Xây dựng một số Doanh nghiệp quy mô lớn, cạnh tranh quốc tế

Bình Minh| 10/09/2020 22:48
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo Chương trình hành động của Chính phủ mới ban hành, đến năm 2030 sẽ xây dựng một số doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Việt Nam hướng tới nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp

Ngày 3/9/2020, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22 tháng 3 năm 2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, mục tiêu chung của Chương trình nhằm tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, xác định các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (các bộ, ngành, địa phương) tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 23-NQ/TW.

Xây dựng một số Doanh nghiệp quy mô lớn, cạnh tranh quốc tế - Ảnh 1.

Một Hội thảo chủ đề nâng cao năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa. (Ảnh: Bình Minh)

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 xác định: Tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%, trong đó công nghiệp chế tạo đạt trên 20%; Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%; Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 10%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm.

Đáng chú ý, trong 10 năm tới, Việt Nam hướng tới mục tiêu đạt chỉ số hiệu suất cạnh tranh công nghiệp (CIP) nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đạt trên 70%. Và xây dựng một số doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Tận dụng hiệu quả nhất các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã ký kết

Nhằm đạt được mục tiêu Nghị quyết số 23-NQ/TW đề ra, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Trong đó, đứng đầu là chính sách phân bố không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp. Ở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện phê duyệt các quy hoạch trong các ngành công nghiệp theo Luật Quy hoạch, đảm bảo phân bố không gian lãnh thổ và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo định hướng ngành và điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương.

Xây dựng chính sách phân bổ không gian bảo đảm tập trung, trọng tâm, trọng điểm, trước hết ưu tiên lựa chọn phát triển tại các vùng, địa phương đã bước đầu hình thành các cụm liên kết công nghiệp hoặc có lợi thế về giao thông, địa kinh tế, tài nguyên, lao động, logistic, có khả năng trở thành động lực tăng trưởng.

Tổng kết công tác quản lý hoạt động của cụm liên kết ngành công nghiệp, khu công nghiệp, khu công nghệ cao. Trên cơ sở đó, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng tiêu chí và phương pháp đánh giá hoạt động của cụm liên kết ngành công nghiệp, khu công nghiệp, khu công nghệ cao.

Xây dựng một số Doanh nghiệp quy mô lớn, cạnh tranh quốc tế - Ảnh 2.

Diễn đàn kinh tế Việt Nam do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức quốc tế và doanh nghiệp trong, ngoài nước. (Ảnh: Bình Minh)

Trong khi đó, Bộ Công thương cần triển khai cơ chế, chính sách xây dựng thí điểm về cụm liên kết ngành công nghiệp tại một số địa phương đối với một số sản phẩm trong các ngành công nghiệp ưu tiên theo lợi thế cạnh tranh, chuyên môn hóa và chuỗi giá trị như ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện điện tử... và những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da - giày.

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phải thực hiện hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương bảo đảm phân bổ các cơ sở chế biến nông lâm sản hợp lý theo hướng gắn với việc phát triển vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của từng địa phương trên phạm vi toàn quốc.

Xây dựng, phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến tiêu thụ nông sản tại các địa phương, vùng miền có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, có tiềm năng trở thành động lực tăng trưởng cho cả khu vực, lựa chọn các doanh nghiệp "đầu tàu" có đủ năng lực (vốn, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và thị trường) để dẫn dắt chuỗi liên kết vận hành một cách thông suốt, hiệu quả…

Trong nhóm Chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, ngoài nhiều nội dung, phần việc khác của các bộ, ngành Trung ương thì Bộ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ hoàn thiện, bổ sung, sửa đổi các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với yêu cần thực tiễn và các quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng Nghị định về việc phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, trong đó tập trung vào các cơ chế, chính sách khuyến khích tạo thị trường cho các sản phẩm cơ khí trong nước.

Đồng thời, xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp dệt may và da giày đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; xây dựng Chương trình mục tiêu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các chính sách và giải pháp tháo gỡ "điểm nghẽn" về nguyên phụ liệu, sản xuất vải cho ngành may mặc và các giải pháp hỗ trợ khác nhằm tận dụng hiệu quả cao nhất các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Ngoài ra, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất các chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vật liệu. Và chủ trì, phối hợp với các tỉnh, thành phố có tiềm năng, lợi thế về công nghiệp để ban hành định hướng phát triển công nghiệp và xây dựng tổ chức bộ máy, bố trí các nguồn lực cho phát triển công nghiệp tại địa phương. Hỗ trợ phát triển các nhà cung ứng trong các ngành công nghiệp ưu tiên, coi đây là cốt lõi của chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ…

Xây dựng Chiến lược Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số

Cùng với các nhóm giải pháp về: Chính sách tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp; Chính sách phát triển doanh nghiệp công nghiệp; Chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghiệp; Chính sách khoa học và công nghệ cho phát triển công nghiệp và Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công nghiệp các Bộ, ngành Trung ương được phân công, giao trách nhiệm cụ thể để thực hiện các giải pháp nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đã được xác định.

Trong nhóm Chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, hướng tới cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó, tập trung vào đề xuất các cơ chế, chính sách tập trung ưu tiên phát triển một số lĩnh vực: Phần mềm, nội dung số, phần cứng, điện tử - viễn thông ở trình độ tiên tiến của thế giới, đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; các cơ chế, chính sách nâng cao giá trị gia tăng của các doanh nghiệp nội địa trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng thời, phối hợp nghiên cứu xây dựng các chính sách về tín dụng hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin có giá trị gia tăng cao; chính sách miễn, giảm thuế ở mức hợp lý, đúng đối tượng và có thời hạn phù hợp nhằm phát triển các ngành công nghiệp công nghệ thông tin. Và phối hợp nghiên cứu xây dựng chính sách về thu hút FDI theo hướng: Ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ "cao, mới, sạch, tiết kiệm", sử dụng nhiều nguyên liệu, linh phụ kiện sản xuất trong nước, có tỉ lệ chi cho nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ trong nước cao, có cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực tại chỗ; ưu tiên hình thức liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong nước.

Trong giải pháp về nhóm Chính sách phát triển doanh nghiệp công nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ xây dựng Chiến lược Quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2030.

Tiếp đó, trong nhóm giải pháp Chính sách khoa học và công nghệ cho phát triển công nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông đảm trách chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng cơ chế, chính sách phát triển mạnh mẽ về hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông, nhất là hạ tầng kết nối số (4G, 5G) bảo đảm an toàn, đồng bộ đáp ứng yêu cầu internet kết nối con người và kết nối vạn vật.

Tổ chức triển khai Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo hướng khuyến khích đầu tư, phát triển xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn; đẩy mạnh phát triển khoa học phân tích, quản lý và xử lý dữ liệu lớn nhằm tạo ra các sản phẩm, tri thức mới.

Cùng với đó, phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh ứng dụng, tích hợp công nghệ thông tin và tự động hóa trong sản xuất, kinh doanh.

Các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ được giao ở trên và tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết này; khẩn trương trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan để thực hiện Nghị quyết theo quy định. Song song đó, phải chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân; thực hiện cơ chế khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh trong việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Bám sát tình hình thực tế, chủ động theo dõi, đánh giá để có biện pháp xử lý linh hoạt hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

Như vậy, với các nhóm giải pháp đồng bộ và cụ thể, Việt Nam hướng tới mục tiêu tổng quát là đến năm 2030, hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng một số Doanh nghiệp quy mô lớn, cạnh tranh quốc tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO