Blockchain sẽ thay thế những công nghệ đang áp dụng hiện nay
Với chuỗi khối (blockchain) và vũ trụ ảo (metaverse), bức tranh "the new Internet" (một Internet mới) đã rõ ràng hơn. Điều này thể hiện qua việc mới đây, Facebook đã đã đổi tên thành Meta - lấy cảm hứng từ metaverse, mô tả tầm nhìn làm việc và giải trí trong thế giới ảo của công ty trong thời gian tới. Không chỉ Facebook, các tập đoàn công nghệ hàng đầu cũng đã liên tục nhắc đến Metaverse.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, không phải ai cũng hiểu rõ về những công nghệ mới này sẽ thay thế và khác biệt so với những công nghệ hiện tại như thế nào. Dể dẫn chứng, ông Hùng cho rằng, công nghệ blockchain rất giống như WWW (World Wide Web) cách đây 20 năm.
Tại thời điểm đó, ông Hùng đã quyết định, xây dựng JoomlArt (giải pháp thiết kế giao diện web mẫu sử dụng mã nguồn mở Joomla nổi tiếng trên thế giới, từng mua lại Gavick’s Joomla & WordPress Template, đối thủ chính cạnh tranh suốt 10 năm - PV) với mô hình kinh doanh chính xoay quanh việc xây dựng trang web, kinh doanh cốt lõi (core business) xoay quanh website (thành phần chính của WWW), dù lúc đó không có bất kỳ ngân hàng nào ở Việt Nam có website. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 5-7 năm, tất cả các doanh nghiệp (DN), tổ chức đều phải xây dựng website, trong đó có hàng chục nghìn trang web sử dụng giải pháp của JoomlArt.
Tuy nhiên, những năm 2000, khi ông Hùng nói với mọi người về kế hoạch muốn xây dựng một nền tảng CMS để giúp các DN xây dựng trang web chạy trên WWW thì ai cũng hoài nghi, vì đến một email còn chưa có, và web là một khái niệm trừu tượng, thiếu thực tế. "Blockchain hiện nay cũng vậy, đến giờ cả những người được gọi là chuyên gia, học rộng biết nhiều vẫn lắc đầu ái ngại với blockchain, tiền ảo (crypto currency). Thậm chí nhiều người còn chế diễu blockchain vì tính vô dụng của nó và rất sợ từ crypto, vì nghĩ đó là thứ gì đó rất ảo, thậm chí là xấu xa", ông Hùng nói.
Về tiềm năng của blockchain, ông Hùng khẳng định, tất cả các công nghệ đang chạy trên Google Cloud, Amazon hay các trung tâm dữ liệu của Vietel, VNPT, FPT sẽ biến mất sau 10-15 năm nữa. Đồng thời, các ứng dụng của DN, ngân hàng, của chính phủ sẽ lần lượt buộc phải chuyển lên blockchain, hoặc private/public blockchain.
Tuy nhiên, có một vấn đề là chi phí chuyển đổi hiện tại đang khá cao, điều này giống như chi phí trang bị máy tính và Internet những năm 1995 - 2000. Mặc dù vậy, những DN nào làm được sớm, DN đó sẽ có lợi thế dẫn đầu. "Blockchain (Web3) sẽ thay thế toàn bộ WWW (Web2) sau giai đoạn bùng nổ chính thức 2025-2030", ông Hùng chia sẻ thêm.
Tương tự, ông Hùng đã dẫn chứng câu chuyện của metaverse với việc chiếc điện thoại đầu tiên được phát minh cách đây 145 năm. Trước năm 1876, việc một người có thể nghe giọng nói người khác cách hàng trăm, hàng nghìn km chắc là một chuyện vô cùng xa lạ và thậm chí là hoang đường, không có thật.
Metaverse hiện tại khá giống điện thoại những năm 1900 nhưng ông Hùng tin rằng chỉ khoảng 10 năm nữa, với bất kỳ loại kính mắt hay kính thời trang nào đều sẽ tích hợp VR và tai nghe, chỉ cần bật chế độ "meta" lên thì bạn có thể bước vào "metaverse" của riêng mình, hoàn hảo thêm một "thế giới song song" cùng không gian của thế giới bạn đang ăn, ngủ và trao đổi chất.
"Thế hệ Z có rất nhiều bạn chưa bao giờ nhìn thấy điện thoại cố định, nhưng Metaverse một lần nữa sẽ đưa loài người quay lại năm 1986. Chúng ta háo hức được nói chuyện với bạn mình ở nửa bên kia trái đất, nhưng lần này là ở vũ trụ song song", ông Hùng bày tỏ.
Lượng giao dịch của đồng tiền mã hoá Việt chiếm 70% tổng giao dịch toàn bộ thị trường chứng khoán
Theo Hùng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội có một không hai để trở thành nước mạnh về blockchain, gamefi (sự kết hợp game vào lĩnh vực tài chính), metaverse (vũ trụ ảo)... Bởi vì, Việt Nam đang có những tựa game hàng đầu thế giới về vốn hoá và sự phát triển vượt bậc bao gồm Axie Infinitive (với vốn hoá đạt trên 8 tỷ USD), Thetan Arena hay đặc biệt như Elemon, dù mới chào sàn một vài hôm nhưng đã đạt lượng giao dịch hơn 20 triệu USD/ngày.
Tương tự, hiện Việt Nam cũng có khá nhiều sản phẩm về Metaverse được đầu tư và phát triển một cách bài bản, nghiêm túc, có thể kể đến The Parallel gần đây là một hiện tượng.
"Nếu tính lượng giao dịch các đồng tiền mã hóa đến từ Việt Nam trên thế giới thì hiện đã chiếm hơn 70% tổng giao dịch của toàn bộ thị trường chứng khoán Việt Nam", ông Hùng nhấn mạnh.
Ngoài ra, chúng ta cũng có bệ phóng số một thế giới sẵn sàng cho hệ sinh thái, metaverse như GameFi, Kaistarter, KrystalGo, LuaStarter và sắp tới là LaunchVerse... "Nếu bất kỳ ai còn hoài nghi về vị trí số một của Việt Nam trên chặng đường này thì có thể lên Google tìm hiểu thêm về các thông tin tôi vừa nêu trên", ông Hùng bày tỏ.
Nói về những thuận lợi trong lĩnh vực blockchain, gamefi, metaverse, ông Hùng cho rằng, đầu tiên là việc Việt Nam đang hội tụ hàng ngàn studio games, mấy chục ngàn công ty, đơn vị đang tham gia vào lĩnh vực này. Chưa kể đến, Việt Nam cũng đang nằm trong top đầu thế giới về số lượng, chất lượng của các gamefi, có một đội ngũ lập trình blockchain khá đông đảo và đang phát triển rất nhanh. Ngoài ra sự chậm chạp của các nước láng giềng như Trung Quốc, Indonesia cũng đang cho Việt Nam những cơ hội rất tốt để phát triển mạnh mẽ hơn nữa hệ sinh thái này.
Tuy nhiên, điều khiến ông Hùng trăn trở nhất đó là các chương trình kiến tạo, sự kiện ở quy mô quốc tế tại Việt Nam chưa được thúc đẩy nhiều. "Chúng ta vẫn chưa coi blockchain, gamefi, metaverse là một mũi nhọn, một chiến lược mang tầm vóc quốc gia để có thể thu hút nhiều hơn nữa sự đầu tư về tiền hay các nguồn lực từ quốc tế", ông Hùng nói.
Cần thành lập Hiệp hội blockchain Việt Nam để thu hút thêm đầu tư
Để Việt Nam không lỡ "chuyến tàu" blockchain, gamefi, metaverse..., ông Hùng muốn các cơ quan quản lý có thêm các quyết sách về định hướng mở cửa hơn nữa để công nghệ blockchain, crypto currency có thể được trở nên phổ biến hơn, vì đây là những nền tảng công nghệ để thúc đẩy Gamefi, Metaverse.
Đồng thời thiết lập một chính sách thu hút thêm nhân sự giỏi, hình thành nên các tổ chức hỗ trợ xúc tiến phát triển công nghệ blockchain quốc gia. Nếu Việt Nam đã có Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) thì cũng đã đến lúc cần có thêm Hiệp hội blockchain Việt Nam. Bởi vì, theo ông Hùng, blockchain là chính là một loại hình Internet mới, công nghệ, cách thức hoạt động khác biệt khá nhiều với Internet cũ, do đó các chính sách, cách vận hành cũng vì thế có nhiều sự khác biệt.
Hiệp hội blockchain Việt Nam sẽ có nhiệm vụ là đi mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế đề đưa các sản phẩm Gamefi, Metaverse ra quốc tế. Từ đó thu hút thêm các nguồn vốn về đầu tư cho các dự án blockchain tại Việt Nam.
Tiếp theo, cơ quan quản lý cần đưa các công nghệ mới blockchain, tiền mã hóa, tokenomic (nền kinh tế token) vào giảng dạy ở các trường đại học song song với các khái niệm economics (kinh tế học) ở các trường đại học. Cơ quan quản lý cũng cần chỉ đạo thành lập nên một trường đại học Công nghệ chuyên sâu về Blockchain đầu tiên tại việt nam, trước mắt có thể hình thành các ban chuyên đề trong các trường đại học hiện tại. Hiện đã có RMIT và một số trường khối kinh tế làm khá tốt việc này.
Cuối cùng, ông Hùng kiến nghị các DN công nghệ đẩy mạnh việc nghiên cứu áp dụng blockchain thay thế dần các công nghệ số hiện nay.
Ông Đinh Viết Hùng không phải là một cái tên xa lạ trong giới công nghệ, ngoài JoomlArt, ông còn được biết đến với DesignBold, nền tảng từng được kỳ vọng trở thành "Flappy Bird" trong lĩnh vực công cụ thiết kế. Trước khi chính thức ra mắt năm 2016 tại Mỹ, DesignBold được thử nghiệm ở Israel, và chỉ trong 2 tuần đầu mở bán đã đạt 3.000 đơn hàng, tương đương doanh thu 117.000 USD và trở thành một "hiện tượng" của giới startup. Theo đánh giá của các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, giá trị của DesignBold không dưới 100 triệu USD.
Tuy nhiên, mới đây, ông Hùng đã quyết định đóng cửa nền tảng DesignBold sau 5 năm phát triển, để tập trung vào blockchain với Cộng đồng đầu tư công nghệ blockchain RADA và RADA LaunchVerse. RADA mong muốn xây dựng một cộng đồng chia sẻ cơ hội bình đẳng và thúc đẩy đầu tư blockchain lành mạnh cho mọi nhà đầu tư trong cộng đồng. Tầm nhìn của RADA là xây dựng cộng đồng triệu phú Blockchain lớn nhất Việt Nam (Vietnam Millionaires Blockchain Club) và sau đó là lớn nhất thế giới.
Lý giải về quyết định này, ông Hùng cho rằng, bí kíp thành công của ông trong những năm qua đó là làm việc chăm chỉ và sự tập trung cao độ vào lĩnh vực mình làm. "Vậy nếu không dám từ bỏ những thứ đã có để dành sự tập trung 1000 lần, liệu cơ hội thành công sẽ là bao nhiêu, nhất là khi tốc độ và cường độ làm việc với công nghệ mới như blockchain gấp khoảng 5 lần thế giới công nghệ mà tôi đã trải qua", ông Hùng khẳng định./.