Ý tưởng bắt nguồn từ sức ép khủng hoảng
Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đã ảnh hưởng sâu sắc đến mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội nước ta thời điểm đó. Nhiều doanh nghiệp trong nước tăng trưởng chậm lại, thậm chí chỉ suy giảm. FPT cũng không nằm ngoài vòng xoáy khủng hoảng trên, đặc biệt nếu so với thời kỳ hoàng kim của chính tập đoàn CNTT – VT hàng đầu này của Việt Nam khi chính thức lên sàn chứng khoán 2 năm trước.
Vào một ngày trong năm khó khăn đó, tiến sỹ vật lý trẻ tuổi Trần Thế Trung, khi đó đang đảm nhiệm vị trí trưởng bộ môn toán tại ĐH FPT đã mạnh dạn gửi một bức “tâm thư” cho TS. Nguyễn Thành Nam (nguyên Tổng Giám đốc FPT) để chia sẻ những trăn trở về chiến lược phát triển của FPT, trong đó nhấn mạnh rằng FPT cần đầu tư cho công nghệ theo chiều sâu, bền vững hơn, thay vì mở rộng ra quá nhiều lĩnh vực kinh doanh (bao gồm cả lĩnh vực bên ngoài CNTT – VT). Tuy nhiên, phải đến năm 2009, những chia sẻ của TS.Trung mới được ban điều hành FPT thực sự quan tâm và thúc đẩy đưa vào thực tiễn, trong đó mong muốn đầu tiên là phải tận dụng được tối đa chất xám của ĐH FPT.
Kết quả là sau hành trình dài sau hơn 20 năm phát triển, FPT đã ghi dấu ấn với sự kiện, ngày 25/05/2010, Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT chính thức được ra mắt tại Đại học FPT. Nhận quyết định thành lập chính thức từ ngày 04/01/2010, Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT được Tập đoàn FPT tài trợ 100% vốn và do Đại học FPT trực tiếp quản lý.
Lễ ra mắt Viện nghiên cứu công nghệ FPT ngày 25/5/2010
TS. Trần Thế Trung (trái) và Chủ tịch HĐQT FPT - PGS.TS Trương Gia Bình(Ảnh: FPT)
TS.Trần Thế Trung chính thức nhận vị trí Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT. Cùng làm việc với TS. Trung là nhiều nhà khoa học, nghiên cứu sinh ở trong và ngoài FPT, như TS. Đinh Thành Trung, TS. Phạm Hùng Quý, TS. Phạm Xuân Hiếu, TS. Lê Hồng Phương...
TS.Trần Thế Trung nói “Việc thành lập Viện là một bước tiến quan trọng sau hơn 20 năm phát triển của Tập đoàn. Mặc dù ra đời sau nhưng với sự kết hợp giữa doanh nghiệp, nhà trường và khoa học công nghệ, Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT sẽ là điểm giao thoa, hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành nơi nghiên cứu ứng dụng những phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ, phục vụ cho sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước. Viện nghiên cứu công nghệ FPT mong muốn sẽ sớm mang lại những công nghệ mới, áp dụng hiệu quả cho Việt Nam nói chung và FPT nói riêng”.
Các hoạt động của Viện hiện nay tập trung vào phân tích dữ liệu lớn, mạng xã hội, điện toán di động, điện toán đám mây. Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT hiện là một môi trường gắn kết, thu hút và quy tụ được nhiều “chất xám” không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới để nghiên cứu và phát triển cho các ngành công nghiệp, đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế nước nhà.
Mô hình kết hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường
Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT được xây dựng dựa trên mô hình tham khảo từ viện nghiên cứu thuộc ĐH Stanford (Mỹ). Mặc dù vậy, TS. Trung cho biết, Viện không rập khuôn hoàn toàn theo mô hình của ĐH Stanford, mà có sự điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam và FPT. Ví dụ, các điều luật của ĐH Stanford liên quan đến bảo hộ trí tuệ rất chặt chẽ. Họ quy định tất cả các sáng chế, ý tưởng của các thành viên trong Viện nghiên cứu dù nảy sinh trong hoàn cảnh, địa điểm nào (nơi làm việc hay ở nhà) đều thuộc quyền sở hữu của Viện. Trong khi đó, do các điều luật tương đương tại Việt Nam chưa được quy định cụ thể, nên Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT chỉ nhấn mạnh vào quyền sở hữu chung đối với tất cả các sáng chế của nghiên cứu viên.
Điểm khác biệt lớn nhất nằm ở việc Viện chú trọng hơn đến tính công nghiệp, gắn các dự án nghiên cứu khoa học với nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp. “Các nghiên cứu viên phải báo cáo hàng tuần cho lãnh đạo Viện về kết quả nghiên cứu của dự án, cũng như khả năng đưa nghiên cứu này vào trong thực tiễn, có thể đo đếm được”, ông Trung chia sẻ. Ở điểm này, ngoài mô hình Viện nghiên cứu của ĐH Stanford, Viện Nghiên cứu FPT còn học hỏi mô hình từ Viện nghiên cứu nằm trong tập đoàn Google (mô hình Viện nghiên cứu trong doanh nghiệp).
Theo TS. Trung, mô hình của Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT đã kết hợp được những đặc tính ưu việt của hai mảng, gồm doanh nghiệp và giáo dục. Viện được thừa hưởng tính ứng dụng thực tiễn của doanh nghiệp (Tập đoàn FPT) và nguồn lực nghiên cứu tới từ sinh viên (Đại học FPT). Cụ thể, Viện sẽ có đủ ngân sách và các “bài toán” từ thực tiễn để nghiên cứu giải quyết. Qua đó hạn chế bớt những nghiên cứu thuộc diện không dùng được hoặc chưa biết ứng dụng vào đâu. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp (Tập đoàn FPT) sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường nhờ các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo độc quyền.
Thực tế, kể từ thời điểm thành lập, Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT đã nhận nhiều “đơn đặt hàng” từ các công ty thành viên trong Tập đoàn FPT để phát triển sản phẩm/ dịch vụ. Đơn cử như dự án xây dựng hệ thống quảng cáo thông minh e-Click AdNetwork cho FPT Online từ năm 2013, dựa trên nền công nghệ khai phá dữ liệu lớn và xử lý ngôn ngữ tự nhiên. e-Click hiện đã mang lại doanh thu mới, chiếm 5% trong tổng doanh thu quảng cáo trực tuyến của công ty.
Trong năm 2014, Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT sẽ được đầu tư 4 tỷ đồng để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học.
Con đường phía trước: Đẩy mạnh xin cấp bằng sáng chế độc quyền!
Cuối tháng 2 vừa qua, tập đoàn FPT đã chính thức công bố bằng sáng chế đầu tiên mang tên “Hệ thống nhận biết trạng thái các ngón tay di chuyển và nhấn trên vùng không gian ảo giới hạn” do Cục Sở hữu Trí tuệ (SHTT), thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp và bảo hộ. Đây là sáng chế đã được Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT hoàn thành và nộp đơn xin cấp từ tháng 11/2011.
Việc nhận bằng sáng chế này được coi như bước đầu tiên trong hành trình khẳng định năng lực nghiên cứu của Trường Đại học FPT, cũng như thể hiện mức độ chú trọng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu R&D (Research and Development - Nghiên cứu và Phát triển) của tập đoàn FPT. Sáng chế này đề cập đến thiết bị hỗ trợ người dùng tương tác, điều khiển máy tính và các máy móc có kết nối Internet (tivi thông minh – Smart TV, điện thoại thông minh – Smartphone, máy ATM…), thông qua các động tác chuyển động của ngón tay trong một vùng không gian phía trước thiết bị, thay vì phải dùng điều khiển hoặc bàn phím vật lý như hiện nay.
Định hướng chiến lược của Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT trong những năm sắp tới là đẩy mạnh các dự án nghiên cứu khoa học, đặc biệt liên quan đến công nghệ mới, như Mobility (Công nghệ di động), Cloud (Điện toán đám mây), Big Data (Dữ liệu lớn), Social (Mạng xã hội), trí tuệ nhân tạo… Việc xin cấp bằng sáng chế độc quyền sẽ giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững cho FPT tại thị trường trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Lâm Phương, Giám đốc Công nghệ tập đoàn FPTcho biết: “Việc Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT chính thức sở hữu bằng sáng chế đầu tiên sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho toàn bộ cán bộ công nghệ tham gia công tác nghiên cứu khoa học. Đồng thời, nó cũng khẳng định, FPT đang đi đúng hướng trong chiến lược trở thành Tập đoàn toàn cầu cung cấp dịch vụ thông minh (Global Leader in Smart Services) với xu hướng công nghệ S.M.A.C, gồm Social (Xã hội), Mobile (Di động), Analytics (Phân tích, dựa trên Dữ liệu lớn) và Cloud (Đám mây). Qua đó, giúp FPT tạo lợi thế cạnh tranh bền vững trên thị trường toàn cầu”.
Tính đến hết năm 2013, Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT đã nộp 25 bằng sáng chế lên Cục SHTT. Dự kiến trong năm 2014, Viện nghiên cứu Công nghệ FPT sẽ tiếp tục nộp thêm 18 sáng chế, cũng như trông đợi tiếp tục có thêm sáng chế được chính thức cấp bằng sở hữu trí tuệ. Trước đó, năm 2012, hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT cũng ghi dấu ấn với sự kiện chế tạo và thả ra ngoài vũ trụ vệ tinh F-1, vệ tinh cỡ nano tự chế đầu tiên của Việt Nam, từ trạm vũ trụ quốc tế ISS, mặc dù tiếc là vệ tinh đã mất tín hiệu sau khi được thả.