ số Việt Nam tận dụng các công nghệ nguồn mở để tự chủ công nghệ và phát triển, làm chủ thị trường ATTT mạng, an ninh mạng Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam phải trở thành cường quốc an toàn không gian mạng để bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia, bảo đảm an ninh thông tin, trật tự an toàn xã hội. An toàn không gian mạng cho tất cả, không ai bị bỏ lại phía sau; Phát huy sức mạnh của toàn thể xã hội bảo đảm an toàn không gian mạng quốc gia; Mọi tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ bảo đảm an toàn môi trường sống mới - môi trường mạng, trong đó cơ quan quản lý nhà nước giữ vai trò điều phối, gắn kết, chia sẻ thông tin.

Đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển về công nghệ số và bằng công nghệ số

Về công nghiệp CNTT, theo Quy hoạch, đến năm 2025, hình thành và triển khai đề án, dự án 12 - 14 khu CNTT tập trung và thành viên chuỗi khu công viên phần mềm. Đến năm 2030 hình thành 16 - 20 khu CNTT tập trung và thành viên chuỗi khu công viên phần mềm.

Theo đó, phát triển ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam theo tinh thần kết hợp tự cường và hợp tác quốc tế: Thiết kế, tích hợp, làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ, từ thị trường Việt Nam nhưng luôn hướng vào thị trường toàn cầu, góp phần đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển về công nghệ số và bằng công nghệ số.

Hạ tầng TT&TT đặt trong sự liên kết, đồng bộ nội ngành và liên ngành

Quy hoạch đã định hướng giải quyết các vấn đề liên quan đến sự liên kết, tính đồng bộ nội ngành và liên ngành và thúc đẩy phát triển các khu vực khó khăn, phát huy lợi thế vùng trên cả nước: Mạng bưu chính: liên kết với hạ tầng giao thông, logistics; Hệ thống truyền dẫn trục quốc gia chuyển dịch từ tập trung phát triển theo trục Bắc - Nam sang mở rộng phát triển theo trục Đông - Tây (quy hoạch tuyến cáp quang theo quy hoạch giao thông kết nối liên vùng, liên Á trên các hành lang kinh tế Đông - Tây);

Đồng thời, Quy hoạch TTDL đồng bộ, liên kết với quy hoạch năng lượng, giao thông, giáo dục;

Cùng với đó Quy hoạch Digital Hub đồng bộ với quy hoạch các khu vực kinh tế, khu vực trung tâm tài chính quốc tế: Digital Hub gắn với địa bàn thí điểm cơ chế đặc khu chính sách với định hướng TTDL khu vực và quốc tế. Quy hoạch các khu CNTT tập trung theo hướng hình thành các cụm liên kết ngành, nhóm sản phẩm chuyên môn hóa, hiệu quả cao và theo lợi thế của các địa phương, vùng, địa bàn trọng điểm đảm bảo sự phát triển bền vững của môi trường, KT-XH, quốc phòng, an ninh đồng thời đảm bảo việc sử dụng tài nguyên đất hiệu quả, đúng mục tiêu...)./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Công bố Quy hoạch hạ tầng TT&TT với các mục tiêu cao để phát triển KT-XH nhanh, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO