Xây dựng mô hình nông dân công nghệ số

Đỗ Thêu| 05/11/2022 11:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan nhấn mạnh, khuyến nông không chỉ dừng lại ở làm nông nghiệp, dạy nông dân mà phải hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất... Khuyến nông phải nâng cao tri thức của người nông dân, cung cấp nhiều kiến thức, nhiều kỹ năng, nhiều thông tin cho người nông dân.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và CĐS trong hoạt động thông tin truyền thông

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2022, Trung tâm triển khai 162 dự án khuyến nông Trung ương trên phạm vi cả nước, các dự án tập trung vào nội dung: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ; an toàn thực phẩm; Xây dựng vùng nguyên liệu; Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất; Xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất mới như: liên kết sản xuất giữa hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác với doanh nghiệp (DN) theo chuỗi giá trị để bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân.

Trung tâm xây dựng 443 mô hình với 618 điểm trình diễn, với hơn 12.000 lượt hộ tham gia; tổ chức 510 lớp tập huấn cho hơn 15.000 lượt người; tập huấn ngoài mô hình cho 420 lớp với gần 13.000 lượt người…

Hiện nay, Trung tâm đang hướng dẫn các địa phương triển khai, thực hiện Đề án đổi mới công tác khuyến nông với những nhiệm vụ cụ thể gồm: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động thông tin truyền thông; Phát triển các định dạng ấn phẩm số, truyền thông số, các mạng xã hội; Xây dựng mô hình nông dân công nghệ số.

Nội dung, hình thức truyền thông cũng rất phong phú và đa dạng, tăng cường truyền thông "tương tác" theo hướng "mở", trong đó lấy nông dân là trung tâm như: Truyền thông qua các sự kiện khuyến nông; Truyền thông qua các ấn phẩm kết hợp với truyền thông số; Đa dạng ngôn ngữ trong truyền thông; Xây dựng các chương trình mang dấu ấn của khuyến nông như đối thoại, cầu truyền hình…; Xây dựng các sàn giao dịch, hội chợ nông sản điện tử, chợ việc làm nông nghiệp…

Hoạt động thông tin truyền thông được triển khai theo thông điệp cụ thể, rõ ràng, theo định hướng, gắn với các chủ trương lớn của Bộ, ngành như: Sản xuất có trách nhiệm, an toàn thực phẩm, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn, xây dựng nông thôn mới…

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia còn đổi mới hoạt động đào tạo, huấn luyện khuyến nông; đổi mới hoạt động xây dựng mô hình, dự án khuyến nông; đổi mới hoạt động tư vấn, dịch vụ khuyến nông; đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế và hợp tác công tư trong khuyến nông; CĐS trong hoạt động khuyến nông; củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức khuyến nông các cấp; bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về khuyến nông.

Bên cạnh đó, hoạt động khuyến nông cũng tập trung cho các nội dung, trọng tâm, ưu tiên, trọng điểm; kết quả của dự án gắn với chất lượng sản phẩm như: Phát triển sản xuất vùng nguyên liệu các sản phẩm chủ lực; Sản phẩm có chất lượng cao, sản phẩm hữu cơ, truy xuất nguồn gốc; Đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu; Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp kinh tế đa giá trị, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường gắn với CĐS, kinh tế thị trường; Sản xuất giảm chi phí, thích ứng với biến đổi khí hậu; Sản phẩm gắn với du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường...

Đồng thời, hoạt động khuyến nông đa dạng nội dung, hình thức để phục vụ các đối tượng từ người sản xuất, cán bộ khuyến nông đến chủ trang trại, HTX, DN… Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, CĐS trong hoạt động thông tin truyền thông, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu của hệ thống khuyến nông, kết nối hệ thống khuyến nông từ trung ương đến địa phương, đến từng người dân. Tăng cường xã hội hóa hoạt động khuyến nông để phát huy sức mạnh tổng hợp, thu hút mọi nguồn lực, nhằm phát triển hoạt động truyền thông ngày càng hiệu quả.

Phải hình thành được hệ sinh thái khuyến nông

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao sự chuyển động tư duy, cách làm của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trong thời gian vừa qua. Trung tâm đã hình thành được tư duy, có những đột phá trong chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu, phải hình thành được hệ sinh thái khuyến nông gắn kết, trong đó hạt nhân là Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hệ thống khuyến nông ở cơ sở gắn với khuyến nông DN.

"Như vậy, chúng ta hình thành được một chuỗi khuyến nông từ vấn đề kỹ thuật sang vấn đề kinh tế và tiếp cận vấn đề thị trường", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng lưu ý, với phương châm "Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông", người nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Mọi hoạt động khuyến nông cần phải hướng tới người nông dân, xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của nông dân và phù hợp với năng lực, điều kiện sản xuất của nông dân.

Khuyến nông không chỉ dừng lại ở làm nông nghiệp, dạy nông dân mà phải hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất, vào kinh tế tập thể, tổ chức lại một ngành hàng. Khuyến nông phải nâng cao tri thức của người nông dân, cung cấp nhiều kiến thức, nhiều kỹ năng, nhiều thông tin cho người nông dân.

"Nếu không có khuyến nông thì chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn sẽ không đến được với người nông dân. Khuyến nông là người kết nối gắn kết giữa các cơ quan khác trong Bộ để đưa tất cả những vấn đề về tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại thị trường đến với người nông dân, hỗ trợ người nông dân những công nghệ, những kỹ thuật, những thông tin, những kiến thức", Bộ trưởng khẳng định./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng mô hình nông dân công nghệ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO