Tọa đàm nhằm báo cáo và tham vấn ý kiến chuyên gia về Báo cáo đánh giá, xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) Việt Nam 2017 và Bộ chỉ số đánh giá xếp hạng năm 2018 do Hội Truyền thông số Việt Nam chủ trì thực hiện, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) thực hiện trực tiếp về mặt kỹ thuật.
Tiến trình xây dựng CPĐT sẽ đạt được kết quả tốt hơn nếu như có một thước đo chính xác về hiệu quả hoạt động của hệ thống CPĐT. Trên cấp độ toàn cầu, Liên hợp quốc (UN) có Bộ chỉ số ‘Phát triển Chính phủ điện tử’ (E-Gov Development Index) đánh giá và xếp hạng mức độ phát triển E-Gov toàn cầu. Việt Nam nằm trong đánh giá chung này của UN. Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã xây dựng và thực hiện ‘Đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, chỉ số ICT Index của Bộ TTTT chủ yếu tập trung vào đầu vào như hạ tầng, công nghệ,... Còn đánh giá của IPS tập trung đánh giá kết quả đầu ra như số lượng hồ sơ giải quyết trực tuyến.
Toàn cảnh Tọa đàm
Báo cáo Đánh giá và Xếp hạng Phát triển CPĐT Việt Nam 2017 của IPS được xây dựng nhằm đánh giá mức độ ứng dụng CNTT trong việc phát triển CPĐT; quản lý, triển khai điều hành và cung cấp dịch vụ công tại các Bộ và cơ quan ngang Bộ, các cơ quan Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong năm 2017. Báo cáo là kết quả của quá trình xây dựng chỉ số; thu thập thông tin, số liệu trên 63 tỉnh, thành; tính toán các tiêu chí và chỉ số tổng hợp cho các tỉnh, thành; xây dựng xếp hạng các Bộ, ngành, địa phương. Chỉ số tổng hợp của Báo cáo thể hiện mức độ phát triển của CPĐT thông qua ứng dụng CNTT trong hoạt động của các đơn vị được đánh giá.
Đây là lần đầu tiên, một nghiên cứu toàn diện về CPĐT được thực hiện thông qua thu thập và sử dụng số liệu thống kê, báo cáo về hoạt động ứng dụng tin học cho việc quản lý hành chính nhà nước và cung cấp dịch vụ công, sử dụng từ nguồn dữ liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông cung cấp.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện IPS, đã trình bày tổng quan về phương pháp đánh giá và xếp hạng CPĐT của IPS. Theo ông Đồng, CPĐT thực hiện 2 chức năng chính là cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và thực hiện chức năng tương tác, trao đổi thông tin giữa chính quyền và người dân. Chức năng thông tin thể hiện ở 2 yếu tố gồm: cung cấp thông tin về các hoạt động của chính quyền; kênh giao tiếp trực tuyến giữa chính quyền và người dân. Như vậy, hai yêu cầu chính đối với CPĐT là: (1) Dịch vụ công trực tuyến phải đạt hiệu quả và chất lượng, giúp giảm chi phí, giảm thời gian giao dịch, nâng cao tính minh bạch; (2) Việc cung cấp thông tin cho người dân đạt hiệu quả, tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của bộ máy nhà nước.
Do CPĐT là công cụ kết nối chính phủ với người dân và doanh nghiệp, nên IPS đánh giá hiệu quả hoạt động CPĐT qua 2 trục tiêu chí: Hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến và hiệu quả cung cấp thông tin trực tuyến. Trong đó, các tiêu chí đánh giá cụ thể là số dịch vụ công mức độ 3,4, số hồ sơ giải quyết trực tuyến và số lượt truy cập trang thông tin điện tử của tỉnh/thành phố trong năm.
Phạm vi “cung cấp dịch vụ công trực tuyến” trong đánh giá giới hạn trong dịch vụ hành chính công trực tuyến, tức là các giao dịch hành chính nhằm thực hiện các thủ tục hành chính giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp. Các dịch vụ công ích như giáo dục, y tế, nước sạch, phát triển hạ tầng, môi trường v.v… không nằm trong phạm vi đánh giá này.
Các chuyên gia thảo luận tại tọa đàm
Trên cơ sở đó, các chuyên gia đã tập trung phân tích và thảo luận nhằm hoàn thiện bộ chỉ tiêu đánh giá, đồng thời tìm hiểu và đưa ra giải pháp cho những khó khăn, vướng mắc khi xây dựng và ứng dụng dụng CPĐT ở Việt Nam.
Bà Đỗ Thanh Huyền, đại diện Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc, chia sẻ việc phát triển bộ chỉ số đánh giá CPĐT của IPS sử dụng số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 sẽ thu thập được ít thông tin, do hiện nay chủ yếu mới làm tốt đối với doanh nghiệp còn các dịch vụ này cho người dân rất hạn chế.
Trong khi đó, ông Bùi Hải Thiêm, Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, cho biết: “Việc công bố các bộ chỉ số này mang lại nhiều giá trị”. Tuy nhiên, có 3 vấn đề chính cần quan tâm khi đánh giá mức độ phát triển của CPĐT là tổng số thủ tục phải làm, tổng thời gian giải quyết và chi phí giao dịch (chính thức và phi chính thức). Một vấn đề khác gặp phải là trách nhiệm giải trình của các cơ quan cung cấp dịch vụ CPĐT, tính dễ hiểu của thông tin và mức độ trả lời phản hồi. Tất cả các yếu tố này sẽ chi phối tới chất lượng, hiệu quả của CPĐT.
Các chuyên gia tham gia tọa đàm đánh giá cao phương pháp đánh giá và kết quả mà IPS đã đạt được. Đứng từ góc độ người dân và doanh nghiệp, các chỉ số mà IPS đưa ra đã giải quyết được phần nào thực trạng hồ sơ giấy trước đây do đã tập trung vào số hồ sơ giải quyết được trực tuyến. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để kết quả đánh giá và xếp hạng CPĐT của IPS có giá trị và được đánh giá cao cần có một đơn vị hoặc tổ chức chính thống bảo trợ.