Nhân viên của Halotel mang sản phẩm, dịch vụ quảng bá tới người dân. (Ảnh: T.H/Vietnam )
Với hơn 50 triệu dân, Tanzania là quốc gia đông dân nhất trong số 9 thị trường nước ngoài mà Viettel đang cung cấp dịch vụ. Hiện, Halotel là mạng viễn thông duy nhất phủ sóng di động (đặc biệt là 3G) trên toàn quốc gia vùng Đông Phi này với 2.500 trạm thu phát sóng 2G, 3G; hạ tầng cáp quang 18.000km, lớn gấp 2,5 lần tổng số cáp quang trục quốc gia của Tanzania.
Không giống với các hãng viễn thông quốc tế khác có mặt tại đây, Halotel là thương hiệu duy nhất có chiến lược đầu tư hạ tầng rộng khắp, tới cả các vùng nông thôn ngay từ khi cung cấp dịch vụ. Mạng 3G của nhà mạng đến từ Việt Nam phủ cả tới vùng nông thôn - nơi 80% dân số Tanzania sinh sống.
Viettel cũng cam kết với Chính phủ Tanzania sẽ phủ sóng tới 4.000 ngôi làng trong tổng số 6.000 ngôi làng chưa có sóng di động trên toàn quốc. Tính đến tháng 10/2015, Halotel đã phủ sóng 3G đến 1.800 ngôi làng.
Với chiến lược 'nông thôn bao vây thành thị' từng thành công ở nhiều quốc gia,Viettel tin tưởng sẽ chiếm lĩnh thị trường viễn thông còn nhiều tiềm năng này. (Ảnh: T.H/Vietnam )
Với những kết quả trên, dự án này của Viettel được đánh giá là “Dự án đầu tư tốt nhất năm 2014 khu vực Đông, Tây và Trung Phi” tại Hội nghị nhà đầu tư toàn cầu 2015.
Ở Tanzania, Halotel sẽ cạnh tranh với 3 hãng viễn thông nổi tiếng của thế giới đã có mặt tại đây nhiều năm trước là Tigo Tanzania (Millicom, Thụy Điển), Vodacom Tanzania (Vodafone, Anh), Airtel (Bharti Airtel, Ấn Độ).
Tuy nhiên, với sự có mặt và triển khai hạ tầng “thần tốc” của Halotel, nhiều mạng di động ở Tanzania đã phải “chuyển mình” với việc đầu tư thêm trạm BTS, thay đổi chiến lược kinh doanh…
Ông Nguyễn Thanh Quang, Tổng Giám đốc Viettel Tanzania chia sẻ, mục tiêu của Halotel là vào Top 3 trong vòng 3 năm và số 1 trong 3 năm kế tiếp.
Các cửa hàng của Viettel trên toàn Tanzania được phủ màu cam rực rỡ. (Ảnh: T.H/Vietnam )
Tổng Giám đốc tập đoàn Viettel, ông Nguyễn Mạnh Hùng thì cho biết: "Việc thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo trong một quốc gia không hề đơn giản. Song, chúng ta có thể thu hẹp khoảng cách về viễn thông, công nghệ thông tin trong một khoảng thời gian ngắn. Đây sẽ là cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển nền kinh tế-xã hội cho các nước đang phát triển như Việt Nam, Tanzania, Mozambique…"
Hiện, Viettel chính thức kinh doanh tại 10 nước ở khu vực châu Á, châu Mỹ và châu Phi với tổng dân số hơn 260 triệu người, 75 triệu khách hàng. Tổng doanh thu năm 2014 của Viettel đạt gần 10 tỷ USD, trong đó doanh thu từ hoạt động kinh doanh viễn thông tại nước ngoài đạt 1,2 tỷ USD./.
Yên Thủy/Vietnamplus