Toạ đàm do Bộ TTTT chủ trì với sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia từ một số trường Đại học kỹ thuật tại Hà Nội, Tập đoàn lớn như Soitec, Renesas, Global Foundries, các doanh nghiệp VNPT, Viettel, FPT, Vinsmart…
Toàn cảnh Tọa đàm
Các điều kiện sẵn sàng cho phát triển chipset Việt Nam
Các nhà khoa học, chuyên gia tại Tọa đàm nhận định: Công nghiệp vi mạch là một bộ phận quan trọng của ngành công nghiệp phần cứng – điện tử, đặc biệt trong xu thế chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới. Việc làm chủ trong nghiên cứu, thiết kế và sản xuất chip và thiết bị ICT có vai trò quan trọng để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm chủ trì toạ đàm
Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm cho biết: Đầu năm nay Thủ tướng Chính phủ đã có thông điệp quan trọng phát triển DN công nghệ Việt Nam theo chủ trương “make in Vietnam” với hàm ý Việt Nam phải có nhiều DN công nghệ và các DN này phải làm chủ khâu sáng tạo, thiết kế, chế tạo các sản phẩm.
Mới đây, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị đã nêu rõ chủ trương chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030 cũng nhấn mạnh vấn đề phát triển DN công nghệ, làm chủ công nghệ là con đường phát triển tất yếu của Việt Nam để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và có một nền kinh tế hiện đại.
Đối với lĩnh vực công nghiệp điện tử, viễn thông, mục tiêu tự chủ và make in Vietnam đặt ra việc phát triển, sản xuất chipset 5G đáp ứng mạng 5G và IoT. Bên cạnh đó, phát triển chipset 5G cũng thuộc lĩnh vực phát triển công nghệ cao nên cũng được ưu đãi cao nhất về thuế, tài chính… là điều kiện để Việt Nam bắt tay vào sản xuất chipset 5G.
Như vậy, theo Thứ trưởng, quyết tâm chính trị và các điều kiện ưu đãi để Việt Nam phát triển lĩnh vực vi mạch và chipset đã có.
DN, cơ sở nghiên cứu sẵn sàng sản xuất chip 5G
Đồng hành với quyết tâm của Chính phủ, các DN công nghệ lớn tại Việt Nam như Viettel, VNPT, CMC, FPT, Vinsmart cùng Đại học Bách khoa, Học viện Kỹ thuật Quân sự… đã bắt tay vào phát triển các thiết bị mạng 5G và dự án chipset.
5G có điểm đặc biệt là nhà sản xuất nào muốn có thiết bị 5G thì phải sản xuất được chipset riêng của mình.
Ông Nguyễn Cương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel
Theo ông Nguyễn Cương Hoàng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel, nhà mạng này đã phát triển và triển khai ngoài thực tế khoảng 80% thiết bị phần tử mạng 4G. Với 5G, Viettel sẽ phát triển mạng 5G bao gồm cả các thiết bị mạng lõi 5G và mạng truy cập vô tuyến.
Mục tiêu của Viettel là đến năm 2020 có thể triển khai các microcell (tế bào vi mô mạng) trên mạng lưới và hoàn thành Core 5G NSA EN-DC. Tiếp đó là triển khai các macrocell (tế bào vĩ mô mạng) và hoàn thành Core 5G SA.
Để tối ưu giá thành sản phẩm, Viettel đang thiết kế và sản xuất phần cứng, bao gồm các con chip với mục tiêu làm chủ được hoàn toàn sản phẩm. Đến tháng 7/2020, Viettel sẽ cho công bố con chip ASIC đầu tiên. Tháng 4/2021, Viettel sẽ sản xuất chip DFE. Đây là 2 con chip quan trọng nhất trong trạm thu phát 5G.
Viettel hiện có 300 kỹ sư tham gia dự án 5G. Đây đều là những kỹ sư có nhiều kinh nghiệm. Tập đoàn này đã phê duyệt dự toán ngân sách 500 tỷ đồng cho việc phát triển Microcell 5G và đang đầu tư phòng Lab 5G trị giá 200 tỷ đồng.
Mới được thành lập 1 năm nhưng Công ty VinSmart thuộc Tập đoàn Vingroup cũng đang có những chiến lược phát triển thiết bị 5G.
Ông Ngô Hoàng Anh, Vinsmart
Ông Ngô Hoàng Anh, Viện Nghiên cứu Thiết bị Viễn Thông - Công ty VinSmart, thuộc Vingroup cho biết, đơn vị này đang tập trung nghiên cứu và sẽ sản xuất các hệ thống thiết bị 5G, IoT. VinSmart đã xây dựng phòng Lab để hỗ trợ việc nghiên cứu, phát triển điện thoại 5G và các thiết bị viễn thông 5G.
“Dự kiến, đến tháng 7/2020 sẽ có sản phẩm điện thoại 5G đầu tiên ra mắt. Đến tháng 8/2020 chúng tôi sẽ bắt đầu thử nghiệm các thiết bị viễn thông 5G. Hiện nay VinSmart cũng đã làm việc với Cisco, Intel để phát triển các thiết bị mạng 5G”.
Đại diện của FPT cho biết làm chip mất nhiều thời gian. 3 năm ra được sản phẩm là rất “hoành tráng”. FPT đề ra khung thời gian 10 năm và tiếp cận lĩnh vực vi mạch của FPT theo cách khác. 5 năm đầu tiên FPT tích lũy kinh nghiệm, đội ngũ nhờ thực hiện việc gia công. Tiếp theo, FPT sẽ thực hiện việc thiết kế. Qua 5 năm đã có 100 kỹ sư tham gia vào thiết kế và các nội dung liên quan đến chipset.
Trong khi đó, đại diện của VNPT cho biết VNPT đang sản xuất các thiết bị đầu cuối người dùng, mở nền tảng để thử nghiệm các sản sản phẩm. VNPT quan tâm đến các thiết bị IoT.
Tại tọa đàm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Học viện Kỹ thuật Quân sự cho biết là hai đơn vị này đã thực hiện nghiên cứu, thiết kế sản phẩm chipset. Đại diện Học viện Kỹ thuật Quân sự cho hay nhóm nghiên cứu của trường này đã trực tiếp tham gia thiết kế, chế tạo các vi mạch thu phát vô tuyến (RF transceiver) công suất thấp cho mạng cảm biến; vi mạch cảm biến IoT; Các vi mạch lõi trong thu phát thông tin quang tốc độ cao, thiết kế vi mạch bảo mật phần cứng cho các vi mạch và thiết bị điện tử chuyên dụng; Thiết kế các vi mạch phần cứng tăng tốc cho ứng dụng trí tuệ nhân tạo…
Cần có hướng đi riêng
Hiện Việt Nam chưa sản xuất được con chip từ đầu đến cuối để có thể thương mại hoá, nếu tham gia vào sản xuất vi mạch cao cấp là khó khăn, cần đầu tư rất lớn.
Bà Nguyễn Bích Yến (giữa) và các chuyên gia quốc tế
Bà Nguyễn Bích Yến, chuyên gia uy tín của thế giới với hơn 140 bằng sáng chế trong lĩnh vực bán dẫn, hiện là cố vấn cấp cao cho nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Soitec, Renesas cho biết Việt Nam có nhiều cơ hội về sản xuất chip cho IoT. Đây là cơ hội vì những thiết bị này không cần kỹ thuật cao, đầu tư không lớn và cũng không mất nhiều thời gian.
Trong khi đó, ông Nguyễn Cơ Hoàng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel nêu một số khó khăn, đó là sự tin tưởng từ chính người Việt Nam. Tiếp theo là việc thiếu các chuyên gia về thiết kế chip. Đây là những người khó khăn chung của các DN, các cơ sở đào tạo nghiên cứu tại Việt Nam khi tham gia vào lĩnh vực này.
Cũng tại tọa đàm, các đơn vị đã nêu các kiến nghị đề lĩnh vực vi mạch và sản xuất chipset phát triển. VinSmart kiến nghị Bộ TTTT về việc cấp tần số để có thể thử nghiệm mạng 5G. Do Vinsmart chỉ là một công ty sản xuất thiết bị, việc xin giấy phép khó khăn hơn so với các nhà mạng.
Ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ
Trả lời kiến nghị của VinSmart cũng như các nội dung liên quan đến tần số, ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ cho biết, các DN sản xuất thiết bị 5G cần băng tần để thử nghiệm có thể xin cấp phép. “Nếu có băng tần cần dùng, cần nghiên cứu mà quy hoạch chưa có, Cục Tần số VTĐ sẽ có phương án giải quyết được, chỉ cần DN đưa ra dải tần”.
Ông Tuấn cũng lưu ý các đơn vị khi nghiên cứu thu phát vô tuyến và đưa sản phẩm ra thị trường cần lưu ý đến tần số, có thể liên hệ Cục Tần số VTĐ để được hướng dẫn về dải tần thích hợp.
Trong khi đó, đại diện FPT mong muốn được hỗ trợ về thuế thu nhập cá nhân và tạo nên một hàng rào kỹ thuật để DN có thể "chiến đấu" với các công ty nước ngoài.
Bà Tô Thị Thu Hương - Phó Vụ trưởng Vụ CNTT
Về kiến nghị của FPT, bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT cho biết: Các ưu đãi cho sản xuất thiết bị công nghệ cao đã có. “Bộ TTTT sẽ kiến nghị các chính sách liên quan đến thuế thu nhập cá nhân cũng như các thủ tục về cấp phép lao động, VISA xuất nhập cảnh cho các chuyên gia làm việc trong lĩnh vực".
Để thúc đẩy ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam nói chung và việc sản xuất chip và thiết bị mạng 5G nói riêng, "bên cạnh việc ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, sản xuất, Vụ sẽ nghiên cứu, xây dựng giải pháp khác như tạo thị trường, hợp tác công nghệ…", bà Hương cho biết thêm.
Kiến nghị đáng chú ý của VNPT là mong muốn phối hợp với các trường trong R&D, nhưng hiện nay gặp khó là chưa có hướng dẫn của nhà nước để VNPT có thể chi, tài trợ nghiên cứu cho các cơ sở nghiên cứu hay Tập đoàn mong muốn được đóng góp đầu tư cho R&D hoặc mua lại startup có giải pháp, sáng kiến.
Với vai trò là Bộ hoạch định chính sách phát triển lĩnh vực vi mạch, chipset, Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm cho biết sẽ hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển. Trước mắt, Bộ TTTT sẽ liên kết để hình thành một cộng đồng các tổ chức, cá nhân tâm huyết, muốn đóng góp vào sự phát triển của lĩnh vực vi mạch tại Việt Nam.
Bộ TTTT sẽ có trách nhiệm hình thành nên một chiến lược để xác định rõ hơn vai trò và trách nhiệm của nhà nước trong việc thúc đẩy kế hoạch phát triển vi mạch, chipset. Bộ TTTT cũng mong muốn nhận được nhiều hơn nữa các kiến nghị, góp ý từ phía các tổ chức, DN để hoàn thiện bản kế hoạch này. Bộ TTTT cam kết đồng hành nhằm giải quyết tất cả các khó khăn của DN trong lĩnh vực này.