5 xu hướng định hình lĩnh vực thanh toán năm 2025
Lĩnh vực thanh toán số đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng, với trọng tâm hướng tới việc nâng cao trải nghiệm khách hàng, giúp giao dịch trở nên dễ dàng và an toàn hơn.
Theo một báo cáo mới đây của Deloitte, ngành thanh toán đang không ngừng thay đổi với tốc độ nhanh chóng, khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN) mới xuất hiện nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng bằng cách cung cấp thêm các tùy chọn thanh toán linh hoạt, giúp giao dịch trở nên thuận tiện và an toàn hơn.
Theo Deloitte, năm 2025, 5 xu hướng quan trọng sau đây được kỳ vọng sẽ tác động lớn đến hệ sinh thái thanh toán và tạo động lực cho DN phát triển mạnh mẽ.

Sự phổ biến của các tùy chọn thanh toán số
Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các phương thức thanh toán số như thẻ tín dụng, giao dịch ngang hàng (P2P) và các hình thức thanh toán số khác, dần thay thế séc và tiền mặt truyền thống. Số lượng giao dịch bằng séc đang giảm mạnh khi các nhà bán lẻ lớn như Target và Whole Foods hướng tới mô hình "không séc", nhằm cắt giảm chi phí và giảm thiểu rủi ro gian lận.
Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử, các tùy chọn thanh toán số cũng ngày càng phổ biến: số lượng người dùng ứng dụng thanh toán P2P đã tăng 12% kể từ năm 2021, trong khi giao dịch P2P bằng tiền mặt và séc tiếp tục suy giảm.
Xu hướng chuyển đổi sang thanh toán số trong lĩnh vực DN với DN (B2B) cũng đang tăng tốc, được thúc đẩy bởi sự thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng, lợi ích về chi phí và những tiến bộ công nghệ. Điều này cho thấy séc có thể sớm trở nên lỗi thời trong các giao dịch tiêu dùng. Tuy nhiên, trong thanh toán B2B, séc vẫn giữ vai trò nhất định, dù các giải pháp số đang được nghiên cứu nhằm giúp DN tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả giao dịch.
Hợp tác với bên thứ ba
Năm 2024, các cơ quan quản lý ngân hàng đã mở rộng phạm vi giám sát, tác động đáng kể đến các công ty tài chính phi ngân hàng (NBFC) trong lĩnh vực thanh toán. Việc thắt chặt giám sát này, xuất phát từ mục tiêu bảo vệ người tiêu dùng, buộc NBFC phải điều chỉnh chiến lược quản lý rủi ro và khuôn khổ tuân thủ của họ. Sự thay đổi này cũng phù hợp với quy tắc ngân hàng mở do Cục Bảo vệ tài chính người tiêu dùng (CFPB) Mỹ đề xuất vào tháng 10/2023, nhằm tăng cường tính cạnh tranh và cải thiện dịch vụ cho người tiêu dùng.
Theo Deloitte, khi các cơ quan quản lý tài chính điều chỉnh chính sách để theo kịp sự phát triển của thị trường, các NBFC và ngân hàng hợp tác với bên thứ ba cần đánh giá lại năng lực tuân thủ của mình. Các ngân hàng có xu hướng thận trọng hơn trong việc hợp tác, đảm bảo các bên thứ ba đáp ứng yêu cầu giám sát. Các đơn vị phụ thuộc vào đối tác ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn từ các biện pháp thực thi quy định, đặc biệt là trong các lĩnh vực chống rửa tiền và bảo vệ người tiêu dùng.
Việc mở rộng quy định đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán tiếp tục là một chủ đề trọng tâm, khi các cơ quan quản lý nỗ lực tăng cường tính minh bạch và điều chỉnh phạm vi giám sát đối với NBFC cùng các sản phẩm ngân hàng sáng tạo. Các nhà cung cấp dịch vụ cần sẵn sàng đối mặt với chi phí tuân thủ gia tăng và những thay đổi trong văn hóa kinh doanh. Trong bối cảnh này, các công ty quy mô lớn với danh mục dịch vụ đa dạng sẽ có lợi thế cạnh tranh, trong khi những DN nhỏ hơn có thể gặp khó khăn hoặc rời khỏi thị trường.
Mua trước, trả sau (BNPL)
Mặc dù tỷ lệ lạm phát tại Mỹ đang giảm, nhưng vẫn tạo áp lực đáng kể lên thói quen chi tiêu của người tiêu dùng, thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm các phương thức thanh toán mới và linh hoạt cho các khoản chi tiêu cá nhân, đặc biệt trong các lĩnh vực thiết yếu như giao thông, nhà ở, tiện ích và thực phẩm.
Để hỗ trợ nhu cầu này, các công ty cung cấp dịch vụ BNPL đang mở rộng sang các lĩnh vực mới, nơi tập trung phần lớn chi tiêu của hộ gia đình. Nhiều nhà cung cấp BNPL đã nâng hạn mức chi tiêu để đáp ứng nhu cầu thanh toán các khoản mua sắm lớn, như Affirm với giới hạn 20.000 USD và PayPal với 10.000 USD, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các khoản vay với lãi suất thấp.
Theo Deloitte, với nhu cầu ngày càng cao đối với các giải pháp tài chính lãi suất thấp, cùng một thị trường tiêu dùng rộng lớn và sự tham gia tích cực của các ngân hàng, dịch vụ BNPL được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Các tổ chức tài chính chưa triển khai BNPL nên cân nhắc áp dụng dịch vụ này, đặc biệt trong các lĩnh vực chi tiêu thiết yếu, nơi người tiêu dùng vẫn đang chịu tác động của lạm phát.
Ban đầu, BNPL phát triển nhanh chóng mà không bị giám sát chặt chẽ do tính đổi mới của nó chưa phù hợp với các quy định tài chính truyền thống. Tuy nhiên, vào tháng 5/2024, CFPB đã yêu cầu các công ty BNPL áp dụng các biện pháp bảo vệ tương tự như thẻ tín dụng truyền thống. Điều này có thể làm tăng chi phí vận hành cho các nhà cung cấp, nhưng đồng thời giúp tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sự thay đổi này mang lại lợi thế chiến lược cho các ngân hàng, vốn đã quen thuộc với các yêu cầu giám sát chặt chẽ.

Tích hợp tùy chọn thanh toán
Các DN vừa và nhỏ (SMB) ngày càng có xu hướng hợp tác với các nhà cung cấp phần mềm tích hợp (ISV) để đơn giản hóa hoạt động và tận dụng các giải pháp thanh toán được tích hợp sẵn, bao gồm cả ví điện tử phổ biến. Không giống như các hệ thống điểm bán hàng truyền thống, ISV cung cấp các giải pháp toàn diện giúp tối ưu hóa quy trình vận hành, nâng cao hiệu suất và hỗ trợ DN số hóa một cách linh hoạt hơn.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng đang ưu tiên sử dụng ví điện tử, góp phần gia tăng sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp và thúc đẩy các DN mở rộng các tùy chọn thanh toán sáng tạo. Với 70% người tiêu dùng cho biết phương thức thanh toán ưa thích ảnh hưởng đến quyết định mua sắm trực tuyến, các nhà bán lẻ có động lực mạnh mẽ để tích hợp những giải pháp thanh toán số nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa doanh thu.
Để thành công trong lĩnh vực thanh toán số, các nhà cung cấp cần liên tục đổi mới dựa trên điều kiện thị trường. Chẳng hạn, một phán quyết của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2024 đã yêu cầu Apple mở quyền truy cập công nghệ NFC cho các nhà phát triển bên thứ ba, cho phép họ tích hợp ví điện tử mà không bắt buộc phải sử dụng Apple Pay và Apple Wallet.
Bên cạnh đó, các nền tảng mạng xã hội như Meta cũng đang khai thác xu hướng thanh toán số, yêu cầu các nhà bán lẻ tại Mỹ sử dụng Checkout trên Facebook và Instagram để mang lại trải nghiệm mua sắm tích hợp, thúc đẩy thương mại điện tử ngay trong ứng dụng.
Sử dụng GenAI để giảm thiểu gian lận
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong ngành thanh toán đang gia tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng chống gian lận. AI không chỉ giúp các tổ chức tài chính phát hiện và ngăn chặn gian lận mà còn được tội phạm lợi dụng để tạo ra các hình thức lừa đảo tinh vi hơn.
Các tổ chức tài chính đang tận dụng AI, bao gồm AI tạo sinh (GenAI), để phát triển các mô hình phát hiện gian lận nhanh hơn và nhạy bén hơn với các xu hướng mới. Những tổ chức tiên phong như Visa và Mastercard đã đạt được thành công đáng kể, và hiện nay 83% tổ chức tài chính đang xem xét triển khai GenAI để nâng cao khả năng phát hiện gian lận, cải thiện độ chính xác và giảm thiểu cảnh báo sai.
Một yếu tố quan trọng trong phát hiện gian lận dựa trên AI là tính toàn vẹn và độ chính xác của danh tính số của khách hàng. Vì vậy, các tổ chức tài chính không chỉ cần tăng cường khả năng xác minh giao dịch mà còn cần đẩy mạnh cung cấp thông tin cá nhân hóa, như phân tích mô hình chi tiêu và dự báo tài chính.
Chẳng hạn, trợ lý ảo Eno của Capital One có thể phát hiện các khoản tiền tip bị nhập sai và cảnh báo khách hàng về các khoản thanh toán định kỳ bất thường. Tương tự, Wells Fargo đã tích hợp Google’s Dialogflow vào chatbot của họ để cung cấp thông tin chi tiêu và cảnh báo về các giao dịch đáng ngờ.
Những giải pháp này không chỉ nâng cao trải nghiệm khách hàng mà còn đóng vai trò quan trọng trong mô hình chống gian lận, giúp đánh giá chính xác xác suất thực hiện giao dịch của người dùng.
Hướng đi cho tương lai
Theo Deloitte, để xây dựng chiến lược phát triển bền vững trong tương lai, các lãnh đạo trong ngành thanh toán cần tập trung vào cá nhân hóa sản phẩm và dịch vụ, tận dụng lợi thế về quy mô và bảo mật, đồng thời đảm bảo các giải pháp thanh toán phù hợp với xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng.
Bối cảnh thị trường đang không ngừng thay đổi, từ những điều chỉnh về quy định, biến động kinh tế đến tiến bộ công nghệ, sẽ định hình cách người tiêu dùng và DN tiếp cận các phương thức thanh toán trong tương lai. Những DN có khả năng thích ứng linh hoạt và đổi mới sáng tạo sẽ có lợi thế cạnh tranh trong hệ sinh thái thanh toán số ngày càng phát triển./.