Y tế Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19

Thiên Hương| 31/08/2021 18:17
Theo dõi ICTVietnam trên

Trong gần 4 tháng qua, Việt Nam liên tục thay đổi các chiến lược truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị. Lần đầu tiên, chúng ta áp dụng các biện pháp chống dịch chưa từng có với sự xuất hiện của biến chủng Delta gây ra nhiều hậu quả nặng nề

Huy động lực lượng chống dịch chưa từng có

Từ ca bệnh đầu tiên tại Hà Nam vào cuối tháng 4, Việt Nam chính thức bước vào làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 dữ dội và kéo dài chưa từng có. Trong suốt gần 1,5 năm trước đó, cả nước chỉ ghi nhận hơn 4.000 ca bệnh, tuy nhiên tính riêng từ ngày 27/4 đến ngày 15/8, Việt Nam đã ghi nhận hơn 271.000 ca. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh đã vượt 149.000 ca, Bình Dương lên gần 44.000 ca. Số ca tử vong tính đến ngày 15/8 cũng đã tăng lên 5.774 trường hợp, tương đương tỉ lệ 2,1%, ngang tỉ lệ chung của thế giới. Riêng đợt dịch từ ngày 27/4 ghi nhận 5.739 ca tử vong, tương đương tỉ lệ 2,12%. 

Đặc biệt đợt dịch lần 4 với sự xuất hiện của biến chủng Delta (chủng Ấn Độ) có tốc độ lây lan nhanh và mạnh đã khiến số ca mắc tăng nhanh kỷ lục, đặc biệt tràn vào các khu công nghiệp lớn. GS. Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho biết, trước đây biến chủng Alpha (biến chủng Anh) có tốc độ lây nhanh hơn 70% so với chủng ban đầu. Tức từ một người nhiễm chủng ban đầu có thể lây cho 2-4 người khác, thì biến chủng Alpha có thể lây đến 7 người khác. Biến chủng Delta tiếp tục có tốc độ lây lan nhanh hơn 40-60% so với chủng Alpha.

Tại khu vực phía Nam đã ghi nhận một số trường hợp có triệu chứng hoặc dương tính chỉ sau hơn 1 ngày tiếp xúc với F0. Lần đầu tiên trong phác đồ điều trị, cập nhật ngày 14/7, Bộ Y tế đưa thêm nội dung virus SARS-CoV-2 lây qua không khí. Ngày 16/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tốc độ lây nhiễm của biến chủng Delta tăng gấp 2-3 lần so với các đợt dịch trước. Virus có tốc độ bám dính với tế bào vật chủ tốt hơn, khả năng nhân lên nhanh, dẫn đến phá hủy tế bào, phát tán mầm bệnh ra môi trường xung quanh trong thời gian ngắn. "Chu kỳ lây nhiễm hiện nay chỉ còn 2 ngày chứ không phải 5 ngày như trước đây tính toán", Bộ trưởng nói. 

Với tốc độ lây lan chóng mặt, từ mốc vài chục ca mỗi ngày thời điểm đầu dịch, khi dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh bùng phát cuối tháng 5 đã tăng lên hơn 400 ca/ngày, đến đầu tháng 7 tăng lên hơn 1.000 ca mỗi ngày, cuối tháng 7 lên mốc 4.000 ca mỗi ngày và đến giữa tháng 8, số ca mắc mới mỗi ngày dao động trung bình 9.000 ca.

Y tế Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19 - Ảnh 1.

Các y, bác sĩ vận chuyển thiết bị y tế vào Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 5D . Ảnh Báo QĐND

Ngày 30/7/2021, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Bộ trưởng Y tế tiếp tục nhấn mạnh: "Biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, mạnh, gây ra áp lực quá tải cho hệ thống y tế. Việc chuẩn bị hệ thống y tế cho điều trị do đó trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Các nước đều cảnh báo không thể chủ quan với chủng Delta đang phá vỡ và đảo lộn tất cả thành tựu chống dịch". 

Bộ trưởng Y tế đánh giá: "Hệ thống khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn chưa từng có trong lịch sử". Đồng thời, ông cũng quyết định thành lập 12 Trung tâm hồi sức COVID-19 quốc gia. Lần đầu tiên, 23 tỉnh phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, bao gồm cụm 19 tỉnh phía Nam và Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hoà. Thậm chí một số địa phương đã chủ động bổ sung biện pháp mạnh hơn, cao hơn Chỉ thị 16 bằng cách không cho phép người dân ra khỏi nhà từ 18h đến 6h ngày hôm sau, gồm: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Phú Yên, Tây Ninh, An Giang, Bạc Liêu, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Cà Mau. Do số ca mắc nhanh, lần đầu tiên Bộ Y tế phải thành lập một kho dã chiến vật tư, trang thiết bị y tế tại TP. Hồ Chí Minh, huy động hơn 11.000 nhân viên y tế, sinh viên ngành y cùng hàng chục tấn trang thiết bị hiện đại vào phía Nam hỗ trợ chống dịch, đây là con số lớn chưa từng có. Tất cả lãnh đạo các Cục, Vụ, bệnh viện lớn trên cả nước đều được huy động, hệ thống y tế tư nhân cùng vào cuộc, chia lửa với tuyến đầu chống dịch.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, lúc cao điểm, có hơn 10.000 người hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh. Đây đều là những nhân viên y tế tinh tú nhất cả nước, trong đó nhiều bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức, Đại học Y Hà Nội… huy động cùng lúc 200-300 nhân viên y tế tham gia. Cũng lần đầu tiên, hàng loạt tỉnh thành phải thiết lập thần tốc các bệnh viện dã chiến, trong đó riêng TP. Hồ Chí Minh có 16 Bệnh viện dã chiến, 4 Trung tâm hồi sức COVID-19 nặng với hơn 2.000 giường do 4 bệnh viện tuyến đầu cả nước phụ trách chuyên môn gồm: Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức và Trung ương Huế. Bộ Y tế cũng đã cử chuyên gia trực tiếp hỗ trợ các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Bình Dương, Cần Thơ… thiết lập các trung tâm hồi sức COVID-19 để tiếp nhận và điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng cần can thiệp các kĩ thuật cao như thở máy, lọc máu, ECMO.

Thay đổi chiến luợc truy vết, xét nghiệm, điều trị

Ngày 15/8/2021, tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, sau gần 4 tháng chiến đấu với làn sóng dịch thứ 4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá: "Đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 với biến chủng Delta đã gây hậu quả nặng nề, tàn phá nhiều nước trên thế giới và nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Việc chống dịch lần này là chưa có tiền lệ, do đó phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm"

Thực tế, trong gần 4 tháng, Việt Nam liên tục thay đổi các chiến lược truy vết, xét nghiệm, cách ly, điều trị. Lần đầu tiên, chúng ta áp dụng các biện pháp chống dịch chưa từng có. Trong suốt 3 làn sóng dịch đầu tiên, nước ta luôn quán triệt công thức chống dịch: Phát hiện sớm, truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch và thu dung điều trị hiệu quả.

Thời điểm giữa tháng 7 vừa qua, các địa phương vẫn áp dụng nguyên tắc này. Tuy nhiên tại cuộc họp trực tuyến với các tỉnh ngày 16/7, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn lần đầu tiên đề cập khái niệm giảm tác hại của dịch COVID-19, tập trung giảm tỉ lệ tử vong.

"Tôi nhận định, chúng ta áp dụng mô hình cũ rất thành công trong những làn sóng trước và ở một số tỉnh khi số ca mắc còn tương đối ít, có thể kiểm soát, truy vết từ 1 F0 được 20-30 F1, có chuỗi truy được đến mấy trăm người. Nhưng giờ dịch nổ như đom đóm khắp nơi, như TP. Hồ Chí Minh khi có 21.000 F0 nhưng cũng chỉ truy vết được 42.000 F1 cả cách ly tập trung và tại nhà, tính tỉ lệ R0 là 1:2 thì quá ít, không hoàn toàn phù hợp", Thứ trưởng Sơn nói. Do đó ông cho rằng việc truy vết vẫn làm nhưng không cần đặt nặng, mục tiêu không phải truy tìm, phát hiện nữa mà tập trung cho điều trị để cứu chữa các bệnh nhân, bảo vệ những người có bệnh lý nền, người già, giảm tỉ lệ tử vong. Bộ Y tế đã xây dựng mô hình tháp 3 tầng trong điều trị dựa theo triệu chứng lâm sàng. Trong đó đặc biệt lưu ý, tầng điều trị thứ 2 là các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên phải chuẩn bị đủ oxy, thuốc kháng đông, chống viêm. Nhóm nặng nhất sẽ điều trị tại các Trung tâm hồi sức COVID-19.

Y tế Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19 - Ảnh 2.

Riêng TP. Hồ Chí Minh phân tháp 5 tầng. Từ cuối tháng 7, thành phố chuyển sang nguyên tắc giảm tác hại dịch, chú trọng phân loại, theo dõi sát bệnh nhân ở các tầng thấp để bệnh nhân không trở nặng, tăng cường nhân lực, trang thiết bị cho các tầng 4-5.

Cũng trong tháng 7, TP. Hồ Chí Minh bắt đầu thí điểm cho F0, F1 cách ly tại nhà. Với F0, ban đầu văn bản hướng dẫn chỉ cho phép áp dụng với nhân viên y tế, sau đó mở rộng ra các F0 không triệu chứng, tải lượng virus thấp. Đến đầu tháng 8, Bình Dương cũng bắt đầu thí điểm.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam cho F0 cách ly tại nhà dựa theo kinh nghiệm thành công của các nước, tuy nhiên thận trọng hơn các nước một mức khi có theo dõi thêm tải lượng virus, các trường hợp có CT>30 và không triệu chứng mới được điều trị tại nhà.

Sáng 13/8, tại hội nghị tập huấn trực tuyến về quản lý, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long tiếp tục đồng ý cho các tỉnh có số ca nhiễm lớn để F0 điều trị tại nhà. Trong đợt dịch lần 4, Bộ Y tế đã xây dựng phác đồ điều trị mới, cho phép bệnh nhân xuất viện sau 10 ngày nếu hội tụ đủ 2 điều kiện: Không có triệu chứng lâm sàng trong vòng 10 ngày kể từ thời điểm xét nghiệm; Có 2 lần xét nghiệm âm tính liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24 giờ) bằng phương pháp RT-PCR hoặc nồng độ virus thấp (Ct ≥ 30). Trước đây, Bộ Y tế ra quy chuẩn bệnh nhân đủ điều kiện xuất viện khi điều trị ít nhất 14 ngày, có 2 lần xét nghiệm âm tính, mỗi lần cách nhau 48-72 giờ. Thời gian lấy mẫu lần cuối cùng cách thời điểm ra viện không quá 24 giờ. Trong phác đồ mới, các trường hợp tái dương tính cũng không cần áp dụng các biện pháp tái cách ly hay đưa trở lại các cơ sở y tế như trước. Về xét nghiệm, trước đây tiêu chí vàng trong chiến lược chống dịch là xét nghiệm Realtime RT-PCR, tuy nhiên từ tháng 5 khi dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh bùng phát mạnh, Bộ Y tế bắt đầu thay đổi chiến lược, chuyển sang kết hợp xét nghiệm test kháng nguyên để tầm soát diện rộng, nhanh chóng tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Đến giai đoạn dịch bùng phát tại phía Nam, thậm chí Bộ Y tế đã cho phép xét nghiệm mẫu gộp 3 với test nhanh kháng nguyên để đẩy nhanh tốc độ truy vết tại các vùng nguy cơ cao. Kết quả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cũng được Bộ Y tế công nhận giúp người dân, tài xế chở hàng hoá tại các vùng dịch được lưu thông thuận tiện hơn.

5K+vắc xin+thuốc+công nghệ

Song song với chiến lược truy vết, cách ly, điều trị, Chính phủ, Bộ Y tế cùng các bộ ngành đang bằng mọi cách tiếp cận với các nguồn vắc xin ngừa COVID-19 để tiêm phủ rộng cho người dân nhanh nhất có thể, tiến tới đạt miễn dịch cộng đồng. Đây được xem là chìa khoá quan trọng nhất để chấm dứt đại dịch. Tính đến ngày 15/8, cả nước đã tiêm được hơn 14,4 triệu mũi vắc xin, trong đó có hơn 1,3 triệu người được tiêm đủ 2 mũi.

Y tế Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19 - Ảnh 3.

Quận Gò Vấp, TP. HCM lấy mẫu xét nghiệm tầm soát COVID-19. Ảnh: VGP

Tuy nhiên nguyên tắc cũ là 5K + vắc-xin thôi chưa đủ. Tại lễ công bố kết nối nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Teleheath) tới 100% cơ sở y tế tuyến huyện và ra mắt Trung tâm công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia ngày 8/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành y tế từng bước hoàn thiện quy trình phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, sắp tới là 5K+thuốc+vắc xin+ công nghệ và tới đây có thể là cộng các biện pháp khác. Việc kết nối Teleheath tới 100% tuyến huyện sẽ giúp có thêm nhiều bệnh nhân COVID-19 được khám, chữa bệnh từ xa bởi các bác sĩ giỏi ở tuyến trung ương, thậm chí các chuyên gia y tế đầu ngành của Việt Nam.

Về các thuốc điều trị, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phía Nam, trên cơ sở các kinh nghiệm quốc tế, tình hình thực tế, Bộ Y tế liên tục cập nhật các thuốc vào phác đồ điều trị. Đầu tiên, Bộ Y tế cho phép thí điểm dùng xuyên tâm liên, một vị thuốc cổ truyền từng rất phổ biến tại nước ta trong nhiều thập kỷ trước. Đến đầu tháng 8, tiếp tục bổ sung thuốc kháng virus truyền tĩnh mạch Remdesivr vào phác đồ. Hiện số thuốc này đã về Việt Nam hơn 50.000 lọ, ưu tiên phân bổ cho TP. Hồ Chí Minh điều trị cho các bệnh nhân trung bình phải thở oxy, thở HFNC hay thở máy không xâm nhập trong 10 ngày đầu kể từ khi khởi phát bệnh. Trong tháng 8, Việt Nam nhận được 1 triệu lọ Remdesivir để phân bổ cho các tỉnh.

Từ ngày 16/8, TP.HCM cũng bắt đầu thí điểm đưa thuốc kháng virus Molnupiravir vào điều trị cho các F0 ngoại trú không triệu chứng, có tình trạng vừa đến nhẹ. Số thuốc này sẽ nằm trong túi thuốc an sinh, gồm nhiều loại thuốc được phân phát miễn phí đến các gia đình có F0 điều trị tại nhà. Phía Bộ Y tế cho biết, sắp tới sẽ đưa thêm nhiều loại thuốc vào phác đồ, đồng thời đang tiếp tục đẩy nhanh các hợp đồng mua trang thiết bị, đặc biệt là các loại máy thở dòng cao để phục vụ điều trị, hoàn thiện thêm quy trình phân loại, điều trị, chăm sóc bệnh nhân, tăng cường thêm nhân lực, hướng tới mục tiêu giảm tỉ lệ tử vong xuống mức thấp nhất.

(Bài viết đăng trên ấn phẩm đặc biệt Tạp chí TT&TT Kỷ niệm 76 năm quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 -2/9/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
  • Xây dựng hạ tầng cho mạng 5G tương lai của Việt Nam
    Đông Nam Á là một trong những khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới. Dự kiến tới năm 2030, ASEAN (gồm 10 quốc gia Đông Nam Á) sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư toàn cầu. Phần lớn động lực thúc đẩy sự phát triển này đến từ sự vận động và tăng trưởng không ngừng của nền kinh tế số trong khu vực, với giá trị ước tính lên đến gần 1 nghìn tỉ đô-la vào năm 2030.
  • Samsung Networks giải bài toán khó
    Doanh số bán hàng mảng kinh doanh mạng của Samsung đang giảm tốc so với Ericsson và Nokia.
  • Hệ sinh thái Viettel 5G2B gỡ "nút thắt" của sản xuất thông minh
    Máy móc vận hành tự động, robot xuất hiện ở mọi công đoạn để giảm sức người, hoạt động sản suất được giám sát toàn trình… và tất cả được kết nối trên nền tảng một mạng 5G riêng chính là viễn cảnh sản xuất thông minh mà 5G2B của Viettel đã hiện thực hoá.
  • Kiosk y tế thông minh giúp người dân dễ dàng đăng ký khám chữa bệnh
    Hệ thống Kiosk y tế thông minh giúp người dân có thể tự đăng ký khám, chữa bệnh và thanh toán viện phí nhanh chóng, dễ dàng. Đồng thời, các y, bác sĩ có thể chủ động tiếp nhận thông tin, theo dõi lịch sử khám, chữa bệnh của bệnh nhân thuận tiện hơn.
  • Để mọi người dân có thể sử dụng trợ lý ảo khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến
    Ứng dụng trợ lý ảo để hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến là một xu hướng đã được nhiều quốc gia trên thế giới tiến hành. Tại Việt Nam, một số địa phương cũng đã và đang tiến đến dùng chatbot, tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa cao.
  • Đưa tiếng nói và kinh nghiệm của trẻ em vào các thảo luận về an toàn trực tuyến
    Một trong những giải pháp nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường Internet là đưa tiếng nói và kinh nghiệm của trẻ em vào các cuộc thảo luận về an toàn trực tuyến, cũng như cung cấp cho các em một nền tảng để các em tự mình thể hiện những việc cần làm trên không gian mạng.
  • Tăng tốc chuyển đổi số với hệ sinh thái ứng dụng 5G của Viettel
    Hệ sinh thái ứng dụng 5G của Viettel mang đến sự đột phá về khả năng tự động hóa, tạo ra sự thay đổi toàn diện trong vận hành ở 7 lĩnh vực trọng điểm như sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải và logistics, nông nghiệp, y tế, giáo dục, năng lượng và thành phố thông minh.
  • Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP. Hà Nội lần thứ IV diễn ra thành công, tốt đẹp
    Ngày 5/11, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô đã diễn ra phiên chính thức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP. Hà Nội lần thứ IV năm 2024 với sự tham dự của 250 đại biểu đại diện cho cộng đồng các dân tộc trên địa bàn Thủ đô.
  • Giải pháp để nâng cao năng lực báo chí viết về kinh tế
    Để nâng cao năng lực báo chí viết về kinh tế cần tăng cường hoạt động nghiên cứu để xây dựng hệ giá trị, mô hình đào tạo và phát triển đội ngũ nhà báo viết về kinh tế; xây dựng bộ chỉ số đo năng lực các cơ quan báo chí về chủ đề kinh tế; thúc đẩy song song các hoạt động nghiên cứu - đào tạo - bồi dưỡng...
  • FPT Shop ‘bùng nổ’ ưu đãi Black Friday dành riêng cho SIM FPT
    Từ nay đến hết ngày 30/11, FPT Shop triển khai chương trình ưu đãi Black Friday dành riêng cho SIM FPT với hàng loạt gói cước siêu hấp dẫn, giúp bạn thỏa sức lướt mạng, xem phim, kết nối mọi lúc mọi nơi với chi phí tiết kiệm nhất.
Y tế Việt Nam trong cuộc chiến chống COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO