Dưới cái nắng nóng oi ả của miền Bắc những ngày tháng 9, hàng trăm diêm dân xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định vẫn cần mẫn ra đồng để tạo ra những hạt muối trắng tinh khiết.
Từ bao đời nay, nghề muối đã trở thành nghề sản xuất truyền thống của diêm dân vùng ven biển tỉnh Nam Định. Những năm gần đây, ở nhiều địa phương, diêm dân đã bỏ nghề muối hoặc chuyển đổi sang những mô hình kinh tế cho hiệu quả cao hơn. Tâm huyết, trăn trở với nghề truyền thống, một số bà con diêm dân xã Bạch Long (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) vẫn giữ gìn nghề làm muối để mang đến cho đời những hạt muối quê tinh khiết.
Đến xã Bạch Long những ngày nắng chói chang, chúng tôi bắt gặp cảnh những đồng muối dài bát ngát, nơi làm nên những hạt ngọc trắng tinh túy của biển cả. Đây cũng là nơi có nghề làm muối truyền thống với cánh đồng muối lớn nhất miền Bắc, rộng tới 230 ha, cung cấp sản lượng lên đến hàng chục nghìn tấn mỗi năm.
Nhiệt độ ngoài trời những ngày nắng cũng gần 37 độ, những ô ruộng mới buổi sáng còn là nước biển, giờ đã kết tinh thành những hạt lấp lánh. Bất chấp cái nắng chói chang, những diêm dân vẫn phải phơi mình muối. Dụng cụ bảo hộ của họ chỉ là những chiếc khẩu trang, găng tay và chiếc nón đơn sơ.
Những ụ muối được vun đều tăm tắp thẳng hàng phơi trên đồng như những chop nón trắng giản dị như chính những người dân nơi đây.
Từ sáng sớm họ đã phải ra đồng để đổ nước biển đã được lọc từ hôm trước lên các ô phơi cho kịp nắng lên. Nghe tưởng đơn giản nhưng làm việc này phải có kinh nghiệm mới có những mẻ muối khô trắng tinh. Bởi nếu đổ quá nhiều muối sẽ ngậm nước, khong khô không thể thu hoạch.
Để tạo ra những hạt muối trắng tinh khiết, phải trải qua nhiều công đoạn lao động vất vả. Một ngày của người làm muối bắt đầu từ 6 giờ sáng, thời điểm này là công đoạn làm đất, tưới nước biển lên sân phơi và rắc muối mồi. Nước được dẫn trực tiếp từ biển, sau đó tháo xuống ruộng ban đầu, dưới tác dụng ánh nắng mặt trời lượng nước trong nước biển bốc hơi bớt, lúc này nồng độ mặn trong nước tăng cao hơn so với ban đầu. Diêm dân sẽ múc nước này đổ xuống phần ruộng bên dưới để tạo muối.
Buổi chiều từ 3 đến 4 giờ là lúc muối lên thành hạt, diêm dân phải mau chóng gom muối về lều thu mua. Khi muối bắt đầu kết tủa, thì diêm dân mới dùng dụng cụ “cào bằng” để cào muối tập trung lại như những hình chóp nhỏ trên mỗi ruộng. Sau đó dùng xe thu gom, mang về đóng gói rồi bán ra thị trường.
Sau khi thu hoạch muối xong, diêm dân sẽ dùng cào vệ sinh những tạp chất còn dính lại trên ruộng, rồi đổ nước mới vào và chờ đến khi nắng gắt, muối kết tủa lại thu hoạch mẻ muối mới. Quy trình cứ thế lặp đi lặp lại để tạo ra những hạt muối tinh khiết.
Vất vả là vậy, nhưng nghề làm muối lại có thu nhập khá bấp bênh, phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết và giá cả thị trường. Đối với những diêm dân, nghề làm muối là nghề cay đắng nhất cuộc đời. Cái nghề chỉ cầu mong trời nắng thật to và sợ những cơn mưa giông thình lình kéo đến.
Hiện nay, nhiều đồng muối ở Nam Định đang bước vào vụ thu hoạch. Song, bà con chưa tính được lời lãi bao nhiêu thì những cơn mưa trái mùa trút xuống. Vừa mất muối, diêm dân vừa phải tốn thêm chi phí cải tạo ruộng, sân để khôi phục sản xuất. Ông Đỗ Dũng bày tỏ: “Diêm dân lao động vất vả ròng rã mấy tháng trời, nhưng vào gần thời điểm thu hoạch, chỉ một trận mưa thì coi như trắng tay. Nghề làm muối khổ đến vậy, nên bây giờ mấy đứa con tôi không theo nghề nữa”.
“Hạt muối không nuôi nổi gia đình chúng tôi. Vợ chồng tôi làm từ sáng cho đến chiều tối mà chỉ thu nhập hơn 200.000 đồng. Số tiền này quá ít so với sức lao động mà vợ chồng tôi bỏ ra”, ông Dũng bộc bạch.
Nghề làm muối vất vả, lại phụ thuộc thời tiết, giá muối bấp bênh nên diêm dân vẫn không thoát khỏi cái nghèo, cái khổ. Dù cuộc sống lao động làm muối rất nhọc nhằn nhưng những diêm dân vẫn gắn bó với nghề, cần cù làm ra những hạt muối trắng tinh cho đời./.