Xã hội số

Xã hội số và ý nguyện của cử tri tới nghị trường

Hoàng Anh 27/11/2024 11:08

Xã hội số là xã hội tích hợp công nghệ số một cách tự nhiên vào mọi mặt đời sống, người dân có khả năng kết nối, tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, hình thành thói quen số và văn hoá số.

Cơ hội để cử tri có tri thức bày tỏ, đóng góp ý kiến

Các đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp với trách nhiệm của người đại biểu dân cử, không chỉ là cầu nối mà thực sự phải là người đại diện cho nhân dân, mang tiếng nói của nhân dân, phản ánh nguyện vọng của nhân dân tới các cấp Lãnh đạo Đảng và nhà nước thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri.

anh-bai-8.jpg
Tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, tại xã Vân Nham, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

Những năm qua, hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội đã có nhiều đổi mới linh hoạt, đa dạng về phương thức và nội dung, qua đó số lượng và chất lượng các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội tại các địa phương được nâng lên rõ rệt.

Theo thống kê, từ năm 2013 đến năm 2022 đã có khoảng gần 27.100 cuộc tiếp xúc cử tri, với nhiều hình thức khác nhau; 650 văn bản quy phạm pháp luật khác nhau được các cơ quan có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của cử tri. Ban Dân nguyện đã giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp và chuyển chính thức gần 42.500 kiến nghị của cử tri tới 72 đầu mối các cơ quan, đơn vị, tổ chức có thẩm quyền giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri theo quy định pháp luật.

Chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri không chỉ thể hiện qua những con số mà còn phản ảnh thực tế qua dư luận xã hội. Mỗi người dân là một cử tri, đều có những tâm tư, nguyện vọng cá nhân. Mặc dù chưa có đánh giá cụ thể song sự phát triển của xã hội số thời gian qua đã được thể hiện khá rõ qua các yếu tố quyền công dân số, cuộc sống số và thương mại số.

Trong một xã hội phát triển với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thông qua các kênh báo chí truyền thông, mạng xã hội…, một lượng lớn cử tri có tri thức có nhiều cơ hội hơn để bày tỏ quan điểm, ý kiến, đóng góp hữu ích, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, hùng cường. Từ đó, các đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của nhiều người dân hơn.

Cùng với đó, các cử tri có thể theo dõi, giám sát hoạt động của từng đại biểu đối với Quốc hội không chỉ qua Chương trình hành động đại biểu đã báo cáo, hứa trước cử tri khi ứng cử, mà còn qua việc theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các kỳ họp Quốc hội qua các kênh báo chí truyền thông, mạng xã hội. Đây có thể xem như một kênh giám sát gián tiếp của cử tri đối với các đại biểu Quốc hội, mang lại hiệu quả đáng kể.

Tăng cường tiếng nói cử tri trong xã hội số

Thời gian gần đây, các phiên chất vấn của các kỳ họp Quốc hội được dư luận rất quan tâm, theo dõi, được đánh giá cao do các nội dung được chọn trong kỳ chất vấn của các kỳ họp Quốc hội đều là những vấn đề thời sự, vấn đề bức xúc của xã hội. Nhiều nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị mà cử tri gửi gắm đã được các đại biểu Quốc hội đưa ra bàn thảo công khai, chất vấn trực tiếp các thành viên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ trưởng, trưởng các ngành cũng trả lời thẳng thắn, đi vào đúng trọng tâm mong muốn của đại biểu, làm rõ, chi tiết, đi sâu vào vấn đề đồng thời đưa ra các giải pháp thể chế và điều hành.

Đặc biệt, sau các phiên chất vấn của kỳ họp Quốc hội, nhiều vấn đề đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tập trung chỉ đạo giải quyết quyết liệt, kịp thời được cử tri cả nước ghi nhận và đánh giá cao như các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông.

Đơn cử như khi các kênh báo chí truyền thông, các mạng xã hội, người dân đưa ra những ý kiến trái chiều, bức xúc về giá sách giáo khoa năm học 2023-2024 đã được các đại biểu Quốc hội đưa vào Nghị trường. Ngày 25/12/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 32/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018.

Trên cơ sở đó đề xuất phương án, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội việc tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa theo quy định tại Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội trong năm 2025. Ngày 20/3/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 32/NQ-CP về kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí xuất bản, phát hành để giảm giá sách giáo khoa; sửa đổi, bổ sung quy định về thực nghiệm, phê duyệt và lựa chọn sách giáo khoa.

Thực tế thời gian qua đã có rất nhiều vấn đề nóng của xã hội được phản ánh trên các phương tiện truyền thông cũng như các trang mạng Facebook, TikTok, Zalo.. và được các đại biểu Quốc hội mang vào trong nghị trường. Tuy thông tin trên các trang mạng xã hội có thể phản ánh chính xác hoặc chưa chính xác, song cũng là một kênh thông tin hiệu quả để các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nắm bắt được dư luận xã hội.

Trong xã hội hiện đại, kênh báo chí truyền thông và các mạng xã hội đã và đang chứng tỏ là một kênh tiếp xúc cử tri hiệu quả. Nhờ có xã hội số, đại biểu Quốc hội và cử tri như gắn kết hơn, để các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nắm bắt, thấu cảm với tâm tư của người dân hơn và thể hiện vai trò người đại diện, mang tiếng nói, nguyện vọng của người dân đến với Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Kênh tiếp xúc cử tri gián tiếp qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội cùng các kênh tiếp xúc cử tri truyền thống như nhắc nhở người đại biểu tôn trọng chính lời hứa của mình với cử tri, phải thật sự coi đó là trách nhiệm quan trọng nhất trong hoạt động dân cử, đã hứa phải quyết làm cho kỳ được, khó cũng phải làm. Việc giữ lời hứa với cử tri không chỉ là hình ảnh đẹp mà còn là sự tận tâm, tôn trọng cử tri và tôn trọng chính mình của người đại biểu./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xã hội số và ý nguyện của cử tri tới nghị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO