Kinh tế

Việt Nam khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu

TQ 28/09/2024 16:13

Hiện nay Việt Nam đã và đang trở thành trung tâm sản xuất và dịch vụ năng động trong khu vực Đông Nam Á. Các hiệp định thương mại tự do và chính sách cải cách liên tục là động lực quan trọng giúp Việt Nam khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế toàn cầu, trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, là điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Việt Nam đã từ một nền kinh tế nông nghiệp tập trung, biệt lập thành một trung tâm sản xuất và dịch vụ năng động trong vòng 3 thập kỷ. Việt Nam cũng đang được đánh giá là một nước điển hình chuyển đổi thành công nhất về quá trình chuyển đổi kinh tế ở châu Á.

Nhấn mạnh tại phiên làm việc với Giáo sư Klaus Schwab, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và khoảng 20 lãnh đạo các tập đoàn lớn của WEF tại thành phố Đại Liên, Trung Quốc hồi tháng 6/2024. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định về những quyết tâm, định hướng của Việt Nam trong chính sách phát triển kinh tế thời gian tới.

Thủ tướng nêu rõ Việt Nam ưu tiên cho tăng trưởng với các nhóm giải pháp lớn như thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ và giữ ổn định tỷ giá phù hợp. Phối hợp đồng bộ, hài hoà với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, tiếp tục miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và đẩy mạnh đầu tư công.

Về chính sách thương mại Việt Nam chủ trương đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, khai thác hiệu quả các FTA đã có, các thị trường truyền thống và mở rộng các thị trường mới, ủng hộ thúc đẩy tự do hóa thương mại.

1-2457.jpg
Toàn cảnh Phiên thảo luận

Cùng với đó Việt Nam tập trung đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực. Trong đó, xác định thể chế cũng là nguồn lực, động lực cho sự phát triển, Thủ tướng cho biết sẽ sớm thành lập Ban chỉ đạo rà soát, tháo gỡ các vướng mắc, điểm nghẽn về cơ chế, chính sách do chính Thủ tướng đứng đầu, đồng thời các Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo rà soát, xây dựng, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực phụ trách.

Về hạ tầng Việt Nam phát triển đồng bộ cả hạ tầng cứng (giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, trong đó có các trung tâm, cơ sở dữ liệu quốc gia, hạ tầng phát triển xanh, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu) và hạ tầng mềm.

Về nhân lực, với quan điểm coi con người là trung tâm, chủ thế, là mục tiêu, nguồn lực, động lực phát triển, Việt Nam chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Việt Nam tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, với các lĩnh vực ưu tiên là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức. Đây cũng là những lĩnh vực đang là xu thế phát triển của thế giới.

Khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu

Vừa qua nhiều tổ chức quốc tế đã đưa ra những đánh giá tích cực về quá trình chuyển đổi và phát triển kinh tế của Việt Nam. Từ đó nhận định được vị trí nền kinh tế của nước ta trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo trang East Asia Forum (Australia) ngày 3/9 đã có bài nhận định Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nhất về quá trình chuyển đổi kinh tế ở châu Á, chuyển đổi từ một nền kinh tế nông nghiệp tập trung, biệt lập thành một trung tâm sản xuất và dịch vụ năng động trong vòng 3 thập kỷ. Việt Nam có các chính sách cải cách đổi mới khởi xướng từ năm 1986. Từ đó đã tạo nền tảng cho sự thay đổi và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng sau đó, cùng với sự mở rộng trong thương mại và đầu tư, đã mang lại những cải thiện chưa từng có về điều kiện xã hội và kinh tế.

Để thúc đẩy cải cách, Việt Nam đã tích cực theo đuổi các hiệp định thương mại tự do FTA song phương và đa phương. Việt Nam hiện có 16 FTA và đang đàm phán 3 FTA. Việt Nam là minh chứng cho việc các FTA hiện đại như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) có thể duy trì động lực cải cách.

picture2.png
Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều chuỗi giá trị toàn cầu

Cũng theo trang web của nhóm quan sát Red Lantern Analytica (Ấn Độ) ngày 17/9 đánh giá, thông qua các cải cách kinh tế, Việt Nam đã khẳng định vị thế là một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, có sức ảnh hưởng đến những động lực kinh tế khu vực và thế giới.

Bài viết nhận định Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là trong các ngành sản xuất và xuất khẩu, với các ngành trọng điểm bao gồm dệt may, điện tử và kỹ thuật. Việt Nam đã khẳng định vị thế là đối thủ cạnh tranh nhờ lợi thế về chi phí, vị trí chiến lược và cơ sở hạ tầng được cải thiện. Các Hiệp định CPTPP và EVFTA là những minh chứng về các hiệp định đã giúp Việt Nam tăng khả năng tiếp cận thị trường và hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hiện nay Việt Nam đang chú trọng cải thiện hạ tầng, bao gồm cả cảng biển và logistics, điều này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam ngày càng củng cố vai trò là trung tâm sản xuất và tăng cường sức hấp dẫn với tư cách điểm đến đầu tư.

Red Lantern Analytica cũng nhận định về Việt Nam có cơ hội đa dạng hóa cơ sở công nghiệp và thăng hạng trong chuỗi giá trị. Đầu tư vào các ngành có giá trị gia tăng cao như công nghệ và sản xuất tiên tiến có thể tăng cường khả năng phục hồi kinh tế và triển vọng tăng trưởng. Theo đó việc tiếp tục tham gia các hiệp định thương mại khu vực và khối kinh tế, Việt Nam có thể hội nhập sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu và mở ra các thị trường mới cho các sản phẩm của Việt Nam. Các sáng kiến như Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mang đến cơ hội tăng cường thương mại và đầu tư.

Việc đổi mới công nghệ có thể giúp tăng năng suất và mở ra các cơ hội kinh tế mới. Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, chuyển đổi số và sản xuất thông minh có thể nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Việt Nam có sức ảnh hưởng kinh tế ngày càng lớn và có nhiều quan hệ đối tác chiến lược. Cùng với vị thế chiến lược, Việt Nam đang có lợi thế đòn bẩy lớn trong các cuộc đàm phán quốc tế và giúp định hình chính sách kinh tế toàn cầu. Vai trò của Việt Nam dự kiến sẽ trở nên quan trọng hơn nữa trong tương lai.

Theo đó trang Brainz Magazine của Thụy Điển ngày 19/9 cũng nhận định, Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hàng đầu cho các nhà nhập khẩu thực hiện chiến lược Trung Quốc + 1.

Theo bài viết, dịch chuyển nguồn cung ứng và sản xuất sang Việt Nam có những lợi thế rõ rệt. Chi phí lao động tại Việt Nam thấp, đặc biệt là khi so sánh với nhiều trung tâm sản xuất khác. Việt Nam có nhiều hiệp định thương mại tự do chiến lược, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu. Cơ sở hạ tầng được cải thiện nhanh chóng khi Việt Nam tích cực đầu tư vào cảng, đường bộ và khu công nghiệp, giúp tăng hiệu quả của chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các chính sách chủ động, cung cấp thêm các ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm. Việt Nam hỗ trợ nhiều ngành công nghiệp, bao gồm may mặc, điện tử và máy móc, là nền tảng cho nguồn cung ứng đa dạng.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam khẳng định vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO