Chuyển động ICT

VNIX-NOG 2024: Thúc đẩy an toàn, tin cậy kết nối hạ tầng Internet quốc gia

AD 20/10/2024 18:10

VNIX-NOG 2024 quy tụ hơn 150 đại biểu là các kỹ sư, chuyên gia trong nước và quốc tế tới từ các thành viên kết nối trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX), các doanh nghiệp Internet, cung cấp dịch vụ nội dung, đám mây, CDN, và một số tổ chức thành viên địa chỉ IP/ASN...

Ngày 18/10/2024, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị thành viên Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX-NOG 2024) tại TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

418-202410201753091.jpg
Toàn cảnh Hội nghị VNIX-NOG 2024.

Sự kiện cũng có sự tham gia của một số các chuyên gia quốc tế về Internet tới từ Trung tâm Thông tin mạng khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APNIC), các tổ chức IX hàng đầu khu vực và quốc tế (BBIX, JPIX, DE-CIX…), các DN công nghệ quốc tế lớn.

418-202410201753092.jpg
Ông Lê Ngọc Đức – Chủ tịch Hội đồng Quản lý VNNIC phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX được VNNIC thành lập năm 2003, ngay từ giai đoạn đầu, khi Internet Việt Nam bắt đầu phát triển. VNIX đã khẳng định được vai trò quan trọng là hạ tầng trọng yếu của mạng Internet Việt Nam, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an toàn Internet Việt Nam, kết nối các DN cung cấp dịch vụ Internet, thúc đẩy sự phát triển Internet Việt Nam.

Quy hoạch hạ tầng Thông tin và Truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 11/1/2024 tại Quyết định số 36/QĐ-TTg đã xác định phương hướng phát triển VNIX: “Mở rộng kết nối Internet trong nước thông qua các kết nối trực tiếp ngang hàng (peering), kết nối tới trạm trung chuyển Internet (IXP), tới trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX; Mở rộng kết nối Internet khu vực và quốc tế, đặc biệt là phát triển các tuyến cáp quang biển, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kết nối, trung tâm dữ liệu khu vực; Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6)”.

Hội nghị đã tập trung thảo luận kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm quản trị vận hành hạ tầng mạng, tăng cường kết nối ngang hàng (peering), kết nối ngang hàng từ xa; ứng dụng các công nghệ mới để phát triển các nền tảng quản lý nâng cao hiệu quả quản trị, vận hành hạ tầng mạng, khai thác dữ liệu mạng, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn hạ tầng Internet Việt Nam.

Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của Internet, kết nối ngang hàng, trao đổi lưu lượng (Internet Exchange - IX) qua các điểm trung chuyển IXP (Internet Exchange Point) có vai trò ngày càng quan trọng. Tính đến hiện tại, toàn cầu có gần 1.200 IXP đang hoạt động, khu vực châu Á - Thái Bình Dương có 178 IXP. Giá trị cốt lõi của IXP là peering, tăng cường kết nối peering qua IXP nhằm tiết kiệm chi phí, tăng cường chất lượng dịch vụ, giúp cho mạng Internet phẳng hơn.

Về an toàn Internet, hạ tầng số để phát triển bền vững, Hội nghị nhất trí an toàn hạ tầng số cần được quan tâm nhiều hơn, tăng cường kết nối qua VNIX giúp phát triển và tăng cường an toàn cho hạ tầng số. Ứng dụng ký số xác thực tài nguyên Internet RPKI để đảm bảo an toàn định tuyến Internet; tăng cường khai thác dữ liệu mạng, dữ liệu hệ thống DNS để đánh giá, giám sát, đảm bảo an toàn hạ tầng mạng… Ứng dụng công nghệ mới AI, Automation để nâng cao năng lực quản lý, quản trị mạng Internet.

Về phát triển nguồn nhân lực, kết nối các kỹ sư, chuyên gia mạng, VNIX-NOG đã quy tụ được các kỹ sư, chuyên gia kỹ thuật, công nghệ, thông qua hội nghị, các chương trình đào tạo (workshop) mang tính thực tiễn cao giúp phát triển nguồn lực nghiên cứu, phát triển ứng dụng và quản trị, vận hành, đồng thời kết hợp với nguồn lực quốc tế để phát triển Internet Việt Nam.

418-202410201753093.jpg
418-202410201753094.jpg
418-202410201753095.jpg
Các chuyên gia và đại biểu chia sẻ, thảo luận tại Hội nghị.

Một số nội dung khác được các chuyên gia chia sẻ, thảo luận tại Hội nghị như đánh giá các IX trong khu vực và thế giới và xu thế phát triển; các giải pháp, công nghệ kết nối, phát triển kết nối thông qua các điểm POP VNIX đặt tại các IDC; các giải pháp kỹ thuật về đảm bảo an toàn hạ tầng mạng với các giải pháp kỹ thuật như kết nối dự phòng, an toàn định tuyến thông qua RPKI, phòng chống giảm thiểu tấn công DDoS trên hạ tầng mạng DN và trên VNIX; thúc đẩy triển khai IPv6, hướng tới IPv6 Only trên mạng Internet Việt Nam; khai thác dữ liệu mạng thông qua các dữ liệu mạng, dữ liệu hệ thống DNS để đánh giá, giám sát và đảm bảo an toàn Internet;…

Được tổ chức lần đầu năm 2016, Hội nghị VNIX-NOG là diễn đàn kỹ thuật chuyên sâu thường niên dành cho các kỹ sư, chuyên gia mạng Internet Việt Nam, theo mô hình NOG quốc tế (Network Operator Group). Qua 8 năm tổ chức, Hội nghị VNIX-NOG 2024 đã trở thành diễn đàn quan trọng của đội ngũ các kỹ sư, chuyên gia mạng trong nước, cùng nhau thảo luận chia sẻ các công nghệ, giải pháp mới, kinh nghiệm quản trị, vận hành... nhằm thúc đẩy phát triển VNIX, tăng cường đảm bảo an toàn, tin cậy hạ tầng Internet quốc gia, góp phần đảm bảo Internet Việt Nam rộng khắp, phổ cập, an toàn, bền vững./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
VNIX-NOG 2024: Thúc đẩy an toàn, tin cậy kết nối hạ tầng Internet quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO