Xã hội số dần xóa nhòa bất bình đẳng giới

Minh Thiện| 20/10/2018 07:26
Theo dõi ICTVietnam trên

Quá trình chuyển đổi số đang dần san bằng các yếu tố chênh lệch gây bất bình đẳng giới. Sự nhìn nhận của xã hội về bình đẳng giới đang mở rộng phạm vi hơn, loại bỏ khoảng cách số về giới.

Biết nhiều ứng dụng số hơn

Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) đã dẫn đầu và khởi tạo nhiều sáng kiến toàn cầu về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ như Giải thưởng bình đẳng về giới trong công nghệ, nhằm thúc đẩy hơn nữa sự bình đẳng của phụ nữ trong một lĩnh vực thường được xã hội nhìn nhận là khó khăn đối với phụ nữ. Phân công lao động theo giới truyền thống cho thấy những công việc lao động kiếm sống do phụ nữ làm thường đơn giản, ít kỹ thuật, quy mô nhỏ, công việc mang tính hành chính, sự vụ nên được coi là ít giá trị, có thu nhập thấp. Công việc lao động kiếm sống của nam giới thường mang tính kỹ thuật cao, quy mô lớn tính chất công việc phức tạp được đánh giá là có giá trị và thu nhập cao. Thế giới số đang san bằng dần chênh lệch này.

Tại Hội nghị tập huấn công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ năm 2018 cho các cán bộ làm công tác bình đẳng giới, cán bộ công đoàn, nữ công của Bộ TTTT được tổ chức tại Yên Bái mới đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chia sẻ: Số liệu thống kê của ITU cho thấy cái nhìn khái quát về bình đẳng giới trong lĩnh vực CNTT: Trên thế giới, nữ giới online ít hơn 250 triệu người so với nam giới; Trong 193 nước thành viên Liên hợp quốc, chỉ 25 quốc gia có nữ bộ trưởng ICT; Chỉ 6% nhà phát triển ứng dụng là nữ giới…

Thứ trưởng Phan Tâm phát biểu khai mạc Hội nghị

Theo báo cáo khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2016 về mức độ mất cân bằng giữa nam và nữ, Việt Nam xếp thứ 65/144 quốc gia, và xếp thứ 7 ở châu Á về thu hẹp khoảng cách về giới trên các lĩnh vực.

Ở Việt Nam, quốc gia có tỷ lệ người sử dụng Internet rất cao trong khu vực, thực tế cho thấy, nữ giới dường như đang tận dụng cơ hội số tốt hơn cả nam giới. Trên điện thoại thông minh mà chị em đang dùng, hầu hết đều có nhiều ứng dụng hơn của cánh đàn ông. Ví dụ như ứng dụng AI làm đẹp khi chụp ảnh selfie, ứng dụng quản lý chi tiêu, các app mua bán online… Đặc biệt, các ứng dụng bán hàng live stream qua mạng hầu hết là chị em sử dụng rất thành thạo, nhưng cánh mày râu lại ít biết đến. Chỉ cần lướt qua facebook là thấy ngay thực tế này.

Không những thế, với vai trò người mẹ, tình mẫu tử, sự quan tâm chăm sóc con cái khiến nữ giới cũng biết và sử dụng các ứng dụng theo dõi trẻ em từ xa như định vị, camera IP… thành thạo không kém nam giới.

Trong quá trình dạy dỗ con cái, nhu cầu mở rộng kiến thức và phương pháp dạy con cũng khiến phụ nữ tìm hiểu và sử dụng ngày càng nhiều hơn những ứng dụng đào tạo online và những nội dung hữu ích cho trẻ em trên mạng.  

Như vậy, mặc dù không được đào tạo về công nghệ, thậm chí không hiểu biết nhiều về lĩnh vực kỹ thuật số nhưng nữ giới đang sử dụng công cụ này khá nhiều và hiệu quả.

Giáo viên đầu tiên của trẻ em về thế giới số

Trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030, bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ vừa là mục tiêu, vừa là một phần của giải pháp để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững khác, là một yếu tố quan trọng góp phần vào sự thịnh vượng của xã hội. 

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, đến năm 2020, khoảng 7,1 triệu việc làm sẽ bị thay thế. Đến năm 2050, khoảng một nửa số công việc ngày hôm nay sẽ không còn tồn tại. Điều đó có nghĩa là khoảng 65% con cái của chúng ta bước vào tiểu học ngày hôm nay, sẽ ra trường và làm những công việc mà chúng ta chưa từng biết tới.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng, 90% số công việc trong tương lai sẽ đòi hỏi kỹ năng về CNTT. Phụ nữ không chỉ là người mẹ mà còn là người thầy đầu tiên của các con mình. Việc được trang bị và tự trang bị các kỹ năng CNTT cần thiết sẽ tạo thêm lợi thế cho nữ giới ngành TT&TT và qua đó mang lại lợi thế cho con cái và những người xung quanh.

Những nhà lãnh đạo nữ đang gia tăng

Cũng trong Hội nghị tập huấn công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ năm 2018, Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định: Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số, vì vậy, bình đẳng giới cần được nhìn nhận không chỉ theo cách truyền thống, mà còn phải mở rộng phạm vi hơn sang khía cạnh xóa bỏ bất bình đẳng giới trong nền kinh tế số; loại bỏ khoảng cách số về giới. Trong bối cảnh đó, CNTT chính là phương tiện trao quyền cho phụ nữ và hiện thực hóa các mục tiêu về bình đẳng giới. CNTT chính là công cụ đặc biệt quan trọng để ngành TT&TT thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, từ đó lan tỏa ra các ngành, nghề khác trên cả nước. 

Toàn cảnh Hội nghị

Bình đẳng giới ở Việt Nam là nguyên tắc hiến định. Ngay trong Hiến pháp đầu tiên của nước ta năm 1946, nguyên tắc bình đẳng giới đã được quy định tại Điều 9: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký Công ước của Liên hợp quốc về loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ vào năm 1980. Bảo đảm bình đẳng giới thực chất, bảo đảm sự tiến bộ của phụ nữ luôn là hoạt động ưu tiên của Đảng, Nhà nước ta. Tại Nghị quyết số 11-NQ/TW tháng 4/2007 về công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặt mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam là một trong những quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất khu vực.

Việt Nam được ghi nhận là một trong số các quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua; đã hoàn thành trước thời hạn mục tiêu bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế của phụ nữ. Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và trên thế giới (đứng thứ 43/143 nước trên thế giới và thứ 2 trong ASEAN). Những con số trên cho thấy, phụ nữ Việt Nam ngày nay đã có một vị thế mới trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực TT&TT.

“Chị em phụ nữ của ngành hiện diện ở mọi nơi trên cả nước, từ các thôn bản vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…. mang sứ mệnh lan tỏa thế mạnh CNTT của ngành. Sự thành công của các đồng chí chính là minh chứng thuyết phục nhất cho việc ứng dụng CNTT vào thực hiện bình đẳng giới, nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế và phát triển toàn diện con người”, Thứ trưởng Phan Tâm chia sẻ.

Tổng số công chức và viên chức của các cơ quan, đơn vị tính đến 30/6/2018 khoảng 2900 người, trong đó nữ công chức chiếm khoảng 42%. Số đơn vị có trên 30% nữ là 29/36 đơn vị. Số đơn vị có từ 30% nữ trở lên có cán bộ chủ chốt là nữ là 11 đơn vị.

Ông Nguyễn Vĩnh An - Phó  Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ - báo cáo tổng kết tình hình hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ của Bộ TT&TT 

Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ của Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách, tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển: hỗ trợ cho cán bộ nữ khi đi học; thực hiện lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược, Kế hoạch hành động về bình đẳng giới vào chương trình công tác hàng năm của Bộ.

Trong số cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông có trên 40% là nữ. Đây là một lực lượng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ. Trong công tác quy hoạch cán bộ, Bộ Thông tin và Truyền thông chú trọng phát triển cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn về phẩm chất và năng lực đồng thời tạo mọi điều kiện, cơ hội để cán bộ nữ phát huy khả năng của mình thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng và sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ

Trong giai đoạn 2017-2020:

Số cán bộ nữ được quy hoạch chức danh Thứ trưởng là  01/13 đồng chí, đạt tỷ lệ 7,7%.

Số cán bộ nữ được quy hoạch các chức danh lãnh đạo cấp Vụ và tương đương là 78/243 đồng chí, đạt tỷ lệ 32,2%;

- Trong nhiệm kỳ 2020-2025, số cán bộ nữ được quy hoạch các chức danh lãnh đạo cấp Vụ và tương đương là 71/225 đồng chí, đạt tỷ lệ 31,6%.

Như vậy, tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch cấp Vụ và tương đương đã vượt  chỉ tiêu đề ra trong Hướng dẫn số 15-HD/BTCTW ngày 05/11/2012 của Ban Tổ chức Trung ương về tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch.

Bộ Thông tin và Truyền thông thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác quản lý cán bộ nữ từ tuyển chọn, bố trí và sử dụng cán bộ; luôn quan tâm, tạo điều kiện, giúp đỡ cán bộ nữ phấn đấu vươn lên giữ những vị trí quan trọng của Ngành. Hiện tại, trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp Vụ và tương đương có 19/136 đồng chí cán bộ nữ đạt tỷ lệ 13,97%.

Đốt lửa trại tại Hội nghị tập huấn công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ năm 2018.

Thứ trưởng Phan Tâm cho biết thêm: “Việt Nam là một trong những nước đi đầu về xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong hơn 20 năm qua. Chúng ta có Chủ tịch Quốc hội, có Quyền Chủ tịch nước… Và tôi đặt câu hỏi tại sao chúng ta không nghĩ đến một tương lai không xa rằng, chúng ta sẽ có nữ Bộ trưởng đầu tiên dẫn dắt ngành CNTT Việt Nam. Chính các đồng chí là nguồn nhân lực tạo ra niềm tin đó”

Đã có rất nhiều “bóng hồng” của Việt Nam đã và đang nắm giữ những chức vụ chủ chốt về ICT tại các tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và thế giới. Được mệnh danh là “hoa khôi” trong làng ICT Việt Nam, bà Lương Thị Lệ Thủy, đang bước vào năm thứ 4 trên cương vị Tổng giám đốc Cisco Việt Nam. Bên cạnh đó là bà Nguyễn Kim Dung đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc Nokia Việt Nam.  

Đảm trách nhiều cương vị quan trọng như Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, Chủ tịch HĐQT FPT Telecom và FPT Retail, chị Chu Thanh Hà được ví như “bông hồng quyền lực” của ngành CNTT Việt Nam. Năm nay, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT tiếp tục đề cử chị giữ vị trí Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023.

Còn nhiều nữ lãnh đạo CNTT khác như: bà Nguyễn Hoàng Thùy Dương tại vị trí Chief Operations Officer (COO - giám đốc điều hành) của FPT Software ; bà Trương Hoàng Ngọc, Trưởng bộ phận CNTT kiêm Trưởng phòng kế hoạch Công ty Savimex là nữ CIO duy nhất trong số 9 CIO xuất sắc nhất năm 2007; bà Dương Thị Thủy, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc Trung tâm CNTT, VP Bank (Việt Nam), được vinh danh giám đốc CNTT tiêu biểu nhất Đông Nam Á (năm 2010)...

Nhìn chung, nữ cán bộ, công chức, viên chức của Bộ cũng như nữ giới làm việc tại các doanh nghiệp trong Ngành là những người có trình độ, năng lực, có phẩm chất đạo đức, đáp ứng tốt yêu cầu công tác. Qua đó, đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy ngành Thông tin và Truyền thông phát triển với tốc độ cao cả về quy mô, doanh thu và thị trường; có tỷ trọng đóng góp cho ngân sách nhà nước lớn; trở thành ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng; thực sự là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; bảo đảm quốc phòng - an ninh và bảo vệ chủ quyền đất nước.

Chương trình giao lưu văn nghệ tại Hội nghị tập huấn công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ phụ nữ năm 2018

Ngày nay phụ nữ không chỉ làm công việc nội trợ mà còn lao động kiếm sống, sự thành công của họ trong sản xuất, kinh doanh phụ thuộc rất nhiều vào sự chia sẻ vai trò sinh sản và nuôi dưỡng với các thành viên khác trong gia đình. Mặc dù, bình đẳng giới đã có nhiều tiến bộ đáng kể, nhưng trên thực tế khoảng cách về giới vẫn còn tồn tại: Lao động nữ vẫn còn nhiều thiệt thòi trong việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản, cơ hội được đào tạo, cơ hội thăng tiến. Phụ nữ cần được tạo điều kiện để thể hiện tốt nhất vai trò của mình; được bồi dưỡng, đào tạo để tham gia ngày càng nhiều các hoạt động xã hội, công tác lãnh đạo và quản lý ở các cấp... Bình đẳng giới không chỉ là vấn đề của phụ nữ, mà của chính nam giới, là trách nhiệm của toàn xã hội.

Không thành công nào có thể dễ dàng đạt được và lại càng không dễ trong việc cân bằng cuộc sống cá nhân và công việc, đặc biệt với nữ giới. Phụ nữ hoàn toàn xứng đáng được xã hội ghi nhận và đánh giá một cách công bằng đối với các thành quả mà chị em phải nỗ lực nhiều hơn nam giới để đạt được.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Xã hội số dần xóa nhòa bất bình đẳng giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO