Các đại biểu trong một hoạt động của Hội nghị. |
Tham dự Hội nghị có đại diện 10 nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN.
Đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các nội dung của Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN về lao động (SLOM), đồng thời nêu những ưu tiên hợp tác của Việt Nam trong các lĩnh vực: an sinh xã hội; lao động - việc làm; thị trường lao động và dịch chuyển lao động; an toàn vệ sinh lao động; lồng ghép giới trong chính sách lao động và hướng tới việc làm bền vững cho tất cả mọi người.
SLOM được tổ chức hằng năm nhằm kiểm điểm lại tình hình thực hiện các hoạt động thuộc ba nhóm công tác của SLOM bao gồm: Nhóm công tác về các điển hình lao động tiên tiến nhằm tăng cường tính cạnh tranh trong ASEAN (SLOM-WG); Ủy ban ASEAN thực hiện Tuyên bố Cebu về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư (ACMW) và Mạng Thông tin an toàn vệ sinh lao động.
Ngoài ra, hội nghị còn diễn ra phiên họp mở nhằm kiểm điểm tình hình hợp tác với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Di cư quốc tế (IOM).
Năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện các kế hoạch công tác giai đoạn 2010-2015. Do đó, cuộc họp năm nay không chỉ đánh giá lại hoạt động của riêng năm 2015 mà còn trao đổi, thảo luận về một số nội dung liên quan tới giai đoạn tiếp theo sau thời điểm 2015.
Nội dung chính bao gồm hoàn thiện dự thảo Kế hoạch công tác của các Bộ trưởng Lao động ASEAN (ALM-WP) 2016-2020 và hoàn thiện Kế hoạch làm việc của Nhóm công tác (SLOM-WG) 2016-2020.
Hai kế hoạch công tác trên đã được dự thảo tại cuộc họp xây dựng kế hoạch tại Chiang Mai vào tháng 3 năm nay.
Kết thúc hội nghị, các đại biểu đã nhất trí thông qua hai kế hoạch công tác trên, đồng thời các nước cũng khẳng định vai trò chủ trì, cam kết nỗ lực nhằm thực hiện các hoạt động thuộc Kế hoạch làm việc Nhóm SLOM-WG.
Riêng tám chủ đề thuộc Chương trình làm việc của ALM-WP 2016-2020, các quốc gia thành viên sẽ khẳng định vai trò đầu mối trong thời gian hai tháng tới. Nội dung của hai kế hoạch công tác trên có phần tương đồng với nội dung của tài liệu định hướng của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC) 2016-2020 nhằm thay thế cho Kế hoạch tổng thể ASCC 2009-2015 hiện tại.
Một nội dung quan trọng được xem xét là hoàn thiện Dự thảo văn kiện ASEAN nhằm thực hiện Tuyên bố của các nhà lãnh đạo ASEAN trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư. Hiện 85% nội dung văn kiện đã hoàn thành. Tuy nhiên, 15% nội dung vẫn chưa được giải quyết, do còn có ý kiến khác nhau giữa các nước như phạm vi đối tượng, tính ràng buộc của văn kiện…
Theo đề xuất của Philippines được các nước thành viên đồng thuận, trừ Indonesia, ban soạn thảo sẽ tiến hành một đến hai cuộc họp, với sự tham gia của cấp quan chức cấp cao (SLOM) để tiếp tục hoàn thiện văn kiện; đồng thời các nước cũng lưu ý về cách thức hoàn thiện văn kiện làm thế nào để có thể thực hiện một cách hiệu quả nhất, tránh lãng phí thời gian và nguồn lực.
Dự kiến, cuộc họp này sẽ được tiến hành bên lề Cuộc họp Ủy ban ACMW lần thứ 7 diễn ra vào tháng 10 năm nay tại Malaysia nhằm xây dựng Kế hoạch công tác của Ủy ban ACMW giai đoạn 2016-2020. Điều này một lần nữa thể hiện cam kết và nỗ lực của các nước thành viên, đồng thời nhằm thực hiện ý kiến chỉ đạo của các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26 và Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 23 trong việc sớm hoàn thiện văn kiện để có thể tạo thêm một cơ sở pháp lý nhằm bảo vệ tốt hơn người lao động di cư trong khu vực.