Truyền thông

Xử phạt nồng độ cồn, không ai là ngoại lệ

Ngọc Anh 30/10/2023 15:11

Bộ Công an đã thành lập 6 tổ công tác tăng cường xử lý vi phạm theo tinh thần "không vùng cấm, không ngoại lệ" trên phạm vi toàn quốc. Thành phần tổ công tác gồm lực lượng của Văn phòng Bộ Công an, Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục CSGT và công an các địa phương, ra quân tăng cường xử lý từ 25/8 đến 15/10/2023.

t3333.jpg -0
Một tổ công tác đang kiểm tra người vi phạm nồng độ cồn. Ảnh minh hoạ.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT, cho biết động thái này để duy trì, thực hiện quyết liệt việc kiểm soát nồng độ cồn nhằm tạo chuyển biến tích cực, từng bước hình thành thói quen, văn hóa "đã uống rượu bia thì không lái xe" cho toàn xã hội.

Theo Thiếu tướng Trung, sau 25 ngày thực hiện, 6 tổ công tác đã phát hiện, lập biên bản hơn 3.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và bàn giao cho công an các đơn vị, địa phương xử lý theo quy định. Đáng chú ý, trong số vi phạm này, bước đầu lực lượng chức năng xác định có hơn 160 trường hợp là công chức, công an, nhà báo, bộ đội đang công tác hoặc đã nghỉ hưu. Những trường hợp vi phạm sẽ bị gửi thông báo về đơn vị công tác để có hình thức kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng, của cơ quan.

Để tiếp tục ngăn chặn những vụ tai nạn đau thương từ nồng độ cồn, ma túy và hình thành thói quen, văn hóa cho người dân, Thiếu tướng Trung cho biết sắp tới Cục CSGT sẽ tăng cường tổng kiểm soát hoạt động vận tải, tiếp tục xử lý quyết liệt vi phạm nồng độ cồn; đồng thời cho 100% cán bộ, chiến sĩ trong công an nhân dân ký cam kết và sẽ nêu gương những chiến sĩ đi đầu trong chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông.

Tại Hà Nội, để thói quen văn hóa "đã uống rượu bia thì không lái xe" được bền vững, thời gian gần đây, Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) đã triển khai 14 tổ công tác xử lý vi phạm chéo địa bàn. Các tổ làm việc vào nhiều khung giờ, trong đó trọng tâm là từ 22 giờ hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau.

Tuy nhiên, dù đã được cơ quan chức năng, các tổ chức đoàn thể tuyên truyền sâu rộng, cùng với mức xử phạt nặng nhưng sau khi uống rượu bia, một bộ phận người dân, thậm chí cả cán bộ, công chức, viên chức công tác ở nhiều ngành vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý, người vi phạm luôn đưa ra muôn vàn lý do để "né" đo nồng độ cồn, biện minh cho lỗi của mình.

Tối 6/10, tại đường Tố Hữu (Hà Đông, Hà Nội), tài xế điều khiển ô tô có biểu hiện né tránh nên tổ công tác đã yêu cầu dừng xe. Quá trình dừng phương tiện, tài xế N.T.T (54 tuổi, trú Hà Nội) viện lý do đang đưa người thân đi cấp cứu nên từ chối việc kiểm tra nồng độ cồn. Tuy nhiên, CSGT động viên tài xế chấp hành, còn người bệnh sẽ được hỗ trợ chuyển xe khác đưa đến bệnh viện. Qua đo nồng độ cồn, CSGT phát hiện tài xế T. vi phạm ở mức 0,195 mg/lít khí thở. Với mức vi phạm này, ông T. bị lập biên bản xử phạt với số tiền 7 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 11 tháng và tạm giữ phương tiện trong 7 ngày làm việc.

Cũng tối 6/10, trong gần 2 giờ làm việc trên đường Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội), tổ công tác của lực lượng CSGT đã phát hiện 3 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Là một trong 3 người vi phạm, người điều khiển xe máy tên là N.T.B (trú Hà Nội) cho biết vừa đi ăn uống với bạn bè, trong lúc ăn có uống 5 cốc bia và thấy bản thân "vẫn còn tỉnh táo" nên đã lái xe đi về. Kết quả đo nồng độ cồn thể hiện ông B. vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,521 mg/lít khí thở (vượt mức kịch khung 0,121 mg/lít khí thở).

Phòng CSGT, Công an TP.HCM cho biết, trong 9 tháng năm 2023, trên toàn địa bàn TP.HCM, Phòng CSGT phát hiện, xử phạt 93.507 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Trong đó, có 93.086 trường hợp là xe máy và 421 trường hợp là xe ô tô.

Theo Phòng CSGT, Công an TP.HCM, nhằm nâng cao năng lực cưỡng chế trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là trong công tác xử phạt các hành vi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn trong hơi thở của người điều khiển, Phòng CSGT đã chỉ đạo các đơn vị làm công tác tuần tra kiểm soát, tổ chức thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn bằng nhiều hình thức để xử lý vi phạm triệt để...

Quá trình thực thi nhiệm vụ, lực lượng CSGT đã được quán triệt phải xử lý nghiêm đối với tất cả các trường hợp vi phạm theo quan điểm "không có vùng cấm, không ngoại lệ" theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công an.

Đối với các trường hợp phát hiện người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn là cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên vi phạm, lực lượng CSGT sẽ tiến hành ghi nhận các loại giấy tờ có liên quan, xác minh và gửi thông báo vi phạm đến cơ quan công tác để tổ chức kiểm điểm và xử lý theo quy định.

Thực tế nhiều năm nay không hiếm những trường hợp vi phạm giao thông ngoài đường thì “gọi điện cho người thân” nhằm can thiệp, xin xỏ. Và cũng trong thực tế có tồn tại những trường hợp can thiệp được, xin xỏ được.

Bởi thế mới dẫn đến việc không ít trường hợp hễ bị công an hỏi tới là tìm cách gọi điện cho “người quen” để can thiệp. Và rõ ràng cũng có sự “nể nang” của các lực lượng chức năng với “người quen”, “người nhà”.

Nhưng nếu lực lượng thực thi pháp luật làm nghiêm và bản thân các lãnh đạo nêu gương trong việc tuân thủ pháp luật, không nên và không thể can thiệp xin xỏ cho người nhà khi vi phạm giao thông thì sẽ thay đổi được hành vi của xã hội.

Thực tiễn của việc xử phạt người vi phạm nồng độ cồn thời gian qua đã diễn ra như vậy. Chủ tịch một phường ở Hà Nội khi bị chặn lại để chấp hành việc thử nồng độ cồn đã không hợp tác mà rút điện thoại ra cầu cứu. Nhưng tổ kiểm tra kiên quyết không nghe cuộc điện thoại “của người nhà”. Trưởng công an một quận nội thành vẫn bị xử phạt…Khi chỉ cần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” trong xử phạt đối với việc vi phạm nồng độ, việc chấp hành qui định đã có chuyển biến rõ rệt.

Báo chốt kiểm tra nồng độ cồn cho người khác có bị phạt? - Ảnh 1.
Ảnh minh hoạ.

Xuyên suốt không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đương nhiên không còn tồn tại “phương án gọi điện thoại cho người thân”. Thậm chí ngoài xử lý theo quy định, cơ quan chức năng còn gửi thông báo về đơn vị công tác đối với các cá nhân vi phạm là cán bộ, đảng viên để kiểm điểm, xử lý theo quy định của Đảng, của cơ quan.

Lan tỏa thông điệp xử lý vi phạm về nồng độ cồn với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, cũng đồng thời với việc nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng "xuê xoa", bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.

Chuyển biến tích cực của việc này là tạo ra ý thức tác động tới hành vi trong xã hội: Không có vi phạm nào có thể “xin” được, mọi người buộc phải có ý thức chấp hành rất cao.

Lan toả tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ đang làm thay đổi thói quen và ý thức chấp hành luật pháp trong việc xử lý vi phạm nồng độ cồn. Nhưng mong rằng sự lan toả ấy không phải chỉ theo từng đợt làm nghiêm của ngành công an, cũng không phải chỉ với mỗi việc “nồng độ cồn”. Tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ phải được lan toả đối với việc chấp hành luật giao thông và chấp hành pháp luật nói chung./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Xử phạt nồng độ cồn, không ai là ngoại lệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO