Xử lý thông tin giả trên thế giới và khuyến nghị bài học cho Việt Nam

ThS. Phạm Văn Nghĩa| 13/09/2020 11:05
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo báo cáo của We are social, một công ty toàn cầu chuyên nghiên cứu về truyền thông xã hội. Tính đến tháng 1 năm 2020, trên khắp thế giới có khoảng 7,75 tỷ dân với số lượng người dùng Internet là 4,54 tỷ thuê bao, chiếm tỷ lệ 59% tổng dân số thế giới và số lượng người dùng mạng xã hội là 3,8 tỷ người, chiếm tỷ lệ 49% tổng dân số thế giới.

Tin giả trên thế giới

Thời gian qua, cụm từ "Tin giả" hay "Fake News" được sử dụng rộng rãi trên truyền thông các nước nói tiếng Anh. Tin giả là một trong những chủ đề chính trị - xã hội được tranh luận sôi nổi và xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông xã hội đang tác động trực tiếp đến người dùng, ảnh hưởng kinh tế - xã hội và an ninh trật tự tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới.

Theo báo cáo của We are social, một công ty toàn cầu chuyên nghiên cứu về truyền thông xã hội. Tính đến tháng 1 năm 2020, trên khắp thế giới có khoảng 7,75 tỷ dân với số lượng người dùng Internet là 4,54 tỷ thuê bao, chiếm tỷ lệ 59% tổng dân số thế giới và số lượng người dùng mạng xã hội là 3,8 tỷ người, chiếm tỷ lệ 49% tổng dân số thế giới.

Xử lý thông tin giả trên thế giới và khuyến nghị bài học cho Việt Nam - Ảnh 1.

Các trang mạng xã hội xuyên biên giới đang dễ dàng trở thành nơi chia sẻ và lan truyền những thông tin sai lệch với tốc độ nhanh hơn bất kỳ nền tảng nào khác, bất chấp nỗ lực kiểm soát từ các hãng công nghệ lớn cũng như các chiến dịch hành động của chính phủ nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. 

Theo kết quả nghiên cứu của nhiều tổ chức quốc tế uy tín như của Viện Internet Oxford tại Đại học Oxford, Viện công nghệ Massachusetts hay Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters đã chỉ ra "Tin giả luôn được lan truyền với tốc độ nhanh hơn và được phát tán rộng rãi hơn rất nhiều so với tin thật". Kết quả nghiên cứu trong thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters chứng minh (Hình 1), trong số các thông tin sai lệch được nhóm nghiên cứu lựa chọn khảo sát liên quan đến dịch bệnh COVID-19 đăng tải trên các phương tiện truyền thông xã hội, có đến 88% lượng thông tin giả xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội, trong khi con số này đối với truyền hình và trên báo chí lần lượt là 9% và 8%.

Xử lý thông tin giả trên thế giới và khuyến nghị bài học cho Việt Nam - Ảnh 2.

Hình 1. Tin giả về COVID-19 xuất hiện trên các nền tảng truyền thông xã hội (Nguồn: Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters của Mỹ)

Năm 2019, các chiến dịch thông tin sai lệch đã xảy ra ở mọi quy mô trên các nền tảng tin tức trực tuyến và trang Web ở ít nhất 70 quốc gia từ những nước có nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới đến các nước đang phát triển. Theo kết quả nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos của Đức vào tháng 2 năm 2019 cho thấy (Hình 2), các quốc gia có số lượng tin giả phổ biến nhiều như Hungary (78%), Serbia (75%), Hoa Kỳ (71%), Hàn Quốc (71 %) và Trung Quốc (57%).

Xử lý thông tin giả trên thế giới và khuyến nghị bài học cho Việt Nam - Ảnh 3.

Hình 2. Các quốc gia có tin giả phổ biến trên thế giới (Nguồn: Báo cáo khảo sát trực tuyến của Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos, Đức năm 2019)

Tác động của tin giả

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2019 với chủ đề "Toàn cầu hóa 4.0: Định hình kiến trúc toàn cầu trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" đã từng nhận định thông tin sai lệch lan truyền trên mạng là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với xã hội. Tin giả không chỉ có tác động trực tiếp đến cá nhân, tổ chức chịu ảnh hưởng mà còn tác động đến nền kinh tế quốc dân và thậm chí de dọa trực tiếp đến nền dân chủ và an ninh quốc gia (Hình 3).

Xử lý thông tin giả trên thế giới và khuyến nghị bài học cho Việt Nam - Ảnh 4.

Hình 3. Tác động của tin giả đến xã hội

- Tin giả tác động đến kinh tế: Trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát tại Vương quốc Anh, các mạng xã hội nước này đã lan truyền một số thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận "các cột sóng 5G tạo và phát tán virus corona, sóng viễn thông khiến con người suy yếu hệ miễn dịch, do đó, virus lây lan nhanh hơn". Theo báo cáo của Mobile UK, hậu quả của việc tung tin giả liên quan đến 5G là hàng chục tháp viễn thông 5G đã bị đốt phá, số liệu cho thấy từ tháng 3/2020 đến tháng 6/2020 đã có hơn 200 vụ quấy rối, tấn công các kỹ sư viễn thông và hơn 90 vụ tấn công cơ sở hạ tầng tháp 5G. Tin giả liên quan đến 5G và COVID-19 không chỉ xảy ra tại Vương quốc Anh mà lan cả sang các nước Hà Lan, Ireland, Bỉ, Ý, và Thụy Điển.

Trong một báo cáo nghiên cứu của công ty An ninh mạng CHEQ và đại học Baltimore của Mỹ đã chứng minh rằng (Hình 4), tin tức giả mạo trực tuyến hiện gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 78 tỷ USD hàng năm và chi phí mà các doanh nghiệp và chính phủ phải trả để ngăn chặn tin giả đang ngày càng gia tăng. Báo cáo, phân tích chi phí kinh tế trực tiếp từ tin tức giả ước tính đã góp phần làm mất giá trị thị trường chứng khoán khoảng 39 tỷ USD mỗi năm.

Xử lý thông tin giả trên thế giới và khuyến nghị bài học cho Việt Nam - Ảnh 5.

Hình 4. Tin giả tác động đến kinh tế toàn cầu (Tỷ USD) (Nguồn: Báo cáo nghiên cứu của công ty An ninh mạng CHEQ và đại học Baltimore của Mỹ năm 2019)

Trong một báo cáo khác dựa trên khối lượng tin tức giả hiện tại và ước tính, cho thấy 200 triệu USD dự báo sẽ được dùng để quảng bá, quảng cáo và triển khai tin tức giả trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 tại Mỹ. Ở các nước khác cũng thế, chi phí cho tin giả trong tổng tuyển cử gồm bảy giai đoạn ở Ấn Độ năm 2019 là 140 triệu USD, 34 triệu USD tại Brazil (bầu cử Tổng thống năm 2018), 1 triệu USD tại Anh (năm 2017), 20 triệu USD tại Kenya, 2,7 triệu USD tại Nam Phi, 586.000 euro tại Pháp, 828.000 USD tại Úc, 642.000 USD tại Mexico (Hình 5).

Xử lý thông tin giả trên thế giới và khuyến nghị bài học cho Việt Nam - Ảnh 6.

Hình 5. Chi phí cho tin giả trong các cuộc tổng tuyển cử quốc gia (Nguồn: Báo cáo nghiên cứu của công ty An ninh mạng CHEQ và đại học Baltimore của Mỹ năm 2019)

- Tin giả tác động nền dân chủ và an ninh quốc gia: Vấn nạn tin giả với dụng ý bóp méo sự thật đang ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống chính trị - xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới, thậm chí nó còn đe dọa trực tiếp tới nền dân chủ và an ninh quốc gia. Các nghiên cứu chỉ ra, ở nhiều khu vực có tỷ lệ am hiểu và trình độ công nghệ thông tin thấp hơn, người dân thường bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi thông tin sai lệch trên mạng xã hội. Ngay cả các quốc gia tiên tiến cũng bị ảnh hưởng lớn từ tin giả de dọa đến bất ổn chính trị.

Tin tức giả ảnh hưởng đến chính trị theo nhiều cách khác nhau. Việc lan truyền tin giả có chủ đích có thể ảnh hưởng và gây tác động lớn đến kết quả các cuộc bầu cử, gây bất ổn sự gắn kết xã hội và ảnh hưởng đến chính trị. Đồng thời, những câu chuyện giả mạo được phát triển trên cơ sở sự kiện gây bất ổn hiện tại có thể phục vụ mục đích bất chính và gián tiếp làm đảo lộn an ninh quốc gia khi người dùng không phân biệt được tin tức đáng tin cậy và giả mạo. Đặc biệt, các quốc gia đang chịu căng thẳng sắc tộc, thông tin sai lệch có thể làm tăng căng thẳng và cũng có thể tạo ra bạo lực, tạo ra nhiều xáo trộn xã hội ở một quốc gia hoặc giữa các quốc gia.

Thông tin sai lệch chắc chắn là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, cả bên ngoài lẫn bên trong. Điều đó được minh chứng từ cuộc đảo chính ở Venezuela năm 2018 và ngay cả các cuộc biểu tình tại Mỹ diễn vào những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6 năm 2020, sau cái chết của một người da màu, đã lan sang Đức, Pháp đều có vai trò tác động của tin giả trên các nền tảng truyền thông xã hội.

- Tin giả tác động sức khỏe cộng đồng: Bên cạnh tác động đến kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc gia, tin giả còn tác động trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng. Theo nghiên cứu mới của đại học Y khoa Norwich của UEA, tin giả có thể làm các đợt bùng phát dịch bệnh thêm trầm trọng. Theo nhóm nghiên cứu, việc ngăn chặn tin tức giả mạo, thông tin sai lệch trên mạng xã hội có thể cứu sống nhiều mạng người. Giáo sư Paul Hunter đã tiến hành một thử nghiệm tác động của việc chia sẻ thông tin sai đối với sức khỏe con người trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát. Giáo sư Hunter nhận xét: "Thông tin sai có thể lưu hành rất nhanh chóng và có thể thay đổi hành vi của con người theo hướng rủi ro hơn trong việc phòng, chữa bệnh". Theo báo cáo của các chuyên gia, nếu giảm 10% tỉ lệ tin sai trên tổng số tin sai đang lưu hành (giả sử số tin sai trong tổng số các tin sai đang lưu hành là 50% sẽ giảm còn 40%) có thể cải thiện tình hình dịch bệnh. Hậu quả của những tin giả này không chỉ dừng lại ở việc cản trở công tác chống dịch của các tổ chức y tế hay gây ra bất ổn xã hội, mà còn đe dọa đến tính mạng của người dùng nếu làm theo những chỉ dẫn sai lệch này. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã gọi đây là một "đại dịch tin giả" (infodemic) và đưa ra cảnh báo: "Tin giả lan truyền nhanh và dễ dàng hơn cả virus, nhưng mức độ nguy hiểm thì không hề thua kém".

Thế giới xử lý tin giả

Thực trạng đáng báo động, tin giả xuất hiện tràn lan trên các phương tiện truyền thông xã hội tác động trực tiếp đến người dùng, ảnh hưởng kinh tế - xã hội và an ninh trật tự tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới đã buộc chính phủ nhiều nước phải đưa ra các biện pháp nhằm siết chặt và ngăn chặn rủi ro và các mối đe dọa tiềm ẩn trên các nền tảng mạng xã hội.

Xử lý thông tin giả trên thế giới và khuyến nghị bài học cho Việt Nam - Ảnh 7.

Tại khu vực ASEAN, chính phủ Singapore là một trong những quốc gia đi đầu khu vực đã ban hành chính sách mạnh tay để xử lý vấn nạn tin giả trên các nền tảng mạng xã hội. Ngày 8/5/2019, Quốc hội Singapore đã thông qua Đạo luật có tên gọi "Luật Bảo vệ khỏi sự thao túng và lừa dối trực tuyến" hay còn gọi là Luật chống tin giả và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/10/2019. Luật áp dụng đối với các nền tảng trực tuyến. Tuy nhiên, mục tiêu quan trọng mà Luật nhắm tới là các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Twitter và Luật chỉ xử lý thông tin sai sự thật, còn các bình luận, ý kiến không thuộc phạm vi chế tài, tức là luật nhắm đến tin sai sự thật chứ không nhắm đến tự do ngôn luận. Luật của Singapore đưa ra nhiều mức phạt khác nhau tùy vào mức độ hành vi vi phạm. Mức thấp nhất áp dụng là phạt hành chính và cao nhất hình sự hóa đối với các cá nhân tung tin giả mạo có chủ đích với mức phạt lên đến 100.000 đô la Singapore hoặc tối đa 10 năm tù hoặc áp dụng cả hai. Đối với nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội, nếu không tuân thủ các quy định, các công ty mạng xã hội có thể bị phạt lên đến 1 triệu đô la Singapore.

Mới đây nhất, ngày 4/4/2019, Quốc hội Úc đã thông qua Dự luật "Chia sẻ tài liệu bạo lực ghê tởm", đạo luật được soạn và thông qua ngay sau vụ tấn công khủng bố thảm khốc ở thành phố Christchurch, New Zealand làm 50 người chết do công dân Úc gây ra. Phạm vi điều chỉnh của Luật được áp dụng đối với bất cứ cá nhân nào có hành vi đăng tải những hình ảnh, video liên quan đến khủng bố, giết người, tra tấn, hãm hiếp hoặc bắt cóc đều sẽ phải chịu sự trừng trị của pháp luật tùy theo mức độ bạo lực và các công ty chịu trách nhiệm quản lý nền tảng trực tuyến mà kẻ phạm tội dùng để đăng tải những tư liệu bạo lực cũng sẽ phải ngay lập tức gỡ các tư liệu đó xuống và chịu mức phạt tương xứng. 

Theo đó, các nền tảng mạng xã hội sẽ phạm tội hình sự nếu không nhanh chóng loại bỏ được "nội dung ghê tởm". Các giám đốc công nghệ phải ngồi tù lên đến 3 năm nếu không loại bỏ hoàn toàn các nội dung xấu trên nền tảng mạng xã hội của họ. Ngoài ra, nếu các doanh nghiệp không tuân thủ quy định của Luật "Chia sẻ tài liệu bạo lực ghê tởm", doanh nghiệp phải đối mặt mức phạt lên đến 10% doanh thu toàn cầu thường niên.

Tại các nước châu Âu như Đức, Pháp, Liên bang Nga và Mỹ đều đã ban hành các văn bản pháp luật xử lý vấn nạn tin giả trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến hiện nay.

- Đức: Chính phủ đã ban hành luật có tên gọi "Luật cải tiến chấp pháp tại các mạng xã hội", viết tắt là NetzDG, được áp dụng từ ngày 01/01/2018. Bộ luật được đưa ra nhằm ngăn chặn sự phát tán những dịch bệnh kinh hoàng từ mạng xã hội, trong đó trầm trọng nhất là tin giả và phát ngôn gây thù hận (hate speech). Luật áp dụng cho các nhà cung cấp dịch vụ trên môi trường viễn thông có 2 triệu thành viên trở lên, nếu dưới 2 triệu thành viên sẽ được miễn trách nhiệm quy định theo luật. Tuy nhiên, đối tượng hướng đến theo NetzDG không phải là các cá nhân người dùng mạng xã hội, mà là các doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội như Facebook, Twitter và Google (với YouTube). Những nội dung bị coi làvi phạm luật pháp đều đã được quy định trong bộ Luật Hình sự, NetzDG không làm việc gì khác ngoài tăng áp lực, bổ sung tăng hình phạt tiền và quy định thời hạn hành động cụ thể cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội.

- Pháp: Quốc hội đã thông qua "Luật về siết chặt kiểm soát thông tin trên mạng xã hội" vào tháng 12/2018. Mục đích ban hành đạo luật là nhằm hạn chế các thông tin thất thiệt có thể ảnh hưởng đến kết quả của các cuộc bầu cử tại Pháp. Mức phạt cho hành vi tung tin thất thiệt không chỉ bị phạt hành chính với mức phạt cao. Đạo luật quy định "hình sự hóa" tội danh tung tin thất thiệt, theo đó phạt tù đến 1 năm và phạt tiền đến 75.000 Euro đối với hành vi phát tán một cách có chủ ý và với số lượng lớn thông tin sai lệch ảnh hưởng đến kết quả bầu cử. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, việc khó khăn là xác định thông tin thất thiệt, nhất là làm sao có thể phân biệt được đâu là tin giả với các mục đích, thủ đoạn chính trị và thông tin theo kiểu tự do ngôn luận (không có chủ đích). Vì thế, các chế tài trong trường hợp này rất nhạy cảm, bởi ranh giới giữa hai loại thông tin trên là hết sức mong manh.

- Liên bang Nga: Trước thực trạng tin giả tràn lan trên mạng xã hội, ngày 18/3/2019; Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ban hành đạo luật mới có tên gọi "Luật về tin giả và thông tin xúc phạm chính quyền trên Internet". Mục đích ban hành đạo luật: Nhằm kiểm soát và điều chỉnh hành vi con người trong không gian mạng; Nhằm ngăn chặn các nguy cơ nảy sinh khi sử dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng xã hội, trong bối cảnh các phương pháp, kỹ thuật và công cụ của các tội phạm mạng xã hội này ngày càng trở nên tinh vi hơn; Nhằm chống lại những "kẻ khủng bố mạng", chuyên phao những tin đồn thất thiệt xung quanh các vụ việc lớn, đe dọa xã hội và an ninh quốc gia. Luật của Nga không hình sự hóa việc đăng tải tin tức giả mạo. Đối tượng điều chỉnh phân định rõ ràng: người dùng và nhà cung cấp dịch vụ. Mức phạt hành chính sẽ tăng dần theo 3 cấp độ: Từ tạo ra mối đe dọa đến gây nhiễu loạn trong đời sống xã hội và cao nhất là gây chết người. Đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ: Nếu trong vòng 24 giờ không thực hiện yêu cầu của cơ quan chức năng, trang web chứa thông tin vi phạm sẽ bị đóng.

- Mỹ: Là một quốc gia phát triển hàng đầu thế giới nhưng vẫn phải đối mặt với vấn đề thông tin giả tràn lan trên các trang mạng xã hội. Đặc biệt, phần lớn tin tức giả mạo, câu chuyện giả tràn ngập Internet trong suốt mùa bầu cử tổng thống Mỹ kể từ năm 2016. Nhằm hạn chế nạn tin giả và bảo vệ quyền tự do ngôn luận tại Mỹ. Mới đây nhất, ngày 28/5/2020, Tổng thống Donal Trump đã ký một sắc lệnh hành chính nhằm tăng cường khả năng của chính phủ trong việc kiểm soát các nền tảng truyền thông xã hội (online platform). 

Theo quan điểm của Tổng thống việc ban hành sắc lệnh là nhằm "bảo vệ tự do ngôn luận khỏi những mối nguy hiểm lớn nhất trong lịch sử Mỹ". Sắc lệnh cho phép cơ quan quản lý của chính phủ Mỹ đánh giá xem liệu các nền tảng mạng xã hội có đủ điều kiện để được miễn trừ pháp lý đối với nội dung do người dùng đăng tải hay không bởi vì theo "khoản 230 của đạo luật Điều tiết truyền thông" quy định "bảo vệ các công ty truyền thông xã hội khỏi các trách nhiệm pháp lý về nội dung do người dùng đăng tải". Tổng thống Mỹ muốn thay đổi hoặc điều chỉnh quy định này và nếu các cơ quan chính phủ xác định là không đủ điều kiện thì các nền tảng mạng xã hội được xem là "nhà xuất bản – publisher", tức phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với nội dung do người dùng đăng tải và sẽ bị xử lý theo quy định của bộ luật hiện hành.

Khuyến nghị bài học cho Việt Nam

Xu hướng liên kết, toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang đặt ra cho các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam những cơ hội phát triển, song cũng đặt ra những khó khăn, thách thức mới, đặc biệt nạn tin giả trên các nền tảng mạng xã hội nước ngoài, tiềm ẩn nhiều rủi ro và đe dọa đến trận tự an ninh xã hội. Tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội là vấn đề mang tính toàn cầu và có tính lâu dài, các biện pháp đưa ra cần phải đảm bảo vừa mang tính giáo dục, vừa mang tính pháp lý và phù hợp với xu thế phát triển trên không gian mạng của thế giới hiện nay. Qua đó, theo kinh nghiệm của thế giới về xử lý tin giả trên nền tảng mạng xã hội, Việt Nam cần:

- Xây dựng hệ thống luật bao quát đầy đủ các nội dung liên quan đến tin giả trên mạng xã hội, chế tài xử lý nghiêm khắc nhất đối với hành vi đăng hoặc lan truyền tin giả trên môi trường mạng, hình sự hóa tội danh tung tin giả có chủ đích có mức ảnh hướng lớn đối với xã hội.

- Đẩy mạnh giáo dục công chúng và kỹ năng số: Nếu chỉ áp dụng các biện pháp pháp lý mang tính cưỡng chế và bắt buộc sẽ khó thay đổi được tư duy và nhận thức của người dùng mạng xã hội, điều cần "Giáo dục công chúng" để mọi người có nhận thức về tin giả. Ngoài việc giáo dục công chúng, cần quan tâm đến việc giáo dục kỹ năng số tại các trường phổ thông để trang bị cho các em kiến thức và kỹ năng cần thiết nhận biết tin giả, nâng cao nhận thức sống, cách sống trên không gian mạng. Giáo dục công chúng và kỹ năng số có thể coi là một trong những giải pháp có ý nghĩa quan trọng và lâu dài nhằm nâng cao dân trí một cách toàn diện, để mỗi người dân, đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên, thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên và cộng đồng mạng có ý thức tự bảo vệ mình và trở thành bộ lọc thông tin, hướng dẫn những người xung quanh nhận biết, sàng lọc các thông tin xấu độc trên mạng xã hội.

- Tiếp tục chủ động nghiên cứu các sản phẩm công nghệ "Make in Vietnam phát hiện và đo lường theo thời gian thực mức độ lan truyền, phát tán tin giả nhằm chủ động ngăn chặn và cảnh báo sớm tin giả ngay khi vừa mới xuất hiện trên mạng xã hội. Xây dựng phương án hành động khi xảy ra tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, cần có biện pháp kỹ thuật để xác định được danh tính của người đưa tin giả trên mạng xã hội một cách nhanh nhất.

- Tiếp tục và kiên định thực hiện giải pháp kinh tế thông qua hình thành Liên minh doanh nghiệp, thương hiệu nổi tiếng rút quảng cáo khỏi nền tảng mạng xã hội. Giải pháp này không phải là mới đối với Việt Nam, trước đây chúng ta đã thực hiện giải pháp này, tuy nhiên tại thời điểm đó doanh thu của nền kinh tế quảng cáo số chưa cao, thị phần của các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, Google vẫn thấp nên hiệu quả tác động chưa lớn. Hiện nay, tổng doanh thu quảng cáo số của hai đại gia công nghệ này đã chiếm phần lớn thị phần và tiếp tục tăng theo năm sau cao hơn năm trước nên các doanh nghiệp Việt Nam cần phải kiên định và chung tay cùng Chính phủ tiếp tục thực hiện giải pháp kinh tế để gây sức ép buộc các công ty công nghệ như Facebook và Google phải có các biện pháp quản lý tốt hơn nội dung thông tin trên nền tảng của mình.

- Tăng cường công tác thông tin đối ngoại, Việt Nam cần thực hiện theo phương châm "Biết làm – Phải biết nói", có nghĩa ngoài việc chúng ta sử dụng nhiều biện pháp để tuyên truyền đối nội bám sát tình hình thực tế trong nước, Việt Nam cần phải quan tâm đến công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin đối ngoại để thế giới hiểu được Việt Nam nhiều hơn. Việc tăng cường công tác thông tin đối ngoại là rất cần thiết, không chỉ để thế giới hiểu hơn về chính sách quản lý minh bạch và luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước bình đẳng hoạt kinh doanh tại thị trường nội địa mà còn thể hiện sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên trên thực tế chứng minh không có một giải pháp nào khả thi nếu đứng riêng lẻ. Vì vậy, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp đồng bộ và đặc biệt áp dụng "nhạy bén" tùy vào tình hình thực tế để phát huy hiệu quả cao nhất, vừa đảm bảo ngăn chặn kịp thời tác động tiêu cực, vừa phát huy mặt tích cực của mạng xã hội trong kỷ nguyên số.

Tài liệu tham khảo

1. Ansip, A. (2017). Phát ngôn gây thù địch, chủ nghĩa dân túy và tin giả trên truyền thông xã hội - hướng đến một phản hồi của châu Âu. https://ec.europa.eu/commission/ commissioners/2014 2019/ansip/announcements/stat.

2. Báo cáo We are social năm 2020. https://webviptop.com/bao-cao-digital-2020-toan-cau/.

3. Báo cáo của Báo cáo viên đặc biệt về sự quảng bá và bảo vệ quyền tự do quan điểm và tự do biểu đạt. Hội đồng Nhân quyền của LHQ ngày 6 tháng 4 năm 2018. A/HRC/38/35. https://documents-ddsny.un.org/doc/UNDOC/GEN/G18/096/72/PDF/G1809672. pdf?OpenElement.

4. Bản đồ xu hướng Google của thuật ngữ Tin giả: https://trends.google.com/trends/ explore?date=today%205-y&q=fake%20news.

5. Để hiểu thêm về các xu hướng truyền thông kỹ thuật số trên toàn cầu, tham khảo Phóng sự về tin thời đại kỹ thuật số của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (RISJ). Phiên bản 2018 có tại: http://www.digitalnewsreport.org/survey/2018/overview-key-findings-2018/

6. Edson C. Tandoc Jr., Zheng Wei Lim & Richard Ling (2017): Defining "Fake News", Digital Journalism, DOI: .1080/21670811.2017.1360143.

7. Malloy, D. (2017). Các chính phủ trên thế giới đang chống tin giả như thế nào. [bản trực tuyến]. ozy.com. Tài liệu có tại: http://www.ozy.com/ politics-and-power/how-the-worlds-governments-are-fighting-fake-news/80671;

8. Ủy ban Châu Âu (2018). Báo cáo cuối cùng của Nhóm chuyên gia cao cấp về tin giả và tin xuyên tạc trực tuyến. http://ec.europa.eu/ newsroom/dae/document.cfm?doc_id=50271.

9. Ủy ban Châu Âu (2017). Những bước tiếp theo để phòng chống tin giả: Ủy ban thành lập Nhóm chuyên gia cao cấp và tiến hành tham vấn cộng đồng. [bản trực tuyến]. http:// europa.eu/rapid/press-release_IP-17-4481_en.htm.

10. Xem thêm tài liệu liên quan khác: Luật của Singapore, Đức, Anh, Pháp, Nga, Úc, Hoa Kỳ, EU, Malaysia,... và báo cáo khảo sát trực tuyến của Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos, Đức năm 2019; Báo cáo nghiên cứu của Công ty an ninh mạng CHEQ và Đại học Baltimore của Mỹ năm 2019.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 9+10 tháng 8/2020)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xử lý thông tin giả trên thế giới và khuyến nghị bài học cho Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO