Những câu chuyện, lời kể giản dị, chân thật mà xúc động của chị Thương dần lan tỏa trong một ngày khi hầu hết các tỉnh thành của đất nước Việt Nam đã hết giãn cách, cuộc sống gần như đã trở lại "bình thường mới", dù con đường chống dịch bệnh vẫn còn dài phía trước, và những bộn bề, lo toan của cuộc sống vẫn còn ngổn ngang... Năm 2021 dần đi qua, nhưng không ai quên được những khoảnh khắc, những ngày tháng "ai ở đâu ở yên đó" và nhiều người đã gặp khó khăn, nhiều người đã vỡ òa trong niềm xúc động khi nhận được sự giúp đỡ, sẻ chia từ những người xa lạ quanh mình.
"Mình không nghĩ nhiều người khó khăn đến vậy, cho đến khi lên Zalo Connect…"
"Mình ở trong một khu chung cư ở Quận 9, TP. HCM. Lúc đó vào cỡ tháng 7/2021, xung quanh mình cuộc sống cũng khá bình thường do Ban quản lý chung cư phòng chống dịch tốt, ít ca nhiễm trong chung cư lắm, nên mình nghĩ mọi người xung quanh không quá khó khăn", chị Thương cho biết.
Tuy nhiên đến lúc nhấn vào banner trên Zalo thì "thôi rồi, cả cái Quận 9 lúc đó là màu cam, mình bấm vào phần danh sách thì thấy ngay trong chung cư mình cũng có người bị viêm tai mà không mua thuốc được, do lúc đó dịch bên ngoài khá ghê, không ai đi đâu mua được gì luôn", chị Thương kể. "Lúc đó mình mới ý thức được là mọi người đang gặp nhiều khó khăn, thậm chí mình đọc thông tin của một vài cư dân xung quanh, như chỗ Phước Long A, Phước Long B rồi đường Bưng Ông Thoàn, nhiều nhà có con nhỏ mà hết tiền mua sữa. Chiều đó mình bàn với chồng trích 2 triệu đồng để giúp đỡ mọi người…"
Cứ thế, câu chuyện sẻ chia, giúp đỡ người khó khăn quanh mình được chị Thương thực hiện cùng với Zalo Connect. Theo chị Thương, Zalo Connect mang lại sự thuận tiện cho người sử dụng ở chỗ, muốn giúp ai có thể giúp trực tiếp đến người đó, không "lằng nhằng đóng góp, đợi mua đồ gì hết".
"Thông thường, đọc các hoàn cảnh khó khăn mà mọi người chia sẻ trên đó, mình thấy ai tội nghiệp là mình giúp. Mình chủ yếu giúp những người có con nhỏ. Mình thấy người lớn đói ăn vài bữa chẳng sao, nhưng trẻ em thiếu sữa, ốm đau thiếu thuốc mình không chịu được, nên mình giúp đỡ họ. Mà lúc đó mình không mua đồ mang tới tận nơi được, do vị trí nhà mình ở chỗ biệt lập, đi ra đi vào mất an toàn cư dân nên mình chọn giúp bằng tiền", chị Thương cho biết. "Mình cũng biết là giúp bằng tiền có thể nảy sinh nhiều vấn đề, như người nhận có thể không sử dụng tiền để mua đồ thiết yếu, hữu ích, nhưng mình nghĩ thôi kệ, giúp nhầm cũng chẳng bao nhiêu và mình cứ nhắn tin, ai rep (trả lời tin nhắn - PV) thì mình chuyển khoản cho họ luôn".
Chị Thương cho biết đã lên group chung cư (nhóm cộng đồng của chung cư trên Facebook - PV), nhắn với mọi người trong chung cư ai có điều kiện hãy lên Zalo Connect giúp đỡ mọi người. "Có anh hàng xóm, ảnh đưa mình hẳn hai triệu đồng, bảo mình là thấy ai khó khăn quá thì giúp họ hộ anh", chị kể. "Mình mang tiền đó đi tặng, mình chia ra mỗi trường hợp 200.000 đồng, ai khó khăn quá mình lại bỏ thêm tiền của mình vào, và mình cũng giúp đỡ được mấy chục trường hợp. Sau đó gia đình mình có người bị dương tính với virus COVID-19, mình bị hết tiền nên mới dừng hoạt động sẻ chia với mọi người".
"Mình tự nhận mình không tốt bụng gì đâu, nếu không phải thấy cảnh mấy đứa nhỏ tội quá thì mình chẳng vậy".
"Dù dịch bệnh và phải ở nhà nhưng mình vẫn làm việc xuyên dịch, do đó gia đình mình không phải quá khó khăn, chỉ là mình không có tiền để giúp nhiều hơn thôi". Ở trong khu chung cư, mình cũng mua quà, góp tiền tặng các cô chú bảo vệ, làm vệ sinh nơi đây. Ngoài ra, mình cũng tham gia chuyển khoản, đóng góp vào quỹ vắc - xin của nhà nước.
Mình chưa bao giờ nghĩ nhiều người khổ vậy cho đến khi đọc những dòng chữ họ viết trên Zalo Connect. Họ viết rất chi tiết, rất cụ thể từng hoàn cảnh, mà còn "sai chính tả tùm lum", nhưng chị Thương đã đọc và thấy "rất cảm động".
"Trong đợt dịch vừa rồi, nhà mình có tận 5 người bị nhiễm COVID-19, lúc đó mình cũng bắt đầu gặp khó khăn, tiền dần vơi hết, nếu không mình sẽ còn tiếp tục giúp đỡ mọi người", chị Thương nói và cho biết gia đình chị có người già 86 tuổi nhiễm COVID-19, nhưng đã chiến thắng và khỏi bệnh.
"Thực sự, giúp mọi người xong mình cũng thấy vui lắm, cảm thấy mình may mắn, còn giúp được người khác là còn may mắn".
Nước xa không cứu được lửa gần
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Thông tin và Truyền thông, MC Phan Anh, một người được biết đến nhiều trong công tác thiện nguyện, cho biết anh mong muốn có một ứng dụng thiện nguyện từ năm 2016. Bởi vì, thông qua quá trình hoạt động thiện nguyện của mình, MC Phan Anh cho biết các hoạt động thiện nguyện rất khó kết nối giữa người cần và người có khả năng giúp, làm sao để giúp đúng địa chỉ nhất, nhanh nhất và đặc biệt là đỡ khó khăn trong khâu minh bạch thông tin.
"Với Zalo Connect, tôi thực sự thấy hữu hiệu", MC Phan Anh nói. "Nước xa không cứu được lửa gần. Nhờ Zalo Connect, tôi biết được xung quanh mình, ai khó khăn, cần giúp đỡ đều có thể lên tiếng, và những người ở gần có thể chia sẻ, hỗ trợ".
MC Phan Anh cho biết ứng dụng chia sẻ yêu thương Zalo Connect tạo điều kiện cho mọi người ở gần nhau, có thể giúp đỡ nhau, giúp người ngay bên cạnh mình chứ không phải đi tìm ai xa xôi.
"Rất vui khi liên lạc được với người cần", MC Phan Anh nói. "Và điều ấm áp nữa là, trong số những người tôi giúp, có khoảng ⅓ những người tôi liên lạc để giúp đỡ đã cảm ơn và cho biết họ đã nhận được phần quà giúp đỡ, vì vậy xin nhường lại phần quà đó cho người khác".
"Tôi cảm thấy rất ấm lòng. Zalo Connect giúp mọi người làm được việc tốt mỗi ngày, cảm thấy như mỗi ngày làm được một việc nhỏ ý nghĩa, dù chỉ là giúp được 1 hoặc 2 người, nhưng thực sự mang lại niềm vui cho chính người giúp đỡ và được giúp đỡ".
Chị Phạm Quyên ở tổ 3, phường Khương đình, Quận Thanh Xuân (Hà Nội) kể vào đầu tháng 8, thời điểm dịch bệnh căng thẳng nhất, có rất nhiều người lao động, học sinh, sinh viên bị kẹt lại Hà Nội khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội 2 tuần, và tiếp tục kéo dài thêm nữa. Rất nhiều người khó khăn đã đăng tin lên Zalo Connect, kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng.
"Lúc này tôi cùng nhóm thiện nguyện Ong Chăm tổ chức quyên góp gạo để phát cho người khó khăn do dịch bệnh. Tiêu chí của nhóm là tìm những người bị kẹt lại trong các khu trọ, người nghèo, người khuyết tật để tặng mỗi người 10kg gạo", chị Phạm Quyên cho biết.
"Tôi đã vào Zalo Connect và tìm được khá nhiều địa chỉ ở xung quanh khu vực mình. Tôi chọn những em sinh viên, công nhân lao động đăng xin hỗ trợ thực phẩm rồi tương tác nhắn tin với họ qua Zalo hỏi xem họ có cần gạo ăn không? Nếu ai cần thì hẹn họ tới điểm phát gạo để lấy, hoặc có trường hợp tôi mang trực tiếp cho họ. Tôi đã gặp những em sinh viên, công nhân ở trong các dãy trọ. Ấn tượng nhất là có cháu sinh năm 2003 bị kẹt lại phòng trọ một mình cả tháng rồi, hết gạo, hết tiền, không thể về quê, cháu phải sống nhờ cô chủ nhà trọ, cô cho gạo, mua rau, và khi được trợ giúp cháu đã rất mừng. Có những trường hợp khi tôi nhắn hỏi thì bạn bảo em "vừa được trợ giúp rồi, chị san sẻ người khác nhé".
Trong câu chuyện của mình, chị Phạm Quyên đã kể về một người bạn thân ở Quận Bình Thạnh, TP. HCM gặp khó khăn, nhà có 6 người nhưng hết thực phẩm, đã nhờ tổ dân phố tiếp tế song chưa nhận được, vì vậy, bạn đã đăng lên Zalo Connect và nhờ trợ giúp. Bạn cũng đã nhận được trợ giúp nhu yếu phẩm ngay vào buổi sáng hôm sau.
Có thể nói trong đợt dịch bệnh vừa qua, Zalo Connect đã giúp rất nhiều người kết nối và nhận hỗ trợ thực phẩm thiết yếu, không ít trong số đó đã gọi xin cầu cứu khắp nơi nhưng chưa nhận được trợ giúp.
"Xúc động nhất là dù những món quà rất nhỏ bé vào ngày thường, như chỉ 10kg gạo, ít trứng, sữa, đường, muối, xì dầu, nhưng trong những lúc khốn khó, người nhận vô cùng cảm kích", chị Phạm Quyên cho biết. "Có những trường hợp, người khó khăn nhận được hỗ trợ đã gọi điện khóc và cảm ơn, vì họ không bao giờ nghĩ mình rơi vào cảnh khốn cùng như vậy. Túi gạo cũng đủ cho gia đình họ cầm cự thêm thời gian, chờ dịch bệnh qua đi".
Zalo Connect giúp mọi người làm việc tốt mỗi ngày...
"Sau này, mình có giúp ai mình sẽ lên Zalo để giúp!", đó là chia sẻ của chị Thương Thương ở chung cư Safira Khang Điền, Quận 9, TP.HCM.
Chị Thương cho biết "rất thích tính năng Zalo Connect ở chỗ nó có thể chia đều các nguồn lực xã hội. Nghĩa là, khi mình đã giúp ai đó rồi, mình đánh dấu giúp rồi, và tất cả mọi người đều có thể thấy, biết người đó đã được giúp, họ có thể tìm và chia sẻ, hỗ trợ khó khăn với người khác".
Khả năng chia sẻ nguồn lực như vậy tránh được tình trạng như một số hoàn cảnh khó khăn sau khi được truyền thông đưa tin, "đùng một cái" có quá nhiều người gửi tiền giúp đỡ, trong khi vẫn còn rất nhiều người khác trong cuộc sống đang gặp khó khăn…
Cũng bày tỏ mong muốn về phương thức chia sẻ, thiện nguyện, MC Phan Anh cho biết muốn có ứng dụng tương tự và tồn tại lâu dài, để mọi người thực hiện các hoạt động thiện nguyện trong đời sống, kết nối những người khó khăn cần giúp đỡ và những người có khả năng giúp đỡ, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, vì khi người khó khăn kêu gọi, sẽ có nhiều người giúp, dồn vào một chỗ dẫn đến quá nhiều, đôi khi gây tác hại, do không biết quản lý tiền, gây lãng phí nguồn lực, chỗ thiếu chỗ thừa. Nhưng với Zalo Connect, giúp được đúng người, đúng đối tượng, đúng cái họ cần! Ứng dụng chia sẻ yêu thương này thực sự gợi lên tình người ấm áp, mọi người dành nhiều thời gian, tiền bạc, công sức, thực phẩm chia sẻ trong khó khăn, đó là cơ hội đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau. MC Phan Anh mong muốn có những ứng dụng lâu dài, giúp đỡ mọi người trong khó khăn, bệnh tật chứ không chỉ trong đại dịch, hay thậm chí là ứng dụng CNTT để có phương tiện, phương thức cứu trợ khẩn cấp trong thiên tai.
Trả lời phỏng vấn của Tạp chí Thông tin và Truyền thông, ông Đặng Quốc Anh, Giám đốc sản phẩm Zalo cho biết dùng công nghệ để thay đổi cuộc sống là một trong những mục tiêu quan trọng của Zalo. Không chỉ đầu tư vào các sản phẩm để phục vụ tốt những nhu cầu hàng ngày, Zalo cũng đồng thời quan tâm đến việc dùng công nghệ để giải quyết các vấn đề xã hội như thiên tai, lũ lụt… Tháng 11/2020, Zalo đã triển khai tính năng "SOS" hỗ trợ người dân vùng lũ, sau khi đi vào hoạt động tính năng đã nhận hơn 10.000 yêu cầu hỗ trợ của bà con vùng lũ chỉ trong một thời gian ngắn và được đánh giá cao. Đây cũng là bước đệm cho các tính năng kết nối cộng đồng của Zalo sau này.
Tháng 7/2021, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 tại TP. HCM ngày càng phức tạp, thành phố phải giãn cách xã hội trong thời gian dài, một số nơi phải phong tỏa khiến vấn đề về kết nối nguồn lực xã hội, giúp đỡ người yếu thế gặp nhiều khó khăn. "Zalo dựa trên 2 giá trị lõi của sản phẩm là "nhắn tin" và "nhật ký" đã nhen nhóm ý tưởng xây dựng tính năng Zalo Connect để cộng đồng gần nhau có thể kết nối và hỗ trợ nhau nhanh chóng", ông Quốc Anh nói và cho biết thêm "trong suốt giai đoạn giãn cách, dựa trên tính năng Zalo Connect trong từng thời điểm chúng tôi đã cho ra đời hàng loạt tiện ích hỗ trợ nhu cầu thiết thực của người dân".
"Đơn cử, giai đoạn tháng 7, 8 chúng tôi tập trung vào tiện ích "Hỗ trợ nhu yếu phẩm và Tư vấn y khoa", tiếp theo khi thành phố siết chặt giãn cách chúng tôi cho ra mắt tiện ích "Đi chợ hộ và cung cấp hàng thiết yếu", và đến mùa tựu trường chúng tôi tiếp tục bổ sung tiện ích "Hỗ trợ đồ dùng học tập" để cộng đồng có thể trao/tặng sách vở, thiết bị học tập... cho các hoàn cảnh khó khăn trong khu vực sinh sống của mình".
Có lo ngại trao nhầm lòng tốt trên Zalo Connect?
Ông Quốc Anh cho biết thách thức lớn nhất khi phát triển Zalo Connect là cần phải cho ra mắt một tính năng đủ tốt trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể để có thể giúp giải quyết vấn đề bức thiết. Nhóm phát triển liên tục nhận feedback (phản hồi - PV) từ người dùng để cải thiện tính năng tốt hơn.
"Khi xây dựng tính năng, chúng tôi cũng đồng thời xây dựng các cơ chế kiểm duyệt để đảm bảo tính xác thực của các yêu cầu. Ban đầu, số lượng các yêu cầu gửi về rất nhiều vì vậy việc xác minh tốn rất nhiều nguồn lực. Sau đó, chúng tôi đã triển khai nhiều phương pháp, thứ nhất chúng tôi sẽ có những thuật toán trên máy có thể tự sàng lọc những hành vi, những từ khóa.... Ngoài ra, chúng tôi còn có các đội ngũ sàng lọc những yêu cầu cần đến sự kiểm duyệt của con người. Hiện tại chúng tôi khá tự tin về mức độ kiểm soát tính chân thực của các yêu cầu", Giám đốc sản phẩm Zalo nói.
"Zalo Connect là tính năng kết nối, giúp những người cần giúp đỡ và những người muốn giúp đỡ có thể gặp nhau dễ dàng hơn", ông Quốc Anh chia sẻ. "Vì vậy, chúng tôi sẽ không can thiệp quá sâu vào việc vận hành, nghĩa là khi người khó khăn và người muốn giúp đỡ gặp nhau trên nền tảng họ có thể có nhiều cách thức để xác minh vì họ ở cùng nhau trong một khu vực địa lý, hoặc có thể thông qua việc trao đổi với nhau, chụp hình, quay phim,...".
Trong khi đó, chia sẻ về việc có "sợ bị lừa, giúp nhầm người" qua Zalo, MC Phan Anh cho biết "dù không tuyệt đối, song người dùng Zalo đều phải có số điện thoại. Giờ đây, tình trạng SIM rác không còn nhiều nữa, mỗi người dùng di động đều đã phải định danh thông tin người dùng với nhà mạng, vì vậy cũng hạn chế được tình trạng giả vờ kêu khó kêu khổ của một số đối tượng lừa đảo".
Kể với phóng viên, chị Thương Thương ở TP. HCM cho biết đã "không xác minh" các trường hợp chị nhắn tin và gửi trợ giúp trên Zalo. "Mình thấy ai cũng khó khăn hết, mình cũng chẳng giúp nhiều. Ngoài ra, mình xem Zalo của họ là biết họ không lừa. Thứ nhất, họ đã lập tài khoản Zalo từ lâu rồi, thứ hai, họ cũng hay post (đăng - PV) hình con cái lên. Chẳng ai mà lại chuẩn bị cho tình huống lừa đảo như này mấy năm trước hết", chị Thương chia sẻ.
"Nhiều người khi mình giúp đỡ, họ sợ mình không tin là họ gặp khó khăn thật sự hoặc dùng tiền mua nhu yếu phẩm, sau khi nhận tiền rồi, họ mua gì đều chụp ảnh và gửi lại cho mình. Họ cũng công khai cả địa chỉ lên trên Zalo, thật sự nếu không có việc cần kíp, họ không công khai hết cả số điện thoại rồi địa chỉ đâu", chị Thương nói với phóng viên Tạp chí.
Kể về hoàn cảnh của một người mà chị đã giúp đỡ qua nền tảng Zalo Connect, chị Thương cho biết "anh bị ốm nhưng hết tiền mua thuốc. Sau khi gửi anh tiền mua thuốc, anh đã "gửi nguyên toa thuốc cho mình xem".
"Tóm lại là mình rất vui, nhờ có Zalo Connect mình đã giúp được đúng người đúng việc", chị Thương chia sẻ. "Anh đó bị thận giai đoạn cuối, mình xem xong mà mình thương cảm rớt nước mắt đó".
"Thật sự là mình thấy mọi người rất thiệt thà, kêu gọi cộng đồng sẻ chia, giúp đỡ trên nền tảng Zalo, nhưng còn không bật chế độ nhận tin của người lạ, nên mình chẳng nghĩ ai đi lừa đảo mà như vậy hết á", chị Thương bộc bạch khi được hỏi "có sợ bị lừa khi giúp đỡ người lạ qua Zalo".
Ông Quốc Anh cho biết trong quá trình vận hành, có rất nhiều phản hồi rằng họ đã được nhiều người giúp đỡ trên Zalo Connect và muốn xin xóa các yêu cầu để nhường cho người khác. "Trong suốt giai đoạn triển khai Zalo Connect, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều hành động đẹp đẽ từ cả người cần giúp lẫn người đi giúp. Những người xấu chỉ là một bộ phận thiểu số và chúng tôi đã cố gắng hết sức để hạn chế các trường hợp này".
Zalo sẽ tiếp tục phát triển nhiều tính năng hỗ trợ cộng đồng
Thời gian đầu Zalo Connect được triển khai tại TP. HCM sau đó nhận được rất nhiều phản ứng tích cực của cộng đồng và một số địa phương đã sử dụng thông tin từ Zalo Connect để giúp đỡ và hỗ trợ người dân khó khăn trong dịch bệnh.
Thông qua nền tảng Zalo Connect, hệ thống ghi nhận 100.000 trường hợp khó khăn được hỗ trợ. Tuy nhiên, theo đánh giá chủ quan của Giám đốc sản phẩm, thì con số thực tế sẽ lớn hơn nhiều lần do có nhiều nhà hảo tâm không thực hiện đánh dấu đã giúp trên bản đồ. Tiện ích "Đi chợ hộ và cung cấp hàng thiết yếu" cũng đã thu hút hơn 50.000 điểm cung cấp hàng thiết yếu, giúp đỡ hàng triệu người tiếp cận lương thực, nhu yếu phẩm dễ dàng.
Đội ngũ Zalo bày tỏ mong muốn có thể tận dụng những thế mạnh về công nghệ của Zalo để hỗ trợ, kết nối người dùng đặc biệt là trong những như thiên tai/thảm họa/ dịch bệnh.
"Zalo Connect là tính năng dựa trên ý tưởng cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau, cùng vượt qua những tình huống khẩn cấp và bất khả kháng như thiên tai/ thảm họa/ dịch bệnh. Rất nhiều người đã chia sẻ niềm vui khi giúp đỡ được những người xung quanh và cũng có rất nhiều người đã được giúp đỡ nhờ Zalo Connect. Đó cũng là niềm vui của những người làm sản phẩm như chúng tôi. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển thêm nhiều tính năng trên Zalo Connect hoặc các tính năng trên Zalo để hỗ trợ cộng đồng", Giám đốc sản phẩm Zalo chia sẻ.
Không hiểu sao khi viết bài này, trong lòng người viết lại thầm ngân lên câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi…".
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số đặc biệt chào năm mới 2022 - Xuân Nhâm Dần)