Virus “tin giả” và vắc-xin chống “tin giả”

23/12/2021 10:29
Theo dõi ICTVietnam trên

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông, nhất là mạng xã hội, những virus xấu, độc hại mang tên “tin giả” - “fake news” xuất hiện ngày càng nhiều, tinh vi, chuyên nghiệp. Tin giả hiện nay không chỉ dưới dạng tin, ảnh thông thường, mà còn có công nghệ bắt chước làm audio, video giống hệt giọng nói, phong cách. Dù là giả nhưng lại đang gây ra những hậu quả rất thật và trở thành vấn nạn với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Tin giả - virus lây lan nhanh chóng với nhiều biến thể nguy hiểm

Tin giả thường được gọi là “fake news”, với ý nghĩa phổ biến là thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng, hoặc tin tức sai lệch, bị bóp méo, phóng đại giật gân để tạo hiệu ứng, hoặc sự chọn lọc nội dung phiến diện không đúng bản chất, thay đổi cấu trúc nội dung gây hiểu nhầm, được phát tán trên không gian mạng và các phương tiện truyền thông. Trên thực tế, tin giả thường có xu hướng lan truyền nhanh hơn tin thật. “Fake news” đã trở thành cụm từ nổi bật nhất của năm 2017 và được liệt vào “từ của năm” do từ điển Collins Dictionary của Anh lựa chọn.

Còn theo quan điểm của một số chuyên gia truyền thông, tin giả thường được định nghĩa ở các cấp độ khác nhau theo tính chất thông tin. Thông tin sai lệch (misinformation) là thông tin mập mờ, phiến diện, lệch lạc, làm cho người tiếp nhận thông tin hiểu nhầm, hiểu sai bản chất sự vật, hiện tượng với hai dạng thông tin sai lệch không cố ý và thông tin sai lệch cố ý. Thông tin xuyên tạc (disinformation) được hiểu là thông tin không đúng sự thật và chủ thể truyền thông cố ý, có chủ đích lừa dối. Thông tin nguy hại (malinformation) là thông tin dựa trên hiện thực, có chứa đựng một phần sự thật hoặc sự thật, được dùng để gây hại cho một cá nhân, tổ chức hay quốc gia, đi ngược lại chuẩn mực và đạo đức của báo chí.

Theo ông Ngô Văn Hải, Tổng Biên tập Báo điện tử VTC News, 5 động cơ của tin giả là “vì tiền, lý do chính trị, làm rối loạn xã hội, làm mất uy tín báo chí chính thống hoặc vui đùa quá trớn”. Như vậy, nhìn từ góc độ chủ thể thông tin, các nguyên nhân dẫn đến tin giả bao gồm: (1) vô tình, không biết mình cung cấp thông tin sai lệch; (2) câu like, gây chú ý, tạo sự nổi tiếng; (3) cố tình đưa thông tin sai lệch với dụng ý không tốt do mâu thuẫn nội bộ, cạnh tranh không lành mạnh, hoặc để trục lợi; (4) có nhận thức kém, thiếu hiểu biết, bị kẻ xấu lợi dụng lừa bịp, mê hoặc; (5) bất mãn, hận thù chế độ vì đã từng bị trừng phạt bởi những hành động sai trái họ đã gây ra trước đây; (6) bi quan, chán nản, hoài nghi chế độ, Đảng lãnh đạo, mất niềm tin vào mọi thứ; (7) KOLs có tầm ảnh hưởng xã hội nhất định, nhưng tham vọng, mưu cầu cá nhân; (8) các thế lực thiếu thiện cảm, thù địch với Việt Nam công khai chống đối; (9) các nguồn giấu tên, các trang web của tổ chức, cá nhân giả mạo.

Tại Việt Nam, chỉ tính liên quan đến đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, có rất nhiều tin giả lan truyền nhanh chóng như chuyện “bác sỹ Khoa rút máy thở của mẹ để nhường cho sản phụ”, thông tin về “giờ giới nghiêm tại Hà Nội”, hình ảnh về “xác người chết vì COVID-19 chất đầy trong phòng” hay “người dân tự thiêu để phản đối công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở Thủ Đức”, giả mạo phát ngôn của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thông tin dán mác Bộ Y tế nói “virus gây bệnh COVID-19 là một loại vi khuẩn nhiễm phóng xạ”,...

Các chuyên gia an ninh mạng tại hội thảo và triển lãm quốc tế về an toàn không gian mạng (Vietnam Security Summit 2021) nhận định Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ nhiễm mã độc và hứng chịu những cuộc tấn công mạng thuộc nhóm cao trên thế giới, các hoạt động vi phạm trên không gian mạng cũng có chiều hướng gia tăng.

Vấn đề tin giả ở Việt Nam hiện nay có liên quan mật thiết với mục đích “diễn biến hòa bình”, “cách mạng màu” của các thế lực thù địch. Thực tế, các “chiến dịch truyền thông” của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội… thường sử dụng phối hợp nhiều dạng, nhiều biến thể, nhiều kênh thông tin để truyền tin giả.

Sự nguy hại của tin giả có thể gây hậu quả ở các mức độ khác nhau, thời điểm khác nhau: Gây bất ổn cho an ninh, chính trị; trật tự, an toàn xã hội; Nhiễu loạn môi trường thông tin, gây bão đời sống văn hóa, tinh thần xã hội; Dụng ý, rắp tâm hãm hại, cố tình làm tha hóa, biến chất đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Hạ thấp uy tín, danh dự phẩm giá của một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan, đơn vị; Kích động, cố tình gây chia rẽ, ly gián lòng người, tạo sự phân tâm trong các giai tầng xã hội, gieo rắc sự hoang mang, bi quan, hoài nghi, chán nản, thất vọng, mất phương hướng, mơ hồ về chính trị ở một số bộ phận cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, quần chúng nhân dân;

Gây những hành động tiêu cực, phản cảm, phản động… cho các cá nhân hoặc cộng đồng, quốc gia. Đây là mức độ nguy hiểm nhất vì nó đã bị biến thành hành động như: biểu tình, gây rối, tự tử, bạo loạn, giết người…

Trước thách thức trên, đòi hỏi phải có chiến lược mang tầm quốc gia về vấn đề phòng chống và xử lý tin giả với ba nhóm “vắc xin” chủ chốt là chính trị - pháp lý; truyền thông; kỹ thuật, công nghệ. Trong đó, cần có lộ trình rõ ràng về mục tiêu, giai đoạn, cách thức, kết quả… để đảm bảo vấn đề này có hiệu quả thực sự và phù hợp với thực tiễn.

Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam: Cần nghiêm túc xây dựng những dự án về việc phát hiện tin giả và kiểm chứng thông tin.

Theo ông, vì sao các báo vẫn để lọt tin giả lên báo dù đều có quy trình kiểm duyệt thông tin?

Tin giả xuất hiện trên báo chí từ lâu và không hiếm trường hợp như vậy từng xảy ra trong quá khứ, cả trên báo uy tín của nước ngoài cũng như ở Việt Nam. Tuy nhiên, chính cuộc chạy đua không có điểm dừng và trong tình trạng tuyệt vọng giữa báo chí và mạng xã hội khiến cho tin giả xuất hiện nhiều hơn. Để chạy đua về tốc độ, một số tờ báo và các phóng viên vội vàng đăng tải thông tin khi phát hiện trên mạng xã hội hoặc được nguồn tin cung cấp mà không kiểm chứng. Không ít tòa soạn cắt bớt quy trình biên tập để thông tin được xuất bản nhanh chóng lên website nhằm vượt các đối thủ trong cuộc cạnh tranh mà sự hơn thua được tính bằng phút, thậm chí bằng giây.

Hiện nay có khá nhiều tòa soạn áp dụng cách khai thác thông tin đầy rủi ro là khai thác từ mạng xã hội. Ví dụ chỉ cần một người nổi tiếng đăng một status nào đó là thông tin được biến thành bài báo mà không cần kiểm chứng, không cần phỏng vấn trực tiếp nhân vật hoặc những người liên quan. Thậm chí những status từ những người không rõ nhân thân, được đăng tải trên một số diễn đàn, nhóm Facebook về các vụ việc từ tai nạn, thiên tai, sự cố bất thường... đều có thể được khai thác. Vụ những chiếc xe hơi mô hình mang biển xanh xếp dưới gầm giường là một ví dụ điển hình, thậm chí phóng viên đã đi phỏng vấn lãnh đạo công an địa phương và không hề nhận ra là sự ngụy tạo.

Theo ông, tại sao tin giả lại dễ dàng lan truyền, phát tán và được nhiều người đọc, xem như vậy?

Chúng ta đều biết là “tin xấu lan nhanh”. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng những nội dung mang tính tiêu cực thì có khả năng phát tán cao hơn gấp 3-4 lần so với nội dung tích cực. Bản chất của người dùng ở đâu cũng vậy, dù trên thế giới hay ở Việt Nam, là sự tò mò. Một số lượng không nhỏ rất thích những câu chuyện giật gân. Nhưng trước đây, những loại thông tin này chỉ có một con đường xuất hiện là báo chí. Khi Internet phát triển, các nội dung online trở nên dễ dàng lan truyền hơn nhờ tính chất phi biên giới, phi thời gian. Có những trang web lấy tôn chỉ hoạt động là châm biếm, trào phúng, thậm chí có những tờ báo, website chuyên đăng tin đồn chưa kiểm chứng.

Tuy nhiên, mạng xã hội mới chính là mảnh đất màu mỡ giúp cho tin giả phát triển và lây lan như nấm sau mưa. Bất kỳ ai cũng có thể chia sẻ những câu chuyện mà họ đọc được trên mạng xã hội, và những thông tin đó lại được nhân lên thông qua những người bạn của họ. Con người thường tin vào những điều mà người thân của họ tin tưởng, những lời truyền miệng từ bao đời nay vẫn hiệu quả hơn bất kỳ cách truyền tin nào khác. Và mạng xã hội giúp cho điều đó trở nên vô cùng dễ dàng.

Người dùng mạng xã hội ở đâu cũng giống nhau, nhưng dường như một bộ phận khá lớn người dùng mạng xã hội Việt Nam khá “hồn nhiên” khi bước chân vào mê cung đầy hấp dẫn và cũng không ít hiểm nguy này. Nhiều người hoàn toàn không hiểu rằng mạng xã hội không phải là nơi để họ trút bầu tâm sự, kể hết mọi chuyện cá nhân yêu ghét, tường thuật mọi hoạt động mỗi ngày.

Họ cũng rất dễ dàng like hoặc share một dòng trạng thái của người khác khi cảm thấy hợp với quan điểm của mình. Tệ hơn nữa là họ tin tưởng vào những người thân khác đến mức nếu thấy người kia đăng tải một điều gì đó thì họ sẽ “share trước, đọc sau”. Trong rất nhiều lần chia sẻ mà không đọc nội dung kỹ càng như thế, không thể tránh khỏi việc chia sẻ nhầm những nội dung hoàn toàn giả mạo. Một người đăng nhầm tin giả có thể kéo theo rất nhiều bạn bè chia sẻ lại tin giả đó.

Chưa có nghiên cứu nào cho thấy kỹ năng sử dụng mạng xã hội của người dùng Việt Nam kém hơn so với với người dùng ở các nước trên thế giới hay trong khu vực, nhưng tôi cảm thấy lo ngại khi nhiều tin giả ở Việt Nam khá đơn giản mà vẫn lừa được khá nhiều người. Có những website mà nhìn tên miền đã thấy ngay sự thiếu tin cậy nhưng mọi người vẫn chia sẻ. Có những thông tin thậm vô lý nhưng nhiều người vẫn xuýt xoa, phẫn nộ, mừng vui thật dễ dàng rồi còn kêu gọi bạn bè cùng trao đổi. Xin lưu ý là có nhiều loại tin giả được tạo ra với lớp lang vô cùng chuyên nghiệp và thực hiện trong một thời gian dài, thì e rằng không nhiều người có thể bình tĩnh nhận định và phát hiện.

Các vụ việc phát tán tin giả được phát hiện thời gian qua ở Việt Nam chỉ bị xử phạt hành chính. Theo ông, các biện pháp xử lý tin giả như hiện nay đã đủ nghiêm khắc để ngăn chặn tin giả chưa?

Việc xử lý tin giả ở nhiều nước trên thế giới hiện nay được thực hiện ở nhiều cấp khác nhau. Chính quyền một số quốc gia khá mạnh tay với các nền tảng mạng xã hội và đề ra những mức phạt rất lớn nếu các nền tảng này để cho những thông tin kích động thù hận tồn tại. Các mạng xã hội cũng nhận thức được những mối nguy này và đã có rất nhiều động thái để hạn chế tin giả, đơn cử như Facebook đã phải lập ra đội ngũ tới hàng chục ngàn người để theo dõi nội dung chứ không giao phó hoàn toàn cho máy móc như trước. Google cũng đã có những bước đi cụ thể, cả với công cụ tìm kiếm của họ cũng như với trình duyệt Chrome, được gắn plug-in để kiểm tra xem nguồn có tin cậy không.

Ngoài ra còn phải kể đến nỗ lực của các tổ chức, cá nhân và các cơ quan báo chí trên thế giới khi xây dựng nên hàng trăm dự án kiểm tra thông tin (fact-check). Ở Việt Nam đã có một số cá nhân bị xử lý phạt tiền vì tung tin giả, nhưng số lượng bị phát hiện cho tới nay không nhiều và thông thường chỉ xử lý khi liên quan đến những vụ có tác động lớn đến xã hội. Cách làm này chỉ là biện pháp tức thời chứ rất khó triển khai trên quy mô lớn, hiệu quả cũng rất có chừng mực.

Chẳng hạn nếu chúng ta phát hiện ra hàng ngàn người, thậm chí hàng chục ngàn người đăng tin giả lên mạng xã hội thì không lẽ phải cử lực lượng chức năng trực tiếp xử phạt. Vậy nếu những cá nhân này ở nước ngoài thì có biện pháp nào không? Nếu các thông tin giả chưa đến mức độ gây tác động nghiêm trọng cho xã hội thì xử lý như thế nào? Như thế nào mới bị coi là gây tác động nghiêm trọng cho xã hội? Cách đánh giá tác động không có thước đo khách quan cụ thể nào, vậy phải đề ra các mức phạt ra sao cho phù hợp với từng vụ, v.v…

Ông dự đoán như thế nào về thực trạng tin giả trong thời gian tới, đặc biệt là ở thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 khi robot đã có thể viết tin thay con người?

Cuộc chiến chống tin giả trong thời gian tới sẽ còn phức tạp hơn nữa, khi trí thông minh nhân tạo được áp dụng phổ biến hơn trong quy trình sản xuất tin. Các chuyên gia dự đoán rằng nếu báo chính thống dùng nhà báo robot viết tin được thì những kẻ có dụng tâm xấu cũng sẽ biết cách sử dụng và sẽ sản xuất thông tin với số lượng lớn hơn nhiều. Nhưng cách đối chọi tốt nhất là phòng ngừa, và phòng ngừa từ sớm.

Đừng coi thường tin giả, bởi thực tế cho thấy tin giả không hề là vô thưởng vô phạt, nó có thể hủy hoại uy tín của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, tin giả kích động thù hận, báng bổ tôn giáo, kỳ thị sắc tộc, từng suýt gây nên sự cố ngoại giao giữa các quốc gia, nó thậm chí dẫn đến những vụ giết người vô tội, có thể tới mức làm rối loạn xã hội. Nếu chính quyền, các cơ quan báo chí và cá nhân người dùng mạng xã hội không ý thức được điều này và có hành động trong phạm vi trách nhiệm của mình thì sẽ là quá muộn.

Để khắc phục tin giả, theo ông cần có khuyến nghị gì với cơ quan quản lý báo chí cũng như các cơ quan báo chí?

Dù là phạt tiền hay thậm chí bỏ tù thì cũng chỉ là biện pháp tức thời mà thôi. Tôi cho rằng những biện pháp này có thể có ý nghĩa răn đe nào đó nhưng không triệt để và không bền vững. Không phải kẻ phạm tội nào trước khi ra tay hành động đều nghĩ đến nguy cơ bị trả giá trước pháp luật mà đa phần là bất chấp pháp luật, hoặc nghĩ rằng đủ tài giỏi để không bị phát hiện, hoặc nghĩ rằng hậu quả gây ra không lớn.

Tôi nghĩ rằng các biện pháp hành chính, hay cao hơn là hình sự, vẫn là những phương án cần cân nhắc nhưng phải có những biện pháp mang tính chủ động hơn. Chẳng hạn việc quy trách nhiệm cho các nền tảng mạng xã hội như một số chính phủ đang làm là điều hợp lý, bởi người xây chợ không chỉ được thu lời từ hoạt động của chợ mà phải chịu trách nhiệm về những sản phẩm lưu chuyển, kinh doanh trong đó.

Chúng ta cũng cần nghiêm túc xây dựng những dự án về việc phát hiện tin giả và kiểm chứng thông tin (fact-check), hoạt động minh bạch và tin cậy để là nguồn tham khảo cho không chỉ người dùng mà cả các cơ quan báo chí cũng như các cơ quan chức năng. Các cơ quan báo chí cũng phải chủ động trong việc này.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với mạng xã hội, rất nhiều cơ quan báo chí vội vã đăng tải thông tin không kiểm chứng, thậm chí bị mạng xã hội dẫn dắt dẫn đến thông tin sai lệch, có trường hợp chính báo chí chính thống tiếp tay cho tin giả khi đăng tải lại. Những vụ như vậy xảy ra với cả những tờ báo lớn trên thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam, khiến cho niềm tin với báo chí đang phần nào bị giảm sút. Hơn lúc nào hết, bây giờ báo chí phải chứng tỏ tính chuyên nghiệp của mình, giành lại niềm tin của độc giả. Nếu báo chí chưa thể phát hiện ra tin giả thì ít nhất phải làm tròn trách nhiệm của mình là đưa tin đúng sự thật.

Một vấn đề nữa là phải nâng cao ý thức của người dùng mạng xã hội và cung cấp những kỹ năng cần thiết - một yêu cầu gần như bất khả thi bởi ai cũng nghĩ họ là người dùng thông minh và không cần người khác “dạy dỗ.” Tuy nhiên, hoàn toàn có thể lồng ghép những nội dung này trong trường học để cảnh báo thế hệ trẻ và trang bị cho họ những kiến thức nhằm bảo vệ quyền riêng tư đồng thời tránh cạm bẫy khi tham gia vào các trang mạng xã hội. Kinh nghiệm từ việc giáo dục luật an toàn giao thông ở Việt Nam cho thấy dạy trẻ em mang lại hiệu quả cao hơn là hướng đến người trưởng thành.

Nhóm “vắc xin” chính trị, pháp lý

Sự hoàn thiện hệ thống văn bản về chính sách, pháp luật là cơ sở cho việc phát hiện, xác định vi phạm, quy định căn cứ, khung xử lý cụ thể cho các vi phạm về tin giả.

Thứ nhất, các cơ quan chức năng cần có sự chủ động, công khai, minh bạch thông tin và nâng cao năng lực, điều kiện bảo đảm cho phòng, chống tin giả. Khi có những tin đồn thất thiệt, thậm chí xuyên tạc, bịa đặt thì các chủ thể quản lý thông tin, truyền thông phải kịp thời làm rõ thật-giả, không nên né tránh, im lặng quá lâu. Cơ quan quản lý càng công khai, minh bạch thì sẽ càng dễ đẩy lùi được tin giả, hiện tượng “nhiễu” thông tin. Một vấn đề thiết yếu là kiện toàn bộ máy tổ chức, đổi mới hoạt động và tăng cường nguồn lực của Ban chỉ đạo 35. Đồng thời, cần xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên sâu, đội ngũ chuyên gia có chất lượng cao và phát triển lực lượng có tính toàn dân rộng rãi trong giám sát, tham gia phòng chống tin giả.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong phòng, chống tin giả. Thời gian qua, chúng ta đã ban hành Luật An ninh mạng và nhiều nghị định liên quan đến quy định xử lý các hành vi vi phạm về tin giả. Tuy nhiên, cần có những quy định “mạnh tay” hơn để gia tăng hiệu quả, quy trách nhiệm cho nền tảng xã hội, phối hợp chặt chẽ với các nhà mạng trong quản lý, xử lý nghiêm các đối tượng tung tin giả theo quy định pháp luật. Nhìn từ kinh nghiệm trên thế giới, rất nhiều quốc gia đã có những hành động và chính sách quyết liệt nhằm chống lại tin giả.

Ví dụ tại châu Á, Singapore ban hành đạo luật Chống thông tin sai trái và thao túng trên mạng, với án tù giam lên tới 10 năm. Chính phủ Thái Lan thành lập Trung tâm Chống tin giả và đề ra mức phạt tiền lên đến hơn 3.200 USD và/hoặc phạt tù 5 năm. Malaysia hình sự hóa tội tung tin giả trên mạng, coi hành vi tung thông tin sai lệch về nguồn gốc, quy mô và mức độ của dịch bệnh là mối đe dọa đối với an toàn công cộng.

Virus “tin giả” và vắc-xin chống “tin giả”  - Ảnh 3.

Luật Hình sự của Trung Quốc quy định hành vi bịa đặt thông tin sai lệch về tình hình dịch bệnh và lan truyền thông tin đó qua các phương tiện truyền thông, gây mất trật tự xã hội sẽ bị kết án tù 3-7 năm nếu gây hậu quả nghiêm trọng, giam giữ hình sự hoặc giám sát công cộng. Tại Hàn Quốc, cơ quan chức năng cũng xử lý nghiêm hành vi phát tán tin giả về dịch bệnh.

PGS, TS Nguyễn Thế kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương

Phòng chống thông tin sai trái, độc hại

Có những tin đồn “độc hơn rắn độc” lan truyền qua các mạng bẩn... Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, thật và giả, tốt và xấu, bổ ích và độc hại... dễ được đặt cạnh nhau, đi bên nhau, u u minh minh. Mỗi người, mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị nên tự trang bị cho mình và người thân khả năng đề kháng, chọn lọc, sử dụng thông tin lành mạnh, bổ ích, nhân văn; có thái độ rõ ràng, dứt khoát đấu tranh đẩy lùi những thông tin xấu độc của kẻ xấu và các thế lực thù địch.

Trong công tác quản lý, cần tăng cường sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ban Đối ngoại Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam và các ban, bộ, ngành khác trong việc cung cấp, dự báo, định hướng thông tin về các vấn đề, sự kiện quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. Kiện toàn tổ chức, bổ sung, hoàn thiện cơ chế hoạt động của thanh tra thông tin-truyền thông, thanh tra văn hóa; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các sai phạm; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng “thương mại hóa”, tư nhân hóa hoạt động văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản

Nhóm “vắc xin” truyền thông

Truyền thông đóng góp quan trọng trong việc giữ vững “trận địa thông tin”, bảo vệ quyền tự do thông tin, làm trong sạch môi trường thông tin trong xã hội. Đây là kênh hiệu quả trong việc nâng cao “sức đề kháng” chống tin giả cho người dân. “Bộ lọc” cần thiết nhất chính là cần nâng cao ý thức cho người dân cảnh giác, chọn lọc thông tin, luôn coi trọng nguyên tắc và chuẩn mực văn hoá, đạo đức khi tham gia và tiếp nhận thông tin trên không gian mạng, tạo được khả năng miễn dịch đủ mạnh, đủ lớn trong cộng đồng. Để phương thức giáo dục, thuyết phục hiệu quả thì bộ công cụ truyền thông bao gồm Thông tin – Giáo dục – Truyền thông (IEC: Information – Education – Communication), Truyền thông vận động (Advocacy) và Truyền thông thay đổi hành vi (BCC: Behavior Change Communication) với tất cả các thiết chế truyền thông là vô cùng cần thiết.

Hơn lúc nào hết, báo chí cần phải đi tiên phong trong việc định hướng và làm chủ dòng chảy thông tin trên “không gian ảo”, thực sự là người dẫn dắt và hướng dẫn dư luận. Trong kỷ nguyên kỹ thuật số hiện nay, báo chí buộc phải thích nghi với những đổi thay liên tục về cách thức xuất bản và tiêu thụ tin tức. Tin giả trở thành thách thức, nhưng cũng mang đến cho báo chí chính thống cơ hội khẳng định vị thế, trở nên minh bạch hơn.

Virus “tin giả” và vắc-xin chống “tin giả”  - Ảnh 5.

Tài khoản factcheckvn trên TikTok (Nguồn: Vietnam+)

Trước đây, nhiệm vụ của báo chí chỉ là đưa thông tin trung thực, công bằng, nhưng giờ đây báo chí cũng phải tham gia kiểm chứng thông tin và bóc trần những thông tin sai lệnh, ngụy tạo. Nhiều tòa soạn báo, hãng thông tấn trên thế giới quyết liệt tham gia chống tin giả. Ví dụ, hãng Thông tấn Kyodo (Nhật Bản) đã thành lập một nhóm chuyên trách có tên gọi D-Watch, theo dõi các trang web và mạng xã hội liên tục từ 9 giờ đến 23 giờ hàng ngày và định kỳ báo cáo về Trung tâm những thông tin có giá trị về mặt tin tức, chỉ đạo bộ phận tin tức cử phóng viên tới hiện trường xảy ra sự kiện.

Hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc) thành lập 1 Ủy ban kiểm chứng thông tin vào tháng 4/2018 và trở thành một bộ phận của phòng tin tức. Hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) đã lập Hệ thống theo dõi ảnh (PTS) riêng bằng bộ mã hóa nhân viên của bộ phận IT. PTS giúp theo dõi ảnh của hãng bằng cách tìm ra địa điểm, thời gian và cách thức mà bên thứ ba sử dụng dưới dạng số hóa.

Theo nhà báo Lê Quốc Minh, một kinh nghiệm kiểm chứng thông tin của các chuyên gia Mỹ được tóm lược bằng 2 từ là I’M VAIN: Independent (nguồn tin có khách quan, độc lập với nội dung thông tin không); Multiple (nguồn tin có đa chiều không); Verify (thông tin có được xác nhận, có bằng chứng, có thẩm định chưa); Authoritative (nguồn cung cấp tin có thẩm quyền không); Informed (thông tin ấy có được bằng cách nào); Named (nguồn tin có tên tuổi cụ thể hay nguồn ẩn danh).

Trong “cuộc đua” về thông tin, báo chí không thể chạy đua tốc độ với mạng xã hội, và một khi không thể chạy đua về tốc độ thì phải đặt tính chính xác lên hàng đầu, coi đó là thế mạnh then chốt của báo chí. TTXVN từng có câu slogan là “Nhanh - Đúng - Trúng - Hay”. Tuy nhiên, không lâu sau khi áp dụng, lãnh đạo cơ quan khi đó đã quyết định thay đổi vị trí các từ, trở thành “Đúng - Nhanh - Trúng – Hay”, khẳng định quan điểm thông tin trước hết phải đảm bảo tính chính xác.

Hiện nay, nhiều cơ quan báo chí Việt Nam đã nâng cao khả năng kiểm chứng thông tin, tăng thêm lượng thông tin “sạch” cho người dân. Điển hình như dự án “Cuộc chiến chống tin giả - Những ý tưởng sáng tạo và giải pháp hiệu quả” của Thông tấn xã Việt Nam đã đoạt giải Vàng cho hạng mục Best Project for News Literacy trong khuôn khổ

Virus “tin giả” và vắc-xin chống “tin giả”  - Ảnh 5.

Giải thưởng Truyền thông Digital châu Á 2020 của Hiệp hội các Nhật báo và Nhà xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA). Cuối 2020, Factcheckvn của TTXVN được TikTok vinh danh Kênh thông tin có tác động xã hội. Năm 2021, dự án “Cùng vượt qua COVID-19” của Zing đoạt giải Bạc trong khuôn khổ giải thưởng này của WAN-IFRA.

Nhà báo Trần Lệ Thùy - Giám đốc Trung tâm Sáng kiến truyền thông và Phát triển MDI

Kiểm chứng tin tức bằng cách tìm kiếm hình ảnh

Phương pháp kiểm chứng thông tin bằng hình ảnh là một vũ khí rất lợi hại giúp chúng ta chống tin giả. Một vài công cụ hiệu quả có thể kể đến là Google Image và TinEye và PimEyes. Nhưng trong những công cụ này, TinEye và PimEyes là công cụ tìm kiếm và xác định hình ảnh với những chức năng nổi bật hơn cả. TinEye sẽ giúp bạn tìm kiếm các loại hình ảnh chung, còn PimEyes sẽ chỉ tập trung vào việc xác định khuôn mặt. Các bước thực hiện tìm kiếm và xác định bằng hai công cụ này khá tương đồng.

Các bước tìm kiếm và kiểm chứng trên TinEye và PimEyes:

Bước 1: Truy cập https://tineye.com/ hoặc https://pimeyes.com/en

Bước 2: Upload/Dán link hình ảnh cần kiểm chứng vào công cụ Reverse Image Search trên trang chủ

Bước 3: TinEye sẽ cho các kết quả hình ảnh trùng khớp/tương đồng với hình ảnh được upload/tìm kiếm. Đối chiếu các kết quả trả về bằng chức năng Compare (so sánh). Đáng tiếc một chút là PimEyes chưa có công cụ Compare.

Bước 4: Từ các kết quả đối chiếu, người xem hoàn toàn có thể so sánh và xác định được hình ảnh mình thấy trên các bài viết đã qua chỉnh sửa hay chưa. Nếu phát hiện hình ảnh đã qua chỉnh sửa, người xem hoàn toàn có thể kết luận đó là tin thật hay tin giả.

Nhóm “vắcxin” kỹ thuật, công nghệ

Hệ thống công cụ kỹ thuật, công nghệ phải đủ mạnh và đồng bộ. Hệ thống này cơ bản bao gồm: (1) Công cụ phân tích nội dung, xử lý thông tin và quản lý thông tin cần kiểm soát, đặc biệt là trên các trang thông tin điện tử và mạng xã hội; (2) Công cụ chặn, lọc tài khoản và thông tin giả; (3) Công cụ truy xuất nguồn gốc: định danh người dùng, định danh tài khoản gắn với nội dung và lịch sử truy cập, tương tác, truy xuất dấu vết; (4) Công cụ quản lý dữ liệu và an toàn thông tin, an toàn dữ liệu, bảo mật.

Bài toán giải pháp kỹ thuật - công nghệ đặt ra với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn, xử lý tin giả: phát hiện và cảnh báo các xu hướng xã hội đang diễn ra trên các trang báo mạng điện tử, truyền thông xã hội, trang thông tin điện tử chính thống và phi chính thống; Dự báo các nội dung hoặc thảo luận có nguy cơ bùng phát; Tự động rà quét và phát hiện sớm các trang web, tài khoản mạng xã hội, nhóm, fanpage… về các chủ đề cần quản lý thông qua cơ sở dữ liệu danh sách lọc; Có khả năng tự động can thiệp và làm giảm kịp thời số lượng bài viết theo hướng tiêu cực.

Virus “tin giả” và vắc-xin chống “tin giả”  - Ảnh 8.

Dự án “Cùng vượt qua COVID-19” của Zing (Nguồn: ZingNews)

Chúng tôi tổng kết một số phương pháp xác minh thông tin đơn giản và hiệu quả sau đây.

Một là, kiểm tra nguồn, đường dẫn liên kết, phần liên hệ hoặc giới thiệu, câu trích dẫn. Đường dẫn URL chứa tin giả thường giả mạo gần giống các trang tin chính thống. Cảnh giác với những đuôi tên miền phổ biến như .com, .info, .net… vì đó là tên miền bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào cũng có thể sở hữu. Đuôi .org dành cho các tổ chức phi chính phủ hoặc phi lợi nhuận nhưng những trang này có thể đăng tải thông tin chủ quan vì mục đích riêng của tổ chức đó. Kiểm tra mục liên hệ hoặc giới thiệu, câu trích dẫn để tìm kiếm thông tin về cá nhân hoặc tổ chức đứng sau, xác định mức độ tin tưởng thông qua các thông tin được đề cập.

Hai là, sử dụng công cụ kiểm chứng thông tin bằng hình ảnh như Google Image, TinEye, PimEyes… Đây là những công cụ tìm kiếm ngược có chức năng truy xuất nguồn gốc của những bức ảnh nghi vấn. Công nghệ này hữu hiệu nhất trong việc phát hiện những bức ảnh bị thay đổi chú thích, thậm chí cả một số bức ảnh bị cắt ghép, chỉnh sửa bằng cách tìm kiếm những bức ảnh tương tự đã xuất hiện trước đây.

Ba là, truy cập website chuyên xác minh nguồn tin như Factcheck, Snopes… Đây là công cụ hữu hiệu giúp nhận diện được các thông tin giả, thông tin sai sự thật, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tin xấu độc. Bộ Thông tin và Truyền thông có cổng thông tin tiếp nhận phản ánh, công bố tin giả tại địa chỉ http://tingia.gov.vn và đầu số tiếp nhận phản ánh tin giả 18008108. Cổng thông tin tiếp nhận trực tuyến các phản ánh về tin giả của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đồng thời công bố tin giả bằng hình thức dán nhãn tin giả, tin sai sự thật. Factcheck cũng có thể tìm thấy trên các chuyên mục của báo điện tử như báo Nhân dân online có mục Factcheck/Kiểm chứng thông tin, Tuổi trẻ online có mục Giả - Thật, hoặc Factcheck của Vietnamplus...

Tài liệu tham khảo:

1. Đề tài nhánh thuộc chương trình cấp Bộ trọng điểm năm 2019-2020, Xử lý thông tin sai lệch, xuyên tạc trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận và văn học, nghệ thuật, chủ nhiệm đề tài Đỗ Thị Thu Hằng, Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

2. Unesco (2019), Báo chí, tin giả và tin xuyên tạc. Sổ tay Giáo dục và Đào tạo Báo chí, http://media.fojo.nu/2019/04/UNESCO-fakenews_2018_vi.pdf

3. Minh Sơn (2021), An ninh mạng Việt Nam trong năm 2021: Tấn công ngày càng tinh vi, https://www.vietnamplus.vn/an-ninh-mang-viet-nam-trong-nam-2021- tan-cong-ngay-cang-tinh-vi/749427.vnp

4. Nguyễn Ngọc Cương, Nguyễn Ngọc Quỳnh (2021), Phòng chống tin giả trên không gian mạng và cách nhận diện, https://www.mic.gov.vn/mic_2020/Pages/ TinTuc/147407/Phong-chong-tin-gia-tren-khong-gian-mang-va-cach-nhan-dien.htm

(Bài viết đăng trên Tạp chí TT&TT số đặc biệt chào năm mới 2022 - Xuân Nhâm Dần)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Virus “tin giả” và vắc-xin chống “tin giả”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO