203 cuộc tấn công vào hệ thống thông tin Việt Nam trong tháng 4

Lan Phương| 08/05/2020 15:04
Theo dõi ICTVietnam trên

Do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, lợi dụng tình hình dịch và sự quan tâm của toàn xã hội đối với vấn đề này, các đối tượng tấn công mạng vẫn tiếp tục tăng cường phát tán, lây nhiễm mã độc.

Theo số liệu của Bộ TT&TT, 4 tháng đầu năm 2020 đã ghi nhận 203 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, trong đó có 43 cuộc tấn công giả mạo (phishing), 89 cuộc tấn công thay đổi giao diện (deface), 71 cuộc tấn công bằng mã độc (malware), giảm 28,0% so với tháng 03/2020, giảm 68,2% so với cùng kỳ tháng 04/2019. Số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet là 2.105.934 địa chỉ, tăng 145,5% so với cùng kỳ tháng 04/2019.

Đồng thời, ghi nhận một số mạng botnet như Necurs, Avalanche hoạt động trở lại, khiến cho số lượng địa chỉ IP nằm trong các mạng botnet này tăng mạnh.

4 tháng đầu năm 2020, 203 cuộc tấn công vào hệ thống thông tin Việt Nam - Ảnh 1.

Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia

Bộ TT&TT đã đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dùng biết và phòng tránh; đồng thời tăng cường công tác giám sát, điều hành các nhà mạng phát hiện và ngăn chặn.

Về tỷ lệ thông tin tiêu cực về đất nước, con người Việt Nam, theo Bộ TT&TT, tỷ lệ này trong tháng 04/2020 là 8,15%, giảm nhẹ so với tháng trước (8,97%). Nguyên nhân chủ yếu do người dân có thêm niềm tin mạnh mẽ vào Chính phủ đã hành động rất quyết liệt để bảo vệ sức khỏe của người dân trước dịch Covid-19.

Địa phương tăng cường chỉ đạo, thực hiện bảo đảm ATTT

Cũng theo Bộ TT&TT, trong 4 tháng đầu năm 2020, các địa phương tăng cường chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ATTT trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Hệ thống mạng và các trang thông tin điện tử của các địa phương hoạt động ổn định, duy trì tốt chế độ trực và giám sát 24/7.

Cụ thể, các địa phương đã đẩy mạnh thực hiện đảm bảo ATTT. An Giang, Bình Định tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đội ứng cứu khẩn cấp sự cố ATTT mạng. An Giang phối hợp Viettel xây dựng các phương án triển khai thí điểm hệ thống giám sát ATTT (miniSOC) trên địa bàn tỉnh.

Trong khi đó, Đà Nẵng đã xây dựng các kịch bản ứng phó sự cố ATTT; thực hiện sao lưu dự phòng mã nguồn, cơ sở dữ liệu; cảnh báo và hỗ trợ các cơ quan, địa phương xử lý, khắc phục lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng trên hệ điều hành Windows 10, Windows server 2012, 2016, 2019.

Tỉnh Cao Bằng đã triển khai nhiệm vụ xây dựng Hệ thống phòng chống mã độc mô hình tập chung của tỉnh. Trà Vinh tổ chức 02 lớp tập huấn ATTT cho Đội Ứng cứu khẩn cấp sự cố máy tính là lãnh đạo, cán bộ phụ trách CNTT các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố. Bình Dương chấn chỉnh công tác quản lý, bảo quản, sử dụng chữ ký số chuyên dùng.

Hai tỉnh Bình Phước, Bạc Liêu và TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ triển khai, cung cấp SimPKI phục vụ kiểm thử, cấu hình thiết bị ký số. Hai tỉnh Quảng Trị, Kon Tum đã ban hành Quy chế quản lý và sử dụng chữ ký số, chứng thư số chuyên dùng trên địa bàn tỉnh; triển khai kế hoạch ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong hoạt động các cơ quan nhà nước tỉnh giai đoạn 2017-2020.

TP. Hà Nội kích hoạt hệ thống giám sát cộng đồng bằng GPS theo dõi dịch Covid-19. Ứng dụng Hà Nội Smart City giúp cơ quan chức năng theo dõi, giám sát các hoạt động của những người đang điều trị Covid-19, những người cách ly tập trung, cách ly tại nhà.

Tỉnh Cần Thơ xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện thí điểm trung tâm giám sát ATTT (SOC). Bắc Kạn, Đà Nẵng cảnh báo và hướng dẫn biện pháp phòng ngừa cho các cơ quan, đơn vị về nguy cơ mất ATTT từ phần mềm họp trực tuyến Zoom.

Tỉnh Khánh Hòa thiết lập chứng thư số bảo mật SSL cho các tên miền cấp 4 thuộc tên miền khanhhoa.gov.vn không lưu trữ tại Trung tâm Dữ liệu tỉnh; cảnh báo các lỗ hổng bảo mật của Microsoft Sharepoint; cảnh báo nguy cơ mất ATTT khi sử dụng mật khẩu dễ đoán đối với tài khoản thư điện tử công vụ.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
203 cuộc tấn công vào hệ thống thông tin Việt Nam trong tháng 4
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO