3 điểm nghẽn trong huy động vốn của DN công nghệ số

Hoàng Linh| 21/12/2022 16:07
Theo dõi ICTVietnam trên

Một trong các giải pháp then chốt góp phần hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ số và kỳ lân công nghệ số là huy động vốn và phát triển thị trường, sản phẩm cho DN công nghệ số.

Ngày 21/12, Bộ TT&TT tổ chức Hội thảo "Phát triển kỳ lân công nghệ số Việt Nam" cùng với các bộ, ngành, địa phương, DN và chuyên gia nhằm tập trung thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ cho DN công nghệ số về hai nội dung này.

Hiện trạng phát triển kỳ lân công nghệ số và những hỗ trợ từ chính phủ

Theo Cục Công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT), tính đến tháng 7/2022, có 1.191 kỳ lân (unicorn) trên khắp thế giới. Tính chung, các kỳ lân được định giá hơn 3.854 tỷ USD. Các cựu kỳ lân nổi tiếng bao gồm Airbnb, Facebook và Google. Các biến thể khác gồm "Decacorn" đề cập DN khởi nghiệp có giá trị hơn 10 tỷ USD và "Haocorn" có giá trị hơn 100 tỷ USD.

Các kỳ lân trong giai đoạn này đã huy động được 565 tỷ USD vốn, trong đó 37% tổng số tiền đến từ 52 decacor. Các kỳ lân tập trung ở Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, nơi có khoảng 80% trụ sở chính (và 80% số tiền huy động được) và phần còn lại có trụ sở tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

Giai đoạn 2016 - 2021 đã có 106 DN kỳ lân hoạt động trong lĩnh vực AI, học máy, phân tích dữ liệu và robot tự động hoá.

Khu vực Đông Nam Á, đến năm 2022 có khoảng 30 kỳ lân công nghệ gồm: Bigo, Bukalapak, Gojek, Grab, Lazada, Razer, OVO, Sea Group, Taveloka, Tokopedia, VNG, và VNPay… Trong số này, Grab của Singapore và Gojek của Indonesia được gọi là siêu kỳ lân khi được định giá trên 10 tỷ USD.

Khác với các kỳ lân của Mỹ hay Trung Quốc, các kỳ lân Đông Nam Á chủ yếu giải quyết bài toán xã hội tập trung vào thương mại điện tử (TMĐT), du lịch, gọi xe, giao đồ ăn nhanh… Đặc điểm chung là mặc dù xuất phát từ những nền tảng khác nhau, tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của các kỳ lân này đều giống nhau là thu hút thêm người dùng vào nền tảng của mình bằng cách bổ sung thêm các dịch vụ.

Singapore hỗ trợ startup từng giai đoạn, rõ ràng, minh bạch. Singapore có nhiều chương trình như chương trình thương mại hóa DN công nghệ (TeCs); Chương trình nhà DN trẻ cho trường học; Chương trình phát triển vườn ươm (IDP); Quỹ khởi nghiệp (Giai đoạn đầu kinh doanh) (ESVF); Chương trình ươm tạo công nghệ (TIS); iSTART: Chương trình ACE (Tăng tốc và xúc tác DN dành cho khởi nghiệp công nghệ đến 250.000 đô la Singapore (50% lương cho 5 nhân viên kỹ thuật).

Indonesia là nơi đặt trụ sở của 8 startup kỳ lân - công ty khởi nghiệp, có giá trị trên 1 tỷ USD, gồm: Tập đoàn công nghệ GoTo Group (trên cơ sở sáp nhập GoJek và Tokopedia), 2 sàn TMĐT Bukalapak và JD.id, công ty chuyển phát nhanh J&T Express, trang du lịch Traveloka, ví điện tử OVO, cổng thanh toán Xendit và nền tảng giao dịch trực tuyến Ajaib.

Indonesia thành lập quỹ NextlCorn nhằm tạo cơ hội cho các startup trưởng thành hơn tiếp cận với nguồn vốn tăng trưởng và hỗ trợ công nghệ và tiếp thị. Mục tiêu Indonesia là có ít nhất 20 kỳ lân vào năm 2025.

Trong khi đó, các kỳ lân của Trung Quốc chủ yếu tập trung vào 13 lĩnh vực, với gần 1 nửa số kỳ lân tập trung vào 4 ngành công nghiệp, dịch vụ, truyền thông và giải trí, vận tải và ô tô, và công nghệ tài chính (fintech). Năm 2015, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện chiến lược "phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp", bao gồm chính phủ, các tập đoàn, quỹ chính phủ quỹ đầu tư mạo hiểm, các trường đại học và viện nghiên cứu, tất cả đều được liên kết trực tiếp với nhau để từng bước xây dựng một hệ sinh thái đổi mới.

Trong khi đó, Việt Nam có 4 kỳ lân công nghệ gồm VNG, Sky Mavis, VNLife và MoMo, tập trung vào 2 lĩnh vực là trò chơi trực tuyến và công nghệ tại chính. Các cận kỳ lân và các startup triển vọng là: Tiki (TMĐT), giao hàng tiết kiệm, giao hàng nhanh, Trusting Social (khai thác dữ liệu lớn và học máy); Kyber Network (cung cấp sàn giao dịch phi tập trung); Kiot Viet (quản lý giao hàng)…

Ngoài, ra một số startup đáng chú ý từ Việt Nam đã mở rộng ra nước ngoài, bao gồm Topica (công nghệ giáo dục), Haravan (giải pháp TMĐT), Ecomobi (Bán hàng xã hội) và UpGen (không gian làm việc chung).

Năm 2021, tại Việt Nam có 5 lĩnh vực khởi nghiệp hàng đầu thu hút được nguồn vốn lớn nhất là công nghệ tài chính hay "fintech" (26,6%), TMĐT (20,3%); công nghệ giáo dục hay "edtech" (17,2%), công nghệ y tế hay "healthtech" (7,8%), và phần mềm dịch vụ (6,3%).

Tuy nhiên, theo nhận định của Cục Công nghiệp CNTT-TT, những tồn tại, hạn chế phát triển kỳ lân tại Việt Nam đó là: Hỗ trợ từ chính phủ chưa nhiều (thuế, vốn, nghiên cứu phát triển, cơ chế thử nghiệm (sandbox), thu hút lao động nước ngoài cho khởi nghiệp sáng tạo…. Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp và hỗ trợ DN chưa đáp ứng yêu cầu: vườn ươm, quỹ đầu tư, trường đào tạo….

Nội tại các startup để vươn tới thành kỳ lân còn hạn chế: Mô hình kinh doanh chưa đột phá, trình độ nhân lực, khả năng kết nối với nhà đầu tư. Mặt khác chưa có cơ chế, chính sách phát triển cơ chế gọi vốn cộng đồng, thu hút quỹ đầu tư mạo hiểm hiệu quả.

Cần có chính sách hỗ trợ cho DN

Theo Cục Công nghiệp CNTT-TT, các chương trình, chính sách phát triển DN công nghệ số Việt Nam hiện nay gồm: Luật hỗ trợ DN vừa và nhỏ; Nghị định số 39/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa; Pháp luật về đầu tư; Quyết định số 38/2020/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; Chương trình chuyển đổi số quốc gia; Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 về thúc đẩy phát triển DN công nghệ số Việt Nam.

Hiện nay với sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ 4.0 như AI, IoT, blockchain,… các nước lớn trong khu vực và trên thế giới đều có các chiến lược và chính sách để phát triển kỳ lân công nghệ, coi đây là động lực cho tăng trưởng của kinh tế số. Theo kinh nghiệm các nước, để hình thành các DN kỳ lân rất cần có chính sách hỗ trợ cho DN trong từng giai đoạn phát triển và có đầu tư có trọng điểm, chọn lọc các DN tiềm năng để hỗ trợ phát triển.

Nhận thức được tầm quan trọng xu hướng này, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 1937/QĐ-BTTTT ngày 21/10/2022 về Kế hoạch xây dựng "Đề án đánh giá, ươm tạo phát triển kỳ lân công nghệ số Việt Nam". Việc phát triển kỳ lân công nghệ số Việt Nam cũng nhằm triển khai Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển DN công nghệ số Việt Nam trong đó tập trung vào phát triển DN công nghệ số lớn mạnh Make in Viet Nam, đủ sức cạnh tranh các nước trong khu vực, khai thác thị trường gần 100 triệu người và các bài toán đặc thù của Việt Nam trong các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, y tế, giáo dục, tài chính, tài nguyên, môi trường,... và vươn ra thế giới.

Theo Cục công nghiệp CNTT-TT, trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế với những yếu tố quan trọng nhất trong hình thành kỳ lân công nghệ, cùng với hiện trạng chính sách của Việt Nam có thể tập trung vào 2 yếu tố như sau: Cơ chế tài chính để phát huy tiềm năng của các kênh huy động nguồn vốn đầu tư cho các DN công nghệ số trong việc phát triển, hình thành kỳ lân trong đó có cơ chế gọi vốn cộng đồng và quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ DN kỳ lân phát triển; Cơ chế thử nghiệm sản phẩm, mô hình kinh doanh mới để hỗ trợ cho startup có ý tưởng.

DN công nghệ số rất khát vốn

Bà Mai Thị Thanh Bình, chuyên gia nghiên cứu Ban CNTT, Viện Chiến lược TT&TT, Bộ TT&TT, cho biếttrong 2 năm trở lại đây, vấn đề huy động vốn của các DN công nghệ số tiếp tục trở thành chủ đề được đưa ra thảo luận nhiều, bởi nền kinh tế của cả thế giới và Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến lạm pháp gia tăng, bất ổn chính trị, khủng hoảng an ninh năng lượng…

"Vì vậy, việc bảo đảm cho các DN có thể duy trì tồn tại, trụ vững trong giai đoạn khó khăn này và phát triển trong tương lai là vấn đề thực sự quan trọng của giai đoạn hiện nay", bà Mai Thanh Bình nhấn mạnh.

Liên quan đến nhu cầu huy động vốn của các DN công nghệ số, theo báo cáo mới nhất của Bộ TT&TT, đến cuối năm 2022, tổng số DN công nghệ số Việt Nam đã là 70.000 DN và mục tiêu đến năm 2030 con số này sẽ là 100.000. Tính bình quân, mỗi năm tối thiểu phải phát triển được 4.500 DN công nghệ số mới.

Song theo nghiên cứu, tìm hiểu số liệu từ Tổng cục Thuế, riêng quý I/2022 đã có 1.000 DN hoạt động trong lĩnh vực TT&TT đã phải giải thể hoặc phá sản, 2.000 DN phải tạm dừng hoạt động. Như vậy, số lượng DN cần phát triển mới hàng năm sẽ rất lớn. Do vậy, bài toán đặt ra là làm thế nào để duy trì, gia tăng số lượng cũng như đảm bảo để các DN thực sự hoạt động hiệu quả là vấn đề mà các nhà quản lý, hoạch định chính sách cần quan tâm.

Đề cập đến các DN công nghệ số, bà Bình cho biết có thể thấy, phần lớn các DN công nghệ số Việt Nam là các DN nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ. Đa phần các DN đang trong giai đoạn khởi nghiệp, các sản phẩm, dịch vụ mà họ cung cấp còn chưa đủ độ chín để có thể phát triển, chiếm lĩnh thị trường 100 triệu dân trong nước.

Theo Sách trắng DN năm 2022 của Tổng cục Thống kê - Bộ KH&ĐT, bình quân giá trị nguồn vốn của 1 DN hoạt động trong lĩnh vực TT&TT là hơn 44 tỷ đồng. Giá trị tài sản cố định và đầu tư dài hạn của các DN công nghệ số hiện nay vẫn đang ở mức thấp, xếp thứ 10 trong tổng số 15 ngành sản phẩm, dịch vụ.

Do nhiều yếu tố như trên, nên khi tìm hiểu định vị DN công nghệ số Việt Nam ở đâu trên bản đồ thế giới, bà Bình cho rằng, trong giai đoạn ảnh hưởng dịch COVID-19 và hậu COVID-19, trên thế giới số DN công nghệ số trở thành "kỳ lân" công nghệ khá lớn. Tuy nhiên, ở Việt Nam, số lượng DN trở thành kỳ lân còn ít.

Có thể thấy các DN công nghệ số Việt Nam đang rất khát vốn để hoạt động. Theo thống kê của một tổ chức quốc tế, 29% các DN công nghệ số phải đóng cửa, ngừng hoạt động là do không còn vốn để hoạt động. 90% các DN công nghệ số gặp phải thất bại với ý tưởng kinh doanh của mình, trong đó phần lớn sẽ diễn ra trong giai đoạn từ năm thứ 2 và năm thứ 5 của quá trình phát triển DN.

3 điểm nghẽn trong việc huy động vốn của DN

Cũng theo bà Mai Thanh Bình, có 3 điểm nghẽn trong việc huy động vốn của DN công nghệ số, đó là rủi ro tín dụng cao, tài sản thế chấp vô hình và không chắc chắn về tương lai.

Rủi ro tín dụng cao là bởi vì không ai biết chắc được sản phẩm, dịch vụ công nghệ số đưa ra thị trường có được người dùng tiếp nhận hay không, hoàn toàn là ý tưởng, cho nên khả năng thành công khó đoán định.

Thứ hai là tài sản thế chấp vô hình, tài sản cố định và đầu tư dài hạn của DN công nghệ số rất thấp. Trong khi giá trị vô hình là sở hữu trí tuệ, hay như giá trị của các tài sản số hiện nay quy định pháp luật còn thiếu… vì thế, gây khó khăn cho các DN công nghệ số khi tiếp cận nguồn vốn.

Thứ ba là sự không chắc chắn về tương lai. Bởi lẽ, việc đưa sản phẩm công nghệ ra có được thị trường đón nhận hay không, có phát triển tốt không thì không ai có thể biết trước được.

"Đây là những vấn đề nóng và nghẽn của việc huy động vốn của các DN công nghệ số Việt Nam", bà Bình cho hay.

Không chỉ vấn đề vốn mà các startup, DN công nghệ số có đối mặt với nhiều khó khăn về không gian làm việc, huấn luyện, đào tạo, truyền thông.... Trước những khó khăn của startup, DN công nghệ số trong hoạt động, đại diện BKAV Global đề xuất Bộ TT&TT có thể thành lập một tổ chức có thể là hiệp hội, câu lạc bộ đứng ra làm đầu mối để các DN công nghệ số, startup có thể tiếp cận, được tư vấn, được hỗ trợ nguồn vốn từ các bộ, ngành, hỗ trợ cho DN công nghệ số đi ra toàn cầu.

3 điểm nghẽn trong việc huy động vốn của DN công nghệ số - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa: khung pháp lý cho Khu CNTT tập trung sẽ được điều chỉnh để phần nào hỗ trợ các startup

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục công nghiệp CNTT-TT cho biết tại các khu CNTT tập trung có không gian cho các startup. Trong thời gian tới, khung pháp lý cho Khu CNTT tập trung sẽ được điều chỉnh để phần nào hỗ trợ các startup.

Theo bà Bùi Thu Thuỷ, Cục Phát triển DN, Bộ KH&ĐT, nhiều DN khởi nghiệp gặp khó khăn bởi có quá nhiều quy định pháp lý, thậm chí họ có xem mà không làm được gì nhiều nên họ không có nhu cầu xem nữa.

"Hiện nay, nhiều vườn ươm tư nhân ra đời, không chỉ cho thuê bất động sản mà có bộ phận huấn luyện, tư vấn rất tốt. Mong các cơ quan nhà nước hỗ trợ phối hợp với vườn ươm tư nhân để hỗ trợ DN, startup", bà Thủy cho hay./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
3 điểm nghẽn trong huy động vốn của DN công nghệ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO