VoicePay: Tương lai của thanh toán nằm ở… giọng nói?

Bảo Bình| 14/10/2021 18:20
Theo dõi ICTVietnam trên

Giọng nói sẽ vừa là “mật khẩu” để đăng nhập, vừa là “mệnh lệnh” để thực hiện các giao dịch thanh toán. VoicePay sẽ đáp ứng nhu cầu về một giải pháp thanh toán nhanh, tiện lợi và đặc biệt là an toàn vì “không ai có thể đánh cắp giọng nói..."

Hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó, để thanh toán hóa đơn cho một bữa ăn trong nhà hàng, bạn chỉ đơn giản nói vào chiếc điện thoại “Trả tiền cho tôi” và giao dịch được thực hiện một cách nhanh chóng nhất.

“Đó thực sự là một bước đột phá trong công nghệ khi giọng nói của con người đã trở thành công cụ thực hiện một trong những thao tác phổ biến nhất – trả tiền”, ông Vũ Gia Luyện, Founder & CEO của Inter ITS, Trưởng dự án giải pháp thanh toán bằng giọng nói, chia sẻ về ý tưởng ra đời VoicePay.

VoicePay là gì?

VoicePay: Tương lai của thanh toán nằm ở … giọng nói? - Ảnh 1.

Giọng nói sẽ vừa là “mật khẩu” để đăng nhập, vừa là “mệnh lệnh” để thực hiện các giao dịch thanh toán.

“VoicePay là một giải pháp hướng tới việc sử dụng giọng nói thay cho các thao tác “chạm” trong giao dịch thanh toán”, ông Lại Quang Tùng của Inter ITS cho biết. Thay vì cần phải sử dụng phím bấm của điện thoại, máy tính, cây ATM hay máy POS, người dùng chỉ cần ra lệnh bằng giọng nói để thực hiện giao dịch thanh toán hoặc chuyển khoản.

Trong VoicePay, hệ thống đóng vai trò như một người thừa hành, nhận mệnh lệnh từ người dùng và thực thi tự động, đồng thời phản hồi lại hoàn toàn bằng tương tác ngôn ngữ. Thực chất, VoicePay là giải pháp thanh toán sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI), giúp người dùng thanh toán bằng giọng nói (Voice payment) thông qua ứng dụng trên thiết bị di động hay cuộc gọi thoại thông thường. Hiện phương thức thanh toán bằng giọng nói đang được nhiều nước ứng dụng thực tế.

Đằng sau ý tưởng về một giải pháp thanh toán mới

Sự gia tăng của các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, cùng với nhu cầu về một dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật chính là lý do ra đời ý tưởng VoicePay.

Hiện nay, các giao dịch thanh toán và chuyển khoản đang được thực hiện phổ biến trên nền tảng website và điện thoại di động. Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy ứng dụng các giao dịch thanh toán không tiếp xúc này. Không chỉ trong thời gian đại dịch, mà khi cuộc sống đã trở lại bình thường, thanh toán không tiếp xúc, không dùng tiền mặt cũng sẽ trở thành xu hướng.

Theo nghiên cứu thị trường riêng của Inter ITS, trong 2 năm trước đại dịch COVID-19, theo thống kê, số lượng người sử dụng các dịch vụ thanh toán bằng điện thoại của nước ta tăng lần lượt 37% trong năm 2018 và 61% trong năm 2019. Đại dịch trở thành tác nhân khiến xu hướng trên phát triển hơn nữa cả về số lượng lẫn giá trị giao dịch. Ngân hàng Nhà nước cho biết chỉ riêng trong quý 2/2021, cả nước có tới trên 620 triệu lượt giao dịch thông qua mobile banking và Internet banking với tổng giá trị hơn 14,8 triệu tỷ đồng. Các giao dịch bằng thiết bị thanh toán và thẻ ATM cũng đạt 360 triệu lượt với tổng giá trị xấp xỉ 903.000 tỷ đồng.

Các con số trên có khả năng sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới khi thói quen hạn chế sử dụng tiền mặt bắt đầu phổ biến sau thời gian đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, dịch vụ mobile money cũng đang chuẩn bị được cấp phép sẽ góp phần thúc đẩy mạnh kênh thanh toán phi tiền mặt tại Việt Nam.

Tuy nhiên, các giao dịch thanh toán qua ứng dụng điện thoại gặp phải một số vấn đề. Thứ nhất, tin tặc có thể đánh cắp thông tin tài khoản thông qua giả mạo SMS của chính ngân hàng. Thời gian qua, trò lừa đảo bằng cách giả mạo tin nhắn của ngân hàng khiến không ít người tiêu dùng trở thành nạn nhân. Hậu quả là bị lấy cắp thông tin tài khoản và mất số tiền lớn.

Ngoài vấn nạn giả mạo SMS ngân hàng, các phương thức thanh toán hiện tại buộc khách hàng phải nhớ quá nhiều thứ, đặc biệt là mật khẩu, để thực hiện giao dịch hoặc thanh toán. Điều này không chỉ gây phiền toái mà còn là lỗ hổng để tin tặc tấn công.

Thứ ba, khách hàng không thể giao dịch khi đang lái xe hoặc làm một số công việc khác do cần tập trung vào việc “bấm phím”, nhập mật khẩu trên điện thoại.

Và thứ tư, các ứng dụng này không thể thực hiện nếu không có kết nối Internet.

“Các vấn đề trên đặt ra bài toán mới cho chúng tôi”, ông Vũ Gia Luyện cho biết. “Đó là cần phát triển một giải pháp mới vừa đảm bảo an toàn, vừa có tốc độ giao dịch nhanh, có khả năng tích hợp mạnh mẽ với nền tảng sẵn có và có thể hỗ trợ khách hàng tối đa”.

“Đây là những lí do để chúng tôi đưa ra giải pháp VoicePay, một lựa chọn mới cho việc giao dịch và thanh toán thông qua giọng nói”, ông Phạm Xuân Sinh, chuyên gia hệ thống cho biết.

VoicePay: Tương lai của thanh toán nằm ở … giọng nói? - Ảnh 2.

VoicePay thực hiện giao dịch thanh toán như thế nào?

Tổng đài ảo Callbot sẽ đóng vai trò như một kênh trung gian giữa khách hàng với doanh nghiệp cung cấp giao dịch thanh toán. Mô hình ở đây sẽ là Callbot tiếp nhận yêu cầu thanh toán từ phía khách hàng, xác thực khách hàng thông qua giọng nói đã được đăng ký từ trước. Nếu việc xác thực thành công, Callbot sẽ gọi tới các API để thực hiện giao dịch. Nếu việc xác thực không thành công, Callbot sẽ dừng cuộc gọi để đảm bảo an toàn cho tài khoản của khách hàng.

Khách hàng có thể lựa chọn 4 kênh thanh toán. Thứ nhất là sử dụng các ứng dụng mua một sản phẩm riêng biệt, ví dụ như trường hợp mua vé số hoặc thẻ điện thoại. Thứ hai, khách hàng có thể sử dụng thông qua các ứng dụng ngân hàng, ví điện tử. Thứ ba, khách hàng có thể gọi thẳng lên số hotline tổng đài thanh toán để tiến hành thực hiện giao dịch. Và thứ tư, khách hàng có thể sử dụng thông qua ủy quyền giao dịch tài chính tại các trang web có chức năng thanh toán hoặc các trang thương mại điện tử.

Cụ thể, với kênh thanh toán trực tiếp thông qua hotline, mỗi doanh nghiệp có một tổng đài riêng để thực hiện việc thanh toán. Khách hàng sẽ mở một tài khoản thanh toán, đăng ký giọng nói xác thực. Khi cần thực hiện thanh toán, khách hàng sẽ gọi điện thoại thẳng lên hotline, trong trường hợp này là một tổng đài Callbot tiếp nhận yêu cầu. Tổng đài Callbot sẽ xác minh giọng nói khách hàng và tiến hành thực hiện giao dịch bằng cách trừ tiền trong tài khoản thanh toán của khách hàng.

Đối với kênh thanh toán thông qua tích hợp với ứng dụng, khách hàng sẽ mở app, sau đó tạo cuộc gọi tới Callbot. Tổng đài Callbot nhận được cuộc gọi sẽ tiến hành xác thực giọng nói khách hàng thông qua dữ liệu từ server. Sau khi xác thực giọng nói thành công, Callbot sẽ gọi API thanh toán để tiến hành thực hiện giao dịch. Trong trường hợp xác thực giọng nói thất bại, Callbot sẽ chủ động kết thúc cuộc gọi và giao dịch sẽ không thể thực hiện.

Ở kênh thanh toán qua trang thương mại điện tử, khách hàng sẽ bấm vào nút “Thanh toán” trên trang web để kích hoạt tổng đài Callbot gọi xuống số điện thoại đã đăng ký. Tương tự như kênh thanh toán qua tích hợp với ứng dụng, Tổng đài cũng sẽ tiến hành xác thực giọng nói thông qua dữ liệu từ Server để thực hiện giao dịch hoặc hủy bỏ giao dịch, tùy theo kết quả của việc xác thực.

Giải pháp VoicePay có những ưu điểm riêng như rất nhanh chóng, tiện lợi và thân thiện với khách hàng trong khi vẫn đảm bảo được độ an toàn và bảo mật cao. Khách hàng được cá nhân hóa, qua đó, nâng cao trải nghiệm người dùng. Các tổng đài xử lý giao dịch VoicePay có thể phục vụ vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Nhờ đó, VoicePay mang lại rất nhiều giá trị nếu đưa vào ứng dụng thực tiễn. Chẳng hạn như người tàn tật, người già có thể sử dụng giọng nói để thực hiện các giao dịch dễ dàng. Đây là một lợi ích mang ý nghĩa xã hội rất lớn của VoicePay.

VoicePay cũng giúp giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt, hạn chế tiếp xúc qua đó tránh lây lan các bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, tính bảo mật của VoicePay rất cao do ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc học bằng giọng nói để xác minh khách hàng khi thực hiện các giao dịch. Khách hàng cũng có thể sử dụng dễ dàng ngay cả khi đang lái ô tô, đơn giản chỉ cần bấm nút điện thoại, sau đó ra lệnh ngay trong xe. Callbot sẽ thực hiện lập tức các giao dịch một cách nhanh chóng nhất.

VoicePay: Tương lai của thanh toán nằm ở … giọng nói? - Ảnh 3.

Các nhà phát triển cho biết với việc tích hợp công nghệ xác thực giọng nói đang “hot” hiện nay giúp VoicePay ngăn chặn tối đa các cuộc tấn công của kẻ xấu vào hệ thống thanh toán. VoicePay yêu cầu người dùng phải xác thực mã OTP ngẫu nhiên khi giao dịch và chỉ khi mã OTP chính xác cộng với giọng nói của người dùng trùng khớp các đặc điểm sinh trắc học với giọng đã được đăng ký, giao dịch mới được thực hiện. 

Một số công nghệ khác được ứng dụng trong giải pháp thanh toán này là Speech to Text - công nghệ nhận dạng giọng nói và chuyển nội dung thành văn bản. Giọng nói được nhận dạng theo vùng, miền và độ tuổi; NLP - công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận biết được mệnh lệnh của người dùng. Công nghệ này sẽ có khả năng học hỏi và thông minh theo thời gian; Auto payment - bộ điều khiển thực thi mệnh lệnh, giao tiếp với hệ thống thanh toán để xử lý mệnh lệnh; Text to Speech - Công nghệ tổng hợp tiếng nói, đọc văn bản thành âm thanh gần giống với con người.

Ông Phạm Xuân Sinh cho biết hiện tại, VoicePay vẫn sử dụng một tổng đài trợ lý ảo Callbot riêng để thực hiện các mệnh lệnh. Nhưng trong tương lai, VoicePay sẽ được tích hợp với thiết bị loa thông minh để tiến hành các giao dịch bằng giọng nói. Khi được kết hợp với loa thông minh và Smart Home, hệ thống có khả năng hỗ trợ tối đa cho người khiếm thị trong giao dịch – một ưu điểm mà không giải pháp hiện tại nào làm được. Ngoài ra, ý tưởng của nhóm phát triển VoicePay là tạo một hệ sinh thái thanh toán hoàn toàn bằng giọng nói để có thể thực hiện ở bất cứ đâu, dù ở nhà, ngoài vườn, trên xe ô tô hay tại các quán ăn, siêu thị …

“Tương lai thuộc về những công nghệ đột phá”

Đó là suy nghĩ mà nhóm phát triển giải pháp thanh toán mới đã chia sẻ với phóng viên Tạp chí TT&TT khi nói về tương lai hứa hẹn của VoicePay.

“VoicePay là một giải pháp có thị trường tiềm năng rất lớn. Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 36,2 triệu người tham gia thanh toán điện tử dưới nhiều hình thức khác nhau. Việt Nam cũng nằm trong khu vực có tốc độ phát triển ví điện tử nhanh nhất thế giới. Do đó, mục tiêu thị trường của VoicePay là hướng tới tích hợp trên các trang thương mại điện tử, các ứng dụng giao dịch hoặc thiết lập các tổng đài ảo Callbot như một kênh thanh toán riêng cho từng đơn vị”, ông Vũ Gia Luyện chia sẻ.

Giải pháp VoicePay đảm bảo được 3 yếu tố: độ an toàn và bảo mật cao; sự tiện nghi và tốc độ giao dịch.

Hiện tại, VoicePay mới ra mắt và đang triển khai thử nghiệm tại một số ngân hàng như Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Đây là giải pháp thanh toán bằng giọng nói duy nhất tại Việt Nam. Do Inter  ITS sở hữu toàn bộ công nghệ lõi nên có nhiều thuận lợi trong triển khai, tùy biến và tích hợp.

“Bất cứ giải pháp công nghệ mới nào cũng cần một khoảng thời gian để khách hàng làm quen và chấp nhận. Chúng ta đã thấy điện thoại di động thay thế cho máy nhắn tin, sau đó là smartphone thay thế cho những chiếc điện thoại bàn phím. Chúng ta cũng thấy những giao dịch tiền mặt dần ít đi và chuyển sang các ứng dụng ngân hàng hoặc ví điện tử. Bây giờ, trước mắt chúng ta là một bước tiến mới của công nghệ. Không dễ dàng để mọi người thay đổi một thói quen nhưng nếu đó là một thói quen tốt cho một công nghệ tuyệt vời như VoicePay, thời gian thích nghi chắc chắn sẽ không kéo dài lâu", ông Vũ Gia Luyện, Founder & CEO, Trưởng dự án giải pháp VoicePay, cho biết./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Bưu điện chi trả tiền cứu trợ nhanh nhất cho người dân sau bão Yagi
    Với số tiền hơn 10 tỷ đồng được hỗ trợ từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) sẽ chi trả cho hơn 2.600 hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi) tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai và TP. Hải Phòng ngay trong tháng 12/2024.
  • Báo chí truyền thông và vấn đề quyền riêng tư
    Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cũng được coi như là một phần của việc bảo vệ quyền con người, và quyền riêng tư cần được tôn trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông số hiện nay - khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại có khả năng thu thập và phát tán thông tin, hình ảnh đời tư của con người một cách dễ dàng và vô cùng nhanh chóng.
  • FPT mở văn phòng tại Cần Thơ, bổ sung nguồn nhân lực cho mảng dịch vụ CNTT nước ngoài
    Văn phòng làm việc mới tại Cần Thơ của FPT được kỳ vọng sẽ góp phần đáp ứng không gian làm việc cho 1.000 nhân sự mảng dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của Tập đoàn vào năm 2025, hướng tới mục tiêu thu hút 3.000 nhân sự vào năm 2030.
  • Công trình nghiên cứu đồ sộ về tôn giáo và chính trị
    Cuốn sách “Lịch sử Cơ Đốc giáo Việt Nam thế kỷ 16 - 19” của GS. Trịnh Vĩnh Thường, một chuyên gia nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung - Việt, vừa được giới thiệu đến độc giả như một tài liệu tham khảo chuyên sâu về mối quan hệ phức tạp giữa Thiên Chúa giáo và các triều đại phong kiến Việt Nam.
  • Lệnh cấm Internet tại một số quốc gia châu Á gây "khó" cho các nhà mạng viễn thông
    Việc hạn chế quyền truy cập Internet của một số quốc gia châu Á vì mục đích chính trị đã khiến các nhà mạng viễn thông chịu nhiều tổn thất về tài chính và danh tiếng.
Đừng bỏ lỡ
VoicePay: Tương lai của thanh toán nằm ở… giọng nói?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO