Ý nghĩa lịch sử của Ngày sách và tấm gương đọc sách Hồ Chí Minh

Hạnh Hoàng| 01/11/2022 09:23
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 21/4 hàng năm được chọn là Ngày sách và tôn vinh Văn hoá đọc Việt Nam. Nhìn vào chiều sâu văn hoá, ngày này có lịch sử và ý nghĩa đặc biệt.

Ngày sách Việt Nam gắn với ngày ra đời cuốn sách "Đường Kách mệnh"

"Ngày hội đọc sách" được ra đời từ hơn 80 năm trước ở Tây Ban Nha, vào ngày 23/4, người ta yêu mến tặng nhau những cuốn sách kèm theo những đóa hoa hồng và bất cứ ai mua sách sẽ được tặng kèm theo một bông hồng đẹp. Từ đó hằng năm, truyền thống tốt đẹp này được người Tây Ban Nha phát triển thành "Ngày hội đọc sách" trên các đường phố.

Sau đó hoạt động văn hóa có ý nghĩa này lan rộng ra nhiều nước ở Châu Âu, Châu Mỹ, châu Á, châu Phi dưới nhiều hình thức như: Tuần lễ đọc sách, Ngày Sách, Tuần lễ thư viện.

Từ năm 1995, tổ chức UNESCO đã chính thức chọn ngày 23 tháng 4 hằng năm là Ngày Sách và Bản quyền thế giới.

Trên thế giới, lễ hội sách hay ngày hội đọc sách đã và đang mang lại những giá trị đích thực và hiệu quả hết sức to lớn. Hằng năm, hoạt động này đã thu hút sự chú ý, quan tâm của hàng triệu người đọc, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà quản lý ở mỗi nước; bất kể già, trẻ, gái, trai; bất kể mọi thành phần giàu, nghèo trong xã hội.

Ở Việt Nam, năm 2014, Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam. Đến năm 2021, ngày này được gọi là Ngày sách và tôn vinh Văn hoá đọc Việt Nam.

Việc có ngày này nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Ngày sách Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội.

Tuy nhiên, vì sao ở Việt Nam lại lấy ngày 21/4 là Ngày sách Việt Nam?

Đây là thời điểm ra mắt cuốn sách "Đường Kách mệnh" của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tác giả lớn, một Danh nhân văn hóa, các tác phẩm của Người có giá trị không chỉ đối với người dân Việt Nam mà còn được bạn bè quốc tế đón nhận. Việc chọn ngày Sách Việt Nam gắn với một tác phẩm nổi tiếng của Người sẽ có ý nghĩa văn hóa sâu sắc.

Đó là lý do dù Ngày sách và Bản quyền Thế giới là ngày 23/4, thì ở Việt Nam, Ngày sách là ngày 21/4, vừa nằm trong chuỗi hoạt động về sách trong tháng tư cùng thế giới, vừa có ý nghĩa lịch sử và văn hoá riêng đối với Việt Nam.

Việc tổ chức ngày Sách Việt Nam vào dịp này thể hiện sự hội nhập của văn hóa đọc Việt Nam với văn hóa nhân loại. Đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ thông tin hiện nay thì việc tổ chức các Ngày sách và Văn hóa đọc càng góp phần khẳng định: Sách và văn hoá đọc mãi mãi trường tồn.

Đọc sách mà không thực hành thì khác gì cái hòm đựng sách

Nếu như nhà bác học Lê Quý Đôn từng đưa ra quan niệm: "Đọc sách không cần nhiều, đọc được một chữ đem áp dụng được một chữ, thế là được", thì Hồ Chủ tịch là người phát triển việc đọc sách phải gắn với thực hành. Người chú trọng đem ứng dụng các điều đã thu lượm được qua sách báo. Người đã từng nói: "Siêng xem sách và xem được nhiều sách là quí" nhưng Người nhấn mạnh: "Dù xem được hàng ngàn quyển lý luận nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào cái hòm đựng sách".

Ý nghĩa lịch sử của Ngày sách và tấm gương đọc sách Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Vận dụng tài tình những điều đã học và đã đọc chính một trong những điểm mấu chốt trong việc đọc sách của Bác Hồ. Trong cuốn "Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Mác - Lênin", Người đã viết : "Chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lênin nhưng vận dụng một cách có sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng ta đã chiến đấu và giành được thắng lợi như các đồng chí đã biết".

Hồ Chí Minh quan niệm, bất luận làm công việc gì cũng cần phải đọc sách. Người mới học chữ cần đọc để không mù lại, người làm công an cần đọc để nắm tình hình. Những người làm công việc chuyên môn cần phải đọc để nâng cao trình độ. Người làm quản lý lãnh đạo cần phải đọc để quản lý, lãnh đạo tốt hơn. Làm nhà báo, nhà văn lại càng phải đọc.

Không chỉ dừng lại việc đọc rộng và biết cách ghi chép, đánh dấu, bài học rút ra trong phương pháp đọc sách báo của Hồ Chủ tịch là đọc luôn phải có suy nghĩ kĩ càng không nhất thời hồ đồ tin ngay theo sách. Người đã từng nhấn mạnh: "Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu trong sách. Có vấn đề thông suốt thì mạnh dạn đề ra cho vỡ lẽ, đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt ra câu hỏi: "Vì sao" đều phải suy nghĩ kỹ càng, xem nó có hợp với thực tế hay không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ cho chín chắn."

Với những sách báo quan trọng, có những từ hoặc vấn đề không hiểu Người có thể đọc đi đọc lại nhiều lần cho đến khi hiểu cặn kẽ mới thôi. Vì lẽ đó chúng ta không ngạc nhiên khi nghe ông Giăng Pho, một người bạn Pháp của Bác Hồ nhận xét: "Chữ Pháp thì tôi biết nhiều hơn anh Nguyễn, điều đó không có gì là lạ vì tôi là người Pháp. Nhưng xem sách lý luận bằng chữ Pháp, nhiều khi tôi phải nhờ anh Nguyễn cắt nghĩa dùm".

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi. Ảnh: Tư liệu

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi. Ảnh: Tư liệu

Sinh thời Người rất không tán thành lối đọc để mà đọc, không hiểu biết thực sự những điều đã đọc và theo Người đó là dạng đọc phù phiếm. Trong cuốn "Về vấn đề học tập" đã nêu một ý kiến rất xác đáng của Bác: "Có đồng chí thuộc lòng một số sách vở về chủ nghĩa Mác - Lênin. Họ tự cho mình là người hiểu biết chủ nghĩa Mác - Lênin hơn ai hết. Song khi gặp việc thực tế, thì họ hoặc máy móc, hoặc là lúng túng. Lời nói và việc làm của họ không nhất trí. Họ học sách vở Mác - Lênin. Học để trang sức chứ không phải để vận dụng vào công việc cách mạng".

Bài học tự học qua sách báo của Hồ Chủ tịch là minh chứng cho nguồn tài nguyên vô giá từ sách vở để mỗi người có thể nhờ vào đó mà không ngừng vươn lên.

Sau này, những năm đã ở Thủ đô, sách báo, tạp chí Bác đọc có nhiều thể loại, từ nhiều nguồn khác nhau gửi đến. Trong đó có cả sách biếu của các tác giả, các tổ chức trong và ngoài nước.

Sau khi đọc xong, Bác dặn gửi sách báo tới những nơi cần sử dụng, vì thế Bác không có thư viện riêng. Những cuốn sách, tờ báo, tạp chí khi Người qua đời còn lưu tại những nơi làm việc trong các nhà di tích như "nhà 54", nhà sàn, nhà Bác tiếp cán bộ, "nhà 67". Chỉ riêng khối sách đã có khoảng hơn 700 cuốn gồm nhiều thứ tiếng như tiếng Việt, Nga, Pháp, Trung Quốc, Tây Ban Nha...

Đây là những cuốn sách rất quý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc, trong đó có nhiều cuốn còn lưu lại bút tích của Người./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ý nghĩa lịch sử của Ngày sách và tấm gương đọc sách Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO