Theo liên minh toàn cầu các tổ chức kiểm tra thông tin, YouTube là một kênh truyền tải thông tin sai lệch trực tuyến lớn trên toàn thế giới. Nền tảng video này đã không thực hiện đủ các hành động nhằm giải quyết nạn lan truyền thông tin sai lệch trên nền tảng của mình.
The Guardian cho biết một lá thư được hơn 80 nhóm ký tên, bao gồm cả tổ chức Full Fact ở Vương quốc Anh và Fact Checker của Washington Post, đã nói rằng nền tảng video này đang lưu trữ nội dung của các nhóm truyền bá thông tin sai lệch về đại dịch COVID-19 cũng như các video hỗ trợ tường thuật "gian lận" trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
“YouTube đang cho phép nền tảng của mình trở thành vũ khí của những kẻ vô đạo đức, thao túng và lợi dụng người khác, đồng thời tự tổ chức và gây quỹ. Các biện pháp hiện tại đang được chứng minh là không đủ để ngăn chặn tình trạng trên”, bức thư gửi cho giám đốc điều hành của YouTube, Susan Wojcicki, viết rằng YouTube giống như một “kênh chính” dẫn đến những lời nói dối.
Bức thư kêu gọi YouTube, thuộc sở hữu của Google, thực hiện 4 thay đổi đối với hoạt động của mình, như cam kết tài trợ nghiên cứu độc lập về các chiến dịch thông tin sai lệch trên nền tảng này; cung cấp các liên kết để phản bác bên trong các video phân phối thông tin sai lệch; ngăn các thuật toán thúc đẩy mọi người tái phạm; và làm nhiều việc hơn để giải quyết vấn đề sai lệch thông tin trong các video không nói tiếng Anh.
“Chúng tôi hy vọng công ty sẽ cân nhắc việc thực hiện những ý tưởng này vì lợi ích cộng đồng và biến YouTube trở thành một nền tảng thực sự nỗ lực hết sức để ngăn chặn thông tin sai lệch, cũng như ngăn chặn việc thông tin sai lệch đang được vũ khí hóa chống lại người dùng và xã hội nói chung”, bức thư viết.
Các tổ chức kiểm tra dữ liệu nói rằng sự thất bại của YouTube trong việc giải quyết thông tin sai lệch đặc biệt trầm trọng ở miền nam toàn cầu, một thuật ngữ chỉ các quốc gia ở Mỹ Latinh, châu Á và châu Phi. Frances Haugen, người từng tố cáo Facebook, đã nhiều lần đề cập đến những lo ngại về việc kiểm soát thông tin an toàn ở các thị trường không sử dụng tiếng Anh.
Các bên ký kết, bao gồm các nhóm kiểm tra dữ liệu ở Ấn Độ, Nigeria, Philippines và Colombia, đã đưa ra các ví dụ về nội dung sai sự thật trên YouTube. Các bên ký kết đến từ hơn 40 quốc gia với nhiều nguồn vốn tài trợ, như Full Fact, một tổ chức từ thiện của Vương quốc Anh, Fact Checker của Washington Post, Maldita của Tây Ban Nha, một tổ chức kiểm tra sự thật; và India Today, một đơn vị trong TV Today Network thuộc sở hữu tư nhân.
Về phần mình, các nguyên tắc cộng đồng của YouTube nêu rõ rằng “một số loại nội dung gây hiểu lầm hoặc lừa đảo có nguy cơ gây hại nghiêm trọng” bị cấm khỏi nền tảng này, bao gồm cả việc quảng bá các biện pháp hoặc phương pháp điều trị có hại và can thiệp bầu cử. YouTube cũng chỉ ra mười quốc gia hàng đầu về video bị xóa, chủ yếu là các quốc gia không nói tiếng Anh như Việt Nam, Ấn Độ và Brazil.
YouTube đã hành động để dập tắt thông tin sai lệch về dịch COVID-19 và vào tháng 10/2020, nền tảng video đã cấm thông tin sai lệch về tiêm chủng COVID-19, ngay sau khi Facebook thực hiện hành động tương tự trên nền tảng của chính mình. Một năm sau, họ cho biết họ sẽ xóa các video lan truyền thông tin sai lệch về tất cả các loại vắc xin.
Trả lời bức thư, Elena Hernandez, người phát ngôn của YouTube, cho biết công ty đã đầu tư rất nhiều vào các chính sách như giảm sự lan truyền của những thông tin nằm bên “ranh giới sai lệch”, một thuật ngữ chỉ nội dung gần - nhưng không hoàn toàn vượt qua - vi phạm các nguyên tắc của nền tảng.
Hernandez cho biết: “Trong những năm qua, chúng tôi đã đầu tư rất nhiều vào các chính sách và sản phẩm ở tất cả các quốc gia mà chúng tôi hoạt động để kết nối mọi người với nội dung có thẩm quyền, giảm sự lan truyền của thông tin sai lệch và xóa các video vi phạm”.
Theo đại diện YouTube, các thông tin sai lệch mà người dùng nền tảng video đã xem vẫn được giữ giới hạn ở mức dưới 1% tổng số lượt xem trên YouTube./.