Việt Nam hợp tác với Thụy Điển bắt nhịp cuộc CMCN 4.0

Lan Phương| 07/05/2019 16:50
Theo dõi ICTVietnam trên

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng đây là thời điểm vàng để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương Việt Nam - Thụy Điển. Thụy Điển là quốc gia giàu kinh nghiệm, có các các tập đoàn công nghệ hàng đầu.

Ngày 7/5/2019, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree cùng tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam - Thụy Điển.

Diễn đàn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam phối hợp tổ chức nhân chuyến thăm Việt Nam của Công chúa kế vị Victoria Ingrid Alice Desiree và Phu quân đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định trong nửa thế kỷ qua, quan hệ hữu nghị  Việt Nam - Thụy Điển đã trải qua nhiều thử thách và không ngừng phát triển.

Việt Nam luôn trân trọng sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của Hoàng gia, Chính phủ và nhân dân Thụy Điển cho công cuộc thống nhất đất nước và phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giúp Việt Nam sớm hoàn thành nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc.

Nhiều công trình do Thụy Điển giúp xây dựng đã trở thành biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai dân tộc như Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội, Nhà máy giấy Bãi Bằng, Bệnh viện Uông Bí.

Ngày nay, quan hệ hai nước đã bước sang giai đoạn mới dựa trên nền tảng đối tác bình đẳng và Thụy Điển là đối tác quan trọng, tin cậy của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU).

Kim ngạch thương mại hai nước liên tục tăng trưởng tốt, năm 2018 đạt 1,5 tỷ USD. Thụy Điển có 67 dự án đầu tư ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký 364 triệu USD, đứng thứ 34/130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Nhiều tập đoàn lớn của Thụy Điển đang kinh doanh thành công tại Việt Nam như ABB, Ericsson, Volvo, Tetra Pak, Electrolux… Các tên tuổi như H&M, Spotify, Skype hay IKEA đang trở nên rất quen thuộc với người Việt Nam. Có thể nói, về tổng thể, quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - Thụy Điển ngày càng phát triển sâu rộng.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, hợp tác giữa hai nước còn nhiều tiềm năng và đây là thời điểm vàng để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương nói chung và hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước nói riêng.

Về phía Việt Nam, nền kinh tế đang được cải thiện theo hướng cởi mở, thông thoáng hơn, hệ thống pháp luật, chính sách ổn định, minh bạch hơn và sẽ tiếp tục là điểm đến thu hút được nhiều nhà đầu tư khắp nơi trên thế giới nói chung, cũng như từ EU và Thụy Điển nói riêng.

Việt Nam mong muốn hợp tác, học hỏi kinh nghiệm từ những quốc gia giàu kinh nghiệm, các tập đoàn công nghệ hàng đầu để bắt nhịp được với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang từng ngày, từng giờ lan tỏa vào từng khía cạnh của đời sống.

Thụy Điển có lợi thế lớn là sở hữu những kinh nghiệm phát triển hàng trăm năm với nhiều tập đoàn có tên tuổi như Ericsson, Volvo, ABB, Electrolux, IKEA, Husqvarna, H&M, Tetra pak´s… và đó là điều mà Việt Nam muốn học hỏi và hợp tác với Thụy Điển.

Bên cạnh đó, hợp tác kinh tế Việt Nam - Thụy Điển phù hợp với xu thế tự do hóa thương mại, phù hợp với nền tảng liên kết kinh tế chặt chẽ của châu Âu và sự phát triển năng động của khu vực châu Á -Thái Bình Dương.

Việt Nam ủng hộ thương mại tự do, tôn trọng luật pháp quốc tế và các thể chế thương mại đa phương, là thành viên tích cực của Cộng đồng kinh tế ASEAN với một thị trường hơn 600 triệu dân; đang tham gia và gắn kết chặt chẽ với các nền kinh tế khu vực và toàn cầu, nhất là triển khai Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thúc đẩy Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Phó Thủ tướng tin rằng các DN Thụy Điển có mặt tại đây hôm nay đều hào hứng đón đầu những cơ hội mà EVFTA mang lại.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị Chính phủ và các DN Thụy Điển tiếp tục tác động và có tiếng nói mạnh mẽ để thúc đẩy sớm ký kết và phê chuẩn EVFTA, vì lợi ích chung của hai nước.

Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree

Tại Diễn đàn, Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree khẳng định mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Thụy Điển là mối quan hệ lâu dài, truyền thống, tôn trọng lẫn nhau. Hiện nay, hai nước là những đối tác thương mại và tin cậy.

Công chúa bày tỏ sự ủng hộ đối với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc và Việt Nam đặt mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030. Sự phát triển bền vững và thương mại cần gắn kết, thúc đẩy phát triển lâu dài cho hành tinh chúng ta.

Sự phát triển kinh tế cũng tạo ra những thách thức về ô nhiễm môi trường, khí thải carbon, áp lực cho hạ tầng, chất thải nhựa… nhưng cũng tạo nguồn lực mới, để chuyển giao sang xã hội bền vững và phát triển hơn. Diễn đàn sẽ là cơ hội để DN hai nước tăng cường hợp tác phát triển bền vững.

DN Thụy Điển đóng góp tích cực cho sự phát triển của Việt Nam

Tại Diễn đàn, đại diện của các công ty nổi tiếng của Thuỵ Điển như IKEA, ABB, Ericsson… đã chia sẻ về những đổi mới sáng tạo, đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam.

CEO của Tập đoàn IKEA Torbjörn Lööf cho biết: IKEA là tập đoàn nổi tiếng về đồ dùng gia đình trên thế giới với nhiều ý tưởng sáng tạo. IKEA đã có nhiều hợp tác với Việt Nam trong việc phát triển các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường, được sử dụng lâu dài.

IKEA hiện đã có ứng dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) để người dùng có thử lắp đặt đồ đạc của IKEA trong ngôi nhà của mình xem có phù hợp không. Đây là một sự sáng tạo trong việc lắp đặt đồ dùng gia đình.

Tầm nhìn của IKIEA là “To create a better every day life for the many people” (Tạm dịch: Sáng tạo để cuộc sống mỗi ngày tốt đẹp hơn cho nhiều người”). Theo đó, IKEA luôn chào đón ý tưởng mới từ những người trẻ. Bên cạnh đó, bất cứ việc gì tại IKEA cũng phải được thực hiện mang tính dài hạn. “Kinh nghiệm này được IKEA cho rằng rất cần thiết cho DN khởi nghiệp”.

Trong khi đó, Tổng giám đốc Ericsson tại Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào - ông Denis Brunetti cho biết: Ericsson đã cùng đồng hành với Việt Nam phát triển mạng viễn thông di động 2G, 3G, 4G và nay là 5G, đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam trong suốt hơn 20 năm qua.

Trong cuộc CMCN 4.0 nhiều nghề nghiệp sẽ biến mất nhưng cũng có nhiều nghề mới xuất hiện. Phụ nữ có thể tham gia vào nhiều nghề nghiệp mới về IoT, khoa học dữ liệu. Điều quan trọng là hỗ trợ, trang bị cho họ các kỹ năng. Ericsson đang hợp tác với Đại học Bách khoa đào tạo cử nhân IoT, khoa học dữ liệu và mong muốn có nhiều phụ nữ Việt Nam tiếp cận ngành ICT, IoT, khoa học dữ liệu.

Ericsson cùng với ABB cũng dành nhiều nguồn lực cho R&D. Ericsson đang tập trung vào các công nghệ tiên tiến IoT,  máy học và hỗ trợ ABB áp dụng robot trong các nhà máy. Hãng còn đang hợp tác với Việt Nam xây dựng mạng 5G theo hướng đơn giản, an toàn, thông minh, phủ khắp trên cả nước.

Tổng giám đốc Ericsson nhấn mạnh: “Từ ngành di động sẽ làm lan toả CMCN 4.0 sang các ngành/lĩnh vực sản xuất, du lịch, y tế, giáo dụ, giao thông... Nếu áp dụng công nghệ Việt Nam có thể phát triển bền vững, để không ai bị bỏ lại phía sau”.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam hợp tác với Thụy Điển bắt nhịp cuộc CMCN 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO