Xây dựng tủ sách gia đình, nguồn đầu tư vào tương lai rẻ và hiệu quả

Thu Hà| 06/12/2022 14:29
Theo dõi ICTVietnam trên

Công trình của một nhóm các nhà khoa học Đại học Nevada, Mỹ, nhận định: “Sách là nguồn đầu tư vào tương lai rẻ và có hiệu quả”. Xây dựng và duy trì tủ sách gia đình chính là xây đắp những viên gạch vững chắc cho tương lai của con cái.

Bao nhiêu gia đình ở có tủ sách?

Chưa thấy thống kê nào để có số liệu, nhưng với cái nhìn cảm quan thì không nhiều. Tủ sách thường chỉ được nhìn thấy ở những gia đình trí thức, nhưng không hẳn mọi gia đình trí thức đều có tủ sách (nếu coi trí thức là những người học thức từ bậc đại học trở lên).

Năm 2019, khi Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc thi tìm kiếm ý tưởng xây dựng thói quen đọc sách trong giới trẻ, Lê Nguyễn Thương Hiếu Nghĩa (Quận Đoàn 7) trình bày ý tưởng dùng lực lượng đoàn viên vận động và hỗ trợ các gia đình xây dựng tủ sách. Theo tính toán của Nghĩa, giá mỗi tủ sách dao động từ 2-5 triệu đồng. Mỗi tháng, gia đình bỏ tiền mua vài ba cuốn sách, dần dần số lượng sách tăng lên. Mua sách không khó khăn gì, sách cũng không phải mặt hàng quá đắt so với giá trị nó mang lại.

Nguyễn Minh Hải (TP. HCM) cho rằng: Không thể đánh giá nhà nào không có tủ sách thì gia đình đó không biết đọc sách, không có kiến thức, bởi họ có thể đọc sách ở thư viện, ở cơ quan, đọc sách điện tử… Cũng không hẳn nhà có tủ sách hoành tráng thì rất ham đọc sách, bởi có thể họ chỉ sưu tập hoặc muốn làm màu. Nhưng nhìn chung, một tủ sách ít nhiều cho cảm giác tin cậy về mặt tri thức, văn hóa và cả tư cách, đạo đức. Bởi người có đọc sách, ham đọc sách thường có hiểu biết về cách sống, ứng xử, cách làm việc, cách làm người.

Xây dựng tủ sách gia đình, nguồn đầu tư vào tương lai rẻ và hiệu quả - Ảnh 1.

Mua tủ sách, mua sách, chắc chắn không phải là quá khó so với khả năng tài chính của nhiều gia đình hiện nay. Nhưng tại sao sách vẫn không phải là lựa chọn của số đông gia đình Việt Nam hiện nay? Tại sao việc đọc sách, dù được truyền thông bền bỉ và rộng rãi, vẫn khó tác động đến người Việt Nam đến vậy? Một cách không hề chủ quan, điều đó phản ánh mối quan tâm của số đông không phải là sách. Hay nói cách khác, nhiều người không quan tâm đến giá trị mà sách mang lại. Cái họ quan tâm là những giá trị thực dụng có thể nhìn thấy, sờ được.

Nhà giáo dục - TS Nguyễn Quốc Vương kể: Là một người bán sách rong, tôi đã và đang mang sách tới bán ở mọi nơi có thể từ chợ quê, trên mạng tới trường học, công sở. Ở đó, không ít lần tôi chứng kiến cảnh trẻ đòi cha mẹ mua sách nhưng bố mẹ gạt đi và gắt "mua làm gì, có đọc đâu mà mua". Trong khi chính phụ huynh đó lại vung tiền mua cho con nào kem, kẹo và nhiều thứ đồ chơi khác. Như vậy, vấn đề có hay không có tủ sách là nằm ở quan niệm về giá trị. Người chủ gia đình quan niệm thế nào về vai trò của sách và đọc sách? Người chủ gia đình hiểu như thế nào về việc học? Xa hơn, họ quan niệm thế nào là hạnh phúc và cuộc sống hạnh phúc; thế nào là giá trị tinh thần và sức mạnh của văn hóa tinh thần trong gia đình và đời sống cá nhân?

Người cán bộ Đoàn Lê Nguyễn Thương Hiếu Nghĩa hẳn đã không tính hết đến yếu tố nhận thức về sách của người dân khi trình bày đề án vận động người dân thành phố Hồ Chí Minh làm tủ sách gia đình. Anh mới chỉ tính đến những yếu tố vật lý là giá thành của tủ sách và sách, nguồn sách. Còn việc người dân có chấp nhận cho sách được hiện diện trong nhà mình hay không, thì chưa đặt thành yếu tố quan trọng. Thậm chí, sau khi đã dựng được tủ sách rồi, người ta có đọc sách không, cũng là một yếu tố phải tính đến, nếu không muốn việc vận động làm tủ sách lại thành một phong trào đầy tính hình thức, chỉ để đếm số đầu tủ sách lấy con số viết vào báo cáo thành tích.

Ngôi nhà không có sách như thân thể không có linh hồn

Marcus  Tulius Cicero - nhà chính trị, nhà hùng biện La Mã nổi tiếng đã từng khẳng định vai trò của sách đối với đời sống gia đình: "Ngôi nhà không có sách như thân thể không có linh hồn".

Tủ sách gia đình sẽ được lập khi chủ nhà ý thức được tầm quan trọng của sách, giá trị giáo dục tinh thần và trí tuệ mà sách mang lại cho các thành viên trong gia đình mình, nhất là trẻ em.

Sau khi lập gia đình và sinh con, chị Vân Hà (Hà Nội) đã có ý định lập tủ sách gia đình để nhen lên tình yêu sách cho con trẻ. Đến nay, tủ sách gia đình của chị đã có hàng nghìn cuốn và vẫn tiếp tục được bồi đắp thêm mỗi ngày.

Vợ chồng anh Trần Văn Dũng, chị Nguyễn Thị Liên ở khu đô thị Times City (Hà Nội) có một tủ sách hơn 1 ngàn cuốn. Anh chị thu nhận được những kết quả thú vị từ việc bền bỉ chăm chút cho tủ sách gia đình: "Tác động lớn nhất đối với các con của chúng tôi là khi đọc sách các con nhận thức tốt hơn, sáng tạo và sâu sắc hơn, biết sống có trách nhiệm, trưởng thành hơn qua từng trang sách".

Một góc của tủ sách gia đình Văn Bùi

Một góc của tủ sách gia đình Văn Bùi

Không chỉ lập tủ sách cho riêng gia đình mình, năm 2018, thầy Bùi Văn Đông, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, lập tủ sách Văn Bùi với mong muốn ngày càng có nhiều người biết đến sách. Vậy nên tủ sách Văn Bùi cho mượn miễn phí. Người đến mượn sách chủ yếu là học sinh, ngoài ra có phụ huynh, giáo viên và người cao tuổi, ở các xã thuộc huyện Yên Mô, các huyện Yên Khánh, Hoa Lư, Kim Sơn và thành phố Tam Điệp. Mỗi một bạn đọc đến mượn sẽ được cấp một sổ đọc sách để tiện việc theo dõi mượn và trả sách. Tủ sách Văn Bùi đang quản lý hàng trăm sổ đọc sách.

Theo TS. Vương, quá trình người dân đặt một tủ sách vào trong ngôi nhà của mình đồng thời cũng là quá trình thay đổi nhận thức của chính họ. Quá trình ra đời của tủ sách, lớn lên của tủ sách cũng là quá trình thay đổi và lớn lên của nhận thức. Nhìn ở góc độ quốc gia hay cộng đồng, cùng với quá trình xây dựng thêm thư viện, xuất bản thêm sách và có thêm nhiều bạn đọc mới sẽ là sự tăng tiến của văn minh và sức mạnh mềm của quốc gia.

"Xây dựng tủ sách gia đình" theo hướng dẫn của chuyên gia

Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam ra mắt cuốn sách "Xây dựng tủ sách gia đình" của tác giả Nguyễn Quốc Vương hồi tháng 3 năm nay. Anh Vương cực kỳ mong muốn mỗi gia đình ở Việt Nam, dù giàu hay nghèo, ở thành thị hay nông thôn, miền xuôi hay miền ngược, đều có một tủ sách hoặc thư viện.

Những người muốn xây dựng cho gia đình mình một tủ sách mà chưa có kinh nghiệm có thể tìm được nhiều thông tin hữu ích cho mình từ cuốn sách này. Cuốn sách có những thông tin đặc biệt giá trị với những người mới tiếp cận với sách, đó là cách đọc sách cùng con để giúp trẻ hứng thú với sách, cách "chữa bệnh buồn ngủ" của người lớn khi mới làm quen với việc đọc sách, danh sách 100 tựa sách nên có trong tủ sách gia đình và thông tin về một số thư viện công cộng, thư viện tư nhân, tủ sách gia đình khắp cả nước.

Tủ sách của gia đình thầy Vũ Văn Hà, giáo viên Trường THPT Đắk Ơ (Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước). Ảnh: baobinhphuoc.com.vn

Tủ sách của gia đình thầy Vũ Văn Hà, giáo viên Trường THPT Đắk Ơ (Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước). Ảnh: baobinhphuoc.com.vn

Tủ sách gia đình là một hình thức không mới ở nước ta, lại càng không mới ở các nước phát triển. Xem tranh, đọc sách, xem phim của các nước phát triển, hình ảnh sách, tủ sách xuất hiện khá thường xuyên. Nhiều gia đình có những tủ sách được trao truyền cho nhiều thế hệ qua hàng trăm năm.  Thậm chí, có những tủ sách gia đình có quy mô tương đương bằng cả thư viện lớn, chứa nhiều sách giá trị, sách cổ quý hiếm. Và quan trọng là những tủ sách gia đình đó thường xuyên được sử dụng. Sách không "chết" trên giá mà có đời sống, luôn là nguồn tri thức, cảm xúc cho nhiều người. Một hình ảnh dễ đập vào mắt nhất là trong các bức tranh nổi tiếng của các danh họa, nhân vật thường cầm trên tay quyển sách. Điều đó chắc chắn không phải ngẫu nhiên.

Bởi, ở những nước phát triển, từ cả ngàn năm nay, sách luôn được đánh giá rất cao. Như Marcus  Tulius Cicero khẳng định: "Ngôi nhà không có sách như thân thể không có linh hồn"./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng tủ sách gia đình, nguồn đầu tư vào tương lai rẻ và hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO