Truyền thông

Vĩnh Long chú trọng chuyển đổi số trong nông nghiệp

Hoàng Hà 01/10/2024 13:14

Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, sau hơn 15 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn tỉnh Vĩnh Long ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng cải thiện, nâng cao.

Ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng NTM

15 năm trước tỉnh Vĩnh Long bước vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với nhiều khó khăn. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân toàn tỉnh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thu hút mọi nguồn lực xã hội và nòng cốt là nhân dân đồng sức, đồng lòng xây dựng NTM. Chính vì vậy đến nay kinh tế - xã hội nhiều địa phương thay đổi, Vĩnh Long đã và đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Là tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái đứng thứ hai ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long với nhiều loại đặc sản có giá trị kinh tế cao, sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 1/12/2021 của Tỉnh ủy Vĩnh Long về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2030, Vĩnh Long đã đạt được nhiều thành tựu. Các chính sách này quy định sử dụng lồng ghép nguồn ngân sách để hỗ trợ xây dựng nhà lưới, nhà màng, hệ thống chuồng lạnh khép kín, xây dựng mới hoặc mua sắm mới trang thiết bị chế biến, bảo quản lạnh nông sản, thủy sản, hỗ trợ phát triển thị trường, tiêu thụ cho sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP... phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình, dự án đạt hiệu quả cao, đặc biệt là tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy chuyển đổi số trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.

anh-bai-vinh-long-4.jpg
Hệ thống cảnh báo nhiễm mặn tự động qua smartphone của MobiFone cho người dân tại huyện Mang Thít, đã giúp họ lên lịch tưới tiêu cây trồng, lấy nước sinh hoạt thuận lợi.

Chuyển đổi số trong nông nghiệp được quan tâm đẩy mạnh. Ðến nay, nhiều hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp được ứng dụng hiệu quả. Các ngành chức năng và người dân đã chủ động, tích cực tham gia các sàn thương mại điện tử. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long đã thực hiện kết nối và đăng tải thông tin trên sàn giao dịch nông sản điện tử Vĩnh Long (https://www.nsvl.com.vn) hỗ trợ 192 sản phẩm nông dân lên sàn và 72 sản phẩm OCOP cho doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, cơ sở sản xuất uy tín, thu hút hơn 14 triệu lượt người (mỗi tháng thu hút hơn 196.000 lượt người truy cập, tương tác). Tỉnh Vĩnh Long hỗ trợ xây dựng 25 website cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh; Tổ chức 10 cuộc tuyên truyền, bốn lớp đào tạo kỹ năng cho các cơ sở, doanh nghiệp; Tổ chức cuộc thi tìm hiểu thương mại điện tử với 887 lượt tham dự; Xây dựng chuyên mục "Chuyển đổi số của tỉnh" trên Ðài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long và Báo Vĩnh Long tuyên truyền các tin bài liên quan đến thương mại điện tử.

Sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả; chuyển dần sang tư duy kinh tế nông nghiệp, giá trị thu hoạch trên một đơn vị diện tích không ngừng tăng lên. Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Nghị quyết số 45/2022/NQ-HÐND, ngày 14/12/2022 về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh với bảy chính sách trọng tâm. Theo đó, tỉnh hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào khâu sản xuất, hỗ trợ điều kiện cần về cơ sở vật chất, phần cứng tạo nền móng cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ theo hướng bền vững. Nhóm chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao vào khâu chế biến, bảo quản và truy xuất nguồn gốc là điều kiện đủ để góp phần tăng tính cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu, uy tín, nâng cao giá trị nông sản, phục vụ xuất khẩu...

Việc xây dựng các cơ sở đạt chuẩn GAP và tương đương cũng như việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói cũng được ngành nông nghiệp Vĩnh Long quan tâm nhằm tạo điều kiện cho nông sản của tỉnh được tiêu thụ tốt ở trong nước và nước ngoài. Ngành nông nghiệp tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục khẩn trương phối hợp các ngành, địa phương và người dân thực hiện tốt việc cấp mã số vùng trồng, bảo đảm cho các nông sản chủ lực đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Gương sáng Bình Tân, Tam Bình

Năm 2020, huyện Bình Tân được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Hiện nay huyện có 9/9 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và xã Tân An Thạnh đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2023. Môi trường nông thôn luôn sạch đẹp với 39 tuyến đường hoa, tổng chiều dài 76,4 km rực rỡ hoa mười giờ, quỳnh anh, sao nhái, dừa cạn, chiều tím… Hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư đồng bộ các thiết chế văn hóa thể thao cơ sở, công nghệ thông tin, thương mại dịch vụ... Người dân được hưởng nhiều lợi ích trực tiếp từ kết quả chương trình xây dựng NTM.

Tại huyện Bình Tân, hệ thống thủy lợi khép kín 100%, phục vụ phòng chống hạn mùa nắng, ngăn triều cường, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân nông thôn. Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch khu vực nông thôn đạt 94,3%. Huyện có 19 sản phẩm OCOP được công nhận, 8 sản phẩm đạt 4 sao, 11 sản phẩm đạt 3 sao. Hệ thống đường nhựa trải dài, thông tuyến ô tô đến tận ngõ xóm, nhà dân. Đất trồng cây ăn trái kém hiệu quả trước đây giờ phủ kín màu xanh tươi tốt của các mô hình ứng dụng trong nghệ cao, trồng cây ăn trái như mít, sầu riêng, mận... Những con đường sình lầy đã được thảm nhựa, trồng hoa, sáng đèn mỗi đêm. Nhiều ngôi nhà kiên cố của người dân đua nhau mọc lên. Trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư khang trang, đáp ứng công tác dạy học, khám chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa thể thao của người dân. Thu nhập bình quân đầu người tăng theo từng năm.

Trong khi đó, huyện Tam Bình là địa phương cấp huyện thứ 3 của tỉnh Vĩnh Long đạt chuẩn NTM. Hiện Tam Bình có 6/16 xã của huyện đã có đường ô tô đến trung tâm, 100% ấp có đường ô tô đi qua, thủy lợi khép kín. Hộ dân sử dụng điện ổn định, thường xuyên, an toàn đạt 99,76%; 45/57 trường học đạt chuẩn quốc gia, 100% trường đạt chuẩn cơ sở vật chất. Các xã đều có mô hình sản xuất đạt chứng nhận VietGAP. Toàn huyện có 28 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt 96,4%. Cảnh quan môi trường được nâng chất, rác thải sinh hoạt thu gom, phân loại và xử lý theo quy định. Huyện đã xây dựng 6 vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu, gồm: 2 mã số vùng trồng trên cây lúa với diện tích 31,4 ha (Mỹ Lộc 11 ha, 19 hộ xuất khẩu thị trường EU; Tân Lộc 20,4 ha, 20 hộ xuất khẩu thị trường Trung Quốc và Philippin); 4 vùng trồng mã số trên cây ăn trái: Mít ruột đỏ 30,2 ha (36 hộ ở xã Hậu Lộc xuất khẩu thị trường Trung Quốc); bưởi 10 ha (24 hộ, xã Hòa Hiệp xuất khẩu thị trường EU); cam sành 1 ha (1 hộ ở xã Bình Ninh, mã số vùng trồng nội địa); chanh không hạt 10,2 ha (12 hộ ở xã Ngãi Tứ, xuất khẩu thị trường EU, Anh).

Tỷ lệ hài lòng của người đối với kết quả xây dựng NTM của huyện đạt 97,58%. Trong đó, tỷ lệ hài lòng ở từng xã đạt từ 95,27% trở lên; Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng phát triển; Phát huy mạnh mẽ điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, là vùng sản xuất lương thực và trái cây lớn của tỉnh, cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững, tăng cường vận động nông dân chuyển đổi sang trồng cây ăn trái trên đất trồng lúa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân; Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, xóa nhà tạm, dột nát, giúp tỷ lệ nghèo đa chiều chỉ còn 2,54%. Trên địa bàn huyện hiện có 16/16 xã đạt chuẩn NTM, 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt NTM kiểu mẫu, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được sự đồng thuận rất cao từ người dân, cùng sự chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền đã làm bộ mặt nông thôn Vĩnh Long thay đổi và đã đạt những kết quả khá tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn được nâng cao, diện mạo nông thôn thay đổi rõ rệt. Hiện tại, các địa phương đang tiếp tục tập hợp nguồn lực xã hội xây dựng đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh Long chú trọng chuyển đổi số trong nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO