Xây dựng đô thị thông minh: Cần sự hợp tác, đồng thuận của người dân

Xuân Tuấn| 12/05/2020 14:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đã và đang tiến hành xây dựng Thành phố trở thành đô thị thông minh (ĐTTM). Việc xây dựng ĐTTM tại 24 quận huyện ở TP. Hồ Chí Minh nhằm phục vụ tốt cho người dân. Quận 1 và quận 12 là hai quận thí điểm triển khai đầu tiên của Thành phố.

Sau 2 năm triển khai thí điểm, quận 1 và quận 12 của Thành phố đã gặt hái được kết quả ban đầu. Đây sẽ là bức tranh để 22 quận, huyện còn lại có cái nhìn rõ hơn về ĐTTM.

Cần có chủ trương cụ thể, tài chính bảo đảm và liên tục cập nhật các ứng dụng CNTT

Theo UBND quận 1, quá trình xây dựng ĐTTM ở địa bàn đã có kết quả bước đầu sau 2 năm triển khai. Theo đó, quận 1 có mô hình Trung tâm điều hành ĐTTM được tích hợp cùng 8 hệ thống thông minh, gồm phòng cháy chữa cháy thông minh, quản lý ĐTTM, quản lý giáo dục thông minh, y tế thông minh, du lịch thông minh, dịch vụ công trực tuyến (DVC TT), hệ thống điều hành an toàn thông tin (ATTT) mạng.

Quận đã hoàn thành việc tích hợp camera tại địa bàn dân cư và trụ sở công an 10 phường trên địa bàn, kết nối về Trung tâm Điều hành ĐTTM với 1.115 camera và 128 đầu thu; đầu tư lắp đặt mới các camera quan sát tầm xa tại những vị trí trọng điểm phục vụ an ninh trật tự.

Hệ thống này đã hỗ trợ, phục vụ tốt cho quận 1 trong công tác chỉ đạo, điều hành xử lý các tình huống phát sinh vào các ngày lễ, Tết và phòng chống, báo động, các hành vi quá khích gây rối trật tự công cộng vào các đợt cao điểm bảo đảm an ninh trật tự.

Đồng thời, quận 1 cũng triển khai nâng cấp DVC TT "tiếp nhận đăng ký không giấy" các lĩnh vực kinh tế, lao động, tư pháp, đô thị, nội vụ và dịch vụ trực tuyến đăng ký tuyển sinh đầu cấp trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, quận đã tiến hành số hóa dữ liệu, tích hợp vào kho dữ liệu dùng chung của thành phố; triển khai hệ thống điều hành ATTT mạng.

Xây dựng đô thị thông minh: Cần có sự hợp tác, đồng thuận của người dân - Ảnh 1.

Một góc TP Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao. Ảnh: Anh Đức.

Trong năm 2020, quận sẽ tiếp tục triển khai 4 hệ thống gồm xây dựng cơ sở hạ tầng trung tâm điều hành ĐTTM; nâng cấp hệ thống camera an ninh thông minh; hệ thống quảng bá du lịch thông minh; xây dựng hệ thống cảnh báo cháy thông minh nhằm xây dựng hệ thống quản lý toàn diện, đồng bộ các cấp, ban, ngành trong công tác kết nối, theo dõi và hỗ trợ hiệu quả.

UBND quận 1 cũng cho biết, muốn xây dựng thành công Đề án ĐTTM cần phải quyết tâm, quyết liệt. Trước hết, phải có chủ trương cụ thể và tài chính bảo đảm. Tiếp đến là phải liên tục cập nhật kịp thời các ứng dụng CNTT.

Cần cơ chế phù hợp thu hút nhân tài phục vụ việc xây dựng ĐTTM

Trong quá trình thực hiện thí điểm xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành ĐTTM, quận 12 cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cụ thể, nhằm giám sát biến động sử dụng đất và phát hiện các công trình xây dựng không phép, UBND quận 12 đã xây dựng, triển khai ứng dụng ảnh viễn thám và GIS trong quản lý đô thị, tài nguyên môi trường; sử dụng ảnh độ phân giải siêu cao từ vệ tinh kết hợp ứng dụng GIS để phân loại, tách đối tượng công trình xây dựng, đánh giá biến động của công trình xây dựng so với dữ liệu quy hoạch, so sánh biến động giữa hai thời điểm thu nhận ảnh.

Theo UBND quận 12, ngoài các kênh tương tác truyền thống, quận đã xây dựng trang web, facebook, zalo để tương tác với đông đảo người dân hơn. Trong vòng 48 tiếng, tất cả phản ánh của người dân đều được trả lời. Quận còn sử dụng robot đọc, trả lời người dân, đảm bảo tất cả ý kiến của người dân đều được tiếp nhận và xử lý, không bỏ sót.

Việc triển khai thí điểm đề án xây dựng ĐTTM trên địa bàn quận đã tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực; các ứng dụng CNTT của UBND quận được UBND Thành phố, các địa phương đánh giá cao và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ nhân dân.

Tuy nhiên, UBND quận 12 cũng cho biết, tiến độ một số dự án triển khai còn chậm so với kế hoạch. Một số cán bộ, công chức ít sử dụng hộp thư điện tử, phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, còn phụ thuộc vào văn bản, hồ sơ giấy. Ngoài ra, hạ tầng thiết bị như máy tính, máy chủ, bộ lưu điện tại trụ sở đã xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu phát triển các ứng dụng. Việc nâng cấp, thay mới gặp khó khăn do chi phí đầu tư lớn.

Xây dựng đô thị thông minh: Cần có sự hợp tác, đồng thuận của người dân - Ảnh 2.

Cổng DVC TT TP Hồ Chí Minh.

UBND quận 12 cũng đã kiến nghị UBND Thành phố có chính sách cho phép UBND quận chủ động triển khai nâng cấp, bổ sung cổng DVC TT (cấp độ 3, 4); sớm bố trí vốn cho quận nâng cấp trung tâm chỉ huy hình ảnh và an ninh quận; có cơ chế phù hợp thu hút nhân tài phục vụ việc xây dựng đề án ĐTTM.

Xác định rõ nhu cầu, hiện trạng để xây dựng kế hoạch phù hợp

Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc triển khai ĐTTM là rất đa dạng. Ví như quận 1 với quận 12 thí điểm có sự khác nhau nên đã triển khai với những mô hình, khai thác ưu thế riêng. Do đó, để triển khai thành công, cần xác định rõ nhu cầu, hiện trạng để xây dựng kế hoạch phù hợp. 

Bên cạnh đó, cần có yếu tố tốt về nguồn lực như nhân lực, vật lực, vốn; biết ứng dụng công nghệ phù hợp, kịp thời và có sự kết nối; ứng dụng CNTT và các công nghệ cao khác nên phải có sự phân kỳ đầu tư hiệu quả vì CNTT thường xuyên thay đổi.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, những kết quả tại quận 1 và quận 12 là cơ sở quan trọng để Thành phố triển khai, mở rộng đề án ra tất cả quận, huyện. Thành phố sẽ thành lập hội đồng đánh giá kết quả thí điểm tại 2 địa phương này một cách cụ thể để triển khai mở rộng hiệu quả.

Về phía 22 quận, huyện còn lại, UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu phải xây dựng xong Đề án các quận, huyện trở thành đô thị thông minh phù hợp với đặc thù của từng quận, huyện. Trong đó xác định rõ mục tiêu, lĩnh vực, lộ trình và điều kiện thực hiện.

Sau khi xây dựng xong đề án, các quận, huyện phải trình đề án lên Tổ Công tác của Thành phố để được góp ý, hoàn chỉnh và phê duyệt; trình đề án lên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ, HĐND quận, huyện thông qua. Khi đề án được thông qua, các quận, huyện phải thành lập ban điều hành thực hiện đề án.

UBND Thành phố cũng đề nghị các quận, huyện phải đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân, để họ hiểu một cách đầy đủ bởi chính họ cùng với chính quyền thực hiện đề án. Không có sự hợp tác, đồng thuận của người dân thì khó lòng làm được. Đề án phải hướng đến người dân, mở rộng tính tương tác giữa người dân và chính quyền.

UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị các quận, huyện có kế hoạch huấn luyện, đào tạo cho đội ngũ cán bộ trong việc xây dựng ĐTTM.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng đô thị thông minh: Cần sự hợp tác, đồng thuận của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO