Xuất bản hai cuốn sách của nhà văn được mệnh danh "Người bán nụ cười"

Thuý Hạnh| 27/07/2021 10:29
Theo dõi ICTVietnam trên

Hai cuốn sách mới của cố nhà văn, tác giả Lê Văn Nghĩa: "Điệp viên Không Không thấy và Đại Văn Mỗ", "Điệp viên không không thấy và nhà thơ Thần Giáng" được Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh xuất bản trong tháng 7.

Nhà văn được mệnh danh là "Người bán nụ cười"

"Người bán nụ cười" là cách mọi người gán cho nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa, bởi phong cách viết trào phúng của ông đã định hình trong tâm trí bạn đọc Báo Tuổi Trẻ Cười với những cái tên nhân vật đạt độ điển hình: Hai Cù Nèo, Điệp viên Không Không Thấy, Đại Văn Mỗ, Hoa hậu phường Cây Mít, Linda Kiều…

Sinh thời, Lê Văn Nghĩa xem viết sách là cách để giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống và cũng để sống lại một thời tuổi thơ tươi đẹp - thời mà đến chiếc radio cũ để nghe còn hiếm hoi, những đứa trẻ kết nối nhau bằng trò chơi và các mối quan hệ. 

"Nếu bạn nào bỏ tiền mua sách của tôi mà đọc thấy chán quá, thì nói thật tình, cứ gặp tôi, tôi sẽ gửi lại tiền mua sách cho các bạn. Tôi nghĩ cần có thái độ sòng phẳng với độc giả như thế", ông từng nói.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết: "Đọc truyện của Lê Văn Nghĩa, có cảm giác đọc tác phẩm của một nhà phong tục học. Những sinh hoạt, nghề nghiệp, lời ăn tiếng nói của một vùng đất, một thời đại hiện lên sinh động như một cuốn phim tư liệu. Đọc truyện thiếu nhi của Lê Văn Nghĩa mà có cảm giác như đọc sách biên khảo của Sơn Nam hay Vương Hồng Sển...".

Những quyển sách ghi dấu ấn văn chương của Lê Văn Nghĩa đều ra đời trong khoảng thời gian ông lâm trọng bệnh. Đó là những truyện dài, truyện vừa, truyện ngắn, tản văn, bút ký, ghi chép… về Sài Gòn, còn lại, đọng lại trong ký ức và tình cảm sâu lắng của một người Sài Gòn yêu tha thiết mảnh đất mình sinh ra và lớn lên cùng với những thăng trầm được mất của nó.

Hai cuốn sách đặc biệt

Tiếp theo tập "Chuyện chán phèo", hai tập sách trào phúng "Điệp viên không không thấy và Đại Văn Mỗ"; "Điệp viên Không Không Thấy và nhà thơ Thần Giáng" được tác giả xâu chuỗi, bổ sung đầy đặn sau mấy chục năm vừa làm công việc tổ chức bài vở, vừa là cây bút chủ lực trên các chuyên mục được bạn đọc Tuổi Trẻ Cười đón đợi.

34 mẩu chuyện trong tập "Điệp viên Không Không Thấy và Đại Văn Mỗ" cùng 36 mẩu chuyện trong tập "Điệp viên không không thấy và nhà thơ Thần Giáng" đều mang dáng dấp các "thói hư tật xấu" của một ai đó trong cuộc đời này.

Nếu như ở "Điệp viên Không Không Thấy và Đại Văn Mỗ" – người đọc nhiều phen bật ngửa và phì cười vì những tình huống "phá án" trong "Đường dây phim sex", "Nghiệp vụ ngửi mùi hương", "Điệp vụ mò đường", "Lộ tẩy", "Nhà sưu tập tranh"…; thì đến "Điệp viên Không Không Thấy và nhà thơ Thần Giáng" - ngòi bút trào phúng và duyên dáng của Lê Văn Nghĩa cho người đọc thấy những màn "nhập đồng", làm ra "thơ thần" chỉ toàn là trò lừa, chiêu đánh bóng bản thân qua "Ai là nhân tài?", "Đấu giá chữ ký", "Thần chú", "Những người không thích đùa", "Mê tốt" mới"…

Nhân vật truyện trào phúng của Lê Văn Nghĩa không chất chứa tiếng cười ra nước mắt như Kép Tư Bền, nhưng cái sự tưng tửng, cà khịa, cái thứ gì cũng biết, cũng thấy của Không Không Thấy, hay cái sự tham lam đểu giả vô hạn độ của Đại Văn Mỗ, góp phần phản ánh một góc hiện thực mà chỉ có thủ pháp dùng tiếng cười mới có thể thấy rõ hơn những ngóc ngách tối tăm, để từ đó có thể nhận diện, mổ xẻ và tìm cách rọi vào đó thứ ánh sáng mà trước nhất, ánh sáng nơi tâm hồn người viết.

Mạch trào phúng của Lê Văn Nghĩa khắc dấu ấn mấy chục năm qua bằng sự ra đời, "phá án" của điệp viên Không Không Thấy. Nhân vật này lừng danh đến độ được chuyển thể, mượn tên thành nhân vật trong bộ phim do danh hài Mr Bean thủ diễn chiếu khắp các rạp tại Việt Nam mà "quên" xin phép "cha đẻ" của nó.

Cũng may Lê Văn Nghĩa nói: "Thây kệ nó!" bằng đúng giọng trào phúng và sự vị tha của cây bút làng cười. Với tính cách đó, văn phong đó, hóa ra, ông nhà văn có cái "mặt sầu" Lê Văn Nghĩa không chỉ là "người bán nụ cười", mà ông còn "cho không nụ cười". Sau hai tập sách này, những mong chúng ta vẫn sẽ tiếp tục được đón đọc các tác phẩm báo chí, văn chương từ cây bút chuyên viết trào phúng truyện, tạp nhạp văn, bình loạn xạ - Lê Văn Nghĩa!

Tác giả Lê Văn Nghĩa sinh ngày 20/05/1953 tại tỉnh Chợ Lớn. Ông "thuộc thế hệ thanh niên học sinh Sài Gòn trưởng thành trong phong trào đấu tranh đô thị trước 1975. Ông từng xuống đường lãnh đạo thanh niên học sinh đấu tranh trực diện với cảnh sát, từng bị bắt, trải qua một số nhà tù giam của chế độ Việt Nam Cộng hòa, kể cả ở Côn Đảo.

Sau ngày thống nhất đất nước, Lê Văn Nghĩa thuộc thế hệ làm báo đầu tiên của báo Tuổi Trẻ, cùng với làng báo TP.HCM lúc bấy giờ góp phần xây dựng đời sống mới. Ông làm việc tại báo Tuổi Trẻ từ năm 1975 đến năm 2015. Ông mất ngày 25/7/2021, sau thời gian dài chống chọi với bạo bệnh./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Để các giải pháp an ninh mạng Make in Viet Nam chiếm lĩnh thị trường?
    Mặc dù có khá đầy đủ những sản phẩm, giải pháp an ninh mạng như bảo vệ đường truyền, tường lửa, giám sát, phát hiện tấn công và chống tấn công… nhưng các giải pháp an ninh mạng của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc chiếm lĩnh thị trường cũng như cạnh tranh với các giải pháp nước ngoài.
  • Phát triển cáp quang biển trên thế giới năm 2024: Một năm “khốc liệt”
    Năm 2024 kết thúc với việc lần đầu tiên Liên hợp quốc đã thành lập Nhóm tư vấn cáp quang biển của tổ chức này (United Nations Submarine Cable Advisory Group). Nhóm có mục tiêu xây dựng các thỏa thuận về các biện pháp thực thi tốt nhất để bảo vệ cáp quang biển trên thế giới.
  • Quảng bá hình ảnh đất nước thông qua các tác phẩm văn học nghệ thuật
    Văn học nghệ thuật không chỉ là di sản văn hóa quý báu mà còn là công cụ hiệu quả để quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với thế giới. Thông qua những tác phẩm mang đậm bản sắc độc đáo, lịch sử hào hùng và vẻ đẹp con người Việt Nam, chúng ta có thể giới thiệu nền văn hóa đa dạng và giàu truyền thống tới bạn bè quốc tế.
  • Những dấu ấn của MobiFone trong năm 2024
    Năm 2024, MobiFone ghi nhận nhiều thành tích xuất sắc trên hành trình chuyển mình trở thành doanh nghiệp công nghệ.
  • Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua "Công ước Hà Nội" về tội phạm mạng
    Chiều 24/12/2024 (giờ New York), Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã đồng thuận thông qua Công ước Liên hợp quốc về Tội phạm mạng. Theo quy định tại Điều 64 của Công ước, văn kiện này sẽ được mở ký tại Thủ đô Hà Nội trong năm 2025. Theo đó, Công ước có tên gọi là “Công ước Hà Nội”.
Đừng bỏ lỡ
Xuất bản hai cuốn sách của nhà văn được mệnh danh "Người bán nụ cười"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO