‘Việt Nam cần hệ thống rà quét tự động các nội dung xấu, độc với trẻ em’

Nguyễn Thảo| 16/06/2021 15:34
Theo dõi ICTVietnam trên

"Giải pháp công nghệ thứ 2 là hệ thống tự động rà quét, phát hiện ra các nội dung không phù hợp với trẻ em hoặc nội dung mà trong đó trẻ em là đối tượng bị xâm hại".

Vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đang ngày càng được đặt ra một cách cấp thiết hơn khi các vụ việc liên quan đến các thông tin xấu, độc trên môi trường mạng ngày càng phổ biến và có những tác hại có thể nhìn thấy rõ rệt.

Mới đây, ngày 1/6, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 830 phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”.

Báo VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Minh Tiến - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông về các giải pháp tương lai cho vấn đề này.

PV: Thời gian gần đây có khá nhiều vụ việc xảy ra trên không gian mạng (KGM) có ảnh hưởng trực tiếp tới trẻ em.

Là người đang trực tiếp thực hiện Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng (MTM)" (sau đây gọi tắt là Chương trình), ông đánh giá thế nào về tình trạng trẻ em hoạt động trên không gian mạng ở Việt Nam hiện nay? Đã có khảo sát nào về những thông tin mà trẻ em thường tìm kiếm trên mạng chưa?

Ông Hoàng Minh Tiến: Là người tham gia trực tiếp làm Chương trình, chúng tôi có làm việc với nhiều cơ quan, tổ chức trong nước cũng như quốc tế, chúng tôi nhận thấy ngày càng có nhiều vụ việc trẻ em là đối tượng bị xâm hại trên KGM, từ hình thức trực tiếp đến gián tiếp như vụ việc YouTuber Thơ Nguyễn hồi tháng 3.

Những nguy cơ tiềm tàng trên KGM rất đa dạng - từ lừa đảo, đánh cắp thông tin cá nhân cho tới lạm dụng tình dục, bắt nạt qua mạng (cyber-bullying).

Chính vì lý do này mà năm 2020, Cục An toàn thông tin (ATTT) đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ để xây dựng Chương trình.

- Ở Việt Nam hiện có những bộ luật/quy định nào để bảo vệ trẻ em trên KGM, thưa ông?

Trong quá trình xây dựng Chương trình này, chúng tôi thấy rằng hành lang pháp lý của chúng ta liên quan đến bảo vệ trẻ em trên KGM đã có ở mức cơ bản.

Cao nhất là chúng ta có Luật trẻ em, trong đó có điều luật về bảo vệ trẻ em trên KGM. Sau khi Luật trẻ em được ban hành thì năm 2017, Chính phủ có nghị định số 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều về trách nhiệm của các bên liên quan.

Tuy nhiên, bên cạnh hành lang pháp lý cơ bản, chúng ta cần chi tiết hóa hơn các điều luật đó thành các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để giao cho các bộ ngành liên quan.

Trong quá trình xây dựng Chương trình, chúng tôi cũng thấy còn nhiều nội dung khác cần nghiên cứu, đề xuất, phát hiện hóa thành hành lang pháp lý trong tương lai.

- Theo nghiên cứu của ban xây dựng Chương trình, các quốc gia phát triển đã có những biện pháp gì để bảo vệ trẻ em trên KGM mà hiện tại chúng ta chưa làm được, ở cả góc độ luật pháp lẫn các cơ quan bảo vệ trẻ em và phụ huynh?

Ở các nước phát triển, vấn đề trẻ em bị xâm hại, mua bán, bóc lột qua MTM đã diễn ra trong một thời gian dài. Bởi vì về mặt công nghệ, trên thế giới đã phát triển và đi trước chúng ta. Ở Việt Nam, hiện trạng này mới bắt đầu xuất hiện và nếu chúng ta không can thiệp kịp thời, sẽ trở thành một vấn đề lớn của xã hội.

Có một khuyến nghị về mặt pháp luật mà các chuyên gia trên thế giới đề xuất cho chúng ta, đó là hành vi lưu trữ những video, hình ảnh trong đó trẻ em là đối tượng bị xâm hại tình dục cũng nên bị quy vào hành vi xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự, chứ không chỉ truy cứu hành vi lan truyền, chia sẻ. Ở Việt Nam chúng ta chưa có quy định cụ thể về hành vi này.

- Theo ông, trách nhiệm này cần có sự chung tay của những cơ quan nào?

Một kinh nghiệm trong quá trình xây dựng Chương trình của Cục là việc này không chỉ riêng một bộ ngành nào có thể làm được một mình mà cần liên ngành.

Vì thế, khi Cục ATTT đề xuất và Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đứng ra làm đầu mối, chúng tôi đã nhận được sự tham gia rất tích cực của Bộ Giáo dục và Đào tạo - với vai trò giáo dục kỹ năng sử dụng Internet, Bộ Công an - với vai trò điều tra, xử lý các hành vi vi phạm và Bộ Lao đông, Thương binh và xã hội - cơ quan quản lý về trẻ em.

Đây là 4 Bộ đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ trẻ em trên KGM, trong đó Bộ TT&TT là cơ quan đầu mối phối hợp chặt chẽ với 3 Bộ còn lại. Ngoài ra còn có sự phối hợp của rất nhiều cơ quan đoàn thể như Trung ương đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…

Đặc biệt, chúng tôi cần sự phối hợp của chính quyền các địa phương.

Theo báo cáo chuyên đề của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội vào tháng 5/2020, Việt Nam có khoảng 24 triệu trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó 10% trong số đó không được đến trường. Vì vậy, các em sẽ khó hoặc không được tiếp cận những chương trình giáo dục về kỹ năng bảo vệ bản thân trên MTM.

Vì thế, chính quyền địa phương có vai trò rất quan trọng trong việc tiếp cận và phổ biến cho các em về các nguy cơ tiềm tàng trên KGM. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng bởi vì chúng ta không thể bỏ lại 10% trẻ em này.

‘Việt Nam cần hệ thống rà quét tự động các nội dung xấu, độc với trẻ em’ - Ảnh 1.

Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng là vấn đề đang được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Ảnh minh họa: iStock

- Như vậy, với vị trí là đơn vị đóng vai trò đầu mối và then chốt trong việc xây dựng Chương trình, Cục An toàn thông tin có đề xuất gì về mặt công nghệ để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ trẻ em trên KGM hiệu quả và tích cực hơn, thưa ông?

Về phía Cục ATTT, chúng tôi có đề xuất lãnh đạo Bộ 2 giải pháp về mặt công nghệ.

Một là, chúng ta cần đánh giá tổng thể xem vấn đề này đang diễn ra như thế nào ở Việt Nam. Nói cách khác, chúng ta phải có một hệ thống tiếp nhận tự động các phản ánh liên quan đến trẻ em có nguy cơ bị xâm hại hoặc có nội dung xấu độc trên MTM. Sau đó, chúng ta phải tổng hợp lại để biết rằng trong 1 tháng qua, 1 tuần qua có những phản ánh nào về vấn đề này.

Đây là một giải pháp công nghệ giúp cơ quan Nhà nước nhìn được bức tranh tổng thể vấn đề này, từ đó phân loại, xử lý các kiến nghị tốt hơn. Mạng lưới này sẽ có địa chỉ website, đường dây nóng, địa chỉ email để người dân, các cơ quan gửi thông tin tới.

Giải pháp công nghệ thứ 2 là hệ thống tự động rà quét, phát hiện ra các nội dung không phù hợp với trẻ em hoặc nội dung mà trong đó trẻ em là đối tượng bị xâm hại.

Đặc biệt, các công ty công nghệ hàng đầu về lưu trữ thông tin như Microsoft, Google đang đi tiên phong trong lĩnh vực này. Tức là các hình ảnh, video luôn tự động được rà quét, kiểm duyệt bằng công nghệ AI, Big Data để phát hiện ra trong clip ấy liệu có đối tượng trẻ em bị xâm hại hay có thông tin xấu độc hay không.

Nếu có, họ sẽ yêu cầu các nhà mạng, tổ chức liên quan xử lý chặn lọc những đường link hoặc video chứa hình ảnh đó. Đây là công nghệ đang được áp dụng tại các quốc gia đang phát triển.

Chúng ta cũng đang phối hợp với một số công ty về nhận diện hình ảnh, phân tích ngữ nghĩa để nghiên cứu triển khai một giải pháp công nghệ tương tự.

Song song với đó, chúng ta cũng đang đặt vấn đề với Microsoft, Google để được nghiên cứu, sử dụng những công nghệ của họ cũng như các cơ sở dữ liệu mà họ đã tạo lập được cho đến bây giờ.

Chúng tôi hi vọng trong quý 3 năm nay, việc phối hợp này sẽ có kết quả bước đầu.

- Hiện nay, có vẻ như việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng phụ thuộc chủ yếu vào sự kiểm soát, giám sát của phụ huynh với con em mình. Cục có kế hoạch gì để tăng cường giám sát nội dung của các kênh dành cho trẻ em?

Theo tôi, trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất vẫn là của gia đình. Bởi vì, chúng ta không thể kỳ vọng trẻ con nhận diện được cái gì là tốt, cái gì là không tốt trong một “biển” thông tin rộng lớn trên KGM - nơi chứa những nội dung mà thậm chí người lớn chúng ta còn đang tranh cãi.

Trách nhiệm tiếp sau đó là của các nhà cung cấp nền tảng nội dung như YouTube, Facebook, TikTok… Đây là những nền tảng cần có sự kiểm duyệt chặt chẽ.

Mới đây, sau các vụ việc như YouTuber Thơ Nguyễn trên TikTok, Timmy TV trên YouTube, Cục ATTT đã làm việc với đại diện các nền tảng này và cơ quan chức năng, thống nhất một số nội dung, trong đó có việc rà lại bộ tiêu chuẩn cộng đồng, đặc biệt là những nội dung có liên quan tới trẻ em. Tới đây, chúng tôi cũng sẽ làm việc với Facebook và Google về vấn đề này.

Tuy nhiên, nói một cách khách quan, các công ty như Facebook, Google hay TikTok đều là những đơn vị rất tích cực trong việc xử lý nội dung không phù hợp dành cho trẻ em. Họ là những người đi đầu trong việc nghiên cứu các công cụ tự động phát hiện, xử lý các nội dung không phù hợp với trẻ em cũng như huy động những nguồn lực rất lớn để có người kiểm duyệt trực tiếp.

Tất nhiên, chúng ta cũng không thể phụ thuộc hoàn toàn vào họ bởi vì văn hoá, thuần phong mỹ tục, đạo đức của mỗi quốc gia trên thế giới đều khác nhau. Vấn đề này vẫn phải có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng - đó là lý do Chương trình ra đời.

Ngay sau khi Chương trình được phê duyệt vào ngày 1/6, Bộ TT&TT đã triển khai một trong các nhiệm vụ quan trọng thuộc Chương trình là thành lập Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Nhiệm vụ chính của mạng lưới này là: Làm đầu mối tiếp nhận phản ánh về các nội dung không phù hợp, chuyển các cơ quan chức năng xử lý; thực hiện các chiến dịch tuyên truyền, nâng cao năng lực cho toàn xã hội về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; và tham gia xây dựng và phổ biến trong xã hội về bộ quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng./.

Bài liên quan
  • Bộ TT&TT ban hành "cẩm nang bảo vệ trẻ em trên không gian mạng"
    Bộ TT&TT ban hành “Bộ cẩm nang bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản, cốt lõi theo từng nhóm tuổi phù hợp để trẻ em tự bảo vệ bản thân và phụ huynh cùng tham gia bảo vệ con em mình sinh hoạt trên môi trường mạng.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
‘Việt Nam cần hệ thống rà quét tự động các nội dung xấu, độc với trẻ em’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO