Xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường thực hiện công ước quốc tế về các quyền dân sự - chính trị và khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền

02/08/2021 07:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Nhà nước Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước. Nhà nước Việt Nam khẳng định con người là trung tâm của các chính sách kinh tế - xã hội, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng cho phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Việt Nam đều nhằm phấn đấu cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, tất cả vì con người và cho con người. Với chính sách nhất quán trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng và nghiêm túc triển khai kế hoạch tăng cường thực hiện các công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị - ICCPR, các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền.

Xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Công ước

Công ước ICCPR là công ước có vị trí đặc biệt trong hệ thống các điều ước quốc tế về quyền con người, phạm vi điều chỉnh bao gồm tất cả các quyền dân sự và chính trị. Sau khi Việt Nam bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước ICCPR lần thứ ba, ngày 26/9/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1252/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch “Tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quốc tế về các quyền dân sự chính trị và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc” (Kế hoạch). Trong quá trình xây dựng và ban hành Kế hoạch, Bộ TTTT đã tích cực tham gia:

- Cung cấp thông tin, số liệu, dự thảo lập luận trả lời liên quan đến tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, tự do báo chí, xây dựng nội dung báo cáo, lập luận phản bác, giải thích những thông tin không chính xác, cố tình bôi nhọ hình ảnh Việt Nam.

- Đóng góp ý kiến đối với Báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR, dự thảo tờ trình Thủ tướng Chính phủ và Đề án chi tiết bảo vệ Báo cáo quốc gia.

- Đóng góp ý kiến đối với các nhiệm vụ của Bộ TTTT trong dự thảo kế hoạch do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ.

Quá trình xây dựng Kế hoạch của Bộ TTTT thực hiện Quyết định số 1252/QĐ-TTg

Tại Quyết định số 1252/QĐ-TTg ngày 26/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Bộ TTTT được giao chủ trì thực hiện 02 nhiệm vụ chính, cụ thể:

- Rà soát và đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về hạn chế quyền thuộc lĩnh vực thông tin, truyền thông (trong đó lưu ý quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, xử lý vi phạm hành chính... trong Luật An toàn thông tin mạng, Luật Báo chí, Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn thực hiện).

- Tuyên truyền thành tựu pháp luật và kết quả các lần bảo vệ báo cáo quốc gia thực thi Công ước ICCPR của Việt Nam.

Xét thấy có sự tương đồng về các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quốc tế ICCPR và các khuyến nghị được giao tại Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 31/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế rà soát Định kỳ Phổ quát về quyền con người - UPR, Bộ TTTT ban hành Quyết định số 433/QĐ-BTTTT ngày 27/3/2020 lồng ghép kế hoạch triển khai thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo cơ chế ICCPR và UPR để đảm bảo hiệu quả, hiệu lực thi hành, tiết kiệm về nhân lực và kinh phí.

Sau khi ban hành Kế hoạch, Bộ TTTT đã tích cực triển khai một số giải pháp cơ bản nhằm đảm bảo thực hiện các khuyến nghị mà Bộ được phân công đúng tiến độ, chất lượng, cụ thể:

Một là, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo các quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến, tự do Internet phù hợp với nghĩa vụ nhân quyền quốc tế Việt Nam đã cam kết; đẩy mạnh nỗ lực đảm bảo quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, quyền tiếp cận thông tin trên cơ sở Hiến pháp 2013 và các văn bản pháp luật có liên quan; tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn cho nhà báo.

Tính đến hết 31/12/2020, Việt Nam có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 cơ quan báo chí in (68 báo Trung ương; 74 báo địa phương với 112 báo có hoạt động báo điện tử); 612 tạp chí (Trung ương: 520; địa phương: 92, trong đó có 98 tạp chí có hoạt động tạp chí điện tử); 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập, bao gồm 09 báo điện tử và 16 tạp chí điện tử; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình (gồm 67 đài phát thanh truyền hình Trung ương và địa phương và 05 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng. 

Xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường thực hiện công ước quốc tế về các quyền dân sự - chính trị và khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền - Ảnh 1.

Ảnh: tuyengiao.vn

Năng lực sản xuất nội dung phát thanh, truyền hình trong nước của khối các Đài gồm: 87 kênh phát thanh và 196 kênh truyền hình. Có 70 kênh truyền hình nước ngoài được biên tập để cung cấp trên dịch vụ truyền hình trả tiền của Việt Nam). Số lượng đài truyền thanh cơ sở là 9.606 đài (gồm 2.531 đài có dây, 5.959 đài không dây FM, 888 đài cả có dây và không dây FM; trong đó có 228 đài ứng dụng CNTT-viễn thông). Số lượng người sử dụng Internet khoảng 68 triệu người, số lượng tài khoản người dùng mạng xã hội Việt Nam khoảng 90 triệu người dùng trong nước dùng mạng xã hội nước ngoài khoảng 110 triệu tài khoản.

Trong các năm qua, Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, đảm bảo tốt hơn các quyền của con người từ quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội đến văn hóa, giáo dục… Các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin, bày tỏ chính kiến, kết nối chia sẻ quan điểm, tư tưởng ở Việt Nam được đảm bảo trên thực tế ngày càng tốt hơn. Trước thực tế đó, Bộ TTTT với chức năng quản lý nhà nước đã và đang tích cực nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phù hợp thực tiễn, góp phần đảm bảo hơn nữa các quyền của người dân trong thời đại công nghệ số, cụ thể:

Tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung một số văn bản:

+ Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, bảo đảm báo chí phát triển đúng định hướng, vươn tới xây dựng một nền báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, xây dựng các cơ quan báo chí Việt Nam mang tầm quốc gia, khu vực, đồng thời sắp xếp lại hệ thống báo chí, khắc phục tình trạng chồng chéo, đầu tư dàn trải tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo sự thay đổi để đáp ứng được xu thế phát triển khoa học công nghệ, phù hợp với độc giả và công chúng trong xã hội hiện đại.

+ Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, nhằm tăng cường phòng chống thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật, đảm bảo môi trường thông tin lành mạnh trên không gian mạng.

+ Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản. Việc ban hành Nghị định này đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về báo chí, xuất bản và các văn bản pháp luật liên quan.

+ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

+ Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/01/2020 phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng CNTT.

+ Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

+ Đề án bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác, sáng tạo và lành mạnh trên môi trường mạng giai đoạn 2020-2025.

+ Trong năm 2021 đang tiến hành xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 72/2013/NĐ-CP, Nghị định 27/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

- Ở cấp Bộ:

+ Ban hành 03 Thông tư gồm (1) Thông tư số 01/2020/TT-BTTTT ngày 07/02/2020 về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản; (2) Thông tư số 39/2020/TT-BTTTT ngày 24/11/2020 quy định về quản lý đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; (3) Thông tư số 41/2020/TT-BTTTT ngày 24/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn việc cấp giấy phép hoạt động báo in, tạp chí in và báo điện tử, tạp chí điện tử, xuất bản thêm ấn phẩm, thực hiện hai loại hình báo chí, mở chuyên trang của báo điện tử và tạp chí điện tử, xuất bản phụ trương, xuất bản bản tin, xuất bản đặc san.

+ Phê duyệt Đề án “Tăng cường hiệu quả công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet” thuộc Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016-2025 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1278/QĐ-BTTTT ngày 03/8/2017).

+ Xây dựng và triển khai Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam.

+ Xây dựng và triển khai Đề án bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng, góp phần giảm thiểu sự cố mất, lộ lọt thông tin cá nhân của người sử dụng Internet trong và ngoài nước.

+ Nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích hình thành các trang mạng xã hội lớn, mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng thay thế hoặc cạnh tranh được với các trang mạng xã hội nước ngoài đang cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.

+ Triển khai Chính phủ điện tử, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giải quyết các thủ tục hành chính và liên hệ trực tiếp với người dân thông qua mạng Internet…

+ Xây dựng chương trình hợp tác với Ủy ban Nhân quyền Úc về đảm bảo quyền riêng tư trong môi trường trực tuyến.

Hai là, tăng cường đầu tư nguồn lực và triển khai các chương trình, đề án, nhiệm vụ nhằm đảm bảo thu hẹp khoảng cách thụ hưởng thông tin giữa các vùng miền trên toàn quốc.

Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều biện pháp cụ thể để đảm bảo quyền của người dân trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Người dân tham gia trực tiếp và thụ hưởng quyền qua nhiều hình thức, đặc biệt là quyền dân sự, quyền được tiếp cận thông tin, với điều kiện kinh tế phát triển hiện nay của Việt Nam thì khả năng người dân tiếp cận thông tin đã tăng lên rất nhiều.

Trong những năm qua, mạng lưới bưu chính, viễn thông của Việt Nam tiếp tục được hiện đại hóa và phát triển rộng khắp. Toàn quốc có 12.738 điểm phục vụ bưu chính công cộng với nhiều loại hình dịch vụ bưu chính đa dạng, kết hợp phục vụ hành chính công và chi trả các chế độ an sinh xã hội. Trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) chi trả các chế độ an sinh xã hội theo hướng tổ chức thêm các điểm chi trả, ưu tiên chi trả tại nhà một số đối tượng để tránh tụ tập đông người, giảm thiểu việc tiếp xúc với nhiều người.

Xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường thực hiện công ước quốc tế về các quyền dân sự - chính trị và khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền - Ảnh 2.

Mạng di động phủ sóng 99,7% dân số, trong đó mạng 3G và 4G phục vụ 98% dân số. Bộ TTTT đã cấp phép cho Tập đoàn Viettel mở rộng phạm vi thử nghiệm mạng 5G và trong tháng 01/2021, Viettel đã triển khai thử nghiệm mạng 5G tại Khu Công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh, đồng thời Viettel, VNPT đã triển khai thử nghiệm 5G tại Thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.

Triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về thông tin, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Bộ TTTT tăng cường đầu tư đưa thông tin đến miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hỗ trợ trên 1.100.000 đầu thu kỹ thuật số đến 36 tỉnh khó khăn để người dân được tiếp cận thông tin, tri thức trên mạng và xử dụng dịch vụ viễn thông, Internet phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, góp phần xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam (Bộ TTTT) đã thực hiện hỗ trợ người dân tộc thiểu số truy cập Internet ở vùng sâu, vùng xa thông qua hỗ trợ gián tiếp tại các trường học, bệnh viện với số lượng tính đến thời điểm hiện tại là 5.435 điểm.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Việt Nam coi chuyển đổi số quốc gia là chương trình có tính định hướng chiến lược của nhà nước và “một trong những quan điểm thể hiện xuyên suốt chương trình là lấy người dân làm trung tâm”; chuyển đổi số sẽ góp phần tích cực vào việc thay đổi thứ hạng Việt Nam, giúp Việt Nam phát triển. Quan điểm lấy người dân làm trung tâm được thể hiện cả trong việc xác định những lĩnh vực cần tập trung chuyển đổi số; sắp xếp các lĩnh vực này nhằm vào những gì đầu tiên người dân hiểu, quan tâm.

Theo đó, khi phát triển Chính phủ số, cơ quan nhà nước sẽ đổi mới toàn diện phương thức quản lý, điều hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, hướng tới hoạt động hiệu quả, minh bạch hơn, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Khi phát triển kinh tế số, các doanh nghiệp là lực lượng tiên phong trong chuyển đổi số, các doanh nghiệp phải có chiến lược và cách tư duy mới để cải tổ doanh nghiệp, hướng tới tăng năng suất lao động, tạo ra doanh thu mới, giá trị mới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Và khi phát triển xã hội số, người dân sẽ thay đổi phương thức sống, làm việc, được thụ hưởng các dịch vụ, tiện ích xã hội nhờ công nghệ số và không ai bị bỏ lại phía sau. Thực hiện chuyển đổi số giúp Chính phủ hoạt động hiệu quả hơn, đất nước phát triển nhanh hơn, xã hội ổn định hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn, phát huy quyền làm chủ của người dân tốt hơn.

Ba là, nâng cao nhận thức về quyền con người; nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về quyền con người và các công ước quốc tế Việt Nam là thành viên trên các phương tiện thông tin đại chúng; nâng cao tính thuyết phục, hiệu quả báo chí, xuất bản trong đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Nâng cao nhận thức về quyền con người, tuyên truyền kiến thức về quyền con người có vai trò quan trọng đối với việc nâng cao nhận thức xã hội, phòng ngừa vi phạm và giúp người dân biết cách tự bảo vệ quyền và tự do của bản thân, đồng thời tôn trọng quyền và tự do của người khác phù hợp với các yêu cầu, đòi hỏi của các chuẩn mực trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia về quyền con người. Bộ TTTT luôn chú trọng và đẩy mạnh các hoạt động này trên báo chí và phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về quyền con người, quyền công dân rất đa dạng, phong phú nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân về tôn trọng, đảm bảo, bảo vệ quyền con người ở Việt Nam. 

Công tác thông tin, tuyên truyền cũng đã minh chứng, làm rõ quan điểm của Nhà nước Việt Nam khi khẳng định: Ở Việt Nam không có “tù nhân lương tâm”, không có việc đàn áp, bỏ tù những người bất đồng chính kiến, nhà báo, blogger... mà chỉ có việc điều tra, xét xử những công dân vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Báo chí đã có nhiều bài viết đậm nét phản ánh việc nhân dân Việt Nam đã và đang được sống trong một đất nước tự do, trong đó, những quyền cơ bản của con người được tôn trọng và bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật; mọi sự xuyên tạc từ các tổ chức hay các thế lực từ bên ngoài không làm thay đổi được tình hình ở Việt Nam, bởi chỉ có người dân sống trên Tổ quốc này mới cảm nhận rõ những gì tốt đẹp mà họ đang thụ hưởng.

- Chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho người sử dụng Internet và mạng xã hội; phê phán các hành vi sai phạm khi sử dụng mạng xã hội; vạch trần âm mưu, thủ đoạn lợi dụng Internet và mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam; làm rõ những hoạt động kinh doanh vi phạm pháp luật Việt Nam của các trang mạng nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam, đặc biệt là Facebook và Google (1).

- Trước tình hình đại dịch COVID-19 lan rộng và đe dọa toàn cầu, ở trong nước Đảng và Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban ngành liên quan để tổ chức tốt các hoạt động thông tin, tuyên truyền về phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân; chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền toàn dân phòng, chống dịch COVID-19; theo dõi, chỉ đạo các cơ quan báo chí mở các chuyên trang, chuyên mục với các tin bài, phóng sự, câu chuyện, chương trình phỏng vấn những người trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch bệnh, các bác sỹ trực tiếp điều trị, bệnh nhân đã khỏi bệnh, người dân… nhằm lan tỏa thông điệp an toàn trong việc phòng, chống và khống chế dịch bệnh của Việt Nam. 

Xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường thực hiện công ước quốc tế về các quyền dân sự - chính trị và khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền - Ảnh 3.

Ảnh minh họa (Nguồn: nhandan.com.vn)

Bám sát thông tin báo chí, chấn chỉnh, xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm các nguyên tắc và tiêu chí về truyền thông, đi ngược với những chỉ đạo, định hướng về truyền thông trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và xử lý các trường hợp thông tin sai sự thật của cơ quan báo chí, các trường hợp tung tin thất thiệt, giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội (2).

- Tăng cường tuyên truyền về vấn đề dân tộc, dân chủ, nhân quyền, về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; tự do báo chí, tự do ngôn luận của Việt Nam; đấu tranh phản bác mạnh mẽ những quan điểm sai trái liên quan đến vấn đề dân tộc, dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, giúp cho bà con các dân tộc thiểu số và cộng đồng quốc tế hiểu rõ về tình hình thực tiễn tại Việt Nam đối với vấn đề nhân quyền.

Bộ TTTT phối hợp với Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ đã tổ chức duy trì cơ chế Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại định kỳ hằng tháng từ tháng 5/2016 đến nay. Bộ TTTT cũng đã chỉ đạo đổi mới phương thức tuyên truyền của các cơ quan truyền thông, phát huy hơn nữa lợi thế của mạng Internet, cung cấp, cập nhật thường xuyên hệ thống văn bản pháp luật, quan điểm chính thống của Đảng, Nhà nước trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm định hướng người sử dụng trước những thông tin nhạy cảm; xây dựng ý thức và phong cách văn hóa khi tham gia mạng xã hội.

Triển khai thí điểm thành lập và duy trì trang fanpage “Vietnam Now” (địa chỉ: https://www.facebook.com/Vietnamnow.fanpage/) để đẩy mạnh truyền thông chính sách cho Chính phủ; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và lan truyền, chia sẻ những giá trị nhân văn của người dân ở Việt Nam và trên thế giới, với mục tiêu lấy nhiều “cái đẹp dẹp cái xấu”, định hướng, điều hướng thông tin cho công chúng tránh khỏi sự ảnh hưởng của thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.

Nhận xét, đề xuất, kiến nghị

Có thể nói, đến thời điểm hiện tại Bộ TTTT đang thực hiện tương đối đầy đủ và đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch tăng cường thực hiện công ước ICCPR.

Với chức năng quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông và qua theo dõi thực tiễn tình hình Việt Nam, Bộ TTTT thấy rằng một trong những nhiệm vụ trọng tâm tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIV vừa qua đã sáng suốt lựa chọn, kiện toàn thành công các chức danh chủ chốt của Nhà nước Việt Nam; tuy nhiên lợi dụng vấn đề này, các đối tượng chống đối, cơ hội chính trị trong và ngoài nước đã “cắt gọt”, bình luận thông tin một cách sai lệch, xuyên tạc tình hình nhằm kích động sự hoài nghi trong dư luận, công kích, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. 

Cùng với công tác nhân sự tại Quốc hội, càng đến gần ngày bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vừa qua, các thế lực thù địch, phản động, chống đối, cơ hội chính trị càng đẩy mạnh việc tuyên truyền, xuyên tạc chống phá bầu cử, xâm phạm trắng trợn quyền và nghĩa vụ bầu cử của công dân theo Hiến pháp 2013; kích động, kêu gọi người dân “tẩy chay bầu cử”, tập trung đẩy mạnh việc tuyên truyền bôi lem, làm sai lệch bản chất công tác nhân sự của Đảng, Nhà nước Việt Nam; ráo riết tiến hành công kích, bôi nhọ thân thế, sự nghiệp; đưa tin sai trái, thất thiệt về đời tư, phẩm chất, mối quan hệ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam hòng gây hoang mang dư luận, từ đó hướng lái, kích động người dân thực hiện các hành vi sai trái, tiếp tay cho các hoạt động chống phá. Một số tổ chức phi chính phủ can thiệp, gây sức ép với Việt Nam bằng những nhận xét về tình hình tự do, nhân quyền một cách thiếu trách nhiệm, thiếu thiện chí; thậm chí xuyên tạc, vu khống tình hình nhân quyền tại Việt Nam; suy diễn, cắt ghép thông tin nhằm làm sai lệch bản chất và chính trị hóa một số vụ án hình sự, vu khống các cơ quan chức năng Việt Nam, quy kết để gây ra sự nghi ngờ, hoang mang trong dư luận quần chúng, nhất là thời điểm chuẩn bị diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

Qua quá trình xây dựng và triển khai Kế hoạch tăng cường thực hiện công ước ICCPR, Bộ TTTT có một số ý kiến như sau:

- Khuyến nghị ICCPR, UPR và các khuyến nghị về nhân quyền được Việt Nam chấp thuận nói chung đều có thể thực hiện và đi vào đời sống, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc tăng cường và nâng cao chất lượng thụ hưởng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do Internet.

- Việc xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện các khuyến nghị thể hiện rõ sự nghiêm túc và trách nhiệm của Bộ TTTT, sự quan tâm và đầu tư thỏa đáng từ cấp lãnh đạo cao nhất của Bộ trong thực hiện các khuyến nghị được phân công.

- Việc kết hợp giữa các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch tăng cường thực hiện công ước ICCPR và kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR trong 01 kế hoạch chung không phải là mới, đã có nhiều bộ, ngành thực hiện. Việc kết hợp các nhiệm vụ giúp các Bộ xác định rõ nội dung công việc, xây dựng lộ trình, phân bổ nguồn lực thực hiện phù hợp; tăng cường hiệu quả phối hợp và trách nhiệm tham gia của các đơn vị.

- Các bộ, ngành đều thể hiện sự nghiêm túc và trách nhiệm đối với nhiệm vụ được phân công chủ trì. Tuy nhiên, các nhiệm vụ được giao phối hợp hiện chưa được quan tâm, đầu tư nguồn lực đúng mức.

Từ các nhận xét trên, Bộ TTTT kiến nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa:

- Giữa Chính phủ Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền liên quan với Ủy ban Nhân quyền để kịp thời cập nhật kết quả và tiến độ thực hiện các khuyến nghị ở Việt Nam.

- Giữa các bộ, ngành được giao phối hợp thực hiện các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch tăng cường thực hiện công ước ICCPR cần có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ hơn nữa, nhất là với các nhiệm vụ có nhiều bộ, ngành phối hợp thực hiện, bao gồm phát huy hơn nữa vai trò chủ trì, dẫn dắt của Bộ Tư pháp; phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý, kịp thời cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch, trong sạch và chính xác về nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam, đấu tranh phản bác các thông tin sai sự thật, vu cáo thiếu căn cứ.

Bộ TTTT rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ hơn nữa từ Lãnh đạo các cấp, các Bộ, ngành có liên quan nhằm tiếp tục thực hiện tốt các chính sách liên quan đến bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là các quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, Internet; hiện thực hóa ở mức cao nhất các nội dung Kế hoạch tăng cường thực hiện công ước ICCPR; tập trung khắc phục những vấn đề còn hạn chế, bất cập, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021, kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và chiến lược phát triển KTXH 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ./.

(1). Tính đến 30/11/2020, theo yêu cẩu của Bộ TTTT, Facebook đã ngăn chặn, gỡ 290 tài khoản giả mạo cá nhân, tổ chức chuyên tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam; đã chặn, gỡ hơn 4.125 bài viết, 154 fanpage đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm, gây mất uy tín nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Youtube đã ngăn chặn và gỡ bỏ 29.792 video vi phạm, gỡ bỏ 24 kênh Youtube phản động thường xuyên đăng tải nội dung chống phá chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước với hàng nghìn video mỗi kênh.

(2). Xử lý tin giả về dịch COVID-19, trong năm 2020 và quý I/2021 các Sở TTTT các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, xử phạt các hành vi sử dụng mạng xã hội đăng tải thông tin chưa được kiểm chứng, không chuẩn xác về tình hình dịch bệnh COVID-19, gây hoang mang trong dư luận. Đề nghị Facebook mở rộng danh sách nội dung bị cấm về vaccine ngừa COVID-19 trên nền tảng xã hội này, bao gồm các tuyên bố sai lệch về vaccine ngừa COVID-19 như vaccine độc hại và có thể gây ra chứng tự kỷ. Trong thời gian có dịch COVID-19, Facebook đã thực hiện đúng cam kết, triển khai gỡ bỏ 100% tin giả, tài khoản giả mạo Bộ Y tế để đưa tin giả liên quan đến COVID-19.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 7 tháng 7/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường thực hiện công ước quốc tế về các quyền dân sự - chính trị và khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO