Vĩnh Nghiêm cổ tự - di sản vô giá của thiền phái Trúc Lâm

Đỗ Thêu| 13/05/2021 11:02
Theo dõi ICTVietnam trên

“Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm/Vĩnh Nghiêm chưa tới, thiền tâm chưa đành".

Hai câu thơ trên chẳng biết đã lưu truyền trong dân gian tự thủa nào, chỉ biết rằng, đối với những Phật tử của thiền phái Trúc Lâm thì Chùa Vĩnh Nghiêm đã trở thành một địa chỉ vô cùng quen thuộc. Nơi đây không chỉ là nơi gặp gỡ của những tín đồ Phật tử mà còn chứa đựng biết bao những giá trị lịch sử, những di sản văn hóa quan trọng mang tầm quốc gia và nhân loại.

Vĩnh Nghiêm cổ tự - di sản vô giá của thiền phái Trúc Lâm - Ảnh 1.

Một góc chùa Vĩnh Nghiêm

Chùa Vĩnh Nghiêm còn có tên là Chùa Đức La, Chùa La hay Chùa Ông La, nằm tại xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Chùa tọa lạc nơi hợp lưu của sông Lục Nam và sông Thương (gọi là ngã ba Phượng Nhãn), nhìn ra ngã ba sông, phía Lục Đầu Giang - Kiếp Bạc, vùng Cẩm Lý cửa ngõ ra vào núi Yên Tử. 

Bao quanh chùa là núi non trong đó có núi Cô Tiên. Bên kia sông là vương phủ của Trần Hưng Đạo, đền Kiếp Bạc. Vị thế "đầu gối sơn, chân đạp thủy" đã tạo cho Chùa Vĩnh Nghiêm một khung cảnh núi non hùng vĩ tuyệt đẹp.

Tương tuyền chùa Vĩnh Nghiêm được khởi dựng vào thời Lý (thế kỷ XI). Cuối thế kỷ XIII, (1010-1028) Phật hoàng Trần Nhân Tông cho mở mang, xây dựng nơi đây thành trung tâm Phật giáo lớn của thời Trần, đổi tên chùa là Vĩnh Nghiêm, gắn liền với sự ra đời và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Chùa Vĩnh Nghiêm có một vị trí quan trọng trong nền lịch sử về văn hoá Phật giáo Việt Nam. Đây từng là nơi thuyết pháp của cả 3 vị Tam tổ của Thiền phái Trúc Lâm là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang.

Với vai trò là một trong chốn tổ của thiền phái, chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng với quy mô kiến trúc bề thế, nhiều hạng mục, mang tính quy chuẩn, mẫu mực của kiến trúc chùa tháp truyền thống. Đây là ngôi chùa cổ có kiến trúc giàu bản sắc Phật Việt nhất mà không ngôi chùa nào trong vùng có được, xứng danh là một "đại danh lam cổ tự".

Trong chùa còn thờ Tượng Phật, tượng các vị Tổ dòng Trúc Lâm, tượng các vị sư Tổ sau này, tượng Hộ pháp, tượng La Hán… Trong chùa còn có chiếc mõ dài gần nửa mét, được sơn đen bóng, lỗ thoát âm có đề hai dòng chữ Phạn. Chùa Vĩnh Nghiêm xưa là nơi đào luyện tăng đồ Phật giáo nên là nơi tàng trữ để các bộ ván kinh xưa rộng tới 10 gian nhà. Đó là những bộ ván kinh có từ 700 năm nay, là kho sách cổ vô cùng quý giá, như: Sa di tăng Sa di lì tỷ khiêu lỵ (348 giới luật), bộ Yên Tử nhật trình từ thế kỷ 15 (quá trình hình thành phái Trúc Lâm), Hoa nghiêm sớ, Di đà sớ sao, Đại thừa chỉ quán, Giới kinh ni... Ngày nay có nhiều kệ ván in kinh sử vẫn còn tại chùa. Người xưa gọi đây là khắc in, minh chứng chùa Vĩnh Nghiêm từng thống lãnh 72 chốn tùng lâm…

Hiện nay, kho mộc thư vẫn lưu giữ được 34 đầu sách với gần 3000 bản khắc, mỗi bản có hai mặt, mỗi mặt 2 trang sách khắc ngược (âm bản) khoảng 2000 chữ Nôm, chữ Hán. Những bản khắc đó vẫn được lưu truyền tại nước ta với từng nét chữ sắc xảo, tinh tế. Một điều vô cùng quan trọng, đó chính là hơn 3000 mộc bản lưu giữ tại Chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm là cổ vật có tính giá trị trên rất nhiều lĩnh vực.

Vĩnh Nghiêm cổ tự - di sản vô giá của thiền phái Trúc Lâm - Ảnh 2.

Mộc bản lưu giữ tại Chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương

Ngày 9/9/2013, Bộ VHTTDL đã công nhận Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngày 23/12/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận chùa Vĩnh Nghiêm là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt. Năm 2020, tỉnh Bắc Giang cũng đã và đang bổ sung tư liệu cho Hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận Di tích nhà Trần và Phật giáo Trúc lâm Yên Tử là di sản thế giới.

Trải qua hơn 700 năm hình thành, chùa Vĩnh Nghiêm vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn. Quan trọng hơn, những tư tưởng, giáo lý hành đạo của Thiền phái Trúc Lâm đã thấm nhuần sâu sắc và ảnh hưởng lan tỏa sâu rộng trong nước và quốc tế thông qua những đóng góp to lớn của các thiền sư có uy tín trong và ngoài nước.

Hiện nay, tại Việt Nam có hàng nghìn ngôi chùa thuộc Thiền phái Trúc Lâm. Trên thế giới, thiền viện mang đặc trưng tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm cũng phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng sâu rộng đến Phật tử ở các nước sở tại. Phật tử và nhà tu hành không chỉ là người Việt ở hải ngoại mà còn thu hút đông đảo tăng, ni, Phật tử là người có quốc tịch khác nhau. Tất cả các tăng, ni, Phật tử này đều sùng kính, tu trì theo tư tưởng của Phật phái Trúc Lâm có trong Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.

Ngày nay, Chùa Vĩnh Nghiêm đã trở thành một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng miền Bắc. Nhiều lần tôn tạo, trùng tu, Chùa Vĩnh Nghiêm vẫn giữ được những nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Các cụm kiến trúc đều được sắp xếp trong một không gian hình chữ nhật và trải dài theo một trục dọc với trật tự từ hướng Nam đến hướng Bắc. Tất cả đã tạo thành một tổ hợp kiến trúc chính: Tam quan, Tam bảo, Nhà Tổ đệ nhất, Gác chuông, nhà Tổ đệ nhị… Đến du khách sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi hòa mình trong tiếng chuông chùa, từng tiếng mõ làm thanh tịnh lòng người.

Hằng năm, tại Chùa Vĩnh Nghiêm còn có một lễ hội rất lớn. Đó là lễ hội chùa La, tổ chức vào ngày 14 tháng 2 Âm lịch hàng năm. Ngày này các sư gọi là ngày giỗ tổ nên cũng gọi là hội giỗ tổ chùa La. Nếu đến tham quan chùa vào những mùa lễ hội, du khách sẽ cảm nhận được trọn vẹn không khí ở đây. Trong ngày hội, các tăng ni ở chùa thắp hương tụng kinh, niệm phật ở tam bảo, nhà tổ đệ nhất và nhà tổ đệ nhị. Đồng thời cũng thỉnh chuông hoằng dương phật pháp vào lúc sớm, tối trong ngày.

Vĩnh Nghiêm cổ tự - di sản vô giá của thiền phái Trúc Lâm - Ảnh 3.

Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, còn gọi là Lễ hội chùa La, tổ chức vào ngày 14 tháng 2 Âm lịch hàng năm.

Lễ hội ở Chùa Vĩnh Nghiêm hiện nay là một trong những hoạt động tâm linh không thể thiếu của con người vùng đất Kinh Bắc này. Thông qua lễ hội, tạo điều kiện cho du khách thập phương tìm hiểu thêm và hiểu nhiều hơn về lịch sử lâu đời của ngôi chùa - một biểu tượng Phật giáo của Việt Nam./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
  • Báo chí truyền thông và vấn đề quyền riêng tư
    Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cũng được coi như là một phần của việc bảo vệ quyền con người, và quyền riêng tư cần được tôn trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông số hiện nay - khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại có khả năng thu thập và phát tán thông tin, hình ảnh đời tư của con người một cách dễ dàng và vô cùng nhanh chóng.
  • FPT mở văn phòng tại Cần Thơ, bổ sung nguồn nhân lực cho mảng dịch vụ CNTT nước ngoài
    Văn phòng làm việc mới tại Cần Thơ của FPT được kỳ vọng sẽ góp phần đáp ứng không gian làm việc cho 1.000 nhân sự mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của Tập đoàn vào năm 2025, hướng tới mục tiêu thu hút 3.000 nhân sự vào năm 2030.
  • Công trình nghiên cứu đồ sộ về tôn giáo và chính trị
    Cuốn sách “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16 - 19” của GS. Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, vừa được giới thiệu đến độc giả như một tài liệu tham khảo chuyên sâu về mối quan hệ phức tạp giữa Thiên Chúa giáo và các triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Lệnh cấm Internet tại một số quốc gia châu Á gây "khó" cho các nhà mạng viễn thông
    Việc hạn chế quyền truy cập Internet của một số quốc gia châu Á vì mục đích chính trị đã khiến các nhà mạng viễn thông chịu nhiều tổn thất về tài chính và danh tiếng.
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh Nghiêm cổ tự - di sản vô giá của thiền phái Trúc Lâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO