Viettel là doanh nghiệp duy nhất thống lĩnh thị trường viễn thông

03/11/2015 20:56
Theo dõi ICTVietnam trên

Từ ngày 15/6/2015 Viettel là doanh nghiệp duy nhất thống lĩnh thị trường đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất tại Việt Nam.

Ảnh minh họa

Theo Thông tư số 15/2015/TT-BTTTT vừa được Bộ TT&TT ban hành, Viettel sẽ là doanh nghiệp viễn thông duy nhất có vị trí thống lĩnh thị trường (SMP) đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất, bao trọn cả 3 mảng dịch vụ điện thoại, nhắn tin và truy nhập Internet .

Như vậy là so với Thông tư số 18/2012 Ban hành Danh mục Doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các dịch vụ viễn thông quan trọng trước đây, hai nhà mạng lớn khác là MobiFone và VinaPhone đều đã được đưa ra khỏi nhóm doanh nghiệp viễn thông SMP. Sự thay đổi này sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/6/2015.

Theo quy định hiện hành của Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp được coi là SMP nếu có thị phần từ 30% trở lên (trên thị trường liên quan) hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Một nhóm hai doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu tổng thị phần đạt từ 50% trở lên.

Để hạn chế việc thao túng thị trường cũng như việc lợi dụng vị thế của doanh nghiệp lớn, ngăn chặn việc tham gia vào thị trường của các doanh nghiệp mới thì từ nhiều năm nay, công tác quản lý giá cước viễn thông vẫn thực thi theo nguyên tắc phi đối xứng. Cụ thể, các doanh nghiệp thống lĩnh sẽ bị quản chặt hơn, chẳng hạn như khi thay đổi giá cước và thực hiện khuyến mại giảm giá dịch vụ thì sẽ phải đăng ký với Cục Viễn thông và chỉ được phép triển khai sau khi Cục chấp thuận. Tương tự, họ cũng không được ban hành giá cước dịch vụ viễn thông thấp hơn giá thành;Phải thống kê, kế toán riêng để xác định giá thành dịch vụ viễn thông chiếm thị phần khống chế.

Ngược lại, các doanh nghiệp không nằm trong nhóm SMP sẽ chỉ thông báo với Cục Viễn thông khi điều chỉnh giá cước và thực hiện khuyến mãi giảm giá đối với dịch vụ thông tin di động, cũng như không bị cấm ban hành giá cước thấp hơn giá thành. Nhưng điều đó không có nghĩa doanh nghiệp non-SMP khi điều chỉnh giá cước dịch vụ thông tin di động không chịu sự ràng buộc. Đó là tất cả các doanh nghiệp viễn thông dù không là SMP đều không được điều chỉnh giá cước tăng hoặc giảm không hợp lý so với giá thành, tăng hoặc giảm bất bình thường so với giá cước trung bình, gây mất ổn định thị trường.

Thay đổi để đảm bảo thị trường lành mạnh!

Trao đổi với VietNamNet, đại diện Cục Viễn thông khẳng định, việc cập nhật Danh mục doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông SMP là cần thiết bởi thị trường trong những năm qua có sự biến động không ngừng. Sự biến động đó cần được phản ánh kịp thời vào chính sách quản lý để đảm bảo điều tiết, hài hòa giữa quyền lợi của cả doanh nghiệp, người dùng, xã hội lẫn Nhà nước.

"Thông tư số 18/2012 có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, đến nay đã qua hơn 2 năm thực hiện. Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình kinh doanh 2 năm 2013 và 2014 của các doanh nghiệp, Bộ TT&TT nhận thấy thị phần dịch vụ thông tin di động mặt đất của các doanh nghiệp di động đã có nhiều thay đổi. Do đó, cần phải xem xét để có điều chỉnh kịp thời, phản ánh đúng tình hình thị trường trong thời kỳ này. Đây là việc cần thiết để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về luật cạnh tranh trong viễn thông, với thông lệ quốc tế và góp phần bảo đảm thị trường viễn thông có thể phát triển bền vững", đại diện Cục Viễn thông nhấn mạnh.

Trên thực tế, ngay từ tháng 1/2015, Bộ đã yêu cầu các nhà mạng báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh năm 2014. Căn cứ vào số liệu báo cáo của doanh nghiệp, Bộ đã phân tích, đánh giá thị trường, đối chiếu thị phần doanh thu với quy định xác định doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp SMP được quy định trong Luật Cạnh tranh.

Theo đó, sự thay đổi "vị thế" của MobiFone và VinaPhone trong đợt này hoàn toàn xuất phát từ diễn biến thực tế. Sở dĩ trước đây, hai nhà mạng này cùng góp mặt trong danh mục SMP là vì họ luôn được xem xét với tư cách "nhóm hai doanh nghiệp". Ngay từ khi mới cung cấp dịch vụ, cả hai đều trực thuộc quản lý của một chủ thể là VNPT nên việc điều hành kinh doanh của 2 mạng này luôn có sự phối hợp và thúc đẩy lẫn nhau. "Mọi sự biến động của 2 doanh nghiệp này luôn diễn ra đồng thời và tương đồng về điều chỉnh chính sách với nhau nên có thể khẳng định hai doanh nghiệp này luôn “cùng hành động”. Do vậy, xem xét VinaPhone và MobiFone theo tiêu chí nhóm doanh nghiệp là phù hợp với Khoản 2 Điều 11 Luật Cạnh tranh", Cục Viễn thông phân tích.

Về phần mình, hiển nhiên là Viettel không cùng trong tổ chức của VinaPhone và MobiFone. Tuy vậy, từ khi ra đời đến nay thì cấu tạo các gói cước và mức giá cước, rồi thời gian điều chỉnh cước của Viettel luôn tiến hành tương đối đồng thời với hai đối thủ.

Theo phân tích của các chuyên gia viễn thông, gần như có "một ràng buộc bất thành văn là khi doanh nghiệp di động của VNPT điều chỉnh thì lập tức Viettel cũng điều chỉnh tương đồng". Một trong các lý do khiến cho các nhà mạng phải cùng hành độnglà vì đặc tính dịch vụ và đối tượng khách hàng của dịch vụ. Do mức độ phủ sóng của doanh nghiệp tương đối tương đồng, thiết bị của khách hàng có thể sử dụng dịch vụ của cả 3 mạng mà không cần biến đổi gì và nhất là khi việc chuyển mạng không mất chi phí (90% thuê bao di động là trả trước và từ trước năm 2012 trước khi có thông tư 14/2012 thì thuê bao trả trước khi hòa mạng không bị thu cước) thì việc chuyển đổi từ nhà mạng này sang nhà mạng khác là quá dễ dàng. Để giữ chân thuê bao thì việc các nhà mạng cùng chọn cách thiết kế gói cước với những mức cước tương đồng và cùng thường ban hành vào thời gian chênh lệch nhau không nhiều là việc đương nhiên phải làm đối với những doanh nghiệp tương đồng về năng lực.

Thực tế theo dõi hơn 10 năm triển khai cung cấp dịch vụ thông tin di động của Viettel (tháng 11/2004) thì đến 90% các gói cước và mức giá cước cũng như thời gian điều chỉnh giá cước dịch vụ thông tin di động của Viettel đều gần như tương đồng với Vinaphone và MobiFone. Riêng các doanh nghiệp thông tin di động còn lại như SFONE; HNTELECOM; GTELMOBILE do có năng lực yếu hơn nên thường có những mức cước khác hay những gói cước đặc thù.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2013 và đặc biệt là từ năm 2014, khi VNPT, VinaPhone và MobiFone đồng loạt tái cơ cấu (riêng MobiFone còn tách hẳn khỏi VNPT) thì thị phần doanh thu của hai mạng này có sự thay đổi đáng kể. Hơn nữa, VinaPhone và MobiFone giờ đây đã trở thành hai nhà mạng độc lập, không còn trực thuộc chung một chủ thể là VNPT nên việc xem xét họ dưới tư cách "nhóm hai doanh nghiệp" không còn phù hợp. Theo số liệu vừa được Bộ TT&TT công bố tại Hội nghị Giao ban QLNN tháng 5/2015, Viettel hiện kiểm soát 52.2% thị phần, còn VinaPhone và MobiFone đang cùng nắm giữ thị phần khoảng 18%, tức là cùng thấp hơn mức 30% mà Luật Cạnh tranh đưa ra.

Không phụ thuộc mong muốn chủ quan!

Tại Hội nghị Giao ban QLNN tháng 5/2015 của Bộ TT&TT vừa qua, Phó Tổng giám đốc Viettel Lê Đăng Dũng đã có một kiến nghị khá bất ngờ rằng không nên "rút nhà mạng nào ra khỏi Top 3 doanh nghiệp viễn thông SMP", với lý do "để tránh tình trạng người dùng nhao từ mạng này sang mạng khác".

Ông Dũng cho rằng, "thị trường và khách hàng bao giờ cũng coi Viettel, MobiFone và VinaPhone đang là những doanh nghiệp lớn gần tương đương nhau". Do đó, nếu một doanh nghiệp được rút ra khỏi vị trí thống lĩnh thị trường, đồng nghĩa với việc được "nới lỏng quản lý hơn", thì nếu nhà mạng đó thay đổi chính sách về giá, "khách hàng sẽ nhao từ mạng này sang mạng kia, gây xáo trộn thị trường", ông Dũng nêu kịch bản. Thậm chí, đại diện của Viettel còn cảnh báo việc này "thậm chí có thể gây ra cuộc chiến về giá". Để kết luận, ông Dũng đề nghị Bộ "cứ giữ nguyên" ba nhà mạng trong Tốp thống lĩnh thị trường như hiện nay và vẫn "quản lý 3 mạng như cũ".

Tuy nhiên, Cục Viễn thông khẳng định, Bộ ban hành danh mục doanh nghiệp thống lĩnh thị trường theo từng thời kỳ. Luật Cạnh tranh cũng quy định rất rõ những tiêu chí về thị phần doanh thu, để dựa vào đó đánh giá một doanh nghiệp có nằm trong nhóm thống lĩnh hay không. “Căn cứ vào báo cáo doanh thu dịch vụ thông tin di động của các doanh nghiệp, Bộ đã tính thị phần doanh thu của doanh nghiệp đối với thị trường dịch vụ thông tin di động. Đối chiều với Điều 11 Luật Cạnh tranh, Bộ đã ban hành thông tư 15/2015 để sửa đổi thông tư 18/2012. Theo đó chỉ có Viettel là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường đối với dịch vụ thông tin di động".

Việc xác định một doanh nghiệp có nằm trong nhóm thống lĩnh thị trường đối với dịch vụ thông tin di động nói riêng và dịch vụ viễn thông nói chung hay không phụ thuộc vào thị phần doanh thu của doanh nghiệp đó chứ không phụ thuộc vào mong muốn chủ quan của tổ chức, cá nhân nói chung hay của doanh nghiệp viễn thông nói riêng, Cục Viễn thông kết luận.

Việt Nam trong nhiều năm qua đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cạnh tranh để thị trường dịch vụ viễn thông đã có nhưng bước phát triển đáng ghi nhận. Nhưng để thị trường viễn thông phát triển bền vững thì doanh nghiệp không nên tập chung cạnh tranh bằng giảm giá và khuyến mại mà cần quan tâm cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, phát triển thêm các dịch vụ tiện ích phục vụ tốt hơn cho khách hàng và tạo thêm nguồn thu cho doanh nghiệp, đó là khuyến nghị của Bộ TT&TT đối với doanh nghiệp viễn thông trong thời gian tới.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Viettel là doanh nghiệp duy nhất thống lĩnh thị trường viễn thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO