Việt Nam có nhiều lợi thế trong quá trình chuyển đổi số
Theo đại diện Qualcomm, đôi khi phá bỏ cái cũ còn khá hơn là xây dựng mới ngay từ đầu, Việt Nam có thể dễ dàng ứng dụng những công nghệ mới nhất ngay từ khi bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, Việt Nam cần có những kế hoạch phát triển xa hơn trong tương lai.
Chia sẻ tại Talkshow The Next Power, TS. Trần Mỹ An - Phó Chủ tịch Kỹ thuật tập đoàn Qualcomm đã chia sẻ về những thời cơ và thách thức của quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam cùng những đóng góp của Qualcomm trong hành trình đầy thử thách này.
Bước chân vào thị trường Việt Nam vào năm 2003 với cam kết hỗ trợ phát triển công nghệ không dây ở Việt Nam, từ năm 2020 tập đoàn Qualcomm tăng cường mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số, hỗ trợ hệ sinh thái công nghệ tại thị trường 100 triệu dân này.
Tập đoàn Qualcomm hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cấp chuỗi giá trị thông qua việc hướng dẫn cho họ tự thiết kế và xây dựng các giải pháp công nghệ của riêng mình.
Thúc đẩy tốc độ chuyển đổi số tại Việt Nam
Đứng trước những thách thức buộc phải chuyển mình để phát triển, một số thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, đã và đang đạt được những thành tựu đáng mong đợi trong công cuộc chuyển đổi số.
"Việt Nam có rất nhiều khu vực chưa được xây dựng, nên chúng ta có thể ứng dụng những công nghệ mới nhất khi bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng ở đây. Đôi khi phá bỏ cái cũ còn khó hơn là xây mới ngay từ đầu. Tôi nghĩ Việt Nam có rất nhiều cơ hội, và hầu như không có hạn chế nào cả.”, TS. Trần Mỹ An chia sẻ về những lợi thế của Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số.
Nữ tiến sĩ cũng cho rằng khi xây dựng cơ sở hạ tầng hay ứng dụng một công nghệ mới, Việt Nam cần có những kế hoạch phát triển xa hơn trong tương lai. Khi áp dụng bất kỳ công nghệ tiên tiến nào vào các sản phẩm, dự án, cơ sở hạ tầng, các nhà đầu tư cần cân nhắc tính linh hoạt của công nghệ này cần phải đủ để nâng cấp về sau.
“Nếu chúng ta quá thiển cận và đưa vào một công nghệ mà không nâng cấp được hay không sử dụng được, thì quá trình loại bỏ nó lại rất tốn kém. Vậy nên đưa ra lựa chọn và đầu tư đúng đắn ngay từ ban đầu là điều rất quan trọng.”, TS. Mỹ An nhận định.
Đồng thời, khi càng nhiều công ty quy tụ về Việt Nam thì nhu cầu về cơ sở hạ tầng của họ càng tăng. Đây sẽ là cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam và cả Qualcomm trong thúc đẩy tăng tốc chuyển đổi số.
Là một đơn vị tiên phong trong lĩnh vực công nghệ hiện đại, tập đoàn Qualcomm khi tiến vào thị trường Việt đã đặt mục tiêu chia sẻ những công nghệ mà tập đoàn phát triển, thiết kế và xây dựng các giải pháp kỹ thuật với các doanh nghiệp Việt trong hệ sinh của công ty.
“Qualcomm cung cấp công nghệ có thể coi là nền tảng sử dụng được cho tất cả các lĩnh vực, từ IoT đến robotics, bắt đầu là từ 5G. Công nghệ này có thể sử dụng cho các nhà máy, quá trình tự động hóa, cho đến các thiết bị IoT sử dụng cho thành phố thông minh hay camera thông minh”, vị Phó Chủ tịch cho biết.
Tại thị trường Việt Nam, Qualcomm có riêng một đội ngũ nhằm cung cấp, thiết kế các giải pháp, sáng kiến công nghệ đặc thù cho các doanh nghiệp có mặt trong hệ sinh thái. TS. Mỹ An cũng bày tỏ ấn tượng với sự thân thiện, kiên cường của người lao động ở đất nước hình chữ S. Điều này có thể kể đến khi đội ngũ nhân viên tại đây đã có cú bắt tay hợp tác nhịp nhàng với đội ngũ Qualcomm tại San Diego để triển khai chương trình Thử thách Đổi mới sáng tạo Qualcomm (QVIC) tại Việt Nam nhằm hỗ trợ các startup Việt trên chặng đường đổi mới sáng tạo.
“Người Việt Nam luôn quyết tâm hoàn thành công việc một cách tốt nhất, không chỉ vì tiền lương mà còn vì niềm tự hào khi làm tốt công việc của mình”, nữ tiến sĩ cho biết.
Cũng theo chia sẻ của vị Phó Chủ tịch Kỹ thuật tập đoàn Qualcomm, các công nghệ mà doanh nghiệp vừa phát triển sẽ mang lại nhiều lợi ích cho quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, và tương lai sẽ rất đáng sống với sự phát triển của công nghệ./.