WEF: Việt Nam trở thành 'ngọn hải đăng' về ứng phó với dịch COVID-19

(TTXVN/Vietnam+)| 31/03/2020 22:03
Theo dõi ICTVietnam trên

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đánh giá Việt Nam ứng phó hiệu quả với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trở thành "ngọn hải đăng" về cách làm với nguồn lực hạn chế.

WEF: Việt Nam trở thành 'ngọn hải đăng' về ứng phó với dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Ảnh chụp màn hình. (Nguồn: WEF)

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, trang điện tử của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ngày 30/3 đã đăng bài viết của nhà báo người Anh Sean Fleming, đánh giá Việt Nam ứng phó hiệu quả với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trở thành "ngọn hải đăng" về cách làm với nguồn lực hạn chế.

Bài viết nhận định virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 hiện là thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó hệ thống chăm sóc sức khỏe của nhiều quốc gia phát triển đang điêu đứng. Nhà báo Sean Fleming cho rằng Việt Nam đã sớm nhận thức rõ ràng rằng nguy cơ bùng phát của dịch bệnh có thể tàn phá một đất nước đang phát triển, và Việt Nam đã hành động mau lẹ, đưa ra quyết định nhanh chóng và kịp thời.

Theo tác giả Fleming, Việt Nam đã tập trung vào các biện pháp nằm trong tầm kiểm soát của mình và giành được sự tán dương từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã khởi động một loạt các sáng kiến để ngăn chặn virus lây lan ngay từ ngày 1/2, đình chỉ tất cả các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc; đóng cửa các trường học sau khi nghỉ Tết Nguyên đán. Hai tuần sau đó, giới chức y tế cũng nhanh chóng áp dụng các biện pháp kiểm dịch 21 ngày tại tỉnh Vĩnh Phúc, nơi có người lao động trở về từ tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc.

Tác giả bài báo đề cập một loạt biện pháp của Việt Nam, bao gồm cách ly 14 ngày bắt buộc đối với bất kỳ ai nhập cảnh và hủy bỏ tất cả các chuyến bay nước ngoài, cách ly những người nhiễm virus và theo dõi bất cứ người nào đã tiếp xúc với người mắc bệnh. Ngoài ra, người dân Việt Nam có tinh thần giám sát cao, chủ động phản ánh những hành động sai trái tới cơ quan chức năng, các hành vi như chia sẻ tin giả, thông tin sai lệch về virus SARS-CoV-2 đều bị xử lý.

Tác giả bài viết nêu bật những nỗ lực chủ động của Việt Nam chống COVID-19 diễn ra trong bối cảnh chất lượng cuộc sống người dân tại quốc gia này đã có sự cải thiện lớn sau hai thập niên qua. Theo đó, từ năm 2002 đến 2018, chính sách chuyển đổi kinh tế đã giúp đưa hơn 45 triệu người Việt Nam thoát nghèo. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người đã tăng hơn gấp đôi, lên hơn 2.500 USD trong năm 2018, mức tăng trưởng GDP thực tế là 7,1%. Y tế quốc gia cũng được cải thiện-tuổi thọ tăng từ 71 năm 1990 lên 76 vào năm 2015. Bài báo nhấn mạnh hệ thống chăm sóc sức khỏe của Việt Nam cũng đang được cải thiện.

Nhà báo Fleming nhận định với nguồn lực hạn chế, Việt Nam dường như đã làm cho sự bùng phát dịch bệnh này ở trong tầm kiểm soát./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
WEF: Việt Nam trở thành 'ngọn hải đăng' về ứng phó với dịch COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO