Truyền thông

Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng mạng viễn thông, Internet vi phạm đa dạng sinh học

Nhật Minh 21:59 14/03/2023

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần phải chấp hành các quy định của pháp luật về đa dạng sinh học. Khi xảy ra các hành vi vi phạm, phạm tội sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo đúng các quy định của pháp luật.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân cần phải chấp hành các quy định của pháp luật về đa dạng sinh học. Khi phát hiện ra các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật.

Đó là một nội dung yêu cầu được thể hiện trong Kế hoạch số 769/KH-BTTT ban hành ngày 10/3/2023 về việc thực hiện đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” lĩnh vực Thông tin và Truyền thông (TT&TT).

Tăng cường truyền thông, công nghệ mới về phòng chống tội phạm, vi phạm về đa dạng sinh học

Theo đó, Kế hoạch chính là sự thể hiện việc cụ thể hoá nhiệm vụ giao cho Bộ TT&TT tại Mục 6 của Quyết định số 1623/QĐ-TTg ngày 27/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, mục tiêu giai đoạn 2023 - 2025, Bộ TT&TT chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đa dạng sinh học; chỉ đạo tuyên truyền phòng, chống đánh bắt, giết mổ, buôn bán các loại động vật hoang dã, nhất là các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; phối hợp với Bộ Công an kịp thời thông tin, phản ánh về kết quả công tác đấu tranh, phòng, chống, xử lý tội phạm, các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học…

Đặc biệt, Bộ TT&TT tiến hành rà soát, đề xuất bổ sung hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính về TT&TT (các hành vi vi phạm chế độ thông tin, tuyên truyền về đa dạng sinh học); phối hợp với các cơ quan có liên quan, cung cấp thông tin hỗ trợ xác minh các hành vi vi phạm; phối hợp đấu tranh phát hiện, xử lý đối tượng vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học trên môi trường mạng…

screenshot-1396-(1).png

Ở mục tiêu giai đoạn 2026 – 2030, Bộ TT&TT tiếp tục chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí áp dụng các công nghệ truyền thông mới để xây dựng nội dung truyền thông thiết thực, trực quan, sinh động, phù hợp với trình độ nhận thực của đối tượng truyền thông; tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ nhà báo, cán bộ, phóng viên nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác thông tin, tuyên truyền về phòng chống tội phạm, vi phạm về đa dạng sinh học…

“Bộ TT&TT chỉ đạo xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật các đối tượng thực hiện các hành vi vi pháp luật về thông tin, tuyên truyền không đúng quy định về bảo vệ đa dạng sinh học; ngăn chặn các bài viết, thông tin, hình ảnh không đúng pháp luật về đa dạng sinh học”, Kế hoạch nêu rõ.

Định kỳ 06 tháng tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện

Để thực hiện tốt các yêu cầu của Kế hoạch, văn bản cũng yêu cầu cụ thể cho từng đơn vị thuộc bộ phải bám sát, triển khai các nội dung thông suốt đến năm 2030:

Cục Báo chí: Tham mưu Lãnh đạo bộ chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Công ước quốc tế về bảo vệ, phát triển, bảo tồn thiên nhiên, quản lý động vật hoang dã, đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES)…

Hơn nữa tập trung chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho các cấp, các ngành, địa phương về công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học; tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng về bảo vệ đa dạng sinh học cho đội ngũ nhà báo, phóng viên; xử lý nghiêm các hành vi đăng tải, phổ biến thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đa dạng sinh học…

Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử: Tham mưu Lãnh đạo Bộ chỉ đạo, định hướng các Đài phát thanh, Đài truyền hình, Đài phát thanh và truyền hình, các đơn vị hoạt động truyền hình thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học; xử lý nghiêm các đối tượng phát tán, đăng tải, chia sẻ hình ảnh, thông tin vi phạm pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học…

Cục Thông tin cơ sở: Tham mưu Lãnh đạo Bộ chỉ đạo, triển khai thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở về công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ đa dạng sinh học; tổ chức sản xuất và phát sóng các chương trình phát thanh trên kênh phát thanh có diện phủ sóng toàn quốc, cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã trên toàn quốc; đôn đốc, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện các chương trình tuyên truyền về đa dạng sinh học trên hệ thống thông tin cơ sở…

Cục Viễn thông: Phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng mạng viễn thông, Internet nhằm mục đích quảng cáo, trưng bày, tuyên truyền, mua, bán mẫu vật động vật hoang dã bị cấm theo quy định của pháp luật; phòng ngừa lợi dụng mạng lưới viễn thông, mạng Internet để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học; phối hợp với các cơ quan có liên quan thông tin, tuyên truyền về bảo vệ đa dạng sinh học trên mạng viễn thông, mạng Internet…

Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC): Phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc cung cấp thông tin tên miền, địa chỉ IP và xử lý vi phạm theo yêu cầu của cơ quan hữu quan liên quan đến tên miền, địa chỉ IP nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tài nguyên Internet để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học; phối hợp với các cơ quan có liên quan thông tin, tuyên truyền về bảo vệ đa dạng sinh học liên quan đến việc đăng ký, sử dụng tài nguyên Internet phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học.

Vụ Hợp tác quốc tế: Phối hợp với các đơn vị thuộc bộ ngăn chặn, yêu cầu xóa bỏ thông tin vi phạm được cung cấp theo dịch vụ xuyên biên giới từ máy chủ của nước ngoài; mở rộng hợp tác quốc tế trong tuyên truyền phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học trên môi trường mạng...

Thanh tra Bộ: Tham mưu hoàn thiện pháp luật xử lý vi phạm hành chính về thông tin và truyền thông, trong đó bao gồm vi phạm pháp luật về thông tin, tuyên truyền trái pháp luật về đa dạng sinh học; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ cho lực lượng thanh tra ngành TT&TT về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến bảo vệ đa dạng sinh học; chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan kịp thời cung cấp thông tin phục vụ công tác đấu tranh, xác minh, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học; tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả thực hiện.../.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng mạng viễn thông, Internet vi phạm đa dạng sinh học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO