Truyền thông

Xây dựng văn hóa cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo

Trường Thanh 04/08/2023 09:37

Văn hóa cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo (NLB) là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại và phát triển lâu dài của mỗi cơ quan báo chí.

Xây dựng văn hóa cơ quan báo chí tốt sẽ tạo sự hài hòa, hợp tác, tương tác tốt trong quan hệ giữa báo chí và các Ban, Bộ ngành, các cơ quan đơn vị từ Trung ương đến địa phương và cộng đồng doanh nghiệp (DN), giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp, NLB với nguồn tin, NLB và trang thiết bị công nghệ hiện đại.

Nhà báo là người làm văn hóa, lan tỏa những giá trị văn hóa

Cách đây hơn 01 năm, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức phát động Phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”. Ban Tổ chức đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về văn hóa, phát huy giá trị văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo ra các sản phẩm báo chí giàu chất văn hóa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa báo chí Việt Nam.

Đồng thời, nêu bật yêu cầu cấp thiết trong việc tiếp tục đẩy mạnh tạo lập không gian văn hóa đối với hoạt động báo chí, trong đó nhà báo là người làm văn hóa, lan tỏa những giá trị văn hóa. Cùng với đạo đức và pháp luật, văn hóa là công cụ để mỗi nhà báo tự soi chính mình.

Công tác tuyên truyền về xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí; thực hiện văn hóa cơ quan báo chí, văn hóa của NLB Việt Nam được Hội Nhà báo chỉ đạo nghiêm túc, bằng nhiều hình thức: đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Hội nhà báo Việt Nam, Trang thông tin điện tử của tổ chức chức Hội, trên các loại hình báo chí: in, điện tử, đài phát thanh truyền hình (PTTH) Trung ương và địa phương; Đài truyền thanh huyện, trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao...

Báo cáo 01 năm thực hiện Phát động và triển khai phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”, được Hội Nhà báo Việt Nam tổng kết mới đây, cho biết: Qua hơn 01 năm triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” cùng với việc ban hành Bộ tiêu chí văn hóa trong cơ quan báo chí và văn hóa của NLB Việt Nam, công tác xây dựng môi trường văn hóa các cơ quan báo chí đã được đẩy mạnh và có sự tiếp nối những công việc, những thành quả từ những năm trước đó. 

Phong trào đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức và hành động, tính tự tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức nghề nghiệp NLB. Từ đó, góp phần xây dựng đội ngũ NLB, hội viên gương mẫu, đoàn kết, chuyên nghiệp, nhân văn, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng đội ngũ những NLB trong các cơ quan báo chí.

Trong hoạt động nghiệp vụ hàng ngày của cơ quan báo chí, sử dụng thông tin, hình ảnh đăng báo với tinh thần tôn trọng quyền con người, quyền riêng tư, không gây tổn thương tinh thần, nhân phẩm, danh dự cá nhân và tổ chức, không đăng tải các hình ảnh bạo lực hoặc ảnh hưởng không tốt tới môi trường xã hội; Phát huy tích cực tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái với đồng nghiệp gặp hoạn nạn, tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện, viết bài về các hoàn cảnh khó khăn kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng.

Cùng với việc tiếp tục thực hiện 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp và quy tắc sử dụng mạng xã hội (MXH) của NLB Việt Nam, việc triển khai phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” trong thời điểm hiện nay là một cách thức nhằm chấn chỉnh, siết chặt kỹ cương, góp phần giúp mỗi cơ quan báo chí, NLB tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong sứ mệnh của người cầm bút với “tâm sáng, bút sắc, lòng trong””, Hội nhà báo Việt Nam nêu rõ.

Hội nhà báo Việt Nam cũng cho biết: Qua việc thực hiện phong trào thi đua, nhiều cơ quan báo chí, các cấp Hội đã có chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động. Nhiều cơ báo chí quan đã xác định được vấn đề nổi cộm, cấp thiết để tập trung giải quyết như: việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương tác nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, kịp thời chấn chỉnh việc phát ngôn không phù hợp trên MXH của một số rất ít nhà báo.

Các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, triển khai thực hiện nội quy, quy chế hoạt động của cơ quan báo chí đảm bảo dân chủ, đoàn kết, minh bạch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chú trọng xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí và văn hóa NLB, xây dựng môi trường làm việc tích cực, năng động, sáng tạo, tòa soạn xanh - sạch - đẹp...

Các báo, đài nhất trí cao với 6 tiêu chí Cơ quan báo chí văn hóa, và xác định tuân thủ pháp luật, Điều lệ Hội, Quy chế nội bộ, tổ chức quy trình họa  động chuyên nghiệp, quản lý sát sao hoạt động tác nghiệp, hành vi ứng dụng của NLB, ngăn chặn nguy cơ vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, các báo, đài thực hiện nhiều chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị của NLB trong môi trường chuyển đổi số.

Về 6 tiêu chí NLB, các báo, đài xác định nêu cao phẩm chất cao đẹp, ứng xử văn minh của NLB và coi trọng tính nhân văn trong các tác phậm, sản phẩm báo chí  của NLB, NLB phải giữ gìn tư cách đạo đức nghề nghiệp. Trong tiếp xúc với công chúng, đồng nghiệp phải thể hiện được phong cách văn minh, nền tảng văn hóa của NLB cách mạng Việt Nam. Đặc biệt thận trọng với việc phát ngôn, đăng tải hình ảnh trên không gian mạng.

Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa NLB thời 4.0

Để triển khai phong trào thi đua “xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa NLB” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam phát động tháng 6/2022 đến các cơ quan báo chí, hội viên một cách thiết thực, hiệu quả và có tính lan tỏa, giúp hội viên nâng cao trách nhiệm, tình yêu nghề nghiệp, bản lĩnh người cầm bút, nhất là ứng xử văn hóa trong giao tiếp, tác nghiệp, viết bài, sinh hoạt trong đời thường hay trên không gian MXH.

Tại Hội Nhà báo tỉnh Kon Tum, đơn vị này đã xác định đây là trách nhiệm không chỉ của hội viên mà đó là trọng trách không nhỏ của hội địa phương.

Hội Nhà báo tỉnh Kon Tum xây dựng phát động phong trào “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa NLB” linh hoạt, phù hợp với chuyên môn của hội viên, từng chi hội, câu lạc bộ (CLB) nhà báo trực thuộc; tổ chức hội nghị phát động, đồng loạt thư ký chi hội, chủ nhiệm CLB ký cam kết. Sau hội nghị, các chi hội, CLB triển khai đến toàn thể hội viên nhà báo.

Hội Nhà báo tỉnh Kon Tum xác định hội viên - nhà báo nói riêng, NLB nói chung có vai trò quan trọng đối báo giới địa phương, đó là những con người giữ vai trò “chủ công” trong các cơ quan báo chí. Sản phẩm báo chí được độc giả biết đến nhiều hay ít nằm ở uy tín của họ, của tờ báo, mà đứng đầu là lãnh đạo báo chí nói riêng và hội địa phương nói chung, phải quan tâm đến sự cống hiến trí tuệ, công sức của hội viên đối với báo chí, đối với sự phát triển của địa phương. Bởi, không ít hội viên, có nhiều bài viết mở đường cho địa phương, doanh nghiệp, tổ chức tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế, tạo động lực có hướng đi phát triển phù hợp.

Nhận định phong trào thi đua không riêng cá nhân hay tập thể nào mà đó là trách nhiệm của toàn thể hội viên, là người cầm bút cần phải nắm vững tiêu chí thi đua, vì đây là cẩm nang để hội viên làm nghề, tự tôi luyện mình để không va vấp trong môi trường đầy cám dỗ như hiện nay.

Hội viên phải tự biết, mình nói và viết, làm theo chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, chính sách của Đảng và Nhà nước, truyền đạt tâm tư, nguyện vọng của người dân đến các cấp lãnh đạo thông qua sản phẩm báo chí.

Hội viên cũng phải tự biết, làm báo thời nay thu hút được bạn đọc, nghe, xem nhiều hay ít phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm nghề nghiệp của chính họ. Tuy nhiên, ảnh hưởng nghề nghiệp của hội viên đối với địa phương còn phụ thuộc vào uy tín của người đứng đầu cơ quan báo chí, của hội nhà báo địa phương. Đó là những điều kiện cần để giúp hội viên nâng cao vị trí, vai trò của NLB trong thời đại 4.0.

dsc_9997.jpg
Phóng viên báo chí tác nghiệp trong một sự kiện. (Ảnh: Đức Anh)

Giá trị cốt lõi mà NLB, một tòa soạn luôn hướng đến chính là nền tảng văn hóa

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đánh giá, sau 1 năm phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”, phong trào đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, rộng rãi của giới báo chí trong cả nước, đáp ứng nhu cầu thiết thực trong đời sống báo chí nói chung và hoạt động tác nghiệp của những NLB nói riêng. Đã có nhiều cơ quan báo chí thực hiện ký giao ước thi đua để tham gia phong trào. Phong trào này đã thực sự đi vào đời sống, hoạt động tác nghiệp của những NLB [1].

Hiện tượng những NLB có hành vi thiếu văn hóa trong hoạt động tác nghiệp của mình đã được khắc phục, hạn chế. Đặc biệt, hàm lượng văn hóa trong các tác phẩm báo chí đã được nâng lên rõ rệt.

Đây là một phong trào dài hơi, không chỉ phát động trong thời gian ngắn, mà phải trở thành một nếp sinh hoạt thường xuyên, lâu dài đối với các cơ quan báo chí, trọng tâm là xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo có văn hóa. Làm sao để các cơ quan báo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Lợi chia sẻ.

PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết, giá trị cốt lõi mà NLB, một tòa soạn luôn hướng đến chính là nền tảng văn hóa. Văn hóa cơ quan báo chí và văn hóa NLB là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại và phát triển lâu dài của mỗi cơ quan báo chí. Nền báo chí cách mạng Việt Nam tồn tại, phát triển mạnh mẽ trong gần 100 năm qua chính là nhờ chú trọng phát triển văn hóa báo chí.

dsc_0268.jpg
Phóng viên tác nghiệp tại sự kiện (Ảnh: Đức Anh)

Cơ quan báo chí và mỗi NLB phải tự nguyện tham gia phong trào một cách thiết thực, hiệu quả

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Lợi, để việc xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí và văn hóa NLB không mang tính hình thức, mà thực sự thấm sâu, lan tỏa trong hoạt động của các tòa soạn, cơ quan báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng và ban hành 12 Tiêu chí “cơ quan báo chí văn hóa và văn hóa của NLB Việt Nam”; đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn cách thức triển khai phong trào này.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Lợi cho rằng, việc quan trọng và cần thiết chính là các cơ quan báo chí và mỗi NLB phải tự nguyện tham gia phong trào một cách thiết thực và hiệu quả. Tuyệt đối tránh hiện tượng “đánh trống bỏ dùi”, “phát” chứ không “động”, phải thực sự đòi hỏi tính tự giác cao của các cơ quan báo chí cũng như những NLB. Đặc biệt, lãnh đạo các cơ quan báo chí phải nhận thấy đây là một nhiệm vụ, trách nhiệm quan trọng, xem việc xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí là một nhiệm vụ quan trọng để thực hiện đúng yêu cầu.

Tại Lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí” năm 2022, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong cơ quan báo chí và NLB, trong đó trọng tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, tinh thần tận tụy, có ý thức thượng tôn pháp luật; dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân”./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng văn hóa cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO