Việt Nam - Israel kết nối hợp tác an toàn, an ninh mạng

Đỗ Thêu| 01/08/2018 14:47
Theo dõi ICTVietnam trên

Với bề dày 25 năm hợp tác Việt Nam và Israel, các tổ chức và doanh nghiệp hai nước đã đạt được những kết quả ấn tượng, trong đó có lĩnh vực an toàn, an ninh mạng.

Vừa qua, tại Hà Nội, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam, Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel phối hợp với Viện Xuất khẩu và Hợp tác Quốc tế Israel cùng Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA) tổ chức Hội thảo “Israel - Từ quốc gia khởi nghiệp trở thành quốc gia hàng đầu về an toàn, an ninh mạng” với sự góp mặt của 11 công ty hàng đầu và hai chuyên gia từ Cơ quan Mạng quốc gia Israel.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Quốc Khánh, Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam nhấn mạnh trong 25 năm qua với quan hệ hợp tác của Việt Nam và Israel nói chung, các tổ chức và doanh nghiệp hai nước nói riêng đã đạt được những kết quả ấn tượng, trong đó có lĩnh vực an toàn, an ninh mạng và an ninh quốc phòng. Ở tầm quốc gia, lãnh đạo chính phủ Việt Nam và chính phủ Israel đã có nhiều quan điểm thống nhất trong việc hợp tác phát triển lĩnh vực khoa học công nghệ và phòng chống các nguy cơ trên không gian mạng. Trong thực tế, nhiều sản phẩm giải pháp an toàn, an ninh mạng từ các công ty hàng đầu của Israel đã được sử dụng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đã có dịp tìm hiểu về công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm về an toàn thông tin của đất nước Israel. "Phát huy mối quan hệ tốt đẹp đó, chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng doanh nghiệp, đối tác Việt Nam và doanh nghiệp Israel sẽ trao thông tin, chia sẻ kiến thức, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng", ông Khánh cho biết.

Toàn cảnh Hội thảo

Việt Nam được đánh giá là một “vùng trũng” về an toàn thông tin mạng, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2018 hơn 735.000 máy tính của Việt Nam bị nhiễm mã độc, nằm trong top 10 quốc gia bị kiểm soát bởi máy tính ma, có điểm yếu về lộ thông tin Facebook, phát tán thư rác, SIM rác…, các vụ tấn công an ninh mạng có chiều hướng gia tăng, tình trạng đánh cắp thông tin bằng website giả mạo ngày càng phổ biến.

Trên 50% cơ quan, tổ chức Việt Nam thường không phát hiện được kịp thời các vụ tấn công mạng. Các kiểu tấn công mạng phổ biến ở Việt Nam là sử dụng các mã độc hại tấn công vào các cơ sở nhà nước, tấn công SIM cá nhân, tài khoản, mật khẩu của người dùng, tấn công vào điểm yếu của hệ thống để làm phá hoại chức năng kiểm soát, làm chủ hệ thống đó. Hiện nay có hàng triệu máy tính của Việt Nam bị nhiễm mã độc. Hàng tháng, có khoảng 82 triệu mối đe dọa đối với người dùng Internet tại Việt Nam.

Nói về an toàn thông tin mạng trong tình hình hiện nay, ông Yaniv Tessel, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam nhấn mạnh: "Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang đối mặt với mối đe dọa về an ninh mạng cũng như những nguy cơ tiềm ẩn việc dò rỉ thông tin, mất dữ liệu, không đảm bảo an toàn an ninh mạng. Những mối đe dọa này đều ở cấp độ quốc tế, gây lo ngại rất lớn đối với tổ chức, cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội".

Do vậy, các tổ chức, cơ quan, đơn vị dù nhỏ hay lớn đều phải có chiến lược an ninh mạng của riêng mình để đối phó với mối đe dọa đó. Đồng thời, yêu cầu những giải pháp công nghệ cao để ứng phó trong môi trường mạng.

Theo ông Yaniv Tessel, nhà nước Israel đã xây dựng được một hệ sinh thái về an ninh mạng độc đáo với sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ Israel, kết nối với các doanh nghiệp. Nhờ vậy, Israel đã trở thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực an ninh mạng.

Trong khi đó, bà Ruth Shoham, Giám đốc Chiến lược và Phát triển Năng lực, Cơ quan An ninh mạng quốc gia Israel cho biết: An ninh mạng là lĩnh vực được chú trọng đầu tư, phát triển và được các doanh nghiệp của nước này quan tâm. Chiến lược an ninh mạng của Israel có ba lớp khác nhau gồm: Ổn định bền vững (Khả năng thực hiện không bị thất bại, bằng cách đẩy lùi và xử lý các mối nguy hại về an ninh mạng); Phản ứng linh hoạt (Khả năng định hướng theo hệ thống để xử lý các cuộc tấn công nhằm lấy lại toàn bộ chức năng bình thường); Tính phòng thủ (Sự nỗ lực quốc gia trong việc chống lại các mối đe dọa an ninh mạng tinh vi). 

Hiện nay, với sự bùng nổ của CNTT, con người sống và hoạt động trong không gian mạng ảo, nơi mang lại tiềm năng lớn để phát triển kinh tế - xã hội cũng như tiềm ẩn những mối đe dọa về an ninh, an toàn không gian mạng, gây tổn thất nghiêm trọng đến tiềm lực kinh tế, tài chính cũng như đời sống xã hội. Do đó, trong kỷ nguyên số, vấn đề an toàn an ninh mạng cần được xem là “lá chắn” sống còn đối với các quốc gia. Để có thể bảo vệ tối ưu môi trường không gian mạng cần liên tục dự đoán được xu hướng phát triển về công nghệ bao gồm: Điện toán đám mây, ảo hóa, trí tuệ nhân tạo, nhận dạng sinh trắc học, Internet kết nối vạn vật (IoT)… Đồng thời cần đưa ra được những giải pháp tổng thể, ban hàng quy chế, xây dựng quy trình đảm bảo an toàn thông tin mạng.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam - Israel kết nối hợp tác an toàn, an ninh mạng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO